Tổ chức chuyên trang du lịch trên báo điện tử Đồng bằng sông Cửu Long

Nội dung chuyên biệt trên báo chí là một trong những xu hướng được độc giả tìm kiếm, các chuyên trang ra đời đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Tổ chức chuyên trang trên báo điện tử sẽ giúp người đọc dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và theo dõi thông tin một cách có chiều sâu, trọng điểm về những vấn đề quan tâm. Vì thế, tổ chức chuyên trang du lịch trên báo điện tử sẽ hướng người đọc đến những thông tin và các vấn đề đang diễn ra trong lĩnh vực du lịch.

Bài viết nghiên cứu các báo điện tử khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức chuyên trang du lịch trong thời gian qua, đề xuất một số giải pháp phù hợp với thực tiễn hiện nay

Vấn đề tổ chức chuyên trang

Du lịch là một trong những ngành có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Ngành du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển theo từng thời kỳ. Gắn liền với quá trình phát triển du lịch, vai trò của báo chí truyền thông luôn được đề cao. Hiện nay, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng đa dạng và nâng cao, nhất là các thông tin có tính chất chuyên sâu.

Nắm bắt xu thế này, nhiều cơ quan báo chí đã cho ra mắt các chuyên trang hướng đến các đối tượng công chúng mục tiêu. Chuyên trang du lịch được xem là xu thế phù hợp với nhiều đối tượng công chúng, cũng như sự thích ứng công nghệ linh hoạt giữa báo chí truyền thông và du lịch, bởi hai ngành đều yêu cầu sự năng động và luôn đổi mới.

Trong Quyết định số 44/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 9/1/2019 phê duyệt Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch” đến năm 2025 nhấn mạnh: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bản tin, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch; bảo đảm du lịch là một trong những nội dung thường xuyên, liên tục của các cơ quan thông tin đại chúng. Tổ chức chuyên trang là hệ thống biên tập, tổ chức các tin, bài trong chuyên trang của báo chí để mang đến cho người đọc tính chất chuyên sâu về một vấn đề hay chủ đề nào đó. Tổ chức chuyên trang du lịch trên báo điện tử đồng bằng sông Cửu Long là hoạt động tổ chức thông tin báo chí, cụ thể ở đây là mảng thông tin về lĩnh vực du lịch ở các báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hoạt động tổ chức chuyên trang du lịch trên báo điện tử Đồng bằng sông Cửu Long gồm các yếu tố: Tổ chức phân công nhiệm vụ cho nhân sự và tổ chức sản xuất nội dung cho các chuyên trang. Dựa trên cơ cấu tổ chức ở các cơ quan báo chí có thể xác định các điều kiện để tổ chức chuyên trang du lịch trên báo điện tử, đó là: Tổ chức nhân sự, tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và tài chính. Quy trình tổ chức chuyên trang du lịch trên báo điện tử có các bước: Xác định nội dung, kế hoạch tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện tin, bài và phân công nhiệm vụ người tham gia tổ chức chuyên trang du lịch, sáng tạo tác phẩm, tổ chức duyệt nội dung, xuất bản lên mạng Internet.

Tổ chức các chuyên trang trên báo điện tử Đồng bằng sông Cửu Long tạo sự đa dạng nội dung thông tin cho tờ báo, đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin chuyên biệt, chuyên sâu của công chúng. Hệ thống tin, bài ở chuyên trang, chuyên mục du lịch của các báo điện tử địa phương đang ngày càng đa dạng hóa nội dung và hình thức; xuất hiện nhiều sản phẩm mới tích hợp đa phương tiện, đáp ứng các nhu cầu của đông đảo bạn đọc, như các phóng sự ảnh chèn clip. Các tin bài cũng ngắn gọn, súc tích và nhiều hình ảnh hơn, trong đó các tin bài vừa có ảnh vừa có audio, video… ngày càng được đầu tư và chất lượng hơn.

