Quản lý thông điệp về từ thiện trẻ em trên báo điện tử
Trẻ em là đối tượng đặc biệt, cần có quy tắc ứng xử đặc biệt
Mặc dù trẻ em có thể chia ra thành nhiều giai đoạn tuổi khác nhau, như nhi đồng từ 6 tới 11 tuổi, thiếu niên từ 11 tới 15 tuổi; Thanh niên mới lớn từ 15 tới 18 tuổi, tuy nhiên, trong phạm vi nội dung này, tác giả chỉ đề cập đối tượng trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi từ 0 tới 16 tuổi.
Mặt khác, cũng có thể thấy trẻ em ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, thời đại khác nhau, xã hội khác nhau thì được tiếp thu những nền văn hóa khác nhau. Chẳng hạn, trẻ em trong giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 tiếp thu nền văn hóa khác hẳn trẻ em sau cách mạng Tháng Tám, cũng như khác hẳn trẻ em ngày nay. Kết quả là mỗi thời đại lịch sử lại có trẻ em riêng của nó.
Do vậy có thể khẳng định trẻ em rất khác nhau không chỉ về độ tuổi mà còn khác nhau bởi nhiều sự quy định khách quan khác, như thời đại, vị trí địa lý, môi trường văn hoá. Khi nói tới trẻ em phải đặt vào trong thời đại, bối cảnh, độ tuổi cụ thể và phải nhìn trẻ em bằng con mắt biện chứng, không thể lấy quá khứ để làm chuẩn cho trẻ em hiện nay. Không có khái niệm trẻ em chung chung, chỉ có trẻ em ở một thời đại, độ tuổi cụ thể.
Việt Nam là quốc gia đã đầu tư nhiều vào bồi dưỡng năng lực, vận động xã hội để có thể đạt được những mục tiêu mà Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em (Công ước) cũng như Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đã đặt ra rất cụ thể. Việc thực hiện Quyền trẻ em đã trở thành một vấn đề chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đòi hỏi tất cả các cấp ngành, các tầng lớp xã hội, mọi cơ quan, tổ chức trong cả nước đều phải quan tâm.
Tuy nhiên về thực tế, không phải trẻ em nào cũng được đối xử theo đúng những quy tắc trên. Ở nhiều địa phương, nhiều nơi, trẻ em còn là nạn nhân của sự nghèo đói, thất học, bị bóc lột sức lao động, dịch bệnh... Do vậy trong mối quan tâm chung của toàn xã hội về việc bảo vệ quyền cơ bản của trẻ em thì báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc.
Với chức năng cơ bản như thông tin, phản biện, giám sát xã hội, báo chí còn được xem là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến trình thực hiện quyền trẻ em được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả, lan rộng. Việc thông tin về trẻ em trên báo chí góp phần quan trọng để Việt Nam thực hiện các quy tắc trong Công ước.
Trẻ em là đối tượng phản ánh đặc biệt của báo chí. Mảng đề tài về "trẻ em" rất đa dạng, phong phú. Dưới góc độ là đối tượng được phản ánh, trẻ em, bao gồm trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên luôn được lấy làm trung tâm, quyền lợi đặt quyền lợi được đặt lên trước, trong đó có quyền lớn nhất là quyền được sống. Những vấn đề của trẻ em nếu được tiếp cận đúng và kịp thời, báo chí sẽ có được những tác phẩm tốt, có giá trị, có sức lan toả trong cộng đồng, xã hội. Thông tin trên báo chí về trẻ em không chỉ là thông tin phản ánh đơn thuần như những lĩnh vực khác, mà đó còn là vấn đề nhân văn, nhân bản, vấn đề nhân ái giữa người với người trong xã hội.
Thực trạng quản lý thông điệp về từ thiện trẻ em trên báo điện tử và khảo sát trên báo điện tử Dân trí
Theo tác giả, quản lý thông điệp hoạt động từ thiện cho trẻ em trên báo mạng điện tử là sự tác động có chủ đích, có kế hoạch của các chủ thể quản lý báo chí nhằm tổ chức sản xuất, đăng tải các thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em đáp ứng nguyên tắc báo chí, phù hợp thực hiện nhằm bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.
Trong những năm vừa qua, báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc tổ chức thông tin, hoạt động chăm lo hỗ trợ các trẻ em khó khăn, song hành cùng các chính sách của Nhà nước, góp phần đảm bảo Việt Nam thực hiện đúng Công ước quốc tế về trẻ em, đảm bảo Luật trẻ em được thực thi, đảm bảo tối đa quyền của trẻ, tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển toàn diện về mọi mặt.
