
Truyền hình trực tiếp chỉ cần một chiếc điện thoại?
-
Chiều ngày 26/4, cuộc họp báo đột xuất do Công ty
TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) tổ chức
diễn ra trong vòng 30 phút. Thông tin về nội dung cuộc
họp báo có liên quan đến nghi vấn về hệ thống xả thải của
doanh nghiệp này ngay sau đó đã được các trang báo
mạng và các đài truyền hình cập nhật. Tuy nhiên, ngay
trong thời điểm diễn ra họp báo, hàng trăm ngàn cư dân
mạng đã chứng kiến trực tiếp sự kiện này qua Facebook...
Điện thoại thông minh giờ đây đã có mặt khắp nơi,ai cũng có thể truyền hình trực tiếp. Ảnh minh họa
Giờ đây, khi tham gia buổi họp mặt lớp cũ, khi dự một buổi tiệc cưới hay tham gia một hội nghị quốc tế quan trọng, bạn có thể dùng smartphone để chia sẻ video trực tiếp sự kiện cho bạn bè, người thân... Tính năng live video trên các trang mạng xã hội thực ra cũng không phải là quá mới. Từ năm 2013, YouTube bắt đầu cho phép những tài khoản có trên 100 người theo dõi có thể “phát sóng” trực tiếp video.
Trước đó, Google cũng tung ra dịch vụ Hangouts cho phép người dùng truyền trực tiếp video qua webcam. Tuy nhiên, Hangouts chỉ truyền tải trong một nhóm người dùng nhất định, còn Youtube thì hạn chế về thiết bị truyền dẫn và các điều kiện đối với người sử dụng. Mới đây, Facebook - mạng xã hội có số người dùng đông nhất hành tinh - đã triển khai tính năng truyền video trực tiếp cho tất cả người dùng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng có cài hệ điều hành iOS.
Ai cũng làm được truyền hình
Chỉ cần bấm vào vị trí cập nhật trạng thái mới, sau đó chọn nút “Live Video” ở đó, viết thêm một số nội dung giới thiệu về sự kiện hoặc nhân vật sẽ truyền video trực tiếp và quyết định chia sẻ video ấy tới những ai rồi bấm máy ghi hình, ta sẽ có một đoạn video được truyền trực tiếp. Người xem có thể bình luận, thể hiện thái độ qua các biểu tượng của Facebook về đoạn video ấy...
Khi tính năng live video này phổ biến ở Việt Nam thời gian gần đây, giới báo chí, giới showbiz rất hồ hởi khai thác.
Một vụ cháy, một vụ tai nạn, một sự kiện có tính chất thời sự như khánh thành cây cầu mới, ra mắt bộ phim, album v.v.. có thể dễ dàng đưa tin, thậm chí độc quyền tin tức trên Facebook và dẫn lại trên các trang báo trực tuyến.
Livestream show thực hiện trên Facebook (fanpage) của ca sĩ Mỹ Tâm hôm 1/4 thu hút hơn 400.000 lượt theo dõi và hơn 30.000 lượt bình luận. Nhiều ca sĩ khác như Khởi My hay Noo Phước Thịnh cũng truyền hình trực tiếp bằng di động trước giờ diễn qua tính năng của Facebook. Những live video này kéo theo hàng ngàn bình luận và hàng trăm ngàn lượt người xem, tương tác bình luận - con số cao gấp mười lần số vé bán ra cho một đêm diễn.
Ai cũng có thể làm trực tiếp truyền hình, nhưng không phải ai cũng thu hút được đông đảo người xem, tùy mức độ nổi tiếng của người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, có thể thấy, với tính chất đại chúng của Facebook, nhiều sự kiện được những Facebooker bình thường truyền video trực tiếp trên mạng vẫn được đông đảo người xem và chia sẻ, như hình ảnh trục vớt nhịp dầm cuối cùng của cầu Ghềnh ở Biên Hòa, hình ảnh chen lấn trong lễ hội đền Hùng mới đây...
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Phát huy giá trị của kho tàng kiến thức

Phát thanh là dòng chảy cuộc sống

Giỏi “hóng hớt”, sẽ có phóng sự hay

Không có đề tài nào là “lá cải”, chỉ có…

Báo chí địa phương với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể
