Tổ chức sản xuất tọa đàm trên báo mạng điện tử ở báo Đảng địa phương

22/04/2020, 23:29

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ như hiện nay đã mang lại nhiều cơ hội cho các cơ quan báo chí phát triển, song cũng đặt ra thách thức lớn, là “cuộc chiến”sống còn để công chúng quyết định sự tồn tại của mỗi tờ báo.

Tọa đàm Phát huy vai trò báo Đảng trong định hướng dư luận xã hội do Báo Hải Phòng tổ chức ngày 18/3/2017. Ảnh: TL

Tọa đàm trên báo mạng điện tử

Tổ chức sản xuất tọa đàm trên báo mạng điện tử có thể được hiểu là việc điều hành sản xuất bằng cách kết hợp hài hòa giữa nhân lực và phương tiện của hai khối nội dung và kỹ thuật sản xuất chương trình, khâu nối hợp lý thành quả lao động của từng người nhằm đưa lên mạng một chương trình tọa đàm có giá trị thông tin và hiệu quả xã hội cao.

Thực tế cho thấy, thể loại tọa đàm trên báo mạng điện tử có nhiều ưu điểm như: tăng tính tương tác, công chúng có thể trở thành “nhà báo”... Tính năng tương tác ở thể loại tọa đàm trên các tờ báo mạng điện tử xuất hiện ngày càng nhiều hơn và ngày càng khẳng định giá trị của mình. Hoạt động tương tác đã làm tăng thêm sự gắn bó mật thiết giữa công chúng và cơ quan truyền thông. Nó đã phá vỡ tư duy áp đặt, một chiều. Nhờ tính năng tương tác, trong chương trình tọa đàm độc giả cũng trở thành nhà tư vấn, người cung cấp thông tin. Chi tiết này khiến độc giả đặt niềm tin rất cao vào báo chí, truyền thông. Công chúng có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào chương trình tọa đàm bằng cách gửi thư, nêu ý kiến, trả lời phỏng vấn ngoài trường quay... tạo sự tương tác, gần gũi giữa tòa soạn - công chúng.

Trong các chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử, công chúng có thể là khách mời của chương trình, miễn là họ có mối quan hệ hữu quan hoặc có hiểu biết sâu sắc về chủ đề mà các cuộc tọa đàm đưa ra. Ngoài ra, còn có những chương trình tọa đàm trực tiếp, khán giả có thể gọi điện thoại trực tiếp hay ghi hình câu hỏi, hoặc gửi thư về cho chương trình để bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về chủ đề của buổi tọa đàm. Các khách mời đa phần là những chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà khoa học, người có uy tín trong xã hội. Họ đều là những tri thức, có trình độ chuyên môn, khả năng lập luận và thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng.

Tọa đàm kỷ niệm 79 năm ngày khởi nghĩa Bắc Sơn do Báo Lạng Sơn tổ chức ngày 27/9/2019. Ảnh: TL

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các sự kiện, sự việc xảy ra liên tục, ở bất kỳ thời điểm và không gian nào cũng có thể được thông tin đến công chúng. Bản thân mỗi sự kiện, sự việc đều chứa đựng những phức tạp, mâu thuẫn cần được lý giải. Đặc biệt thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... khiến một bộ phận công chúng khó phân biệt đâu là thông tin thật, thông tin giả, bịa đặt dẫn đến khó định hình cho mình một cách tiếp cận và nhận thức đúng đắn.

Do đó, sự xuất hiện của thể loại tọa đàm trên báo mạng điện tử có vai trò rất quan trọng để định hướng những luồng thông tin đó. Nó có nhiệm vụ giải thích, đánh giá, định hướng nhằm cung cấp thông tin cho công chúng trước những vấn đề có tính thời sự, tạo cho họ một chỗ dựa tin cậy.

Hơn nữa, thể loại tọa đàm trên báo mạng điện tử còn bổ sung thêm một luồng thông tin mới phong phú giúp công chúng định hình một cách sớm nhất, nhanh nhất để có thể nhìn nhận, đánh giá sự kiện hay vấn đề ngay mà không bị pha tạp do nhiều nguồn thông tin khác gây nên, giúp tránh được những hậu quả đáng tiếc trong cuộc sống.

Tọa đàm Chung tay thực hiện công tác dân số trong tình hình mới do Báo Thái Bình tổ chức ngày 22/12/2018. Ảnh: TL

Sản xuất chương trình tọa đàm ở Báo Thái Bình

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình về việc giao Báo Thái Bình tổ chức sản xuất chương trình giao lưu - tọa đàm “Trái tim nhân ái năm 2018” truyền hình trực tiếp trên Báo Thái Bình điện tử (baothaibinh.com.vn), trên kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Truyền hình cáp Thái Bình, Ban Biên tập Báo Thái Bình đã nhanh chóng triển khai xuống các phòng chuyên môn và đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên. Khối lượng công việc không nhỏ trong khi cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị của Báo Thái Bình đang ở giai đoạn 1 của dự án phát triển Báo Thái Bình điện tử.