Một số cơ quan báo chí đã xây dựng quy trình sản xuất tác phẩm báo chí thích hợp trong quá trình chuyển đổi sang báo điện tử. Trên cơ sở đó, quy trình tổ chức chuyên trang du lịch cũng chịu tác động và thích ứng theo mô hình mới của các cơ quan báo chí. Quy trình trở nên đơn giản, linh động hơn giúp hoạt động tổ chức chuyên trang du lịch hiệu quả hơn.

Các chuyên trang về du lịch là một trong những phương thức tuyên truyền đặc biệt quan trọng với những vấn đề và hoạt động du lịch ở các địa phương. Nội dung thông tin ở các chuyên trang du lịch hữu ích và thiết thực với công chúng, giúp công chúng nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời các chuyên trang đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động du lịch tại địa phương.

Báo Cần Thơ online

Một số vấn đề đặt ra

Dù mảng du lịch được các báo địa phương quan tâm, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng nhưng hoạt động tổ chức các chuyên trang, chuyên mục vẫn còn hạn chế:

Thứ nhất, cách quản lý, điều hành hoạt động báo điện tử của các báo địa phương vẫn còn nhiều bất cập, thiếu bài bản và chưa chuyên nghiệp, dẫn đến việc tổ chức các chuyên trang, chuyên mục còn chồng chéo, nhiều khâu. Một phần vì chưa phân tách rạch ròi giữa bộ phận báo in và báo điện tử.

Qua khảo sát ở các báo: Cần Thơ Online, An Giang Online và Đồng Khởi Online có thể thấy, mảng du lịch ở các báo được phân công ở các phòng khác nhau. Đặc điểm chung của các báo điện tử ở Đồng bằng sông Cửu Long chính là một bộ phận tách ra từ báo in, do đó quy trình tổ chức các sản phẩm báo chí vẫn còn nhiều khâu, thiếu linh hoạt. Tin bài thường cập nhật chậm.

Hiện nay, quy trình tổ chức tin bài ở các báo điện tử Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải trải qua ít nhất 4 khâu. Quy trình này tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổ chức các chuyên trang, chuyên mục vì các phòng chuyên môn phải có sự phối hợp trong quá trình tổ chức và sản xuất các tác phẩm báo chí.

Báo An Giang online

Thứ hai, tin bài trên các chuyên trang, chuyên mục du lịch vẫn còn nặng tính tuyên truyền và thường “đóng khung” giới hạn thông tin. Nội dung trên các chuyên trang dù có sự đa dạng nhưng sự thể hiện vẫn theo lối mòn. Các bài viết có nội dung text (chữ) nhiều, ít hình ảnh. Trong khi xu hướng báo điện tử hiện nay đều hướng đến các bài viết sử dụng đa phương tiện, ít chữ.

Thứ ba, đội ngũ làm báo điện tử còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao. Hầu hết các báo cũng tận dụng nguồn nhân lực có sẵn từ báo in để chuyển sang làm báo điện tử. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, các phóng viên và cả bộ phận quản lý vẫn chưa thích ứng với tư duy làm báo điện tử, đi theo lối mòn, khuôn mẫu làm báo in.

Thêm vào đó, nhân sự mảng du lịch ở các báo địa phương hiện nay rất mỏng, chỉ có 1-2 phóng viên phụ trách và thường kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở các chuyên mục khác. Do đó, việc tổ chức sản xuất sản phẩm báo điện tử đều không đạt như yêu cầu.

Thứ tư, các chủ trương, chính sách về tuyên truyền du lịch ở các tỉnh, thành chưa nhất quán. Trong khi một số tỉnh, thành có chủ trương rõ ràng về việc hỗ trợ tuyên truyền du lịch trên báo chí địa phương, tạo điều kiện để các báo xây dựng chuyên trang về du lịch, một số tỉnh vẫn chưa có. Điều này tác động ít nhiều đến việc cải tiến, đổi mới các trang mục, tin bài về du lịch trên các báo.

Thứ năm, kỹ năng làm báo đa phương tiện của các phóng viên, biên tập viên không đồng đều. Phần lớn khi các phóng viên, biên tập viên chuyển đổi làm báo điện tử đều tham gia các khóa tập huấn về làm báo đa phương tiện, tuy nhiên việc ứng dụng các kỹ năng này vào thực tế không nhiều. Một bộ phận ngại thay đổi, làm mới sản phẩm, do chưa thay đổi tư duy làm báo, chưa thích ứng với các phương tiện kỹ thuật mới.

