Thông điệp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên sóng VTV1

22/04/2020, 23:29

Thông điệp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên sóng VTV1 - Thời gian gần đây, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Ảnh: TL

Vấn đề mang tính xã hội

Tại phiên điều trần do Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức ngày 27/3/2017, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê, trong 3 năm 2014, 2015, 2016 có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Nhưng trên thực tế, đây không phải là con số chính xác, bởi có nhiều vụ việc các em và gia đình không khai báo do bị đe dọa, dùng tiền mua chuộc hoặc cảm thấy xấu hổ.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã phát hiện 696 vụ XHTDTE, với 716 đối tượng gây án, xảy ra nhiều tại các địa phương như Hà Nội, Tây Ninh, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai...

Là kênh truyền hình quốc gia, với ưu thế tiếp cận được nhiều đối tượng ở khắp các vùng miền, với đối tượng công chúng đa dạng, VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, quyết liệt trong công tác đấu tranh, phòng, chống nạn xâm hại trẻ em. Đặc biệt là giai đoạn từ giữa năm 2016 cho đến nay, trong nhiều vụ việc, VTV1 đã góp công lớn trong việc tìm kiếm thông tin cũng như lên án mạnh mẽ, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, tìm lại sự công bằng.

Chủ đề "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" của chương trình Cuộc sống thường ngày. Ảnh: clip

Vai trò của truyền thông

Qua khảo sát thực trạng các thông điệp phòng, chống XHTDTE (PCXHTDTE) trên ba chương trình: Vì trẻ em, Cuộc sống thường ngày và Chuyển động 24h với khoảng thời gian từ 6/2016 - 6/2017, có thể rút ra một số vấn đề chính sau:

Cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Cập nhật tin tức và cảnh báo về xâm hại tình dục trẻ em

Các chương trình liên tục phản ánh những tác hại, hậu quả nặng nề mà hành vi XHTD trẻ em mang lại đã tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội. Ví dụ: Chuyển động 24h có các tin, phóng sự: Lâm Đồng: Phụ huynh bức xúc vì nghi con em bị xâm hại, phát sóng trưa 24/2/2017; 10 học sinh bị xâm hại tại Lâm Đồng, ngày 28/2/2017; Vụ việc bé gái 6 tuổi bị xâm hại tình dục ở Vũng Tàu ngày 13/8/2017...

Việc liên tục cập nhật những thông tin về các vụ việc xâm hại tình dục, tố cáo hành vi phạm tội giống như hồi chuông cảnh tỉnh tất cả cộng đồng về mức độ nguy hiểm của vấn nạn này, giúp cộng đồng nắm rõ được tình hình, diễn biến phức tạp của vấn nạn, chủ động tìm kiếm thông tin và ý thức được việc phòng, chống XHTD cho con em mình.

Hướng dẫn trẻ em về giới tính và các vùng nhạy cảm

Có một số hành động, hành vi đụng chạm, sờ vào cơ thể, bộ phận kín của trẻ nhưng nhiều người xem đó là hành vi không đáng nghiêm trọng. Nhưng ít ai biết đó là một trong những dấu hiệu của XHTD. Vì vậy, các thông tin về giới tính, truyền thông về thế nào là XHTD trên các bản tin/chương trình khoa giáo trên VTV1 luôn là cần thiết trong bối cảnh còn quá nhiều người mơ hồ về bản chất của XHTDTE. Ví dụ Cuộc sống thường ngày: Nói về những câu chuyện về giáo dục giới (phát sóng 9/7/2016), Chuyển động 24h: Những điều cần dạy trẻ em chống xâm hại tình dục (phát sóng 14/8/2016)...

