Thể loại bình luận ngắn trên báo chí hiện nay

Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.

Trong các dạng bình luận thì bình luận ngắn đang nổi lên là một dạng bình luận phổ biến và hữu hiệu nhất hiện nay. Nó đáp ứng nhu cầu thông tin có chiều sâu về những vấn đề cụ thể một cách nhanh chóng, chính xác, có lý lẽ phân tích thuyết phục. Đồng thời bình luận ngắn cũng là kênh để công chúng tham gia trực tiếp vào hoạt động báo chí với tư cách chủ thể sáng tạo. Bằng góc nhìn đa chiều, phong phú, bằng sự gợi mở, tranh luận, bình luận ngắn có thể tạo nên những cách nhìn, những chia sẻ sâu sắc về những vấn đề cụ thể một cách tương đối cởi mở và sinh động.

Quan niệm về bình luận ngắn

Khái niệm bình luận ngắn không phải đến nay mới đưa ra. Ngay từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các tác giả của Giáo trình nghiệp vụ báo chí tập 1 của Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đưa ra khái niệm bình luận ngắn khá chi tiết và cụ thể: “Bình luận ngắn thường nhằm để bình về một sự kiện, sự việc nhỏ hay là một mặt của vấn đề nảy sinh hàng ngày”. Về đề tài bình luận ngắn, các tác giả nhận xét: “Bình luận ngắn có đề tài rộng rãi. Bình luận ngắn có thể đề cập tới những vấn đề thuộc dòng thời sự phụ, và có thể chỉ vạch ra một khía cạnh nào đó có vấn để bức thiết nhất trong cuộc đấu tranh, trong lao động sản xuất, công tác, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Đó thường là những vấn đề chưa tới mức để viết thành những bài bình luận thời sự quan trọng...” (tác giả nhấn mạnh).

Dung lượng bài bình luận ngắn như tên gọi của nó cũng được cho là khá ngắn. Cụ thể: “Số lượng chữ cần dùng cho bình luận ngắn không thể quy định một cách cứng nhắc, nhưng thông thường là trên dưới năm trăm chữ, không nên dài quá một nghìn chữ”(1).

Theo quan niệm nêu trên, bình luận ngắn thuộc loại bình luận thời sự vốn là thể loại bình luận thông dụng và phổ biến nhất trong các loại bình luận báo chí. Nhà báo Hữu Thọ trong cuốn Bình luận báo chí thời kỳ đổi mới lại chia ra thành “luận” ngắn, “luận” dài, tùy theo sự kiện vấn đề. Cách chia này cho thấy sự quan tâm đến dung lượng như một biểu hiện nhận biết khá rõ nét về thể loại. Tác giả Trần Quang trong cuốn Các thể loại báo chí chính luận lại đặt bình luận ngắn trong thế so sánh với bình luận tổng quan (bình luận dài), bình luận quốc tế...

Theo tác giả Trần Quang, bình luận ngắn chỉ tập trung làm sáng tỏ một sự kiện và những vấn đề liên quan trong một phạm vi hiện thực giới hạn: “Tác phẩm chỉ tập trung làm sáng tỏ một sự kiện và những vấn đề liên quan tới sự kiện đó. Những phân tích, lý giải của tác giả là nhằm làm sáng tỏ bản chất của sự kiện được nêu lên để đánh giá. Như vậy, bình luận ngắn thường theo đuổi những mục tiêu như đánh giá sự kiện mới và lưu ý người đọc chú ý đến nó, chỉ ra nguyên nhân của sự kiện và mối quan hệ của nó”(2).

Quan niệm trên không khu biệt về giới hạn dung lượng bài bình luận ngắn nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến việc “bình luận ngắn thường theo đuổi những mục tiêu như đánh giá sự kiện mới”, tức là các sự kiện thời sự nóng hổi rất được chú trọng, quan tâm và là tiêu chí đánh giá hàng đầu của bình luận ngắn. Việc bám sát các sự kiện thời sự xảy ra đòi hỏi bình luận ngắn luôn phải ra đời thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Tác giả Trần Thế Phiệt trong cuốn Tác phẩm báo chí tập 3 lại chia bình luận thành bình luận ngắn, bình luận trong ngày, tin bình... Theo tác giả, cần khu biệt bình luận ngắn trong khuôn khổ dung lượng cụ thể, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và sự khảo sát các tác phẩm bình luận được coi là ngắn: “Bình luận ngắn xuất hiện chỉ cần 20 đến 30 dòng chữ in, dẫn ra một sự kiện, một lời phát biểu và chỉ một vài câu bình luận (hoặc tán thành, hoặc mỉa mai, phê phán)”(3).