Mặc khác, việc đầu tư cho các thiết bị điện tử (phóng viên, biên tập viên thường tự trang bị) tốn nhiều kinh phí khiến không ít phóng viên, biên tập viên chưa mạnh dạn đầu tư cho các sản phẩm đa phương tiện. Do đó, tỉ lệ các bài báo có sử dụng đa phương tiện ở các báo vẫn còn ít và chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng.

Báo Đồng Khởi online

Đi tìm giải pháp

Ngày nay, công chúng đọc báo không chỉ dừng ở việc tiếp nhận thông tin mà còn phản hồi và tham gia vào quá trình sản xuất thông tin. Vì thế, thách thức đặt ra cho các cơ quan báo chí hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại mà còn hình thành được bản sắc riêng của tờ báo. Lợi thế của chuyên trang du lịch là tiếp cận đa dạng các đối tượng công chúng, dễ mở rộng phạm vi tác động, có thể gợi ý một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, đổi mới công tác quản lý, tổ chức và thực hiện các chuyên trang, chuyên mục du lịch. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của các chuyên trang. Với định hướng, chiến lược và điều hành tốt, các chuyên trang du lịch của các báo mới phát huy và tiếp cận công chúng nhanh, hiệu quả. Cải tiến công tác quản lý, điều hành cần được đồng bộ và rõ ràng, nhất quán giữa các bộ phận.

Các báo điện tử địa phương cần điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tổ chức theo định hướng tòa soạn hội tụ. Với cơ cấu tổ chức phòng, ban như hiện nay tại các báo địa phương tạo ra nhiều bất cập, chồng chéo trong quản lý và điều hành. Điều đó tác động trực tiếp đến các khâu tổ chức sản xuất tác phẩm báo chí. Bộ phận báo điện tử chỉ là một thành phần trong cấu trúc tổ chức chung của quá trình quản lý và điều hành.

Do đó, vai trò và chức năng hoạt động của thành phần này chưa phát huy hết hiệu quả, vẫn bị động trong quá trình tổ chức và sản xuất tác phẩm báo chí. Bộ phận báo điện tử chỉ được xem như là nơi để xử lý các khâu kỹ thuật trong báo điện tử, chưa thật sự chủ động trong việc điều hành để tạo ra những sản phẩm bản sắc riêng. Để có các sản phẩm riêng, đa phương tiện, bộ phận báo điện tử thường phải phối hợp với các phòng, ban khác, khi muốn các phóng viên thực hiện sản phẩm.

Điều này gây khó cho khâu quản lý và điều hành, bởi các phòng, ban không phải lúc nào cũng cho phép phóng viên phòng mình làm việc cùng phòng khác. Do đó, việc xây dựng chuyển đổi và xây dựng theo mô hình tòa soạn hội tụ cho phù hợp khi các cơ quan báo chí muốn chuyển đổi làm theo hình thức đa phương tiện, đa nền tảng. Khi đó sẽ có những bộ phận quản lý, chỉ đạo và điều hành chung giúp quá trình tổ chức diễn ra nhịp nhàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Như vậy, việc tổ chức chuyên trang du lịch cũng linh hoạt và tập trung hiệu quả hơn. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các phòng, ban là điều cần làm hiện nay ở các báo địa phương, nhất là trong quá trình chuyển đổi, đẩy mạnh phát triển báo điện tử. Hiện nay, các báo đều áp dụng theo mô hình tòa soạn hai phiên bản và quy trình tổ chức cũng phân nhánh hai phiên bản: báo in và báo điện tử. Như vậy cần sự phối hợp quy trình giữa báo in và báo điện tử, giữa các phòng ban để việc quản lý, điều hành chỉ đạo phát huy hiệu quả.

