
Tin xấu về Deaura biến mất trên Google: "Chiêu bẩn" trong truyền thông!
Hàng loạt bài viết phản ánh việc kinh doanh "mờ ám" của Công ty TNHH Deaura nay đổi tên thành Venesa trên nhiều tờ báo, trang mạng đã biến mất khỏi công cụ tìm kiếm Google.
Email từ Google Search Console thông báo rằng nội dung bài viết về Deaura trên một trang mạng đã bị cáo buộc vi phạm bản quyền của người khác dù toàn bộ nội dung bài viết đều do phóng viên tác nghiệp và tự sản xuất.
Report bài báo khi bị "bóc phốt"
Mới đây, chúng tôi đã nhận được phản ánh từ không ít người phụ trách kỹ thuật của một số tờ báo điện tử và các trang mạng xã hội về việc liên tục nhận được email từ Google cho rằng những bài viết liên quan đến Công ty TNHH Deaura (nay là Công ty TNHH Venesa) bị cáo buộc là vi phạm bản quyền và sẽ bị xóa khỏi kết quả tìm kiếm trên Google Search, với nội dung cụ thể như sau: "Google đã được thông báo, theo các điều khoản của Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA), rằng một số tài liệu trên trang web của bạn bị cáo buộc vi phạm bản quyền của người khác. Chúng tôi sẽ xóa các tài liệu bị cáo buộc là bất hợp pháp khỏi kết quả của Google Tìm kiếm".
Đáng chú ý, tất cả những bài viết bị báo cáo vi phạm bản quyền đều có nội dung vạch trần những sai phạm, cách kinh doanh thiếu uy tín, mập mờ trong giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Công ty TNHH Deaura (nay là Công ty TNHH Venesa) khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại và rủi ro về kinh tế. Điều bất ngờ là người đứng tên cáo buộc bài báo trên vi phạm bản quyền lại là một công ty về truyền thông chứ không phải một tờ báo hay trang mạng nào cả.
Đại diện một tờ báo điện tử cho biết: "Việc bị report DMCA bất thường không chỉ ảnh hưởng đến bài viết mà còn ảnh hưởng đến uy tín của trang báo đối với độc giả, làm mất đi quyền lợi, nhu cầu tiếp cận thông tin đa chiều của người dân. Ngoài ra, còn gây ảnh hưởng đến sự đánh giá của Google đối với trang báo. Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên những bài báo viết về Deaura (nay là Venesa) của chúng tôi bị report một cách mờ ám".
Một công ty truyền thông báo cáo DMCA - bản quyền kỹ thuật số về một bài viết với nội dung phản ánh những sai phạm của Công ty TNHH Deaura (nay là Venesa) - (Ảnh: Chụp màn hình).
"Tôi cũng khuyến khích bộ phận kỹ thuật của những tờ báo điện tử, trang mạng xã hội khác nên thử tìm kiếm nội dung bài viết về Deaura của mình trên công cụ tìm kiếm Google xem có hiển thị ở trang kết quả tìm kiếm hay không? Nếu không, rất có thể chính tờ báo, trang mạng đó cũng đã bị "âm thầm" báo cáo vi phạm bản quyền kỹ thuật số các nội dung liên quan về Deaura".
Mặc dù chưa biết rõ mục đích của những người báo cáo bài viết liên quan đến Deaura vi phạm bản quyền là ai, song vị đại diện tờ báo này khẳng định, việc bị report sẽ khiến những bài báo này đều không thể hiển thị trên công cụ tìm kiếm của Google.
Từ đó khi khách hàng tìm kiếm thông tin về hãng mỹ phẩm này sẽ chỉ thấy những thông tin tốt đẹp được tô vẽ bằng những bài quảng cáo mà không thể tham khảo được những thông tin đa chiều, không tìm hiểu kỹ dẫn đến việc bị thiệt hại cho bản thân.