Theo tác giả Trần Thế Phiệt, nếu xét về dung lượng thì bình luận ngắn xuất hiện khá khiêm tốn với “20 đến 30 dòng chữ in”, trong đó chỉ cần “một vài câu bình luận”. Đặc biệt về nội dung tác giả này lưu ý tách biệt hoàn toàn bình luận ngắn với các thể bình luận khác khi chỉ “dẫn ra một sự kiện”. Ngược lại, tác giả Trần Quang dù đồng tình với phần nội dung là làm sáng tỏ một sự kiện nhưng còn có thêm cả các vấn đề liên quan đến sự kiện đó.

Trong luận văn Thạc sĩ truyền thông đại chúng “Bình luận ngắn trên báo in ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Phan Ngọc Chính nhận xét: “Bình luận ngắn là một dạng tác phẩm thuộc thể loại bình luận báo chí. Dạng tác phẩm này có dung lượng dưới 1.000 chữ và chỉ tập trung làm sáng tỏ một sự kiện thời sự nóng, xuất hiện thường xuyên trên báo”(4).

Như vậy, dù khía cạnh nhìn nhận, đánh giá có khác nhau, song nhìn chung, các tác giả được dẫn ra ở trên đều có quan điểm khá thống nhất về bình luận ngắn: đó là một thể của bình luận, đề cập một hoặc một vài sự kiện có liên quan nổi bật trong ngày. Dung lượng của bài bình luận ngắn phổ biến ở mức từ 500 đến 1.000 chữ. Sự cô đọng của ngôn từ này xuất phát từ nhu cầu cần bình luận phân tích nhanh sự kiện, song cũng là do sự kiện không quá sâu đậm để có thể bình luận dài hơn.

Theo chúng tôi, bình luận ngắn là dạng bình luận có dung lượng ngắn gọn, súc tích, nội dung đi thẳng vào các vấn đề cụ thể, trực diện, giúp công chúng định hướng kịp thời trước những vấn đề, những chi tiết hằng ngày, hằng giờ nảy sinh từ đời sống xã hội. Bình luận ngắn có sự tham gia trực tiếp của đông đảo công chúng với tác giả hoặc người gợi ý đề tài cho các tác phẩm mới ra đời.

Đặc điểm nổi bật của bình luận ngắn

Từ khái niệm trên, có thể thấy, bình luận ngắn có những đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, bình luận ngắn đáp ứng tính thời sự nóng hổi. Đặc điểm nổi bật và xuyên suốt trong bài bình luận ngắn là những sự kiện được phản ánh phải nóng hổi, cập nhật, mang tính thời sự. Từng ngày, từng giờ, không ít những sự kiện “nóng” liên tiếp xảy ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm, chú ý. Và khi những sự kiện nổi bật ấy xảy ra công chúng sẽ không chỉ có nhu cầu xem tin, phỏng vấn, ghi nhanh hay các bài thông tấn, mà họ mong mỏi được đọc các bài bình luận, xem quan điểm của nhà báo, của tòa soạn ấy vạch ra như thế nào, liệu có đại diện cho tiếng nói của đông đảo quần chúng cũng cùng chung suy nghĩ?.

Chính lúc những sự kiện liên tiếp xảy ra mà nhu cầu của độc giả đọc bình luận lại cao, khi ấy bình luận ngắn trở thành công cụ hữu ích tuyệt vời của nhà báo. Bình luận ngắn xuất hiện thường xuyên, liên tục trên mặt báo in, báo điện tử, cả trên các bản tin phát thanh truyền hình... nhằm đáp ứng tính thời sự cao của báo chí.

Những sự kiện mà bình luận ngắn phản ánh hay nhìn trong phạm vi nhỏ hơn là đề tài của bình luận ngắn không hề có giới hạn, cũng giống như bình luận. Đối tượng của bình luận ngắn là toàn bộ các sự kiện, kể các những tri thức, những kinh nghiệm về mọi mặt của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Tất cả sự kiện xảy ra trên mọi lĩnh vực đời sống đều có thể trở thành đề tài mà bình luận ngắn theo đuổi, bám sát, miễn là những đề tài đó phải đáp ứng được yêu cầu cập nhật, nóng hổi cũng như theo sát thị hiếu của công chúng.

Cũng dựa trên tiêu chí về tính thời sự nóng hổi này, có thể thấy bình luận ngắn khác hẳn bình luận dài, trước tiên là ở việc lựa chọn sự kiện. Bình luận dài thường mang tính chất tổng kết thực tiễn, với sự chuẩn bị công phu nhiều thời gian, chọn lọc và ôm đồm nhiều tiêu điểm, sự kiện nổi bật và tổng kết cả một quá trình dài để tham chiếu. Trong khi đó bình luận ngắn lại thường chọn ra sự kiện cực “nóng”, những chi tiết tiêu biểu nhất, đắt giá nhất của sự kiện đó để viết. Tuy nhiên, cũng không nên coi bình luận dài là sâu, bình luận ngắn chỉ nói bề mặt, mới nhất, nóng nhất nên kém sâu sắc.