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long phát triển cũng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các báo Đảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, đổi mới nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trong các chuyên trang, chuyên mục về du lịch. Đổi mới nội dung không có nghĩa là phải thay đổi lại toàn bộ nội dung cũ bằng nội dung mới, thay vào đó, Ban biên tập và phóng viên phụ trách mảng phải biết điều chỉnh và cân bằng hợp lý giữa các vấn đề mà độc giả quan tâm.

Công chúng quan tâm đến vấn đề nào thì chuyên trang, chuyên mục đáp ứng nhu cầu đó. Đồng thời, cũng phải phát hiện thêm nhiều vấn đề khác cho phong phú và phạm vi phản ánh sâu, rộng của chuyên trang, chuyên mục. Cụ thể, nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí về du lịch thông qua các bài viết chuyên sâu, trải nghiệm nhiều hơn. Các bài viết ngắn gọn, súc tích hơn, thể hiện đa dạng hơn, như phóng sự, ký sự, du ký…

Qua đó, để thông tin trên chuyên trang du lịch được hấp dẫn, đa dạng các báo địa phương cần cân nhắc mở thêm các chuyên mục để bạn đọc có thể tương tác, như: hành trình trải nghiệm, góc ảnh đẹp du lịch, câu chuyện du lịch, góc review… Mạnh dạn thử nghiệm các loại hình sản phẩm báo mới, như: longform, megastory… trong hệ thống tin bài về du lịch. Lợi thế của mảng du lịch chính là được các báo địa phương tạo mọi điều kiện ứng dụng các loại hình đa phương tiện, cũng là lĩnh vực dễ có hình ảnh, video đẹp.

Thứ ba, xây dựng một số chính sách cụ thể phù hợp với thực tế địa phương. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho việc tuyên truyền thông tin du lịch ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa nhất quán, do đó việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục du lịch ở các báo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính.

Nguồn kinh phí để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục du lịch là không có, các báo phải tự cân đối tài chính, tự tìm nguồn xã hội hóa, kinh tế báo chí để duy trì các chuyên trang, chuyên mục về du lịch. Do đó, cần thiết phải có một số chính sách tạo điều kiện để cho việc tuyên truyền thông tin du lịch phát huy hiệu quả. Xây dựng các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các nhà báo có những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền về du lịch.

Thứ tư, thay đổi phương thức tiếp cận công chúng. Công chúng là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các tờ báo. Đối với báo điện tử địa phương việc thu hút công chúng luôn là vấn đề nan giải. Do đó cần phải có những phương thức tiếp cận phù hợp. Cụ thể, xây dựng các mạng lưới liên kết website giữa các đơn vị. Trên cơ sở hỗ trợ và quảng bá thông tin cho nhau giữa các đơn vị báo chí có thể kết nối để sử dụng dữ liệu nguồn. Xây dựng kế hoạch phối hợp về tuyên truyền du lịch giữa ngành chức năng và cơ quan báo chí địa phương.

Phát triển nội dung theo nhiều loại ngôn ngữ. Hiện Báo Cần Thơ có 3 định dạng ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer, trong đó du lịch cũng được ưu tiên thể hiện qua các ngôn ngữ này, góp phần tiếp cận công chúng tiềm năng. Du lịch vốn cũng góp phần quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của đất nước đến quốc tế nên có thêm các phiên bản về ngôn ngữ cũng tạo thêm sức hút với công chúng. Xây dựng các kênh xã hội do báo quản lý. Các kênh có thể được xây dựng dưới hình fanpage hay các diễn đàn, hoặc có thể tập trung ở một số chuyên mục phù hợp theo từng đối tượng công chúng.

Thứ năm, đầu tư cho nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình hoạt động của các cơ quan báo chí. Mỗi phóng viên, biên tập viên luôn phải nâng cao năng lực và trình độ nghiệp vụ cũng như kiến thức về vấn đề lĩnh vực du lịch, có như vậy mới bám sát chủ đề mà mình phụ trách. Ban biên tập, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn cần chủ động lập kế hoạch đào tạo, đề xuất các biện pháp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch cho lực lượng phóng viên phụ trách. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực của mỗi phóng viên trong hoạt động tác nghiệp và sáng tạo tác phẩm báo chí./.

LỮ KIỀU MAI

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top