Trao đổi với chúng tôi một chuyên gia phụ trách vấn đề an ninh mạng của công ty BKAV cho biết: "Thủ thuật report không lạ lẫm gì đối với người sử dụng mạng hay truyền thông. Đây là thủ thuật có ưu điểm nhưng cũng mang nhiều nhược điểm".
Vị chuyên gia nhìn nhận, report là công cụ được Facebook hoặc Google tạo ra để người dùng thông báo cáo về một nội dung xấu hoặc spam trên Fanpage (đối với Facebook) hoặc một bài viết trên trang web (Google). Cách sử dụng thủ thuật này rất đơn giản, chỉ cần có máy tính và biết tiếng Anh là có thể làm.
"Nếu những người tốt sử dụng thủ thuật này để đưa ra cảnh báo đúng thì không sao, nhưng những kẻ xấu thì sẽ lợi dụng để làm ảnh hưởng uy tín một trang web đối với Google hay Fanpage đối với Facebook. Ví dụ, như bài báo về Deaura nói trên, khi bị report DMCA thì Google sẽ xóa bài viết đó khỏi kết quả tìm kiếm. Từ đó độc giả không thể biết về việc làm ăn "bất thường" của doanh nghiệp này thông qua bài báo...", vị chuyên gia nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc một bài báo điện tử "bóc phốt" làm ăn của doanh nghiệp sau khi đăng tải bị report DMCA trên Google cũng không phải điều lạ lẫm. Nhất là bài báo "vạch trần" cách kinh doanh "mờ ám" của những doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, thời trang spa vốn được nhiều người tìm hiểu thông qua mạng xã hội và công cụ tìm kiếm Google thì càng là điều dễ hiểu khi các doanh nghiệp không muốn người dùng biết tới tiếng xấu của mình.
Điều "lạ kì" là không chỉ các tờ báo điện tử mà chính một phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam được phát sóng trên VTV1 trong chương trình Chống buôn lậu, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng vào ngày 07/5/2018 cũng đã đưa tin về Công ty Deaura với những phản ánh cách kinh doanh của Deaura nhập nhèm mối quan hệ giữa doanh nghiệp bán hàng và ngân hàng, khách hàng người luôn chịu thiệt thòi và gánh rủi ro trong những hợp đồng tín dụng nhập nhằng cũng đã biến mất đầy "bí ẩn" trên Youtube (kênh chia sẻ video lớn nhất thế giới).
Khán giả chỉ có thể xem lại nội dung phóng sự phản ánh về cách kinh doanh đầy "tai tiếng" của Deaura khi truy cập vào website chính thức của Đài truyền hình Việt Nam, trong khi các phóng sự của chương trình Chống buôn lậu, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng khác vẫn xuất hiện bình thường trên Youtube.
Không chỉ tại Việt Nam, mà trên thế giới mỹ phẩm Deaura cũng bị nhiều người đánh giá là vô cùng tệ hại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu việc report các bài báo dám "vạch trần" cách kinh doanh "thiếu đạo đức" trên có liên quan đến Công ty Deaura thì tức là đồng nghĩa với sự bất lực của Deaura trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện uy tín thương hiệu.
Bởi nếu là doanh nghiệp làm ăn chân chính thì thay vì đầu tư công sức vào việc report hình ảnh xấu của mình thì sẽ không ngần ngại tiếp thu những phản ánh "tiêu cực" để từ đó nhìn nhận lại thiếu sót, đầu tư nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, cũng có chuyên gia thương hiệu nhận định không tránh được trường hợp có thể một đơn vị, cá nhân nào đó cố tình tạo ra sự việc trên để Venesa "mang tiếng oan"?
Deaura đổi tên liên tục để "né" tiếng xấu?
Trước đó, thông tin về việc Công ty TNHH Deaura đổi tên thành Công ty TNHH Venesa đã khiến nhiều người bất ngờ.