Tuy nhiên qua phân tích có thể thấy việc quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em trên báo mạng điện tử vẫn còn nhiều góc độ chưa được làm rõ, chưa được luật hoá, báo chí vẫn làm theo thói quen, kinh nghiệm. Việc phân tích làm rõ các vấn đề lý luận, các yếu tố pháp lý trong công tác quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em sẽ giúp báo chí thấy được những tồn tại, hạn chế cũng như ưu nhược điểm khi áp dụng vào thực tiễn, từ đó cải thiện được hoạt động nêu trên.
Khảo sát trên báo Dân trí, tờ báo này ra đời năm 2005, bắt đầu là chuyên trang của báo in Khuyến học & Dân trí (thuộc Hội Khuyến học Việt Nam), sau đó phát triển thành báo điện tử độc lập. Thực hiện theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Chính phủ, từ năm 2020, Báo Dân trí chuyển về trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội. Ban Biên tập và phóng viên, biên tập viên hiện nay của Báo Dân trí hầu hết là lực lượng trẻ, nhiệt huyết. Điểm mạnh của Dân trí là bộ khung của tờ báo gồm những BTV đã có nhiều năm kinh nghiệm làm báo điện tử, bộ phận kỹ thuật và công nghệ rất nhạy bén với yếu tố công nghệ cũng như những trào lưu, xu hướng mới trên thế giới. Có thể nói tất cả những công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay về báo mạng điện tử thì đều hội tụ ở Dân trí.
Báo Dân trí hiện nay có lượng truy cập khoảng trên dưới 100 triệu lượt/tuần. Tờ báo có lượng độc giả rất mạnh ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đồng thời hiện đang phát triển mạnh độc giả ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam. Cũng như những tờ báo điện tử hàng đầu khác, thông tin trên Báo Dân trí trải dài trên trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Slogan của tờ báo là “Nhân văn, nhân bản, nhân ái”. Tờ báo thu hút nhiều độc giả ở nhiều mảng thông tin khác nhau, nhưng “đặc sản” của Báo Dân trí chính là mảng Nhân ái, hoạt động xã hội.
Thực tế, đầu năm 2022 ngay từ khi phải tổ chức hoạt động từ thiện cho trẻ em trong bối cảnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, toàn thể cán bộ, phóng viên tòa soạn đã triển khai tích cực, đồng bộ các hoạt động một cách an toàn, có hiệu quả. Trong việc đồng hành với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động từ thiện cho trẻ em, nhiều thông tin chính xác, tích cực, làm lay động bạn đọc, góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn, tương thân tương ái trong việc thực hiện hoạt động từ thiện cho trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hoạt động từ thiện cho trẻ em được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cao cả thì PV cũng gặp nhiều khó khăn khi phải xác minh nhiều tin tức giả mạo, sai sự thật liên quan đến các hoạt động từ thiện cho trẻ em gắn với các hoàn cảnh khó khăn bởi tin giả, tin không đúng sự thật lan truyền, đặc biệt là trên không gian mạng; Nhiều đối tượng lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi...
Qua khảo sát các chủ thể quản lý trực tiếp là trưởng bộ phận mục "Tấm lòng nhân ái", phóng viên phụ trách mục "Tấm lòng nhân ái", tất cả đều cho rằng một trong những vấn đề khó khăn nhất trong công tác quản lý thông điệp từ thiện cho trẻ em đó là việc xác minh hoàn cảnh nhân vật.
Trên thực tế, việc quản lý nhân lực trong việc sản xuất tin bài từ thiện rất quan trọng. Hầu hết hoàn cảnh, nhân vật đều ở các địa phương vùng xa xôi, các vùng quê. Nhân sự của báo khi tiếp xúc hoàn cảnh thì đồng thời phải liên hệ cả chính quyền địa phương để lấy xác minh thông tin. Nếu công việc không có kế hoạch, không chủ động thì rất khó đạt được hiệu quả.
Quá trình thu thập thông tin từ tháng 1/2022- 6/2022 tại Dân trí cho thấy, riêng chuyên mục "Tấm lòng nhân ái" đã có 527 nội dung của 35 tác giả, 2129 hình ảnh. Tính trung bình, bình mỗi tác phẩm chứa 4,03 ảnh. Cá biệt có bài viết kèm theo tới 18 hình mô tả cảnh đời nghiệt ngã bi đát của nhân vật.
