Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thông tin về xung đột Nga - Ukraine trên báo điện tử Việt Nam

Diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine được báo chí trên khắp thế giới theo dõi và đưa tin, trong đó có báo chí Việt Nam. Trước những luồng tranh luận đúng - sai về cuộc xung đột, nguyên tắc đưa tin của báo chí Việt Nam là nhanh chóng, kịp thời, thông tin trung thực, tôn trọng sự thật khách quan về tình hình cuộc xung đột Nga - Ukraine phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam. Hầu hết các tờ báo điện tử Việt Nam đều có chuyên mục hoặc chương trình đưa tin về cuộc xung đột này.

Những thông tin về xung đột trên báo điện tử Việt Nam

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, và cho đến nay cuộc xung đột chưa có dấu hiệu ngừng lại. Xung đột Nga - Ukraine đã tác động mạnh tới cấu trúc an ninh khu vực châu Âu và cả cục diện chính trị thế giới. Giải pháp tối ưu và được kỳ vọng nhiều nhất là nỗ lực đàm phán, đối thoại giữa hai quốc gia để đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột bằng quân sự.

Nghiên cứu hai trường hợp điển hình là báo VOV.vn và Baoquocte.vn, ngày 24/2/2022, ngay sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, báo VOV.vn và Baoquocte.vn là hai trong số những tờ báo thông tin sớm nhất về quyết định của ông V. Putin. Đến nay, hai tờ báo liên tục cập nhật thông tin hàng giờ, cả ngày đêm nhằm chuyển tải nhanh nhất diễn biến mới về tình hình chiến sự Nga - Ukraine và thu hút được lượng lớn công chúng quan tâm.

Thông tin có tính định hướng cao

Trong quá trình đưa tin về các xung đột, các báo quán triệt tinh thần hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, tích cực kêu gọi các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; kêu gọi giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp lợi ích thông qua thương lượng hòa bình; kêu gọi các bên từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế vì lợi ích chung vì hòa bình và phát triển bền vững. Các báo đưa tin kịp thời, có những bài bình luận sắc bén, thể hiện tính định hướng, trên tinh thần minh bạch, bảo vệ công lý, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, lành mạnh, văn minh, tiến bộ và phát triển, giúp nhân dân thế giới hiểu rõ thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia đóng góp, giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

“Báo mạng điện tử VOV.vn cung cấp thông tin xung đột trước hết là để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, thứ hai là tiếng nói của VOV, thể hiện đúng chính sách đối ngoại, hướng xử lý, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước những xung đột xảy ra trên thế giới hiện nay, góp phần định hướng bạn đọc trong và ngoài nước, người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài hay tại khu vực đang xảy ra xung đột có cái nhìn đúng đắn, không bị lung lay trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng phá vỡ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Đây là cơ sở để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách làm cơ sở để xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình thực tế.” (PVS Thư ký tòa soạn VOV.vn)

Theo kết quả điều tra trên 200 độc giả của 2 tờ báo điện tử, 78% số độc giả cho rằng nội dung báo VOV.vn và Baoquocte.vn đã thể hiện, khẳng định đường lối đối ngoại, quan điểm, lập trường của Việt Nam trước cuộc xung đột Nga - Ukraine; 64% số độc giả cho rằng báo kịp thời định hướng dư luận về cuộc xung đột này trước những thông tin chống phá của các thế lực thù địch.

Thông tin liên tục cập nhật

Hơn một năm qua, tình hình xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kéo theo những biến động chính trị, xã hội, kinh tế không chỉ ở hai nước mà còn liên quan đến khu vực châu Âu và nhiều nước trên thế giới, cùng với đó là sự điều chỉnh chiến lược ngoại giao, kinh tế... của nhiều nước. Đứng trước thực tế đó, báo chí đã phát huy năng lực thông tin nhanh chóng và kịp thời, giúp công chúng có cái nhìn nhiều chiều hơn về cuộc xung đột này và góp phần thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam. Thông tin về xung đột Nga - Ukraine được phản ánh liên tục về tình hình, diễn biến chiến sự, ảnh hưởng của nó tới khu vực và thế giới. Qua khảo sát, một lượng lớn công chúng đưa ra ý kiến đánh giá cao tính nhanh nhạy của thông tin về xung đột Nga - Ukraine trên báo điện tử VOV.vn (179/200 phiếu) và Baoquocte.vn (176/200 phiếu). Các báo VOV.vn và Baoquocte.vn thể hiện dòng tin tức chính thống, độ tin cậy cao, giúp người dân hiểu biết, nhận thức theo định hướng đối ngoại đúng đắn. 156/200 độc giả trả lời phiếu khảo sát tin vào độ chính xác của thông tin về xung đột Nga - Ukraine đăng tải trên báo điện tử VOV.vn. Với Baoquocte.vn, con số này là 171/200 người.

