Truyền thông mới về chính sách BHXH, BHYT trong kỷ nguyên 4.0

22/04/2020, 23:29

Truyền thông mới về chính sách BHXH, BHYT trong kỷ nguyên 4.0 - Tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh các nước Đông Nam Á (ASSA) lần thứ 35, các chuyên gia đưa ra dự báo, 86% số lao động trong lĩnh vực dệt may và da giày của Việt Nam đứng trước nguy cơ mất việc vì tự động hóa trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0... Việc thiết kế lại chính sách an sinh xã hội phù hợp với bối cảnh mới là giải pháp đột phá đối với các quốc gia khi đối mặt với những thay đổi của thị trường lao động.

Truyền thông mới về chính sách BHXH, BHYT trong kỷ nguyên 4.0

An sinh xã hội “chạy đua” cùng 4.0

Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển của nhiều doanh nghiệp mới, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động theo cả hình thức làm việc tập trung và phi tập trung. Ðây là điều kiện quan trọng để người lao động tham gia và thụ hưởng các quyền lợi an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở các nước Ðông và Nam Á, các ngành: dệt may, giày dép, sản xuất ô tô; điện và điện tử; dịch vụ thuê ngoài và bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề về việc làm do thay đổi công nghệ. Khi thị trường lao động bị thu hẹp, khiến cuộc sống của người lao động khó được bảo đảm; tạo ra sức ép rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia.

Ðặc biệt, với hệ thống BHXH - trụ cột của an sinh xã hội, tương lai bấp bênh của người lao động sẽ khiến “bài toán” mở rộng diện bao phủ, vấn đề được xem là thách thức lớn nhất hiện nay đối với hệ thống, ngày càng trở nên khó giải quyết; tính bền vững, liên tục của các chương trình bảo hiểm cũng khó được bảo đảm.

Vì vậy, “bài toán” cần giải quyết sớm ở đây là cần nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT bằng các phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn như: Ứng dụng các công nghệ mới, căn cước công dân kỹ thuật số có sinh trắc học; chi trả, đóng nộp qua mạng lưới Internet với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ thông tin trong các phần mềm quản lý...; mỗi người dân được cấp một mã số an sinh xã hội duy nhất cho các chính sách, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ đối tượng...

Giải pháp mới cho truyền thông BHXH, BHYT

Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của kỷ nguyên truyền thông số, thay vì tiếp cận thông tin với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công chúng lại thích tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, video clip, hay những nền tảng báo chí khác nhau... Vì vậy, việc ứng dụng phương tiện truyền thông mới trong công tác truyền thông về BHXH, BHYT là hướng đi phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện đại.

Giờ đây, công chúng thích nghe, xem các sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép thông điệp tuyên truyền, ưu tiên tính thời sự và cập nhật của thông tin chính sách, pháp luật. Việc ứng dụng các sản phẩm truyền thông trên các phương tiện truyền thông mới như viral video (video chia sẻ trên môi trường Internet), truyền thông đa phương tiện, truyền thông đa nền tảng,... trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT hiện nay là giải pháp hữu hiệu.

Lễ ký Tuyên bố chung Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 19/9/2018. Ảnh: TTXVN

 

NHÀ BÁO HOÀNG MAI TRINH
CỔNG THÔNGTIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ

Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội

Thực tế ngày nay, người dân khó có thể dành thời gian 30 phút để nghe một chương trình tư vấn sức khoẻ trên đài, hay xem ti vi, thay vào đó họ sẽ sử dụng điện thoại thông minh để truy cập các trang mạng xã hội, chia sẻ thông tin với bạn bè. Xu hướng này càng phát triển và chiếm ưu thế, bởi vì người sử dụng đã tăng lên kể cả đối tượng người trẻ và trung niên, đây là nhóm đối tượng sẽ đánh giá tính hiệu quả của công tác truyền thông về BHXH, BHYT. Những tính năng: tương tác cao, chia sẻ rộng khắp trên toàn thế giới,... mạng xã hội sẽ giúp thông tin về chính sách BHXH, BHYT tới đúng, trúng đối tượng người dân và người lao động. Bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra một “cơ quan truyền thông” của cá nhân, khi tự sản xuất tin, bài với đầy đủ các loại hình tích hợp. Từ đó, chia sẻ, tương tác, phản hồi về những bất cập trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cơ quan chức năng, giúp cơ quan này đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế một cách nhanh nhất.

NHÀ BÁO NGUYỄN ĐIỆP QUYÊN
BÁO PHÁP LUẬT & XÃ HỘI

Thông tin cần chủ động

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của kết nối, tại các đô thị lớn, người dân hầu như không thể tách rời các hoạt động của đời sống cá nhân và công việc khỏi các thiết bị di động. Do đó, truyền thông về BHXH, BHYT cũng phải tập trung vào tính di động, bởi những ưu thế vượt trội như: có thể đo lường, định vị được người dùng, sự tiện ích, cách thể hiện, trình diễn riêng hết sức độc đáo. Người dân, người lao động sẽ nhanh chóng tiếp nhận những thông tin mới về chính sách ASXH, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian eo hẹp, cùng với thói quen đọc lướt trên các thiết bị di động, thông tin cần phải được diễn giải ngắn gọn súc tích

PV