
Báo Đảng đồng bằng sông Cửu Long:
Tổ chức, khai thác thông tin từ công chúng
-
Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm,
năng động của nước ta. Hiện nay, các cơ quan báo Đảng của ĐBSCL
đều tích hợp theo xu hướng đa phương tiện, vừa có phiên bản báo in
và báo điện tử.
Cộng tác viên là lực lượng quan trọng ở mỗi cơ quan báo chí. Ảnh minh họa
Cộng tác viên - lực lượng thứ hai
Bức tranh hoạt động báo chí ở ĐBSCL như tên gọi của nó, luôn sôi động, đội ngũ phóng viên, nhà báo thường xuyên được các tòa soạn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị để đáp ứng yêu cầu làm báo trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại.
Người dân ngày càng có điều kiện tiếp cận thông tin từ các phương tiện truyền thông tốt hơn, đồng thời có sự tương tác mạnh mẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Trước vấn đề đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi cách tổ chức, khai thác và tiếp nhận thông tin từ công chúng. Thay vì thông tin bằng thư qua đường bưu điện như trước kia, ngày nay họ có thể sử dụng tin nhắn điện thoại, email, điện thoại đường dây nóng, qua MXH hoặc chính họ sẽ thực hiện các đoạn ghi âm, clip và hình ảnh của sự kiện vừa xảy ra để cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau nhận định: “Báo thường xuyên tổ chức, khai thác và nhận được thông tin từ công chúng cung cấp qua các hình thức: gửi thư, email và điện thoại qua đường dây nóng. Từ các thông tin này, tòa soạn phân công phóng viên tiến hành thực hiện nhiệm vụ xác minh, điều tra và xây dựng thành tác phẩm báo chí. Tỷ lệ phát triển thành tin, bài từ thông tin công chúng đạt trên 60%. Tác phẩm báo chí được phát triển từ thông tin công chúng thường mang màu sắc của điều tra và được đông đảo độc giả quan tâm”. Làm tốt công tác này, sẽ nâng cao vai trò của báo chí trong các vấn đề xã hội, thâm nhập, gần gũi nhân dân, nói lên tiếng nói và hơi thở của nhân dân qua mỗi tác phẩm và sản phẩm báo chí.
Công tác tổ chức đội ngũ cộng tác viên (CTV) vừa mạnh, vừa đa dạng để thông tin trên báo phong phú về đề tài, hấp dẩn về nội dung, hình ảnh là một trong nhiều tiêu chí các báo đang hướng đến trong xu thế báo chí hiện đại như ngày nay.
Do đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí và người làm báo phải hết sức quan tâm công tác tổ chức đội ngũ CTV cho tòa soạn. Đồng thời phải nâng cao kỹ năng tổ chức khai thác, nguồn tin do công chúng cung cấp. Đó là những mảnh ghép trong đời sống thông tin báo chí. Bởi, xã hội luôn vận động và các vấn đề, sự kiện báo chí luôn xảy ra.
Hầu hết các tòa soạn báo đều xem CTV là bộ phận quan trọng cấu thành chuỗi giá trị đa dạng thông tin cho mỗi trang báo, kỳ báo. Đồng thời, mỗi tòa soạn đều có những phương thức tiếp nhận và xử lý thông tin từ công chúng. Tần suất sử dụng tin, bài từ CTV có thể chiếm ưu thế đến 50% lượng tin bài trong số báo.
Bà Ngô Thị Thùy Trâm, Trưởng phòng Biên tập Báo Cà Mau cho biết: “Báo Cà Mau rất coi trọng những thông tin bạn đọc gởi đến báo. Hiện tại, tính trên mỗi số báo, lượng tin, bài của CTV được sử dụng chiếm trên 40%, còn lại là của phóng viên tại Tòa soạn. Qua đó có thể thấy, vai trò quan trọng của đội ngũ này đối với hoạt động của Báo Cà Mau”.
Các nhà báo cũng đã cho ý kiến đánh giá về chất lượng nguồn tin nhận được để triển khai thành tác phẩm báo chí. Về xử lý, khai thác thông tin từ công chúng. “Đối với báo Vĩnh Long, mỗi tuần có 4/5 số báo có trang thông tin bạn đọc - công dân chiếm (80% tần suất trong 5 số báo của tuần). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Báo Đồng Tháp nhận hơn 10.00 tin, bài của độc giả, CTV gửi cộng tác. Trong số đó có khoảng 80% bảo đảm chất lượng thông tin, 20% còn lại tòa soạn tiếp tục cử phóng viên điều tra thông tin.
Báo Cà Mau đang có xu hướng phát triển những đề tài điều tra từ nguồn tin công chúng gửi đến. Trung bình, mỗi tháng báo có ít nhất 20 bài viết thuộc thể loại này. Chiếm khoảng 5% bài viết của 1 số báo phát hành. Việc này đang cho thấy bước phát triển mạnh về sự tương tác giữa tòa soạn báo và bạn đọc.