Về tổ chức hình thức thông tin

Hai tờ báo điện tử VOV.vn và Baoquocte.vn tổ chức đăng tải thông tin về cuộc xung đột Nga - Ukraine theo chuyên mục, triển khai thông tin theo tuyến bài, loạt bài giúp độc giả dễ nắm bắt tình hình chung, tiếp nhận thông tin theo tiến trình phát triển. 100% tin, bài có ảnh minh họa; 22,6% tin, bài có file audio thể hiện tin bài bằng giọng đọc của phóng viên, biên tập viên; hơn 11% tin, bài có video bổ trợ thông tin cho tác phẩm. Khi được hỏi ý kiến đánh giá về hình thức, bố cục, cách trình bày tin, bài của mảng nội dung này trên VOV.vn và Baoquocte.vn, 78% số người trả lời cho ý kiến về hình thức, bố cục, cách trình bày tin. bài của các báo hợp lý, dễ đọc và tìm hiểu.

Tuy nhiên, qua khảo sát thông tin về cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy số lượng tin, bài lớn nhưng thông tin về cuộc xung đột này chưa phong phú, đa dạng toàn diện. Còn ít bài chuyên sâu, phân tích, cung cấp góc nhìn toàn diện về cuộc xung đột. Tin, bài do phóng viên trực tiếp tác nghiệp còn ít, chủ yếu khai thác từ những hãng truyền thông quốc tế và các báo nước ngoài.

Việc xử lý nguồn thông tin cũng gặp khó khăn. Các hãng thông tấn quốc tế ngày càng phát triển, thông tin được cập nhật 24/24 giờ, bên cạnh thuận lợi là nguồn thông tin phong phú, đa dạng, tạo điều kiện giúp biên tập viên, phóng viên dễ dàng khai thác, biên dịch, tổng hợp thì cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho chính họ. Điều này đòi hỏi mỗi nhà báo phải có nhãn quan chính trị, biết phân tích tình hình, nắm vững quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, từ đó chọn lọc, biên tập, sử dụng hợp lý các nguồn thông tin.

Cách xử lý một số thông tin trên báo điện tử hiện nay

Khi xung đột xảy ra, thường sẽ xuất hiện nhiều luồng thông tin tác động đến công chúng, trong đó, có những thông tin đúng, đáng tin cậy, song cũng có không ít những thông tin sai lệch, bị bóp méo do các thế lực chống đối, thù địch dựng lên nhằm gây nhiễu thông tin, hướng lái dư luận, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới. Điều này đòi hỏi nhà báo có những bài viết đủ sức thuyết phục công chúng, đủ sức phản bác, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc đó, bảo vệ quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Một là, việc trau dồi kiến thức thường xuyên là điều vô cùng cần thiết với nhà báo để nâng cao nhận thức, nhãn quan chính trị. Thông tin về các cuộc xung đột trên thế giới đa cực hiện nay đòi hỏi sự hiểu biết về diễn biến, bối cảnh, các mối quan hệ và tầm nhìn, các sai sót có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nếu nhà báo thiếu hiểu biết thì thông tin chỉ đơn thuần là “sao chép” từ các nguồn tin trên thế giới mà không có sự nhìn nhận, phân tích, đánh giá thấu đáo, thuyết phục, nhìn ra chiều sâu và các mặt trái của vấn đề - chính là thông tin độc giả cần trong một thế giới phẳng như hiện nay.

Hai là, bản lĩnh của nhà báo được thể hiện thông qua khả năng phân tích và giải thích nhanh chóng các tình huống phức tạp, xác định các yếu tố chính và xu hướng vận động của vấn đề. Sự nhạy bén về chính trị là điều cần thiết để phát hiện và thông tin về các vấn đề quan trọng, đồng thời việc lựa chọn thời điểm và phương thức thông tin phù hợp là điều tối quan trọng. Để có được bản lĩnh chính trị, nhà báo cần nắm chắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm cơ sở phân tích, đánh giá vấn đề.

