Thông tin đồ họa trên báo điện tử Pháp

22/04/2020, 23:29

Thông tin đồ họa trên báo điện tử Pháp - Trong môi trường truyền thông số, thay bằng việc phải theo dõi các bài báo dài kỳ, dày đặc con chữ để hiểu sự kiện một cách thấu đáo, giờ đây, công chúng có thể nắm bắt những điểm cốt lõi của thông tin chỉ trong một tác phẩm báo chí hiện đại - thông tin đồ họa (TTĐH). Đây là một “gia vị” mới cho “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại.

Nên sử dụng Infographic: minh họa dữ liệu, đơn giản hóa thông tin phức tạp, so sánh các thông số, nâng cao nhận thức

Quan niệm về thông tin đồ họa

Thông tin đồ họa (TTĐH) đã không còn là một khái niệm xa lạ với báo chí thế giới từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Tờ USA Today (Mỹ) đã đưa vào các trang báo nhiều biểu đồ, đồ thị và hình ảnh lớn được trình bày với màu sắc bắt mắt để làm tăng tính hấp dẫn cho thông tin so với các trang báo màu xám và dài dòng thời đó (1982). Sau này, cách thức truyền tải thông tin bằng đồ họa đã lan sang các nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha...

TTĐH hay Infographics có thể hiểu đơn giản là một công cụ đưa tin của báo chí có khả năng biến khối dữ liệu khổng lồ thành những hình ảnh đồ họa sống động, dễ hiểu, rõ ràng ở mọi chủ đề mà công chúng quan tâm. Và, TTĐH trên báo điện tử có ba dạng rất dễ phân biệt: TTĐH truyền thống (tĩnh), TTĐH tương tác và video đồ họa.

Tờ Vietnamplus của Việt Nam đã hợp tác với hãng thông tấn AFP (năm 2010) về dịch vụ đồ họa. Ngay trong năm đó, Vietnamplus đã bắt đầu sử dụng cả dịch vụ đồ họa tương tác đối với 5 giải bóng đá châu Âu. Đến năm 2014, Vietnamplus chính thức mua dịch vụ video đồ họa của AFP. Ngoài các hãng sản xuất đồ họa theo đơn đặt hàng, một số nhật báo lớn của Pháp như Le Monde, Le Figaro... thiết lập riêng phòng sản xuất đồ họa tại tòa soạn.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, một sản phẩm Infographics hoàn chỉnh (không còn đóng vai trò minh họa, bổ trợ cho bài viết), thường được thiết kế theo hai phong cách nổi bật. Một là, phong cách chính thống graphic news mà các hãng tin lớn hay áp dụng, theo đó tin đồ họa có phần tiêu đề (title), nội dung nổi bật (lead) và phần nội dung chính. Cách trình bày kiểu tin đồ họa này khá gọn gàng. Hai là, phong cách infographics với cách trình bày bắt mắt (thậm chí có lúc bị nhồi nhét quá nhiều thông tin), có thể chứa đựng nhiều nội dung và có thể kéo dài vì thường sử dụng trên website.

Dù ở dạng nào hay được thiết kế theo phong cách nào, TTĐH cũng đều xuất hiện dưới những hình thức như biểu đồ, đồ thị, bản đồ, sơ đồ, hình ảnh minh họa và bảng biểu.

Một trang web giúp tạo Infographic

Xu hướng lựa chọn hình thức thể hiện

Qua khảo sát ba tờ báo La Croix, 20 Minutes và Ouest-France trong năm 2017, đa phần TTĐH được sử dụng là truyền thống và tương tác. Video đồ họa ít xuất hiện và chiếm số lượng nhỏ (khoảng 5%). Nguyên nhân là việc sản xuất video đồ họa mất khá nhiều thời gian và công sức trong khi các tờ báo này hoàn toàn có thể đặt hàng video từ một số hãng sản xuất đồ họa chuyên nghiệp, ví dụ như La Croix hợp tác về dịch vụ đồ họa với hãng Idé.

Với 617 TTĐH truyền thống và tương tác xuất hiện trên ba tờ báo được khảo sát, số lượng TTĐH tương tác chiếm tỷ lệ rất lớn (trên 50%). Thậm chí, số lượng đồ họa tương tác của Ouest-France còn chiếm trên 65% tổng số đồ họa được khảo sát của tờ báo này. Điều đó cho thấy TTĐH tương tác đang được các báo điện tử Pháp ưa chuộng.

Tính tương tác vừa giúp ẩn bớt đi các con số, dữ liệu khổng lồ hoặc nhiều lớp đồ họa tích hợp trên cùng một không gian giao diện lại vừa có thể kích thích vai trò tham gia của độc giả. Lúc này, độc giả không còn là đối tượng công chúng bị động tiếp nhận thông tin mà họ đã trở thành người chủ động mở thông tin theo như mong muốn của bản thân. Và cũng chính nhờ tính tương tác này mà báo chí dữ liệu có thêm những phương tiện hiệu quả để truyền tải kho thông tin, tư liệu khổng lồ đáp ứng xu hướng được nghe kể một câu chuyện đầy đủ, nhiều minh chứng và có tính tin cậy cao của công chúng.

