Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith

22/04/2020, 23:29

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa DCND Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.

Quang cảnh buổi hội đàm. Ảnh: VGP

Hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đặc biệt Việt-Lào trong thời gian qua, việc các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hai nước thăm chính thức lẫn nhau ngay sau khi được bầu là những bằng chứng sinh động về mối quan hệ trong sáng, thuỷ chung, tin cậy, đoàn kết gắn bó giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào.

Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao nhất và làm hết sức mình vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt này; coi đây là quy luật phát triển có ý nghĩa sống còn và là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước.

Hai bên nhất trí trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận Cấp cao, đặc biệt là Tuyên bố chung nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2016) và Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Bounnhang Volachith (4/2016), các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào và phấn đấu triển khai hiệu quả Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020.

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ hai nước sẽ có định hướng dài hạn nhằm đưa quan hệ hai nước phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế - thương mại gắn chặt với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Hai Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ động, tích cực của hai Bộ trưởng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào và đề nghị hai Bộ trưởng chú trọng triển khai các thỏa thuận một cách hiệu quả, bảo đảm đúng tiến độ và có các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm các chương trình, dự án hiện còn vướng mắc.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; tăng cường tin cậy chính trị; nâng cao hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội đàm. Ảnh: VGP

Hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng 10% so với năm 2016; tiếp tục nâng cao tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, nhất là về kết nối viễn thông, năng lượng và giao thông vận tải phù hợp với Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN thông qua việc tăng cường các dự án đầu tư mới và thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư hiện nay như dự án nâng cấp mạng viễn thông 4G của Viettel, Chính phủ điện tử, phát triển mạng lưới điện, trồng cao su, xây dựng dự án đường cao tốc Vientiane-Pak Xan-Thanh Thủy-Hà Nội…; triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận, đặc biệt là Nghị định thư về hợp tác quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020, Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới hai nước; Bản Ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2030…

Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào một cách thiết thực, hiệu quả.

Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng; ủng hộ các sáng kiến và hoạt động của nhau trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác ở khu vực; tiếp tục góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith phát biểu tại hội đàm. Ảnh: VGP

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mekong trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong, nhất là các nước hạ nguồn, đồng thời có cơ chế phối hợp hai bên và các bên liên quan để đánh giá và giám sát các tác động của việc sử dụng nguồn nước sông Mekong.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); cùng các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bao gồm hoàn thành khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

TH