
Thông tin chuyên đề - thế mạnh, hạn chế và mặt trái
Những năm gần đây, báo chí chịu sự tác động mạnh mẽ bởi toàn cầu hóa và mạng Inter- net. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của báo chí-truyền thông, đặc biệt là báo in. Thông tin chuyên đề từ lâu đã là một trong những thế mạnh của báo in, bởi sự phân tích chuyên sâu, tính lý giải, định hướng, dẫn dắt dư luận cao. Thế nhưng, cũng có những hạn chế, mặt trái cần khắc phục...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thế mạnh “đi sau”
Trong thời đại mà báo mạng điện tử, truyền thông xã hội bùng nổ, sự chạy đua về xuất bản, cập nhật tin tức càng trở lên khốc liệt hơn. Trong cuộc chạy đua ấy, báo in hoàn toàn lép vế nên phải tìm những cách thức mới để chuyển tải thông tin thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Một trong số đó là những thông tin chuyên sâu, hữu ích, bảo đảm sự tin cậy, có tính định hướng, thậm chí dẫn dắt độc giả, đó là hình thức thông tin chuyên đề (gồm các dạng phổ biến là: trang chuyên đề, loạt bài chuyên đề và số chuyên đề).
Tại hội thảo về tương lai của báo chí (The Future of News) do Tạp chí Time tổ chức ngày 12/10/2011, nhà báo Ayman Mohyeldin của Đài NBC News (Mỹ) chia sẻ: “Chúng ta đang quên mất rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa thông tin và kiến thức. Nếu một quả bom phát nổ ở Afghanistan, mọi người sẽ biết ngay sau vài giây thông qua Twitter, Facebook nhưng chắc chắn họ không biết quả bom đó có ý nghĩa thế nào? Vụ nổ đó có nguồn gốc từ đâu? Ai đã gây ra? Chuyện gì đang xảy ra ở đó?... Và đó là công việc của báo chí”. Từ sự phân tích này, nhà báo Ayman Mohyeldin cho rằng, đã đến lúc báo chí - truyền thông cần phải quên đi cách làm báo cũ: Tập trung đưa tin mới nhất, nóng nhất. Ông lấy ví dụ cách đưa tin của hàng loạt đài truyền hình về cái chết của Steve Jobs - nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc hãng công nghệ Apple. Trong vụ này, tờ Time chủ định không “chạy đua” với các tờ báo khác trong việc đưa tin nhanh về Steve Jobs. Thay vào đó, tờ báo cho ra đời một ấn bản đặc biệt, khá đầy đủ về Steve Jobs chỉ sau đó vài giờ. “Hãy nhớ rằng, dù bạn có nhanh đến đâu thì chỉ 2 ngày sau người ta đã không còn nói đến nó nữa. Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là thông báo cho độc giả biết về cái chết của ông ấy mà phải nói về cuộc đời ông ấy, về việc ông ấy đã thay đổi thế giới của chúng ta ra sao và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi ông ấy không còn nữa. Nhu cầu của độc giả là vô cùng và việc biết một thông tin nào đó không thể ngăn cản họ muốn biết thêm nữa”, Rick Stengel - Tổng Biên tập điều hành của Time - cho biết. Và đây cũng chính là tương lai của báo chí. Những bài báo trau chuốt, sâu sắc, cẩn thận... vẫn luôn có vị trí nhất định, nó buộc độc giả phải dừng lại để đọc từ đầu đến cuối.
Đầu năm 2015, làng báo thế giới xôn xao về lá thư mà Tổng Biên tập New York Times, ông Dean Baquet viết gửi nhân viên của tòa soạn, đề cập đến những định hướng của tòa soạn trong tương lai, với tiêu đề “Charting the Future” (Tìm hướng cho tương lai). Lá thư đề cập cuộc khủng hoảng lớn của tờ báo trong những năm 1970, khi bị rơi vào nợ nần bởi truyền hình lên ngôi, quảng cáo sụt giảm, nhiều cơ quan báo chí khác phải đóng cửa... “Giữa lúc khủng hoảng, toà soạn khi đó có quyết định rất quan trọng - họ nắm lấy quyền dẫn dắt tương lai đó. Bất chấp những chỉ trích, dè bỉu khi đó về việc tờ New York Times từ bỏ lý tưởng của mình, toà soạn lập ra mục feature (phóng sự, ký sự, các bài chuyên sâu) mà đã cứu tờ báo, định ra con đường giúp đưa tờ báo tới những năm huy hoàng nhất và khiến các bài viết chúng ta có chiều sâu hơn cho bạn đọc mỗi ngày”, Dean Baquet viết. Và ông cũng tiết lộ rằng, những loạt bài chuyên đề, chuyên sâu vẫn sẽ là thế mạnh của tờ báo trong tương lai, vẫn được tòa soạn chú trọng đầu tư.
Thực tế, qua nhiều cuộc khảo sát “bỏ túi” của tác giả bài viết với các đồng nghiệp, những nhà khoa học, sinh viên báo chí hay độc giả, đa số đều cho rằng, thông tin chuyên đề vì đi sau, tập trung sâu vào một vấn đề, chủ đề nên có lợi thế lớn trong việc phân tích, bình luận, lý giải vấn đề, sự kiện một cách thấu đáo, đa chiều, khách quan. Đặc biệt với những tờ báo có uy tín, sự tin cậy của thông tin chuyên đề sẽ mang tính định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Nhà báo Hồng Thanh Quang - Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết cho biết: “Trên ấn phẩm An ninh thế giới cuối tháng mà tôi từng được giao phụ trách thiết kế nội dung trong giai đoạn tới cuối năm 2014, chuyên đề