Giá điện tăng thế nào từ ngày 1/12?

22/04/2020, 23:29

Giá điện tăng thế nào từ ngày 1/12? - Sau hơn 2 năm giữ giá ổn định, từ hôm nay 1/12, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức hơn 1.720 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với giá bán hiện hành.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức hơn 1.720 đồng một kWh từ 1/12.

Bộ Công Thương vừa chính thức công bố mức tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2017. Giá điện mới được điều chỉnh là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622 đồng/kWh). Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các bậc thang cũng thay đổi theo kể từ hôm nay.

Mức giá bán lẻ điện bình quân 1.622,01 đồng/kWh được áp dụng từ tháng 3/2015 đến nay. Theo đó, giá điện được chia thành 6 bậc thang, dùng càng nhiều giá càng cao.

Trong đó, khách hàng dùng từ 0-50 số điện sẽ được hưởng mức giá rẻ nhất là 1.484 đồng/số. Còn khách hàng dùng từ 401 “số điện” trở lên phải chịu mức giá cao gấp 1,74 lần so với mức giá rẻ nhất, lên tới 2.587 đồng/số điện.

Giá điện áp dụng từ tháng 3/2015 đến nay.

Việc tăng giá điện lần này, theo một số chuyên gia kinh tế là có thể dự đoán được do đã gần 3 năm giá điện chưa tăng, kể từ thời điểm tháng 3/2015. Điều này có thể gây nên mất cân bằng tài chính cho EVN và khó thu hút vốn đầu tư phát triển nguồn điện mới.

Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ.

Theo dự thảo của Bộ Công Thương về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (sẽ được trình Thủ tướng), biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn chia thành 6 bậc, có mức giá tăng dần, càng dùng nhiều giá càng cao.

Cụ thể, từ 0 - 50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51 - 100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101 - 200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201 - 300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301 - 400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.

Như vậy, với mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được điều chỉnh là 1.720,65 đồng/kWh, giá điện mới theo từng bậc thang có thể ước tính thay đổi cụ thể như sau:

Nhìn vào giá điện mới này, nhiều người dân không khỏi lo lắng, nhất là những hộ gia đình nghèo. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhất là với doanh nghiệp sử dụng nhiều điện năng thì việc tăng giá điện gây lo ngại phát sinh chi phí sản xuất, từ đó tác động tới giá thành sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chiều 1/12, Bộ Công Thương tổ chức họp báo về việc điều chỉnh giá điện lần này. Dư luận mong đợi ngành điện và Bộ Công Thương sẽ làm rõ hơn những thông tin liên quan đến tăng giá điện lần này. Ngoài ra, cùng với việc tăng giá điện, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu để tránh “té nước theo mưa”, tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

TH