Báo điện tử TTĐH truyền thống TTĐH tương tác Video đồ họa Tổng
La Croix 95 124 12 231
20 Minutes 69 79 8 156
Ouest-France 74 176 15 265

Bảng thống kê số lượng thông tin đồ họa được khảo sát trong năm 2017

Nếu ở dạng truyền thống, hình thức thể hiện được sử dụng nhiều nhất là bản đồ, tiếp theo lần lượt là hình ảnh minh họa, bảng biểu, biểu đồ, sơ đồ và đồ thị, thì ở dạng tương tác, xu hướng lựa chọn các hình thức thể hiện lại hoàn toàn trái ngược: biểu đồ chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là đồ thị, bản đồ, sơ đồ, bảng biểu và hình ảnh minh họa. Đặc biệt, dạng biểu đồ hình chữ nhật hoàn toàn không xuất hiện ở TTĐH truyền thống.

Theo Delphine Papin (phóng viên đồ họa tại nhật báo Le Monde, Pháp), công chúng Pháp đặc biệt rất thích bản đồ. Hình thức thể hiện thông tin bằng hình ảnh này không chỉ đơn thuần chỉ dẫn về vị trí địa lý mà nó còn rất hay xuất hiện dưới vai trò các bản đồ địa chính trị. Vì thế, ở dạng TTĐH truyền thống, bản đồ có tỷ lệ sử dụng cao nhất (chiếm 35%) và ở dạng TTĐH tương tác, bản đồ chiếm tỷ lệ 20% gần ngang bằng hình thức biểu đạt thông tin bằng đồ thị. Biểu đồ, một hình thức quen thuộc của TTĐH trên báo chí thường được dùng rất nhiều dưới dạng tương tác (chiếm tỷ lệ 39%). Đây là cách thể hiện khá đơn giản về kỹ thuật nên nó được sử dụng thường xuyên và liên tục trong TTĐH tương tác.

3 hoạt động thể dục phổ biến của người Pháp: 38% người thích đi bộ, 27% người thích đạp xe và 24% người thích chạy

Xu hướng lựa chọn nội dung thể hiện

Bám sát các tin tức nóng nhất

Những đề tài về khủng bố, xung đột chính trị, thảm họa thiên nhiên, tai nạn thảm khốc, quy hoạch đô thị... thường được khai thác dưới dạng TTĐH truyền thống và video. Đa phần các nội dung này mang tính mô tả và khái quát vấn đề, sự kiện đang diễn ra nhờ trực quan hóa thông tin bằng hình ảnh minh họa, bản đồ và sơ đồ.

Theo dòng sự kiện quan trọng về chính trị

Trong năm 2017, cuộc bầu cử tổng thống và cuộc chạy đua ghế trong Quốc hội Pháp đã diễn ra qua 2 vòng bỏ phiếu nghiêm túc. Biểu đồ, bản đồ, hình minh họa, sơ đồ tổ chức là những hình thức xuất hiện nhiều nhất.

Tần suất sử dụng biểu đồ tròn/cánh cung và bản đồ rất thường xuyên trong các bài viết về đề tài này. Theo khảo sát của tác giả, hơn một nửa số lượng TTĐH theo dòng sự kiện quan trọng về chính trị sử dụng biểu đồ hình tròn/cánh cung và bản đồ (so sánh và thống kê các kết quả bầu cử của mỗi chính trị gia hoặc theo mỗi vùng miền). Và biểu đồ, bản đồ, sơ đồ tổ chức thường ở dạng tương tác còn hình ảnh minh họa lại ở dạng truyền thống.

So sánh, thống kê, ước lượng các giá trị trong lĩnh vực kinh tế

Số lượng TTĐH liên quan đến nội dung về kinh tế (tài chính, bất động sản, xuất nhập khẩu hay chứng khoán...) chiếm khoảng 20% tổng số đồ họa được khảo sát. Các hình thức được sử dụng nhiều nhất là đồ thị, biểu đồ cột hoặc tròn hay bản đồ. Dạng hình minh họa, bảng biểu và sơ đồ rất ít xuất hiện trong các nội dung này. Nguyên nhân chính là do các bài viết về kinh tế thường nặng về số liệu chứ không thiên về kể chuyện. Chính vì có nhiều số liệu nên dạng tương tác cũng là cách khai thác quen thuộc trong thiết kế đồ họa ở lĩnh vực này.

Giải thích các hiện tượng khoa học, các vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường...