Đặc biệt, về nhân lực, ngoại trừ đồng chí Tổng Biên tập có nhiều kinh nghiệm làm truyền hình còn tất cả biên tập viên, phóng viên đều là những người làm báo in, vừa mới có thời gian ngắn làm quen với sản xuất video clip và chưa một lần tham gia sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp. Bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn đó, sức ép lớn hơn là thời gian để chuẩn bị cho chương trình chỉ có 1 tháng.

Trailer chương trình "Trái tim nhân ái" trên truyền hình Internet của Báo Thái Bình. Ảnh: TL

Phóng viên Trần Thu Hương, Phòng Văn hóa - Xã hội, Báo Thái Bình cho biết: “Phòng Văn hóa - Xã hội xuất quân đầu tiên để sản xuất trailer quảng bá và các clip phát tại chương trình truyền hình trực tiếp. Việc đầu tiên nhóm sản xuất clip là tìm nhân vật. Hàng chục nhân vật đã được các phóng viên chuyên trách phát hiện trong suốt quá trình tác nghiệp tại cơ sở được lập danh sách và lựa chọn để ghi hình. Có nhân vật đã quen, có nhân vật chưa từng gặp, thời gian ngắn nên cả ê kíp quyết định vừa đi vừa bàn, vừa viết kịch bản chứ không dựng kịch bản trước.

Sau hơn một tuần miệt mài đi, gặp gỡ, ghi hình, hoàn thiện kịch bản với sự biên tập kỹ lưỡng của Tổng Biên tập là bắt tay vào khâu dựng. Nhưng khi bắt đầu ngồi vào bàn dựng, nhiều khó khăn nảy sinh bởi thiếu nhiều thứ: Không có kho hình tư liệu, không có kho nhạc... Bắt đầu từ số không với việc làm truyền hình trực tiếp, các kỹ thuật viên mày mò, khai thác, sau một số ngày, trailer - sản phẩm đầu tiên đã hoàn thành. Càng đến ngày diễn ra chương trình, công việc càng trở nên vất vả với đội ngũ kỹ thuật viên đảm nhận kỹ thuật phát trực tiếp.

Báo Thái Bình tiếp nhận hàng loạt các trang thiết bị mới từ dự án phát triển Báo Thái Bình điện tử. Chưa có xe màu, tất cả các trang thiết bị này được đưa ra Trung tâm hội nghị tỉnh lắp đặt và chạy thử nghiệm để vận hành như một xe màu thực sự. Các kỹ thuật viên lần đầu tiên được hướng dẫn cho các kỹ thuật âm thanh, phát file, đồ họa bắn chữ, truyền dẫn tín hiệu... sẵn sàng cho đêm truyền hình trực tiếp vào đêm 29/10/2018. Đêm diễn ra truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu - tọa đàm “Trái tim nhân ái năm 2018”, các nhóm phụ trách từng phần việc vào cuộc khẩn trương, nhuần nhuyễn theo đúng kịch bản tổng thể của tổng đạo diễn. Không thể tránh khỏi một số hạt sạn nhỏ, song chương trình kết thúc với sự thành công tốt đẹp”.

Theo lãnh đạo Báo Thái Bình, việc xây dựng quy trình chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử rất quan trọng, quyết định chất lượng của nó. Để sản xuất một chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử, cần trải qua các bước: Xác định mục tiêu, chủ đề của chương trình tọa đàm; Xây dựng kịch bản chương trình tọa đàm; Tìm hiểu và nghiên cứu thực tế để từ đó thu thập, khai thác thông tin; Thực hiện các bước sản xuất nội dung chương trình tọa đàm; Duyệt, đăng tải.

Ngoài ra, để truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu - tọa đàm thành công, công tác nhân sự đặc biệt quan trọng, khi viết kịch bản phải chi tiết từ khách mời dự, khách mời giao lưu - tọa đàm trên sân khấu, khách mời giao lưu dưới hội trường; các nhóm kỹ thuật, lễ tân... và thời lượng cho mỗi nội dung của chương trình phải khớp gần như 100%. Cùng với kịch bản chi tiết còn có bảng phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng vị trí công việc như đạo diễn hội trường phải thống nhất với các bộ phận liên quan về vị trí nhân vật (giao lưu, múa hát) để đôn đốc, sắp xếp vị trí cho phù hợp trước khi phát sóng trực tiếp.

