Tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện tại cơ quan báo Đảng địa phương

Trong kỷ nguyên số, mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình Internet... đang dần chiếm ưu thế. Các cơ quan báo Đảng địa phương sẽ phải làm gì và làm như thế nào để bắt kịp xu hướng phát triển, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong môi trường hội tụ truyền thông hiện nay?

Các đại biểu đến tham dự Hội báo Xuân toàn quốc năm 2016. Ảnh TL

Từ đời sống thực tiễn

Tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí chính là xây dựng một quy trình bao gồm các công đoạn mang tính trình tự bắt buộc để sản xuất ra các sản phẩm báo chí như báo in, tạp chí, chương trình truyền hình, phát thanh hay báo mạng điện tử. Do các sản phẩm báo chí phong phú, đa dạng nên quy trình tổ chức sản xuất được đưa ra là khác nhau để phù hợp với đặc thù của từng loại hình.

Tuy nhiên, với quy trình nào cũng vậy, nguyên liệu đầu vào đều chung một loại “hàng hóa” đặc biệt là thông tin, tin tức. Thông tin được xử lý theo quy trình trước khi cho ra sản phẩm báo chí được thể hiện dưới hình thức tương ứng với nội dung, theo nhiều thể loại của tác phẩm báo chí như: tin, tường thuật, phỏng vấn, ghi nhanh, điều tra, phóng sự...

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, bên cạnh các ấn phẩm báo in truyền thống, tùy theo đặc thù và điều kiện mỗi nơi, một số cơ quan báo Đảng địa phương đã, đang phát triển thêm các loại hình báo chí mới như: báo mạng điện tử, truyền hình Internet...

Trước thực trạng này, một số cơ quan báo Đảng địa phương đã, đang nghiên cứu áp dụng mô hình tòa soạn đa phương tiện, có khả năng tích hợp “nhiều trong một”. Có nghĩa là giữa báo in và báo mạng điện tử hay những loại hình báo chí khác sẽ không còn tổ chức theo từng đơn vị độc lập và riêng rẽ, mà tất cả đều được hội tụ, tích hợp lại từ khâu đầu vào cho đến đầu ra. Giải pháp này không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng nội dung, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình báo chí trong cùng tòa soạn mà còn giúp sử dụng nguồn nhân lực, tài chính của các báo một cách khoa học, hiệu quả hơn.

Đến những vấn đề đặt ra

Khảo sát tại một số cơ quan báo Đảng địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, có thể thấy, vấn đề chuyển đổi từ tổ chức sản xuất sản phẩm báo in truyền thống sang tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện còn một số bất cập sau:

Một là, lãnh đạo các cơ quan báo Đảng địa phương thường do cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương bổ nhiệm theo quy trình đối với cán bộ thuộc diện Thường vụ quản lý, vì vậy trong số đó không ít người hoặc chưa từng được đào tạo qua nghiệp vụ báo chí hoặc được đào tạo nghiệp vụ báo chí nhưng đã nhiều tuổi... nên thường có tư duy lối mòn, ngại đổi mới.

Hai là, kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện của đội ngũ phóng viên rất hạn chế, nhất là những phóng viên “lão làng” thường chỉ có “cuốn sổ và cây bút”; kỹ năng xử lý phân lớp thông tin cho các loại hình báo chí gặp nhiều lúng túng.

Ba là, từ trước tới nay, tòa soạn các cơ quan báo Đảng địa phương lấy sản phẩm báo in làm trung tâm, báo mạng điện tử được xem như một “phiên bản” của báo in, vì vậy khi tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện gặp nhiều trở ngại về hạ tầng kỹ thuật công nghệ.

Bốn là, nơi làm việc của các cơ quan báo Đảng địa phương thường được bố trí nhiều phòng riêng biệt, diện tích nhỏ hẹp, không có không gian rộng lớn để có thể thiết kế văn phòng làm việc theo mô hình tòa soạn hội tụ.

Năm là, nhiều cơ quan báo Đảng địa phương chưa có cơ chế nhuận bút cho các loại hình báo chí khác ngoài báo in. Một số bài đăng trên báo mạng điện tử nhuận bút chỉ mang tính khuyến khích, động viên hoặc bằng chế tài hành chính.

Một số mẫu bìa báo, tạp chí tại Hội báo toàn quốc 2016

Một số khuyến nghị, giải pháp

Để giải quyết những vấn đề bất cập nêu trên, thiết nghĩ bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên cũng cần có những bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình.