Ba là, việc xem xét cẩn thận ngôn từ cũng là điều cần thiết đối với mỗi nhà báo, vì nếu chọn sai từ ngữ có thể diễn đạt sai vấn đề, có thể gây hiểu lầm về đường lối ngoại giao của Việt Nam. Cân nhắc câu chữ khi viết là kỹ năng cần thiết đối với mọi nhà báo. Nếu cảm thấy không chắc chắn về ngữ nghĩa của câu chữ cần tra cứu hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia lĩnh vực này, tuyệt đối không sử dụng một cách bừa bãi, cẩu thả. Khi thông tin về cuộc xung đột, nhà báo không nên lạm dụng khẩu ngữ, tiếng lóng, bởi cách dùng từ ngữ như vậy thường gây ra cảm giác đa nghĩa. Khi đưa tin về xung đột, các nhà báo nên viết những câu đơn giản, rõ ràng và tránh những câu hoa mỹ, ẩn dụ hoặc mơ hồ có thể khiến dư luận nghi ngờ. Khi gặp những từ ngữ học thuật, khó hiểu thì nên chọn cách diễn đạt đơn giản để người đọc dễ tiếp thu.

Bốn là, kiểm tra các nguồn tin cũng là một kỹ năng cần thiết đối với các nhà báo viết về các điểm nóng xung đột. Thông tin trên báo không những phải nhanh chóng, kịp thời mà còn phải chính xác, vì một khi thông tin sai, hậu quả sẽ khó lường. Các tài liệu do nhà báo tiếp cận cần được kiểm tra, xác minh nguồn tin và chắt lọc sử dụng cho các tác phẩm. Các nhà báo cũng phải trích dẫn nguồn khi đưa ra bất kỳ bình luận, bảo đảm tính công khai và minh bạch của thông tin.

Năm là, nhà báo không nên vội vã kết tội bất cứ ai, bất cứ bên nào khi sự việc chưa được gọi tên một cách chính xác. Với vấn đề nhạy cảm này, nhà báo nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia để có cái nhìn đúng đắn, không nên vội vàng đưa ra quan điểm cá nhân.

Sáu là, các cơ quan báo chí cần chủ động bố trí nhà báo chuyên trách theo dõi, đưa tin về các điểm nóng xung đột. Bởi các cuộc xung đột này ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới và địa chính trị rộng lớn, không phải nhà báo nào cũng có đủ nhận thức, bản lĩnh chính trị và kiến thức về vấn đề này. Lãnh đạo cơ quan báo chí cần tăng cường chỉ đạo, quản lý để các tuyến bài trúng trọng tâm, tính thuyết phục cao. Cần thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm định nguồn tin. Không chỉ đánh giá độ chính xác nguồn tin, các cơ quan báo chí cần phải tuân theo quy trình để bảo đảm thông tin được sử dụng thích hợp, tránh để sai sót.

Bảy là, các báo cần tăng cường thông tin dự báo. Dự báo về khả năng, xu hướng phát triển của cuộc xung đột hoặc cụ thể hơn là các kịch bản có thể xảy ra. Dự báo có vai trò quan trọng, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi dự báo về diễn biến và ảnh hưởng của cuộc xung đột một cách kịp thời, khoa học, thể hiện tầm nhìn sâu rộng, thì đó là cơ sở giúp Đảng, Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại, các chính trị gia xác định và đưa ra những chiến lược, quyết sách phù hợp.

PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng - Trần Thị Diệu

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tài liệu Tham khảo:

1. PGS, TS Hoàng Khắc Nam (2006), Khái niệm và cơ sở của xung đột trong quan hệ quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu.

2. Nguyễn Đức Lợi, Lưu Văn An (2017), Thông tin báo chí với công tác lãnh đạo, quản lý, Nxb. Thông tấn, Hà Nội.

3. Đỗ Quý Doãn (2014), Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

4. Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (2021), Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

5. Phạm Minh Sơn (2010), Đề tài khoa học cấp cơ sở Xử lý tình huống thông tin đối ngoại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.