
Từ danh hiệu đến tệ nạn
-
Một đất nước chưa đến 100 triệu dân, nhưng hàng năm có tới 3,4 cuộc thi sắc đẹp dù trên bản đồ nhan sắc thế giới, Việt Nam chẳng khi nào có được một vị trí nổi bật thật sự.
Vậy việc tìm kiếm những gương mặt đẹp cho đất nước có ích lợi gì hay chỉ là hình thức dùng danh hiệu để tiến thân của không ít người đẹp hiện nay?
Loạn các cuộc thi
Nếu trước đây, việc 2 năm chỉ tổ chức một lần cuộc thi hoa hậu Việt Nam – nơi sắc đẹp và trí tuệ của người phụ nữ được tôn vinh, không chỉ là dịp để những cô gái hội tụ đủ cả vẻ đẹp của hình thức và có nhân cách tham dự với tâm niệm là một cuộc đua để thể hiện mình mà cả đến người dân cũng hết sức quan tâm.
Họ trông đợi vào tin tức của BTC về thời gian phát sóng chương trình chung kết, hồi hộp trong từng vòng thi của thí sinh và vui mừng khi biết Việt Nam có thêm một gương mặt đại diện xứng đáng.
Nhưng hiện nay, việc tìm kiếm những nhan sắc nổi bật từ các cuộc thi sắc đẹp hàng năm đã thành thông lệ. Có lẽ không chỉ đơn thuần với những lí do hết sức ngây ngô của một vài danh hiệu trước đây rằng: vô tình được biết đến cuộc thi hay có người rủ thì đi cho vui, người đẹp ngày nay đã biết việc “có sắc đẹp đã là một tài năng ” và họ cũng ngầm hiểu với nhau: “Hồng nhan bạc tỉ” là có thật nếu đăng quang.
Hoa hậu Việt Nam không còn là chương trình đáng danh giá và đáng trông đợi nhất của khán giả (Ảnh: báo Công Lí)
Bởi vậy, các cuộc thi sắc đẹp mọc lên nhiều như nấm mọc sau mưa. Từ Tìm kiếm gương mặt sinh viên, Hoa khôi áo dài đến Người mẫu Việt Nam, Gương mặt thương hiệu,... cuộc thi, chương trình nào cũng thu hút được đông đảo sự quan tâm và tham gia của nhiều thí sinh. Nhiều người khi đã trở thành nhân vật chính trong những kịch bản sắc đẹp truyền hình còn xem các cuộc thi là những cuộc đấu, bạn cùng thi đôi khi cũng chính là đối thủ đáng gờm đe dọa cơ hội chiến thắng của mình.Thậm chí, nếu giám khảo có những góp ý thẳng thắn, thí sinh hoàn toàn có cơ hội “bật” lại một cách xấc xược để thể hiện cái tôi của mình.
Khán giả Việt đang thực sự bội thực và ngán ngẩm bởi quá nhiều cuộc thi sắc đẹp, nhất là những “gia vị”vô duyên được “nêm” có phần quá tay từ sự hơn thua, những trò lố bịch của thí sinh nhằm thu hút dư luận hay kết quả cuộc thi có phần mập mờ, thiếu công tâm của giám khảo. Không một cuộc thi, chương trình sắc đẹp nào kết thúc mà không có sự thắc mắc, tranh cãi, mổ xẻ. Khán giả chẳng còn bận tâm đến việc ai đăng quang, ai thua cuộc. Chỉ còn những câu nói bộc phát , gay gắt và danh xưng thảm họa của những nhân vật trong các cuộc thi ấy là được cộng đồng mạng... lưu truyền mãi.
Góc khuất của vương miện
Có người cho rằng: Không ở đâu như Việt Nam, hoa hậu cũng được xem là một nghề. Điều này sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu chủ nhân của những chiếc vương miện đó vừa hoàn thành trách nhiệm của mình với đất nước, vừa biết phát huy những khả năng về trí tuệ và năng khiếu của mình để lập nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều hoa hậu sau khi đăng quang vẫn tiếp tục công việc mình yêu thích và có một cuộc sống không tai tiếng, xô bồ. Thậm chí, họ trở thành những trí thức, doanh nhân thành công và có vị trí nhất định trong xã hội.