Hướng dẫn, chia sẻ cách bảo vệ trẻ em tránh xâm hại tình dục

Những tin, bài này chủ yếu đề cập về cách phòng, chống XHTDTE, biện pháp để phụ huynh có thể bảo vệ và giáo dục con em mình những kỹ năng phòng tránh XHTD. Ví dụ: Chuyển động 24h phát sóng Đảm bảo quyền lợi cho các em gái vị thành niên ngày 9/7/2016; Vì trẻ em khai thác những nội dung: Làm gì để bảo vệ trẻ em ở các khu công nghiệp ngày 25/5/2017, Nâng cao kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ngày 1/6/2017; Cuộc sống thường ngày có những tin- bài như: Bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục, ngày 16/7/2016, Bảo vệ trẻ em bị xâm hại, ngày 30/6/2016,...

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chính thức khai trương ngày 6/12/2017. Ảnh: TL

Thúc đẩy hành động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Kêu gọi mọi người lên tiếng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Một trong những yếu tố VTV1 đưa vào thông điệp “phòng chống XHTDTE” là kêu gọi mọi người, kêu gọi chính nạn nhân hãy cùng lên tiếng chống XHTDTE. Ví dụ, tháng 8/2017, Chuyển động 24h đưa hàng loạt thông tin về vụ việc một cụ già 77 tuổi ở Vũng Tàu có dấu hiệu xâm hại bé gái 6 tuổi, mặc dù người mẹ của nạn nhân đã đi kêu cứu ở cơ quan chức năng, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Chỉ đến khi phóng viên VTV24 vào cuộc, đi điều tra, thu thập chứng cứ, phỏng vấn,... đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ, phản đối vô cùng lớn. Hàng nghìn bình luận, chia sẻ trên các trang mạng xã hội thể hiện sự bất bình về hành vi của thủ phạm.

Những lời kêu gọi đến từ những nghệ sỹ, những người nổi tiếng có tiếng nói nhất định trong cộng đồng xã hội. Chính những chia sẻ về nỗi đau, về những ngày tháng đen tối mà các nạn nhân đã trải qua có tác động sâu sắc đến tất cả mọi người. Ngày 14/7/2016, chương trình Cuộc sống thường ngày phát sóng đoạn phỏng vấn với Doanh nhân Hoài Anh - người từng bị xâm hại tình dục vào năm 9 tuổi. Chương trình Vì trẻ em ngày 8/5/2017 phát video clip: Thông điệp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em với lời kêu gọi từ những nghệ sỹ nổi tiếng như nghệ sỹ hài Xuân Bắc, ca sỹ Mỹ Linh,...

Hay chương trình “Chuyển động 24h” ngày 18/6/2016 phát tin Nghệ sĩ thế giới kêu gọi lên tiếng vì xâm hại tình dục trẻ em truyền tải thông điệp kêu gọi phòng, chống XHTDTE của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như nữ ca sĩ Lady Gaga, người dẫn chương trình nổi tiếng nước Mỹ Oprah Winfrey, nữ diễn viên Teri Hatcher, danh hài Monique, nữ diễn viên Anne Heche... Họ từng là nạn nhân của vấn nạn XHTD từ rất nhỏ và đó là một nỗi đau không bao giờ kết thúc. Lời phát biểu đầy xúc động của Ashton Kutcher khi nói về chương trình chống XHTDTE của anh đã làm lay động hàng triệu người trên khắp thế giới, cho thấy sức ảnh hưởng của những người nghệ sĩ trong việc chống XHTDTE.

Giới thiệu các dự án, sản phẩm truyền thông kêu gọi phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Đây là nội dung giúp thông điệp phòng, chống XHTDTE có thể lan tỏa dễ dàng, tạo được hiệu ứng tốt hơn, có khả năng tác động đến thái độ và hành vi của công chúng một cách lớn hơn. Ví dụ: Chương trình “Chuyển động 24h” 18/6/2017 phát sóng ca khúc Til it happens to you (Khi điều đó xảy ra với bạn) - ca khúc của Lady Gaga về việc ủng hộ những nạn nhân của nạn XHTD và MV Đừng để con một mình do 6 nghệ sĩ nổi tiếng của làng giải trí Việt thể hiện, như một lời cảnh tỉnh với những bậc phụ huynh về sự quan tâm đến những đứa con của mình trước những mối nguy hiểm của xã hội.