Trong số những bài viết này, có nhiều thông tin cập nhật tình hình sức khoẻ của hoàn cảnh, thông tin cập nhật số tiền nhà hảo tâm chuyển tới. Trong đó, có 244 bài viết dung lượng từ 1.000 tới 2100 từ; 48 nội dung cập nhật danh sách bạn đọc ủng hộ và thông báo kết chuyển trong từng tuần. Các bài kêu gọi đều có mã số từng hoàn cảnh cụ thể. Các nội dung đều hướng tới đối tượng trong diện nguy cấp, cần được sự hỗ trợ khẩn cấp của xã hội, cộng đồng.
Về hình thức đưa tin, các toà soạn đều sử dụng tối đa tính đa phương tiện trên báo điện tử, cùng lúc dùng hình ảnh, video, text, các siêu liên kết văn bản để truyền tải thông điệp tốt nhất, ấn tượng nhất.
Về tiêu đề bài báo: Phần lớn những bài báo đều đã có sự sàng lọc, tóm lược nội dung bài viết để từ đó xây dựng lên tiêu đề sát với nội dung nhất. Cách thức sử dụng ngôn ngữ trong tên tiêu đề bài viết cũng hết sức đa dạng, tạo được sức hút đối với độc giả.
Qua khảo sát, nhiều tít bài sử dụng những từ khoá là tính từ gợi lên niềm thương xót, đồng cảm cho người đọc, như: "đau đớn", "xót xa", "xót thương", "bi đát", "bất hạnh", "khốn cùng"...
Ngoài ra qua khảo sát, thông qua việc truyền đi thông điệp kêu gọi giúp đỡ của toà soạn, trong 100% số bài viết trong diện khảo sát, đối tượng trẻ em đều trực tiếp hoặc gián tiếp được thụ hưởng những nguồn giúp đỡ từ xã hội, các nhà hảo tâm.
Có thể nhóm lại bài viết thành các nhóm tiêu biểu như sau:
Nhóm 1: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động từ thiện cho trẻ em
Nhóm 2: Thông tin về thực trạng tổ chức hoạt động từ thiện cho trẻ em của báo
Nhóm 3: Thông tin về thực trạng tổ chức hoạt động từ thiện cho trẻ em của cả nước
Nhóm 4: Thông tin về các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động từ thiện cho trẻ em
Nhóm 5: Thông tin về hoàn cảnh trẻ em cần được giúp đỡ, hỗ trợ
Việc quản trị thông tin về thông điệp từ thiện trẻ em đã đem lại những thành công nhất định.
Thứ nhất, nội dung đã góp phần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho công chúng về thông điệp từ thiện trẻ em. Với những tin, bài phản ánh thông qua các chuyên mục cố định, phóng viên báo Dân trí đã hỗ trợ rất nhiều cho các gia đình khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thứ hai, bên cạnh việc theo dõi, đưa tin thường xuyên, việc quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em giúp phóng viên các tờ báo khảo sát cũng có những chuyến công tác cứu trợ, kết hợp với việc viết bài phản ánh về công tác hỗ trợ, cứu trợ của các tổ chức cá nhân. Đặc biệt là hoạt động cứu trợ của báo đã tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân, bạn đọc khi ủng hộ người nghèo, người hoạn nạn thông qua báo. Với những chuyến công tác này, phóng viên đã thực hiện song hành hai nhiệm vụ đó là: Tổ chức hoạt động hỗ trợ, từ thiện cho trẻ em và tìm hiểu thông tin, viết bài phản ánh.
Thứ ba, Dân trí đã kết hợp tốt các nguồn lực, đảm bảo an toàn về con người, trang thiết bị hiện đại trong việc phổ biến thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em.
Tuy nhiên khảo sát cũng chỉ ra một số hạn chế:
Thứ nhất, mặc dù đã bố trí phóng viên tác nghiệp tại các điểm nóng liên quan tới thực hiện các hoạt động từ thiện cho trẻ em, tuy nhiên chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, số lượng chưa đủ đông để dàn trải khắp các địa bàn.
Thứ hai, Một thực tế có thể nhận thấy rằng, tất cả những phóng viên của Khối Nhân ái, phụ trách từ thiện cho trẻ em thuộc Báo Dân trí cũng như bất kỳ tờ báo điện tử nào, họ đều không được đào tạo bài bản về chuyên ngành từ thiện cho trẻ em.