Trên thực tế, bình luận ngắn đã phát triển thành một thể loại phổ biến, chủ lực trong các thể loại chính luận vì nó hoàn toàn phù hợp với nhịp sống và thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng trong xã hội hiện đại. Nhu cầu viết ngắn, đọc nhanh không chỉ vì sự kiện không đủ tầm để bình luận sâu mà vì nhu cầu của công chúng muốn biết ngay bản chất của sự kiện là gì, cần định hướng hành động như thế nào, chứ không phải dông dài. Cách xử lý thông tin này rất phù hợp với điều kiện tiếp nhận của công chúng, tạo hiệu quả thông tin nhanh chóng và có chiều sâu theo từng khía cạnh của vấn đề.

Thứ hai, bình luận ngắn thể hiện quan điểm, chính kiến trực diện. Trong quá trình thực hiện công tác tư tưởng của báo chí, nhà báo cũng như cơ quan báo chí phải cần đến bình luận ngắn để thể hiện quan điểm, thái độ, chính kiến của mình cũng như để định hướng dư luận sao cho đúng đắn nhất. Khi một sự kiện mới nảy sinh trong đời sống xã hội, tòa soạn cũng như phóng viên cần ngay lập tức thực hiện vai trò dẫn dắt dư luận của mình, giúp cho độc giả có được nhận thức, cách tiếp cận và hiểu rõ bản chất sâu xa của sự việc một cách đúng đắn nhất. Khi ấy bình luận ngắn trở thành công cụ đắc lực để người làm báo bộc lộ ý kiến, quan điểm trực diện với vấn đề của mình.

Có thể nói, vai trò của bình luận ngắn trong đời sống xã hội là phân tích, tổng kết các sự kiện điển hình rồi rút ra vấn đề, những kinh nghiệm có tính lý luận, giúp cho công chúng có cách nhìn nhận những vấn đề thực tiễn một cách tổng quát hơn; hiểu thấu đáo bản chất của sự kiện, vấn đề, quy luật vận động và xu hướng phát triển. Từ đó công chúng sẽ có những nhận thức kịp thời và điều chỉnh những hành vi của mình sao cho phù hợp, đúng đắn. Với những sự kiện phản cảm, gây bất bình, bức xúc trong xã hội thì nhà báo và tòa soạn phải thể hiện sự phản đối bằng quan điểm phê phán, lên án... Với những sự kiện tốt thì nên biểu hiện quan điểm đồng tình, biểu dương, cổ vũ để nhân rộng. Còn đối với những sự kiện còn ẩn chứa nhiều chiều khuất, chưa bộc lộ hết bản chất thì người làm báo nên giải thích, phân tích làm rõ và lý giải chúng, thậm chí dự báo, tiên liệu trước để công chúng kịp thời nhận thức và hiểu rõ.

Trong bài bình luận ngắn, để thuyết phục được độc giả tin và đồng ý với những quan điểm, chính kiến của mình đòi hỏi nhà báo và cơ quan báo chí phải có kỹ năng lý giải thông tin, phân tích, chứng minh, bình giải sự kiện một cách logic, khoa học và mang dấu ấn riêng của trang báo. Nhà báo cũng như tòa soạn phải dám nói lên tiếng nói, quan điểm của mình, nhìn thẳng và nói đúng sự thật, khiến cho độc giả thỏa mãn nhu cầu được định hướng, lý giải thông tin. Điều này đòi hỏi nhà báo phải có một năng lực tư duy cực kỳ nhạy bén, có tầm nhìn xa để dự báo và có kiến thức đủ rộng để phân tích các sự kiện, định hướng được dư luận đúng đắn, thậm chí cả sự dũng cảm, trung thực khi vạch trần cái xấu. Đây cũng là một yêu cầu rất khó khăn trong môi trường báo chí hiện nay, bởi đây là thể loại kén người viết, và tìm được người đủ trình độ viết bình luận ngắn “cao tay” như vậy không dễ.

Thứ ba, dung lượng bình luận ngắn phải ngắn gọn. Ngay cụm từ “bình luận ngắn” cũng cho ta hiểu về dung lượng của thể loại này không được phép quá dài, trước hết là do yêu cầu về tính thời sự. Một sự kiện rất mới, rất nóng đang được quan tâm không thể dành thời gian lâu để viết dài, như vậy sẽ làm mất đi tính thời sự của sự kiện. Bài viết bình luận ngắn theo các quan niệm trước đây thường từ 30 dòng chữ in, khoảng 200 - 400 chữ. Tuy nhiên, hiện nay trung bình các bài bình luận ngắn có dung lượng phổ biến từ 500 - 700 chữ, thậm chí có thể dài hơn tùy theo nội dung triển khai và đặc điểm tiếp nhận của công chúng.

