
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong kỷ nguyên 4.0: Đúng, trúng đến từng đối tượng người dân
-
Đó là nhận định của đồng chí Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam tại
Hội thảo “Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh Cách mạng
Công nghiệp 4.0” do Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) và Bảo hiểm Xã hội
Việt Nam tổ chức ngày 31/10, tại Hà Nội
Thách thức của robot đến người lao động trong Cách mạng Công nghiệp 4.0
Thách thức trong kỷ nguyên 4.0
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tạo ra thay đổi lớn trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các quốc gia phát triển đã tận dụng ưu thế về công nghệ và vốn để đi đầu trong cuộc cách mạng.
Ngược lại, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi tiến tới Cách mạng Công nghiệp 4.0 phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang có ưu thế về lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng, bởi những lĩnh vực mà công nghệ người máy có thể tác động tới sẽ trải dài từ các ngành dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục,...
Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trong tương lai, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, khiến hàng triệu lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, vấn đề quản lý dữ liệu người dùng,... cho thấy Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến chính sách BHXH, BHYT của nước ta hiện nay.
Trước đó, Hội nghị ASSA 35, diễn ra từ ngày 18 - 19/9, tại TP. Nha Trang một lần nữa khẳng định, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ chính là chìa khóa giúp ngành BHXH thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Hiện nay, các nước trên thế giới và tổ chức an sinh xã hội trong khu vực đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng nền tảng dữ liệu lớn để tất cả người dân có 1 mã số ID duy nhất trong cơ sở an sinh xã hội, nhằm nâng cao hiệu suất, khả năng kết nối thông tin và chia sẻ dữ liệu, tạo thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận, phát triển đối tượng.
Tuy nhiên, khi áp dụng những ứng dụng này Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam gặp phải một số thách thức, trong đó vấn đề an toàn thông tin, chi phí đầu tư, thiếu IP chuẩn, cũng như vấn đề tiếp cận thông tin không đồng đều giữa các khu vực. Người dân thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ khó có điều kiện tiếp cận những ứng dụng KHCN trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Vấn đề già hóa dân số, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 60% dân số thế giới, trong đó trên 12,4% dân số trên 60 tuổi. Các nước châu Âu mất 50 năm từ thời kỳ dân số vàng tiến sang giai đoạn già hóa dân số, thì ở các nước châu Á chỉ mất 20 năm.
Với Việt Nam, tốc độ này có thể còn nhanh hơn, sẽ tác động lớn đến thị trường lao động và đối tượng của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt chính sách BHXH, BHYT. Do đó, ngành BHXH phải thay đổi để bắt kịp với tốc độ già hóa dân số và nhanh chóng tăng tỷ lệ bao phủ BHXH bằng cách thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn.
Hình thức kinh doanh kiểu mới, áp dụng nền tảng công nghệ số xuất hiện ngày càng phổ biến ở Việt Nam, điển hình là xe ôm, taxi công nghệ hay việc mua bán hàng online qua mạng xã hội. Vì không chịu sự ràng buộc về vấn đề pháp lý, nên nhóm lao động phi chính thức không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không được bù đắp thu nhập khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp hay được bảo đảm an sinh bằng việc nhận lương hưu khi về già.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ đem lại những thách thức vô cùng to lớn đối với Ngành BHXH trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và xu hướng truyền thông qua mạng xã hội đang thay thế dần các phương thức truyền thông truyền thống đã đặt ra yêu cầu BHXH phải đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để thích ứng và phát triển tương đồng so với các nước trong khu vực và quốc tế.
Mặc dù, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện rất nhiều các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tuy nhiên một số giải pháp hiện nay hiệu quả chưa cao, nhất là lao động khu vực phi chính thức, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Do thu nhập của người dân còn thấp, nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn,...
Trước những “bài toán” mà Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra đối với ngành BHXH, bên cạnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, người lao động về việc tham gia chính sách BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà ngành BHXH và các cơ quan báo chí cần tích cực truyền thông đến người dân hơn nữa.
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong kỷ nguyên 4.0: Đúng, trúng đến từng đối tượng người dân
Áp lực truyền thông 4.0
Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ tất cả các yếu tố căn bản của nền báo chí, truyền thông từng quốc gia, với các yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông, dịch vụ và sự biến đổi các nhóm công chúng truyền thông. Do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, miền, một bộ phận người dân chưa được tiếp cận, thường xuyên, cập nhật thông tin về những chính sách BHXH, BHYT.