Chính vì vậy, trong hoạt động của mình, họ làm việc hoàn toàn dựa trên cảm nhận và kinh nghiệm nghề nghiệp. Cụ thể như tại Báo Dân trí, mặc dù được đánh giá là khá thành công trong các từ thiện cho trẻ em nhưng từ
Trưởng ban, Phó ban đến các phóng viên đều có xuất điểm từ phóng viên hoặc cán bộ từ các phòng ban ở những lĩnh vực khác. Và như vậy, đương nhiên mọi hoạt động chỉ thông qua kinh nghiệm sống, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Thứ ba, việc đầu tư cho công nghệ tại tòa soạn đã có những thay đổi lớn, tuy nhiên chưa đủ mạnh để chuyển đổi mạnh mẽ sang tòa soạn online trong thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em.
Thứ tư, việc sử dụng thông tin hình ảnh, thông tin cá nhân trẻ em chưa có sự nhất quán trong quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em.
Một phóng viên phụ trách mục Nhân ái cho rằng, hạn chế lớn nhất chính là báo mạng điện tử còn viết quá ít về các hoàn cảnh trẻ em cần giúp đỡ ở các vùng miền trên cả nước. Vì thế cần phải tập trung thời lượng, công sức nhiều hơn tìm kiếm, phản ánh, kêu gọi giúp đỡ cho những hoàn cảnh này. Thực tế đã chứng minh, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhiều em bé đã có tiền chữa bệnh kịp thời, nhiều em có điều kiện để tiếp tục theo học, có công ăn việc làm... Điều đó làm cho xã hội tốt đẹp hơn, vai trò của báo chí cũng được dư luận xã hội ghi nhận công bằng, khách quan hơn.
Tác giả đồng tình với quan điểm trên. Tuy nhiên hàm lượng nội dung ra sao, số lượng hình ảnh thế nào, đưa đến mức độ nào, các toà soạn cần đưa thành quy định cụ thể. Qua khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều tin bài, hình ảnh, số lượng chữ, cách đặt tít của phóng viên vẫn nặng về cảm tính, lộn xộn, kết cấu tin bài chưa có sự thống nhất, đồng nhất.
Một số giải pháp
Dựa trên những khảo sát, nghiên cứu về các vấn đề lý thuyết và thực tiễn liên quan, tác giả đưa ra một số giải pháp. Cụ thể:
Đối với nhóm giải pháp từ phía cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, tác giả nêu ba giải pháp:
- Tăng cường quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí
-Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan quản lý
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin báo chí
Đối với nhóm giải pháp từ phía cơ quan báo chí, tác giả đề xuất 8 giải pháp:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp Ủy, Ban biên tập về hoạt động xã hội, công tác từ thiện trên BMĐT
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ quản lý
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực thực hiện mảng thông tin về tình hình hoạt động từ thiện cho trẻ em đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
- Phát huy tối đa vai trò của các nguồn lực trong quản lý
- Đổi mới phương thức quản lý
- Tăng cường các biện pháp về kĩ thuật, công nghệ
- Đổi mới nâng cao chất lượng các bài viết về hoạt động từ thiện cho trẻ em trên BMĐT
- Đa dạng hóa hình thức thể hiện thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em trên BMĐT
Có thể nói, quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em trên báo mạng điện tử là sự tác động có định hướng, có kế hoạch của các chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đưa thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em tới công chúng nhanh chóng, kịp thời, chính xác, sinh động và tuân thủ đầy đủ pháp luật báo chí, các yêu cầu, nguyên tắc đặt ra trong hoạt động báo chí.
Với khả năng tác động một cách rộng lớn, nhanh chóng và mạnh mẽ vào xã hội, hoạt động báo chí có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn trong công tác tư tưởng nói chung, công tác truyền thông về hoạt động từ thiện cho trẻ em nói riêng. Nó không chỉ góp phần quan trọng tạo dư luận xã hội mà còn góp phần định hướng, hướng dẫn dư luận xã hội, tạo phản ứng tích cực hoặc tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, mỗi tòa soạn lại có những tôn chỉ, mục đích riêng, do vậy việc quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em vừa góp phần mang tới công chúng những thông tin, thông tin đúng đắn, vừa phải đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Mỗi loại hình với những thế mạnh khác nhau, mang đến thông tin phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thông tin về mọi lĩnh vực của công chúng, trong đó có thông tin về từ thiện cho trẻ em - lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam và sự phát triển văn minh, lành mạnh của quốc gia.
Qua khảo sát thực trạng có thể thấy, việc quản lý thông điệp về hoạt động từ thiện cho trẻ em trên các tờ báo mạng điện tử khảo sát đã góp phần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho công chúng. Tuy nhiên, khảo sát cũng đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại. Việc áp dụng các giải pháp sẽ giúp toà soạn cải thiện hoạt động này trong thời gian tới./.
Lê Bảo Trung
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)