là 2 trang giữa, tập hợp một chùm bài dành cho một chủ đề gì đó đang ăn khách... Trang chuyên đề như thế góp phần đưa ra những cái nhìn đa chiều từ các nhân vật khác nhau, nhưng đều ít nhiều có liên quan tới chủ đề cần nói tới. Theo tôi nghĩ, thông tin chuyên đề như thế rất có ích cho độc giả bởi cơ hội phân tích, mổ xẻ vấn đề linh hoạt và sâu sắc hơn”. Trong khi đó, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam) nhận xét: “Tổ chức thông tin chuyên đề là cách làm phổ biến và truyền thống của báo chí trong lịch sử phát triển. Mỗi số báo in đều cần có ít nhất một bài đinh hoặc loạt bài về vấn đề nổi bật, kể cả nhật báo. Đối với báo tuần hay báo tháng thì chuyên đề lại càng cần thiết bởi đó mới chính là điểm nhấn tạo sự khác biệt của mỗi tờ báo, nhằm thu hút độc giả của riêng mình”.
Đứng ở góc độ nhà khoa học, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá: “Chuyên đề là một hình thức thông tin hiệu quả, phục vụ tới mức độ đọc chi tiết và đọc sâu cho công chúng báo in. Đó là một hình thức tổ chức nội dung đem lại năng lực cạnh tranh cho báo in trong bối cảnh toàn cầu hóa, có sự biến đổi lớn về nhu cầu và thị hiếu báo chí như giai đoạn hiện nay”...
Có thể khẳng định rằng, thông tin chuyên đề có những lợi thế không thể bàn cãi, nhưng nó cũng có không ít điều đáng bận tâm...
Hạn chế và mặt trái đáng lên án
Cũng từ kết quả cuộc khảo sát “bỏ túi” kể trên, các ý kiến về những hạn chế cơ bản của thông tin chuyên đề khá chung, đó là: Không thời sự, kén đối tượng độc giả, dễ bị trùng lắp nếu không tổ chức nội dung tốt, nhiều bài chuyên sâu, hàn lâm nên khó đọc... Ông Phan Văn Tú - giảng viên Khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Thông tin chuyên đề thiên về lý lẽ, lý luận, trừu tượng nên kén bạn đọc... Một hạn chế khác của thông tin chuyên đề xuất phát từ chính tính chất chuyên biệt của thông tin. Tổ chức thông tin chuyên đề chính là đánh vào “phân khúc hẹp” của thị trường bạn đọc, khó có thể tìm các chuyên đề có thể “làm dâu trăm họ” được”.
Trong khi đó, TS. Phạm Việt Dũng - Trưởng ban Kinh tế, Tạp chí Cộng sản - cho rằng: “Thông tin chuyên đề có thể bị lạm dụng cho mục đích riêng như quảng cáo, gây sức ép với doanh nghiệp... Nếu chủ đề được lựa chọn không tốt, việc chuẩn bị thông tin không đầy đủ, sâu sắc,... làm bạn đọc không hài lòng, có thể dẫn đến tác dụng ngược từ người đọc đối với tờ báo và đội ngũ làm báo đó”. Hạn chế này thực tế đã diễn ra từ lâu, và không phải là cá biệt. Trong cuốn “Dọc đường tác nghiệp”, có in loạt bài 3 kỳ của các nhà báo Ngọc Hà - Hoàng Mạnh Hà, đăng trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (ra các ngày 3, 5 và 7/5/2006) với tựa đề “Tôi đi làm phóng viên chuyên đề”. Bài báo viết: “Chuyên đề thực chất là cách làm của một vài người lợi dụng danh nghĩa tờ báo, tạp chí chỉ để tìm hợp đồng quảng cáo. Để thực hiện 1 “chuyên đề”, nhân viên quảng cáo của những tờ báo, tạp chí trên thường lấy danh nghĩa phóng viên rồi xin công văn giới thiệu của tỉnh. Sau đó, họ dùng giấy giới thiệu này như một lá bùa để đi đến các doanh nghiệp ép quảng cáo”.
Đầu năm 2015, làng báo Việt Nam lại xôn xao về bài báo “Hai nữ nhà báo ép hàng loạt xã phải chi tiền tuyên truyền” đăng tải trên Báo Tiền phong. Bài báo viết: “Có trong tay hai công văn do Văn phòng Tỉnh ủy và các Huyện ủy yêu cầu hợp tác tuyên truyền, hai nữ “nhà báo” tự xưng là phóng viên và biên tập viên của Tạp chí Đối Ngoại đã đi khắp nơi ở Quảng Bình “ép” hàng loạt sở, ban, ngành, huyện, xã ký hợp đồng tuyên truyền, nếu không đủ tiền ký hợp đồng thì phải chi tiền hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng...”
Có thể thấy, hạn chế của hình thức tuyên truyền này đã bị lợi dụng, biến thành mặt trái đáng lên án và cần thiết loại khỏi đời sống báo chí, tránh gây tai tiếng, phương hại đến những nhà báo chân chính cũng như nền báo chí cách mạng nước nhà./.
ThS. Nguyễn Tri Thức
Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015


Kỳ 1: Tầm nhìn chiến lược và cấu trúc lại mô hình tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ

Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay

Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay

Gây ấn tượng và neo giữ cảm xúc của người đọc báo

“Dư địa” cho báo chí trong truyền thông chính sách

Quản lý thông tin hình ảnh trên các chuyên mục video ở tòa soạn báo mạng điện tử

Quản lý thông điệp về từ thiện trẻ em trên báo điện tử

Báo chí đối ngoại góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Quan niệm về an ninh quốc gia và an ninh phi truyền thống

Mỗi tác phẩm báo in phải là một “cú hích”