Công tác truyền thông được đẩy mạnh, nhưng nhận thức của người dân về chính sách còn hạn chế, nên việc tiếp nhận thông tin và quyền lợi được hưởng từ BHXH, BHYT của người dân chưa cao, còn hiểu sai về những chính sách BHXH, BHYT. Ngoài ra, sự phát triển của mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đến truyền thông BHXH, vấn nạn tin giả (Fake news), khi thông tin về chính sách BHXH, BHYT bị lợi dụng vào mục đích khác hoặc làm giảm niềm tin công chúng vào chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, nhưng hiện nay trên báo chí vẫn thiếu những tuyến bài chuyên sâu, mang tính đột phá. Nhà báo Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, đã có gần 25.000 tin, bài, phóng sự, tọa đàm trực tuyến, lượt tương tác... về BHXH, BHYT được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khoảng 13.286 thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên báo chí còn tồn tại một số hạn chế: Các tin, bài tuyên truyền chủ yếu ở dưới dạng phản ánh thông tin, chưa nếu rõ được ý nghĩa, tác dụng của BHXH, BHYT nhất là đối với những người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa... Một số cơ quan báo chí chủ yếu đưa lại tin, bài của cơ quan khác, không có phóng viên chuyên sâu.
Hội thảo Báo chí truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0
Truyền thông đến từng đối tượng và phải luôn đi trước
Các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất những nhóm giải pháp cơ bản, nhằm nâng cao chất lượng thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội; khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Để nâng cao công tác truyền thông về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, trọng tâm làm tốt công tác truyền thông đến từng đối tượng cụ thể với nhiều mô hình truyền thông đặc thù. Đặc biệt chú trọng đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đây là nhóm khách hàng có xu hướng tiếp nhận thông tin một cách thụ động, cần có chính sách, mô hình truyền thông riêng biệt.
Bên cạnh đó, truyền thông cần tiến hành một cách thường xuyên, liên tục để người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, thông qua poster, áp phích, khẩu hiệu,... sinh động nhiều hình ảnh, màu sắc, ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ... để đồng bào dân tộc có thể nắm bắt đầy đủ thông tin.
Đối với đối tượng người lao động trẻ tuổi, đối tượng lao động phi chính thức có khả năng sử dụng những thiết bị di động và tiếp nhận thông tin một cách chủ động, cần chủ động trong cung cấp thông tin. Ngoài các phương tiện truyền thông chính thống như: báo chí, phát thanh và truyền hình, việc ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo trong truyền thông chính sách BHXH, BHYT là việc làm cần thiết. Trong đó, xây dựng kho dữ liệu câu hỏi, trả lời câu hỏi và kết nối với người dân thông qua hình thức Chatbot trả lời tự động trên các nền tảng di động. Những câu hỏi, trong những trường hợp cụ thể, giúp doanh nghiệp, người dân và người lao động hiểu rõ hơn về nghĩa vụ và lợi ích khi tham gia BHXH.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 chứng kiến sự gia tăng của các thiết bị di động, cho thấy kết nối chính là chìa khóa thành công, việc BHXH Việt Nam chủ động cung cấp thông tin thông qua hệ thống tin nhắn riêng của BHXH với mọi loại hình dịch vụ, chính sách chủ động sẽ thu hút sự quan tâm của tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và người dân đến chính sách BHXH, BHYT.
Xây dựng ứng dụng (app di động) trên nền tảng thiết bị di động là kênh thông tin hiệu quả cho người dân tiếp cận dịch vụ, thông tin BHXH, BHYT nhờ sự tiện lợi của thiết bị di động, đồng thời cho phép người dân thao tác, thực hiện các dịch vụ tra cứu, quản lý thông tin BHXH, BHYT một cách dễ dàng, nhanh chóng nhất.
Hiện nay, nước ta có khoảng 119,7 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó 84% sử dụng điện thoại thông minh và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Internet phát triển ở cả thành thị và nông thôn, có tới gần 64 triệu người đang sử dụng Internet chia sẻ thông tin, việc BHXH Việt Nam xây dựng Fanpage sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông và tương tác với khách hàng là việc làm quan trọng. Từ đó, các tổ chức và người dân trực tiếp tương tác với cơ quan BHXH để được hỗ trợ giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện BHXH, BHYT./.
Nam Dương - Thành Huy Long

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
