Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thêm nhiều gợi mở về “Điểm đến du lịch Thu Hà Nội”

20:12 19/09/2024 - Văn hóa
Nhằm tiếp tục khai thác vẻ đẹp mùa thu Hà Nội - mùa đẹp nhất trong năm để quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của Hà Nội, xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Điểm đến du lịch Thu Hà Nội”. 

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội - mùa thu lịch sử” thuộc chuỗi sự kiện hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Tham dự sự kiện có đại diện của các sở, ngành, các đơn vị, hiệp hội, câu lạc bộ du lịch và gần 60 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành…

Tọa đàm “Điểm đến du lịch Thu Hà Nội”. 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội nhấn mạnh, với lịch sử hàng nghìn năm, Thủ đô Hà Nội có nhiều di tích lịch sử, văn hóa giá trị, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn. Đặc biệt vào mùa thu, Hà Nội gắn liền với những sự kiện kỷ niệm lớn như ngày Quốc Khánh (2/9), ngày giải phóng Thủ đô (10/10).

Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội phát biểu.

Hà Nội có vẻ đẹp riêng có vào mùa thu với thời tiết dịu mát, những tia nắng vàng óng ả xuyên qua những hàng cây khắp các phố phường, những chiếc xe hoa đủ màu sắc trên phố cũng rực rỡ hơn khi thu sang… Với những giá trị riêng có, Hà Nội đã được kênh truyền hình CNN bình chọn trong tốp 12 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới vào mùa thu.

Tại buổi tọa đàm nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có thêm những sản phẩm mang tính liên kết, thể hiện được nét đặc trưng rõ nét để khai thác thế mạnh mùa thu riêng có của Hà Nội, định vị thương hiệu “du lịch mùa thu” và từng bước đưa du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại diện của các sở, ngành, các đơn vị, hiệp hội, câu lạc bộ du lịch và gần 60 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành… đưa ra nhiều gợi mở cho "Điểm đến du lịch Thu Hà Nội”.

Theo ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Hà Nội cần xây dựng sản phẩm du lịch mùa thu của Hà Nội trở thành điểm đến quen thuộc, để bất cứ ai dù sinh ra tại Hà Nội hay chỉ là sống hoặc làm việc, thậm chí là ghé chơi Hà Nội cũng có cảm giác thân quen, nhớ về.

Chia sẻ tại tọa đàm, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lê Thị Thiết cho biết, Hà Nội có rất nhiều món ngon đặc trưng của mùa thu, có thể hình thành những cung đường foodtour hấp dẫn. Du khách có thể thưởng thức các sản phẩm về cốm, bánh đúc, bún riêu, bún ốc hay ăn bát phở nóng hổi trong tiết trời thu mát mẻ...

Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Lê Thị Thiết chia sẻ tại tọa đàm.

Trưởng phòng Hướng dẫn - thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Minh Thu cũng đưa ra những gợi ý như vào thời điểm mùa thu với tiết trời mát mẻ thì sản phẩm thích hợp nhất là du khách có thể trải nghiệm mặc cổ phục tham gia tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” hoặc thư giãn với tour xe điện kết nối di sản Hoàng thành với phố cổ Hà Nội. 

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa Lê Thị Tuyến cho biết, hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm du lịch làng nghề, đặc biệt là làng hương Quảng Phú Cầu. Đây là điểm đến hấp dẫn, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm nghề làm hương thủ công và chiêm ngưỡng những dải hương rực rỡ dưới ánh nắng mùa thu.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa Lê Thị Tuyến trình bày tham luận tại tọa đàm.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt đại diện cho đơn vị lữ hành cho biết, hiện đã xây dựng gần 10 sản phẩm du lịch về mùa thu Hà Nội. Đó là: Tour trải nghiệm mùa thu Hà Nội qua 5 giác quan (du khách tản bộ trên con đường hoa, nghe các bài hát về Hà Nội, ăn bánh cốm, uống cà phê trứng, mua sắm các thức quà); phototour thu Hà Nội; food tour Hà Nội; city tour Hà Nội bằng đường sắt đô thị trên cao và xe buýt điện; tour áo dài (du khách mặc áo dài khởi hành từ phố cổ đến làng lụa Vạn Phúc để tham quan và mua sắm); tour làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín) làng nón chuông (Thanh Oai) làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa); tour Đường Lâm – chùa Mía – thành cổ Sơn Tây - chùa Khai Nguyên; tour xem show diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"; tour Đường Lâm - chùa Mía - thành cổ Sơn Tây - chùa Khai Nguyên - chùa Thầy - show diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".

Du khách tham quan và trải nghiệm làm tăm hương tại làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa).

Đại diện cho đơn vị lữ hành này cũng nhấn mạnh, chùm tour mùa thu Hà Nội sẽ là những gợi ý để du khách lựa chọn khi đến Hà Nội tham quan. Đồng thời đây cũng là những sản phẩm Hiệp hội Du lịch Hà Nội đưa ra để các đơn vị lữ hành có thể liên kết, cùng nhau khai thác, chia sẻ nguồn khách và quảng bá rộng rãi tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội, tọa đàm đã thêm một lần khảng định và cho chúng ta thấy rõ hơn những nét đẹp, giá trị văn hóa lịch sử, du lịch, sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh các danh thắng, điểm đến di tích, di sản của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt vào mùa thu, từ đó, các tổ chức, đại diện điểm đến và các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành có thể nghiên cứu, xây dựng và quảng bá các sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với mùa thu Hà Nội. Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mới trong các sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top