Từ những con chữ khô khan, nhờ trực quan hóa thông tin mà những hiện tượng khoa học hay các vấn đề về sức khỏe con người, các vấn đề môi trường... được miêu tả hoặc được giải thích lôi cuốn hơn. Các hình thức TTĐH hay sử dụng trong những nội dung này thường là ảnh minh họa hoặc sơ đồ ở dạng truyền thống. Video đồ họa với những yếu tố 3D cũng góp phần làm nổi bật cách đưa tin trong những chủ đề này của báo điện tử.

Xuất hiện trong các chuyên mục thể thao, văn hóa, chuyện vặt...

Chỉ khoảng 15% số lượng TTĐH được khảo sát xuất hiện trong các chuyên mục trên, nhưng điều này cho thấy không một lĩnh vực đưa tin nào của báo chí lại thiếu sự có mặt của công cụ này. Trong thể thao, TTĐH thường thể hiện dưới hình thức bảng biểu thông báo kết quả, lịch thi đấu hoặc video đồ họa 3D mô phỏng các động tác thi đấu giúp vận động viên giành chiến thắng...

Một phần tin Infographic của TTXVN

Một số gợi ý cho báo điện tử Việt Nam

Với những tờ báo điện tử đã tạo được ấn tượng nhất định trong lòng công chúng với cách thức đưa tin bằng đồ họa cũng vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như hình thức thể hiện chưa phong phú; nội dung thể hiện cũng mới chỉ tập trung trong các chuyên mục kinh tế, xã hội... Mảng chính trị trong nước và quốc tế chưa được quan tâm sử dụng TTĐH.

Qua nghiên cứu TTĐH của báo chí điện tử Pháp, tác giả xin đề xuất một số gợi ý cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, xây dựng đội ngũ chuyên biệt để nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế ra nhiều dạng thức đồ họa mới mẻ, sinh động là yêu cầu cơ bản nhất cho việc nâng cao chất lượng TTĐH trên báo điện tử. Bộ máy sản xuất TTĐH phải ngày càng chuyên nghiệp với sự tham gia của cả các phóng viên, biên tập viên lẫn các chuyên gia phân tích dữ liệu (data scientist), chuyên viên tập hợp dữ liệu (data mining expert), nhân viên thiết kế đồ họa, nhân viên lập trình.

Thứ hai, xây dựng chiến lược lâu dài và cụ thể. Trong tòa soạn, người lãnh đạo phải hiểu và có định hướng rõ ràng về vấn đề sử dụng TTĐH. Khi triển khai, công tác đào tạo là vô cùng quan trọng để có những nhân viên thiết kế đồ họa am hiểu nghề báo. Việc này đòi hỏi thời gian và chuyên nghiệp, tránh kiểu làm chộp giật, ngắn hạn, đòi hỏi những nhân viên thiết kế đồ họa làm công việc mà chính họ cũng không hiểu hết.

Thứ ba, kết hợp linh hoạt các loại hình và không ngừng sáng tạo. Dù ở dạng truyền thống, tương tác hay video, TTĐH đều mang đến cho công chúng những trải nghiệm khác nhau. Vì thế, bên cạnh việc tận dụng tính tương tác và đa phương tiện của báo điện tử trong sản xuất TTĐH, mỗi tờ báo cần tận dụng lợi thế của mỗi loại hình để truyền tải thông điệp đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, các tờ báo cần sáng tạo không ngừng để tạo được sự độc lập cho riêng mình, hạn chế phần nào lấy lại nguồn tin từ nơi khác. Tính sáng tạo và tự chủ trong sản xuất TTĐH còn giúp tạo dựng bản sắc riêng cho mỗi tờ báo, chứ không phải những “công thức” đồ họa được đặt hàng đã trở thành khuôn mẫu.

Thứ tư, tạo lập quy trình chuẩn và luôn đón bắt xu hướng thế giới. Quy trình sản xuất TTĐH trong các cơ quan báo chí vừa mang tính sáng tạo cá nhân, nhưng cũng phải theo một cách thức tiêu chuẩn để có một phong cách riêng và rút ngắn thời gian sản xuất. Bộ phận sản xuất TTĐH trong tòa soạn cần phải cập nhật kiến thức thường xuyên về cách thể hiện mới, hiện đại, từ đó mới có thể cạnh tranh được với trí tuệ nhân tạo hay Big Data trong tự động sản xuất TTĐH với chất lượng ngày càng cao./.

Lã Thùy Linh

--

Tài liệu tham khảo

1. Jean - Marie Chappé (2005), L’infographie de presse, Victoires Éditions.
2. Léa Joussaume (2015), mé- moire “Mettre en image l’information: l’infographie de presse”, l’université de Toulouse. (https://memoires.sciencespo-toulouse.fr/uploads/memoires/2015/ 5A/memoire_JOUSSAUMELEA-NjM4Mjg2MjEuMTI=.pdf)
3. Nguyễn Thành Lợi (2014), Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.