Tọa đàm Nhà báo Huỳnh Văn Tiểng với Báo chí Cách mạng Việt Nam trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Ảnh: TL

Bài học kinh nghiệm

Sau thành công truyền hình trực tiếp chương trình giao lưu - tọa đàm “Trái tim nhân ái năm 2018”, đội ngũ biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên trưởng thành hơn cả trong cách suy nghĩ về cuộc đời và nghề nghiệp. Báo Thái Bình cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm làm báo đa phường tiện, trong đó có chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử.

Trước hết là chọn đề tài, bởi muốn có một chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử thành công phải có một đề tài hay. Do vậy, xác định đề tài cho tác phẩm là khâu đầu tiên trong quá trình sáng tạo các tác phẩm tọa đàm trên báo mạng điện tử. Đề tài là lĩnh vực các sự kiện, hiện tượng, vấn đề trong đời sống xã hội được lựa chọn để phản ánh trong tọa đàm. Việc xác định được đề tài còn giúp nhà báo khoanh vùng được đối tượng, giúp việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan, tổ chức hình ảnh và lựa chọn được khách mời một cách phù hợp.

Kịch bản là công việc tiếp theo sau khi lựa chọn đề tài, tìm ra chủ đề và tư tưởng chủ đề. Viết kịch bản là việc trình bày các ý tưởng về tác phẩm trên giấy, trong đó tác giả phải thể hiện được mô hình của tác phẩm bằng ngôn ngữ viết. Kịch bản giúp Ban Biên tập, tổ chức sản xuất, phóng viên, người dẫn, đạo diễn, quay phim, kỹ thuật, khách mời có thể hình dung tác phẩm sẽ được tiến hành như thế nào?

Khách mời trong các chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử thường từ 3 - 5 người. Ngoài người dẫn chương trình, khách mời số lẻ càng tốt (3, 5, 7 người). Bởi khi đưa ra một sự việc cần phân tích, bàn luận, khách mời số lẻ mới thể hiện được rõ quan điểm nghiêng về chiều hướng nào để giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn hơn. Khách mời có thể là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về chủ đề dự kiến tọa đàm; là những đại diện của nhóm công chúng được đề cập trong cuộc tọa đàm... Nhiệm vụ cơ bản của khách mời trong cuộc tọa đàm là tranh luận, bàn bạc về vấn đề được nêu ra để nhằm làm sáng tỏ các nội dung, khía cạnh của vấn đề hoặc đưa ra những câu trả lời, cách giải quyết vấn đề.

Trong tổ chức nhân sự tọa đàm trên báo mạng điện tử, người dẫn chương trình rất quan trọng, đây là người dẫn dắt và trực tiếp góp phần làm nên nội dung chương trình tọa đàm. Những người dẫn chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử không đơn thuần chỉ là người dẫn chương trình mà còn là nhà báo dày dặn kinh nghiệm, hiểu biết rộng... Họ mang trong mình sự nhạy cảm nghề nghiệp, nhạy cảm thông tin, nhạy cảm chính trị. Từ đó, giúp việc truyền tải thông tin đến với công chúng có độ tin cậy rất cao.

Trường quay hiện đại của VTV. Ảnh: TL

Cùng với nhân sự trong chương trình, yếu tố không thể thiếu đó là trang thiết bị ghi hình tại trường quay và bối cảnh sân khấu ghi hình như ánh sáng, màu sắc, những bộ bàn ghế để các khách mời có thể ngồi và trao đổi những vấn đề liên quan đến chủ đề tọa đàm. Bên cạnh đó, các chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử cũng cần trang bị những tấm phông, là những banner, hình ảnh về nội dung chương trình đó.

Ngoài ra, để tổ chức sản xuất chương trình tọa đàm trên báo mạng điện tử được tốt cần từng bước cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng cán bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động để xây dựng quy trình sản xuất phù hợp. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ để phóng viên có kỹ năng làm việc, tác nghiệp được với các thiết bị như quay phim, đạo diễn hình, viết kịch bản, xử lý video, dẫn chương trình; kỹ năng viết lời dẫn, kỹ năng biên tập, kỹ năng làm việc theo nhóm...

Chú trọng đầu tư thiết bị kỹ thuật: thiết bị kỹ thuật đầy đủ và hiện đại chính là cơ sở vững chắc, tạo tiền đề cho sự sáng tạo của phóng viên, biên tập viên thực hiện chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về chương trình bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của công chúng đối với chương trình tọa đàm nói riêng và các chuyện mục, chương trình khác trên báo mạng điện tử nói chung./.

Vũ Nguyên Bình