Khi những phát ngôn có phần cảm tính của Ngọc Trinh – hoa hậu của một cuộc thi chẳng có tiếng tăm gì trên đất Mỹ quan niệm về giá trị của tiền bạc, tình yêu,... bị công chúng phản đối dữ dội, danh hiệu “chân dài não ngắn” ra đời được phong tặng cho bất kì ai có chút nhan sắc nhưng mang nặng lối sống thực dụng. Có lẽ cũng từ Ngọc Trinh hay sau này là người đẹp Mỹ Xuân từng rơi vào vòng lao lý khi tham gia đường dây mại dâm cao cấp, người ta mới thực sự quan tâm hơn cả đến sợi dây liên kết giữa những chiếc vương miện và con đường đi đến sự tha hóa về lối sống của một bộ phận người đẹp.
Hoa hậu Phương Nga xuất hiện với vai trò bị cáo trong một phiên tòa xét xử (Ảnh: VietnamNet)
Tuy nhiên, số đông người đẹp hiện nay dường như đang xem một phát ngôn đã cũ của hoa hậu Thu Thủy: “Có sắc đẹp đã là một tài năng” là một tôn chỉ cho con đường tiến thân dễ dàng của mình. Nhiều người quan tâm đến vụ kiện tụng rắc rối giữa đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga chắc hẳn vẫn ở trong tâm trạng vừa buồn cười vì thói đời bóc bánh trả tiền lại vạch áo cho người xem lưng lại vừa băn khoăn bởi một điều: Được vinh danh trong một cuộc thi hoa hậu cấp... ao làng mà cũng có giá đến vậy sao?
Mới đây, dư luận lại xôn xao với những thông tin một đường dây mại dâm gồm người mẫu, diễn viên, hoa khôi... sa lưới. Người ta lâu nay vốn bàng hoàng vì những tin tức trộm cướp, địch họa, bệnh tật thì nay lại có thêm một cú sốc mới về nhân cách từ những “người của công chúng”. Liệu có phải đồng tiền đã phủ bóng hết lên những chiếc vương miện danh giá?
Hay phải chăng những cuộc thi sắc đẹp cứ liên tiếp ra đời chỉ nhằm tăng thêm những sự lựa chọn cho các đại gia chán cơm thèm phở và những người đẹp buông thả, dễ dãi, sống “bám” vào danh hiệu?
Các "người đẹp" sa lưới cơ quan điều tra vì hành vi bán dâm, Ảnh: TL
Cũng xuất hiện trong phiên tòa xét xử với vai trò là những bị cáo, Trương Hồ Phương Nga có thể mạnh mẽ tranh luận, phản bác một cách sắc sảo với luật sư và những bên liên quan hay khóc lóc thể hiện sự yếu đuối, hối lỗi của các những người đẹp gần đẹp gần đây sập bẫy trong cuộc truy quét nạn mại dâm của công an, đều để lại những cái nhìn tiêu cực cho phần đông dư luận xã hội. Họ tiếc nuối cho một nhan sắc trời cho hiếm thấy nhưng lại thở dài vì những cách kiếm sống “ăn xổi ở thì” vốn đầy rẫy thị phi và đáng khinh bỉ trong xã hội.
Nhiều người đẹp khi nói về mình thường tự hào: “Em đẹp, em có quyền” và coi việc sử dụng danh hiệu cao quý như một công cụ để kiếm tiền hiệu quả. Sau những cuộc vui thú, hay thậm chí là sau những lần hành nghề theo đúng những gì mà những người đẹp bán dâm đã làm, có được những món đồ xa xỉ, những chuyến đi chơi xa hoa, một cuộc sống nhung lụa được cung phụng hay chỉ đơn giản là có tiền nuôi em ăn học là những sự tủi nhục của chính bản thân và cao hơn là sự đả kích, chế nhạo của xã hội.
Có sắc đẹp đã là một lợi thế, đạt được danh hiệu cao trong các cuộc thi lớn cũng chính là một đòn bẩy quan trọng để giúp mình sớm thành công một cách chân chính. Đừng thụ động là một hồng nhan chỉ biết đào những gì tự có của thân xác để trở nên giàu có mà hãy trở thành một người đẹp có nhân cách, trách nhiệm và trí tuệ trong lòng mọi người.
Ngọc Huyền

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
