Tổng Công ty May 10 trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0

22/04/2020, 23:29

Tổng Công ty May 10 trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 - Dệt may Việt Nam đứng trước bối cảnh bị kẹt về lợi thế, nhân công giá thấp của Việt Nam không so được với các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, nhưng về công nghệ lại không thể cao bằng các quốc gia phát triển. Trước tình hình này, nếu dệt may Việt Nam không có chiến lược chuyển đổi hợp lý, lựa chọn đầu tư đúng đắn thì sẽ gặp trở ngại lớn trong việc duy trì sự tồn tại và phát triển.

Công nhân Tổng công ty May 10 thao tác máy móc công nghệ cao để may Sơ mi. Ảnh TL

Phát biểu tại Lễ ra quân đầu năm của Tổng Công ty May 10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao chiến lược, kế hoạch phát triển của May 10 trong thời gian qua; trong đó, chiến lược đầu tư hạ tầng, thiết bị, nhân lực và phát triển thị trường là những hướng đi đúng, đem lại thành công cho May 10 nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung. 

Bộ trưởng cho rằng, với tổng doanh thu 3.106 tỷ đồng mà May 10 đặt ra cho năm 2018, trong điều kiện ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn là mục tiêu thể hiện sự quyết tâm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, theo Bộ trưởng, doanh nghiệp cần đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ bằng việc xác định rõ những cơ hội, thách thức để có chiến lược bài bản, sát thực tế.

Bộ trưởng lưu ý, cùng với việc phát triển thị trường ngoài nước, ngành dệt may cần quan tâm hơn đến thị trường nội địa nước với dư địa phát triển được đánh giá còn rất lớn.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tại các quốc gia xuất khẩu dệt may chính trên thế giới vẫn đang giảm sút. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành Dệt may Việt Nam đã nỗ lực phát triển đa dạng hóa các thị trường và có sự bứt phá tại các thị trường khác như Trung Quốc, Nga, Campuchia…

Ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt. Cùng với chiến lược phát triển bài bản, đầu tư hiện đại cho công nghệ và nâng cao trình độ cán bộ, công nhân viên của May 10 nói riêng, ngành dệt may nói chung, có thể khẳng định ngành dệt may đang dần tiệm cận với trình độ phát triển chung của ngành dệt may trên thế giới. 

Bên cạnh đó, ngành may mặc vốn đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và như vậy phù hợp với nữ giới, cho nên ở May 10 có đến 80% lao động nữ là một thuận lợi. Tuy nhiên với phụ nữ, ngoài công việc chung còn phải đảm đương thiên chức người mẹ, người vợ. Chính vì vậy, muốn chị em yên tâm làm việc, ngoài các chế độ, chính sách thỏa đáng, May 10 đã đầu tư xây dựng khu tập thể, xây trạm y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường cao đẳng nghề dành cho con em cán bộ, công nhân viên và cho cộng đồng dân cư quanh Công ty.  

Ngoài ra, thay vì bị động đáp ứng yêu cầu của khách hàng, May 10 đã chủ động đem đến cho họ chuỗi cung ứng dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác từ Mỹ, Nhật. May 10 luôn cải tiến để rút ngắn thời gian giao hàng từ 90 ngày xuống 60 ngày, rồi 30 ngày, chịu trách nhiệm giám sát chất lượng sản phẩm, không cần khách hàng phải tham gia công đoạn này như trước đây. Tại Tổng công ty ở Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội), chị Hoàng Thị Tuyết, công nhân Trung tâm phát triển sản phẩm của May 10 cho biết, làm việc tại May 10, chúng em được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động như xây nhà ký túc xá cho công nhân ở, người lao động luôn có việc làm ổn định, thu nhập thoả đáng.

Một trong những điểm khác biệt của May 10 chính là văn hóa doanh nghiệp luôn được Tổng công ty đề cao và coi trọng hàng đầu. Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: Văn hóa của May 10 là không gì không thể làm được, không đầu hàng trước bất kỳ một thách thức nào và luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Công nghiệp 4.0 là công cụ giúp hiện thực hóa những nhu cầu của con người một cách hiệu quả nhất và cũng chỉ ở những công đoạn nhất định. Cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất dệt may, có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam.

Tuy nhiên, về vĩ mô, để có thể bắt kịp nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chiến lược phát triển trong tương lai của dệt may Việt Nam thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngành trong quá trình đầu tư công nghệ cao, thông qua giảm thuế, lãi suất vay vốn ưu đãi dành cho những doanh nghiệp đầu tư để đạt mức xanh, sạch trong sản xuất.

Cùng với đó, Nhà nước cũng cần có quy hoạch tổng thể đối với ngành dệt may Việt Nam, nên đặt ở địa phương hoặc khu vực nào thuận lợi nhất, để ngành có thể vượt qua thách thức mới, tiếp tục phát triển mạnh, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu. Bởi khi giữ vững được tốc độ phát triển như những năm qua thì ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể tăng mức kim ngạch xuất khẩu lên tới 60 tỷ USD vào năm 2030.

Với những nỗ lực không ngừng, Tổng công ty May 10 đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Giải thưởng doanh nghiệp hội nhập và phát triển... Thương hiệu thời trang May 10 đã trở thành một biểu tượng, dẫn dắt và định hình cho xu hướng của thời trang công sở Việt Nam.

NT