Truông Bồn – Dấu chân anh hùng: Tôn vinh, lan tỏa chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Ngày 29/10, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), Báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt: Truông Bồn – Dấu chân anh hùng, kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn 31/10/1968 – 31/10/2023. Tới dự lễ có các đồng chí; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng thuộc các ban, ngành trung ương, thân nhân, người thờ phụng 13 liệt sỹ hy sinh tại Truông Bồn.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm

Tọa độ lửa Truông Bồn là đỉnh cao nhất nằm trên dãy núi Thung Nưa có độ cao 450 m so với mực nước biển. Với vị trí chiến lược rất quan trọng nên tọa độ lửa Truông Bồn là huyết mạch giao thông kết nối hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca đầy bi tráng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ với quyết tâm sắt đá “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đây cũng là nơi ghi dấu rất nhiều tội ác dã man của đế quốc Mỹ và nhiều chiến công oanh liệt của quân/ dân ta. Từ năm 1964 - 1968 đế quốc Mỹ đã trút xuống nơi đây 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, biến nơi đây thành một tọa độ lửa. Dưới mưa bom bão đạn khi cái chết luôn cận kề, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông không quản ngày đêm vẫn bám trụ ngoan cường, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa hơn 94.000 lượt xe cơ giới, vận chuyển và giải tỏa hơn 1 triệu tấn hàng vượt qua Truông Bồn vào chiến trường miền Nam.

Các đại biểu tham dự buổi lễ    

Đêm 31/10/1968, khi chỉ còn vài giờ nữa Mỹ tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc cũng là đêm cuối cùng các chiến sỹ tiểu đội 2 đại đội thanh niên xung phong 317 đang khẩn trương san lấp hố bom, khi công việc sắp hoàn thành thì một tốp máy bay Mỹ gầm rú lao tới. Không kịp xuống hầm trú ẩn, cả tiểu đội bị bùi lấp khi 120m chiều dài của Truông Bồn phải hứng chịu 170 quả bom xé toạc bầu trời, cày nát cướp đi sự sống của 12 cô gái và 2 chàng trai. Máu thịt của các chị, các anh đã hòa vào đất mẹ và làm nên huyền thoại anh hùng. Truông Bồn đã trở thành một vùng đất thiêng liêng, một biểu tượng sáng ngời của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là niềm tự hào của các thế hệ nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ghi nhận thành tựu của nhân dân và cán bộ tỉnh Nghệ An trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, công tác chăm sóc người có công, xây dựng các địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng mong muốn các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Nghệ An ngày càng được triển khai sáng tạo, hiệu quả. Tiếp tục đón nhận sự đồng hành thiết thực của toàn xã hội để cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng.

Ban Tổ chức trao sổ tiết kiệm cho gia đình 13 liệt sỹ và bà Trần Thị Thông

Dịp này Ban Tổ chức đã trao tặng 14 sổ tiết kiệm cho 13 gia đình liệt sĩ và bà Trần Thị Thông nhân chứng lịch sử của Truông Bồn. Báo Nhân Dân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng tỉnh Nghệ An 50 căn nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỷ đồng. Ban Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Hội cựu thanh niên xung phong và các em thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn 300 triệu đồng.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Dấu chân anh hùng"

   Hồng Sơn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/11, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm và làm việc với Đại học Huế về công tác đào tạo báo chí và truyền thông.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với rất nhiều sự thay đổi và mới mẻ, chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí và không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ, mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo; đồng thời, đòi hỏi cách tiếp cận chính sách và phát triển thể chế phù hợp để đón nhận các mô hình báo chí mới, khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế “chuyển đổi số”được coi là sự tiếp cận bắt buộc đối với tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Dĩ nhiên, báo chí không thể nằm ngoài trục xoay đó. Mục tiêu chính của chuyển đổi số báo chí là xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm đúng chức năng vai trò thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự đổi mới của đất nước. Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí không đơn giản là việc chuyển đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức số hóa, mà còn mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển của ngành báo chí trong tương lai
Ngày 22/10, lễ trao giải Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023 diễn ra tại Hà Nội. Cuộc thi do Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, phân công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top