Đặc biệt, theo phản ánh của báo chí chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm (từ 11/12/2014 đến ngày 5/3/2018) công ty Công ty TNHH Deaura đã đăng ký thay đổi đến 8 lần (trung bình 5 tháng đổi tên 1 lần), khiến dư luận băn khoăn.
Đáng nói hơn, trước khi “thay tên đổi họ” thì công ty này đã liên tục “dính phốt”, bị khách hàng và báo chí vạch trần chiêu làm ăn “mờ ám” khi đưa khách hàng từ “thượng đế” trở thành con nợ. Bên cạnh đó, là những nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, chính sách đổi trả không minh bạch đã từng bị khách hàng khiến kiện rất nhiều.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong kinh doanh việc xây dựng tên tuổi và thương hiệu là rất quan trọng, nó quyết định đến thành bại của cả công ty.
“Thị trường ăn nhau ở thương hiệu, tên tuổi công ty. Tên công ty cũng như thương hiệu là quyết định đến việc sinh lời, việc tiêu thụ hàng hóa, hiệu quả kinh doanh… ”, TS Kiêm phân tích. Vị chuyên gia này cũng nhận định, việc một doanh nghiệp mà thay đổi tên, đăng ký kinh doanh liên tục hẳn sẽ có vấn đề
TS. Cao Sỹ Kiêm.
“Các doanh nghiệp chân chính thì họ phải giữ gìn thương hiệu. Thậm chí phải mất tiền bạc, thời gian, đời này qua đời khác để xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết đến. Do đó việc thay đổi liên tục như đã nói ở trên hẳn có gì mờ ám. Có thể do thương hiệu cũ, tên cũ không được đẹp nhưng cũng có thể việc thay đổi để lừa lọc, buôn bán hàng hóa kém chất lượng để lừa đảo khách hàng…”, ông Kiêm đặt nghi ngờ.
Ngoài ra vị chuyên gia này cho rằng, trong cơ chế thị trường thì việc chuyển đổi, thay đổi tên tuổi là có nhưng việc thay đổi nhiều lần như Công ty TNHH Deaura thì cơ quan chức năng phải kiểm tra, cân nhắc không sẽ mang hệ lụy đến cho người tiêu dùng.
Cùng nhận định chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nghi ngờ rằng: “Đây là việc không bình thường. Trong trường hợp thay đổi liên tục như thế này thì bất thường, có uẩn khúc gì đó”.
Vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề rằng vì sao cơ quan chức năng lại liên tục cho một công ty thay đổi tên đến 8 lần trong vòng 4 năm như đã nói ở trên. Bởi với một đơn vị kinh doanh chân chính thì tên tuổi và thương hiệu là điều không dễ dàng từ bỏ.
Liên quan đến hoạt động "mờ ám" của của doanh nghiệp này, nhiều người sẽ rõ khi chỉ cần tìm kiếm Google hoặc Faceboook với từ khóa mỹ phẩm Deaura sẽ dễ dàng bắt gặp những thông tin “đen” về công ty này.
Như việc khách hàng tố về chất lượng sản phẩm hay việc công ty này biến khách hàng trở thành con nợ với những chiêu “độc” chẳng ở đâu có. Tiêu biểu như việc một số nữ khách hàng sau khi mua sản phẩm nhưng khi đến trả thì lại bị công ty này phạt hàng triệu đồng, đòi hỏi những thủ tục vô lý như giấy chứng nhận dị ứng của bác sĩ, sổ hộ nghèo...
Việc Công ty TNHH Deaura liên tục thay đổi tên công ty, nhất là lần này, sau hàng loạt những kiến nghị của người tiêu dùng khiến dư luận không khỏi hoài nghi, liệu đây có phải là kế “ve sầu thoát xác, bình mới rượu cũ” của doanh nghiệp để nhập nhèm với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng?
Theo Sức khỏe cộng đồng

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