Về hạ tầng kỹ thuật

Hiện không ít cơ quan báo Đảng địa phương có phòng làm việc được phân chia thành nhiều phòng nhỏ và bố trí tại nhiều tầng khác nhau, do đó, để sắp xếp thành văn phòng tòa soạn hội tụ theo tiêu chuẩn là rất khó khăn.

Lúc này, tại phòng làm việc của bộ phận Superdesk được thiết kế thêm các màn hình kết nối trực tuyến với các phòng chuyên môn. Việc họp, bàn bạc, thảo luận kế hoạch xuất bản, tổ chức nội dung, trình bày các ấn phẩm đều có thể được diễn ra như trên một mặt bằng của văn phòng hội tụ rộng lớn. Lãnh đạo các phòng chuyên môn có thể chỉ đạo, theo dõi hoạt động của các bộ phận phóng viên thông qua hệ thống các màn hình kết nối trực tuyến, qua mạng cục bộ, mạng xã hội, điện thoại...

Về đội ngũ nhân lực

Những phóng viên trẻ, năng động được đào tạo bồi dưỡng thêm kỹ năng làm báo đa phương tiện để có thể tác nghiệp cho nhiều loại hình báo chí khác nhau.

Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông hội tụ tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng làm báo đa phương tiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên.

Sử dụng cơ chế nhuận bút linh hoạt cho từng loại hình báo chí trên cơ sở chi đúng, chi đủ và chính sách thưởng, phạt công minh để nhuận bút thực sự là động lực khơi gợi sự năng động, sáng tạo và niềm đam mê với nghề của cán bộ, phóng viên.

Về quy trình tổ chức sản xuất

Thứ nhất, bên cạnh việc lập kế hoạch hàng tháng, hàng tuần cho các ấn phẩm của báo in và báo mạng điện tử, cần có kế hoạch cụ thể cho hàng ngày cho mỗi số báo in,từng giờ cho báo mạng điện tử.

Hàng ngày tổ chức giao ban đầu giờ buổi sáng giữa Ban Biên tập (hoặc Tổng Thư ký tòa soạn) và bộ phận biên tập (Superdesk) với lãnh đạo các phòng chuyên môn để quyết định nội dung trên báo mạng điện tử sẽ triển khai trong ngày và trên số báo in phát hành vào ngày hôm sau.

Sau khi được Tổng Biên tập (hoặc bộ phận trực xuất bản) phê duyệt, các vấn đề bổ sung sẽ được chỉ đạo kịp thời cho phóng viên để triển khai thực hiện. Trong đó, thông tin mới, nóng sẽ được ưu tiên xuất bản trên báo mạng điện tử; tin, bàisâu sẽ được hoàn chỉnh vào cuối ngày để xuất bản vào số báo ngày hôm sau.

Thứ hai, trong khâu biên tập,tổ chức tác phẩm báo chí trên các ấn phẩm cần lưu ý, đối với các tác phẩm được sử dụng trên báo mạng điện tử nên sử dụng những từ, cụm từ dễ tìm kiếm trên mạng và được các công cụ tìm kiếm hỗ trợ sử dụng như: Google, Yahoo,...; khuyến khích các dạng tin, bài đa phương tiện, tin ảnh, video... Đối với báo in nên lưu ý lựa chọn các dạng tin, bài có vấn đề, chuyên sâu, phân tích, bình luận, phóng sự, điều tra... đang được dư luận xã hội quan tâm.

Thứ ba, trong khâu phân phối các sản phẩm báo chí đến độc giả nên chú ý đến sự liên kết giữa các loại hình báo chí (quảng bá cho nhau) và tạo điều kiện thuận lợi để công chúng dễ dàng tiếp nhận được thông tin trên các sản phẩm báo chí.

Đối với báo in, bên cạnh việc phát hành theo kế hoạch, cần tổ chức các điểm bán báo lẻ tại các điểm bưu điện thành phố, thị xã, thị trấn và các sạp bán báo trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, theo dõi và xử lý thông tin phản hồi từ các sản phẩm báo chí trong mô hình tòa soạn tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình là công đoạn hết sức quan trọng, bởi thông qua công đoạn này, tòa soạn có thể nhận được những thông tin phản hồi để đưa ra những điều chỉnh và kế hoạch xuất bản tiếp theo cho các ấn phẩm. Thông tin phản hồi có thể được tiếp nhận qua kênh bạn đọc, qua mạng xã hội, qua điện thoại, email và qua mục bình luận dưới mỗi tin bài./.

Ngô Quang Tự

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top