Trẻ em được tham gia các hội nghị về bảo vệ quyền trẻ em. Ảnh: TL

Thúc đẩy xây dựng văn bản, quy định pháp luật, pháp lý bảo vệ trẻ em

Phản ánh thông tin pháp luật, thực trạng thực hiện pháp lý đối với phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Các chương trình đã nêu lên một số thực trạng như việc xử lý vi phạm hành chính về XHTDTE ít được thực hiện; các quy trình và hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng của bạo lực, xâm hại còn thiếu; quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại vẫn chưa có.

Ví dụ, Vì trẻ em với tin/bài Vì sao các vụ xâm hại tình dục trẻ em chưa được xử lý kịp thời, phát sóng 9/3/2017; Khoảng trống pháp luật bảo vệ trẻ em bị xâm hại, phát sóng 23/3/2017,... Chương trình Chuyển động 24h phát sóng phóng sự ngày 30/12/2016 nói về việc “Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em không thể xử phạt”, nêu lên những vấn đề bất cập trong quá trình truy tố, xử phạt, đâu là nguyên nhân, hướng giải quyết đối với hành vi XHTDTE. Qua đó, chương trình đưa ra bức tranh toàn cảnh về các vụ việc XHTDTE xảy ra thời gian gần đây đều trong tình trạng các cơ quan tư pháp và gia đình nạn nhân gặp nhiều khó khăn khi thụ lý vụ án cũng như tố giác tội phạm.

Đưa ra giải pháp, kiến nghị nâng cao cơ sở pháp lý đối với phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Thông điệp chỉ ra những hạn chế cũng như đề xuất giải pháp nhằm giúp khung pháp lý phòng, chống XHTD trẻ em, bảo vệ trẻ em được hoàn thiện hơn. Ví dụ chương trình Vì trẻ em, talkshow với chủ đề “Khoảng trống pháp luật bảo vệ trẻ em bị xâm hại” phát sóng 23/3/2017 đã đưa ra kiến nghị hướng giải quyết đối với hành vi XHTD trẻ em. Trong đó, chương trình cùng với khách mời là ông Đặng Hoa Nam - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đề xuất những giải pháp giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em như cơ quan chức năng cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, rà soát luật xử lý vi phạm hành chính.

Tọa đàm Chống xâm hại tình dục trẻ em do báo Tiền phong tổ chức. Ảnh: TL

Chú trọng hơn thông điệp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên báo chí

Trong bối cảnh, trẻ em ngày càng trở thành nạn nhân của nhiều tội ác, báo chí cần quan tâm truyền thông, bảo vệ những “mầm xanh” của đất nước. Trong đó, việc lên tiếng về nạn XHTDTE trên báo chí đang thực sự rất cần thiết trong thời điểm hiện tại bởi mức độ nguy hiểm và đáng báo động của vấn nạn này.

Mỗi thông điệp về phòng, chống XHTDTE sẽ “góp gió thành bão”, giúp trẻ em cũng như công chúng có được những kiến thức cơ bản về XHTD cũng như nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống XHTD. Những hiệu ứng tích cực của dư luận luôn là thước đo giá trị thông điệp trên báo chí. Qua khảo sát, thông điệp phòng, chống XHTDTE trên VTV1 đã được đăng tải với nội dung tương đối đa dạng song vẫn còn bất cập như việc cập nhật thông tin và vấn đề đáp ứng nhu cầu cho công chúng trẻ em... Vấn nạn XHTDTE đang ngày càng tăng cao, hơn lúc nào hết, Đài Truyền hình Việt Nam nên xây dựng chương trình chuyên biệt cung cấp đầy đủ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em./.

TS. Lê Thu Hà - Nguyễn Thị Thùy Vân