Thông tin góp phần chống tiêu cực
18:03 12/07/2016
- Pháp luật
Gần đây, báo chí thông tin
nhiều vụ việc sai trái được
người đọc quan tâm, lãnh
đạo ngành, địa phương kịp
thời chỉnh sửa, nhiều quy
định pháp luật về xử phạt
được ban hành, đóng góp
của báo chí, nhà báo không
nhỏ.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc vào Việt Nam. Ảnh: TL
Cách đây không lâu, bạn đọc bất bình khi biết vụ án oan sai đối với ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận: Ông Nén không giết người nhưng điều tra viên đã ép cung bắt ông nhận tội giết chị Lê Thị Bông và bị tù oan đến 18 năm. Khi thủ phạm là Nguyễn Thọ đến tự thú là mình là người giết chết chị Bông, cướp tài sản, Ông Huỳnh Văn Nén mới được trắng án... Điều tra viên bất tài không chỉ gây thiệt hại cho công dân mà còn làm mất uy tín của cơ quan kiểm sát và hơn nữa... Rồi chuyện Thiếu tá Trần Vũ Khiêm, trưởng công an xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai xông vào trường THCS Quang Trung, thị trấn Chư Ty, đánh bảo vệ là ông Nguyễn Đức Nam và xông vào lớp 8B xúc phạm giáo viên và đánh em Nguyễn Ngọc Quang trong lớp. Sự hung hăng của thiếu tá Khiêm khiến cả trường THCS này náo loạn, nhiều giáo viên và học sinh sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Sự việc cho thấy, người công an này tự cho mình là vua một cõi, xem mọi người không ra gì!
Một vụ việc công an xem thường dân nữa là Trung úy Nguyễn Văn Bắc, cảnh sát khu vực phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội đã phun nước bọt vào mặt chị Tú Anh khi kiểm tra hành chính. Sự việc gây bất bình trong xã hội về hành vi xem thường công dân của người công an nhân dân này.
Trong phấn đấu lên xã nông thôn mới cũng có việc chạy theo thành tích bằng cách ép dân như: việc UBND xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang bắt dân xây cổng vào nhà bằng bê tông để lên xã nông thôn mới, nhiều gia đình nghèo đang ở căn nhà cây lá phải chạy vay tiền để làm cổng theo “chỉ đạo” của UBND xã.
Không chỉ phát hiện cán bộ sai trái mà báo chí còn nêu lên cái sai của người dân vì tư lợi đã sử dụng thuốc salbutamol (chất tăng trọng) trong chăn nuôi. Trước khi giết mổ heo, chích thuốc an thần. Thuốc tăng trọng và thuốc an thần chích vào heo trước khi giết mổ đều là những chất có thể gây ung thư cho người dùng phải thực phẩm này.
Mới đây, báo chí đưa tin ở Long Mỹ, Hậu Giang lò giết mổ gia cầm sử dụng hóa chất màu đen để nhổ trụi lông vịt, gà một cách nhanh chóng dễ dàng. Rồi phẩm màu nhuộm ruốc ở tỉnh Khánh Hòa. Báo chí còn phát hiện chất cấm vàng ô nhuộm măng tươi ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Vinh (Nghệ An)... đây là chất dùng trong nhuộm vải, sơn tường, cấm dùng trong thực phẩm vì gây ung thư... Rồi nào là kinh doanh thịt bẩn, ôi thiu... và nhiều vụ việc sai trái khác, đúng là xã hội ta đến hồi phải gióng hồi chuông báo động những việc làm sai trái, những việc vì tư lợi mà quên đi sức khỏe của người tiêu dùng... mà báo chí phải tiên phong chỉ ra cái sai, cái xấu gây mất uy tín của Đảng, Nhà nước, nguy hại đến sức khỏe mọi người.
Qua những vụ việc báo chí nêu trên, đã có những hồi đáp từ phía những cơ quan chức năng. Tòa án Nhân dân tối cao truy tố điều tra viên đã ép cung vụ án Huỳnh Văn Nén. Chủ tịch huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã xử lý nghiêm vụ thiếu tá công an xông vào trường đánh bảo vệ. Vụ trung úy công an phun nước bọt vào mặt dân, đã bị đình chỉ công tác và Công an phường Trung Liệt tổ chức xin lỗi dân. Luật pháp đã đưa ra mức xử phạt cao đối với người nuôi lợn sử dụng chất cấm (salbutamol) mức phạt trên 1 tỷ đồng. Phẩm màu nhuộm ruốc ở Khánh Hòa được xác định có độc... Đêm 13/1/2016 truyền hình Việt Nam (VTV1) có đưa ý kiến của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương chỉ đạo các tỉnh thành: trong xây dựng nông thôn mới nếu bắt ép nhân dân đóng góp, làm khổ dân thì không có nông thôn mới còn hơn.
Qua một số thông tin trên cho thấy nhiều cơ quan báo chí đang bứt phá, mạnh lên trong đấu tranh với việc sai trái, tiêu cực. Các tờ báo này không còn mang tin văn bản báo cáo việc làm, hội họp của lãnh đạo địa phương hay chỉ thấy đăng việc tốt mà đã mạnh dạn chống tiêu cực cá nhân, tập thể làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước.
Nhiều cơ quan báo chí đã “bứt phá” thông tin việc sai việc xấu, tổ chức mạng lưới thông tin từ cơ sở đến tòa soạn khá chặt chẽ: Tòa soạn lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, người dân. Cơ quan báo chí tổ chức tốt mạng lưới thông tin viên, cộng tác viên ở cơ sở. Ban biên tập, phóng viên, cộng tác viên học tập bồi dưỡng trang bị kiến thức về pháp luật, khoa học trên nhiều lĩnh vực, tìm hiểu điều lệ, quy định, nghị quyết... để có thể nhạy bén biết đó là việc sai cần chấn chỉnh, răn đe. Khi thông tin sự việc phóng viên nắm cụ thể chứng cứ vụ việc, kế đó là cái tâm của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực...
Lư Thế Nhã
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)