Nguồn thông tin từ CTV là nguồn thông tin đa chiều, phản ánh hơi thở cuộc sống trong từng thời điểm nhất định. Xác định được tầm quan trọng đó, các tòa soạn luôn chú trọng việc xây dựng và tổ chức mạng lưới CTV. Trước hết là thành lập tổ CTV ở các huyện, thành phố. Mỗi tổ được cơ cấu các thành phần gồm Đài truyền thanh, Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy. Tổ CTV có nhiệm vụ phối hợp với phóng viên phụ trách các địa bàn xây dựng và thực hiện các chuyên trang huyện, thành phố trên báo theo định kỳ được ký kết.
Tác phẩm báo chí được phát triển từ thông tin công chúng thường mang màu sắc của điều tra và được đông đảo độc giả quan tâm. Ảnh minh họa
Tăng cường tổ chức khai thác thông tin
Việc tổ chức, khai thác thông tin phải chú ý đến tính đầy đủ của thông tin. Không thể khai thác, thu thập thông tin có hiệu quả dựa trên thông tin một chiều, thông tin chưa đầy đủ. Việc bảo đảm chất lượng nguồn thông tin sẽ bảo đảm cho quá trình tổ chức thu thập thông tin có hiệu quả, nhận diện được bản chất của sự việc và đưa ra quyết định đúng đắn.
Để có thông tin tốt, ngoài các yếu tố khách quan cũng cần bảo đảm các điều kiện khác như tổ chức thông tin của tòa soạn. Theo đó, người sở hữu thông tin (tòa soạn), chịu trách nhiệm về một mục cụ thể cũng như tính chính xác, sẵn sàng để sử dụng và bảo mật của thông tin.
Rõ ràng, việc tổ chức thông tin khoa học sẽ khai thác được thông tin hiệu quả. Thông qua quản trị có hiệu quả nguồn thông tin và hệ thống thông tin của tòa soạn, các nhà quản lý trong tòa soạn có thể làm tăng thêm giá trị cho các dịch vụ cung cấp tới công chúng; giảm thiểu rủi ro trong hoạt động; giảm chi phí trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ thông tin; khuyến khích đổi mới quá trình hoạt động trong nội bộ và cung cấp dịch vụ cho bên ngoài.
Bảo đảm các hoạt động của quá trình tổ chức, quản trị thông tin sẽ giúp nhà quản lý (tòa soạn) đạt được các yếu tố khác như: phân tích hoạt động; xác định nhu cầu thông tin; xây dựng kho lưu trữ thông tin; xác định các thông tin thừa và thiếu; duy trì và phát triển nội dung thông tin; xác định chi phí và giá trị các thông tin của tổ chức; ghi chú và sắp xếp các kỹ năng chuyên môn; khai thác tiềm năng của thông tin trong tổ chức.
Ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí trong đời sống xã hội ngày càng được nâng lên. Báo chí trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Ở một khía cạnh nào đó, báo chí còn tham gia vào tiến trình lịch sử thời đại. Chính vì vậy, báo chí cùng lúc tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội, nhiều lĩnh vực; tạo hiệu ứng to lớn trong xã hội, nên mỗi phóng viên qua tác phẩm báo chí phải nhận thức sâu sắc từng hành vi ứng xử, cân nhắc từng con chữ và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội từ tin, bài của mình.
Chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo khi khai thác và xử lý nguồn tin, xã hội phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và kinh phí để khắc phục hậu quả. Cùng đưa tin về một sự việc, nhưng phóng viên có đạo đức nghề nghiệp sẽ đặt lợi ích của số đông, của công chúng, nhân dân lên trên hết.
Cần xác định tin tức thật giữa biển thông tin rối rắm?
Về xử lý nguồn tin, không nói về những thao tác kỹ thuật, mà ở góc độ đạo đức nghề nghiệp, thiết nghĩ, nếu nhà báo đã say mê, tâm huyết với nghề, lăn xả với những chuyến đi thực tế, thì họ sẽ hiểu thấu đáo vấn đề và tác phẩm của họ sẽ “mang hơi thở cuộc sống”. Công chúng báo chí thường rất đa dạng, nên nội dung phản ánh, cung cấp cho báo chí cũng sẽ phong phú, đa dạng nhiều lĩnh vực. Do đó, khi tiếp nhận thông tin, cần có sự phân công nhân sự thực hiện bảo đảm đủ các yếu tố: khả năng, đạo đức, trình độ,... và cả uy tín nghề báo.
Các báo đã làm tốt công tác tổ chức đội ngũ CTV và tổ chức khai thác thông tin từ công chúng cung cấp, tuy nhiên vẫn còn không ít hạn chế. Do đó, các tòa soạn cần có kế hoạch và giải pháp tích cực cùng với quyết tâm thực hiện tốt vai trò tổ chức tòa soạn, tổ chức CTV và bố trí nhân sự.
Song, muốn làm tốt công tác tổ chức, khai thác nguồn tin do công chúng cung cấp ở tòa soạn báo Đảng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài sự nỗ lực của người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí cần có sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả về công tác quản lý Nhà nước về báo chí ở địa phương. Rất cần sự quan tâm về cơ chế thoáng và nguồn kinh phí cho báo chí tương xứng với quy mô, nhu cầu phát triển của cơ quan báo Đảng, từng bước đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng./.
Lê Phong Phú

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