Nhưng nhìn chung, con số không vượt quá 1.000 chữ cho bài bình luận ngắn là một đặc điểm khá chuẩn, cho cả bình luận ngắn trên báo in cũng như báo mạng hiện nay. Phải nhìn nhận viết ngắn là một xu hướng không cần phải bàn cãi. Cho nên nhiều vấn đề, nội dung lẽ ra phải viết dài như trước đây thì nay đã bị khuôn lại trong một dung lượng hạn chế hơn nhưng tầm vóc vấn đề không thay đổi. Việc “sao khô, sắc đặc” đòi hỏi người viết bình luận ngắn phải chuyên tâm, chắt lọc và kỹ lưỡng hơn với từng câu từ, chi tiết. Dẫu sao việc gợi ra cái mới, đẩy lên những chi tiết thú vị, buộc độc giả phải suy nghĩ là việc khó hơn nhiều so với cách “trình bày hiểu biết của bạn về một vấn đề” đôi khi khá bài bản, kỹ càng và dài dòng như cách trước đây vẫn làm.

Thứ tư, bình luận ngắn thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo cộng tác viên, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các chính khách có sự am tường chuyên sâu về từng lĩnh vực. Ngay tên gọi các chuyên mục này trên một số báo đã cho thấy vai trò của cộng tác viên, của công chúng quan trọng như thế nào với sự duy trì và phát triển của thể loại trên thực tế. Báo Tuổi Trẻ có chuyên mục “Thời sự và suy nghĩ”, Báo Nhân Dân có chuyên mục “Cùng suy ngẫm”, Báo Quân đội nhân dân có mục “Cùng bàn luận”, Báo Dân trí có mục “Tiêu điểm”... Với dung lượng mỗi ngày một bài bình luận ngắn, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, việc mời gọi bạn đọc, cộng tác viên tham gia viết bài thường xuyên là một cách thức không thể khác trong việc duy trì sức hấp dẫn và tính chất mới mẻ của các chuyên mục này.

Bên cạnh việc bạn đọc trực tiếp viết và gửi bài đến tòa soạn, có báo còn tổ chức bài theo kiểu ghi lại ý kiến của các chuyên gia, các chính khách, đại biểu quốc hội... về các vấn đề nóng rồi đưa lên các chuyên mục bình luận ngắn. Cách làm này tạo sự liên kết trực tiếp và hiệu ứng thú vị trong triển khai đề tài.

Thứ năm, bình luận ngắn đặc biệt đắc dụng với báo mạng điện tử. Với đặc trưng nổi bật về tính tương tác, khả năng thông tin phi định kỳ và không bị hạn chế về số lượng bài vở như báo giấy..., bình luận trên báo mạng điện tử tạo được diễn đàn nhanh và rộng hơn các loại hình báo chí khác. Từ một sự kiện, vấn đề, độc giả có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, từ đó tạo được diễn đàn trong dư luận. Thông qua diễn đàn, nhà báo sẽ nắm bắt được những suy nghĩ của công chúng, từ đó sẽ có những định hướng cho bài bình luận tiếp theo của mình về vấn đề đó. Đề tài hấp dẫn hay không có thể được đánh giá qua rất nhiều phản hồi của độc giả. Chủ đề nóng, hấp dẫn, mới lạ, phong phú sẽ thu hút được đông đảo mọi người cùng quan tâm.

Khác với báo in, truyền hình hay phát thanh, báo mạng điện tử có ưu thế về “đất” đăng bài, ít bị giới hạn về số lượng và dung lượng nên các đề tài được phản ánh đa dạng, nhiều chiều. Từ một sự kiện hay một vấn đề đang được công chúng quan tâm, các tác giả có thể “đào sâu” theo nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, từ đó giúp công chúng hiểu tường tận. Không giống như bình luận trên báo giấy chỉ có chữ với hình ảnh, bình luận trên báo mạng điện tử đôi khi còn tích hợp cả video, audio. Đây là một đặc trưng vượt trội của báo mạng điện tử. Thay bằng những bài báo dài hàng nghìn chữ, sự kết hợp của các tính năng phát thanh, truyền hình sẽ hấp dẫn, lôi cuốn được đông đảo công chúng hơn.

Khác với báo in phải phát hành theo số hằng ngày hoặc hằng tuần, hoặc báo truyền hình phải đến đúng giờ mới được lên sóng thì báo mạng điện tử là sự trỗi dậy mạnh mẽ của thời đại công nghệ thông tin. Báo mạng điện tử có thể cập nhật các bài viết nóng hổi nhất, thời sự nhất ngay khi sự kiện xảy ra mà không hề gặp bất kỳ cản trở nào. Do đó, bình luận ngắn trên báo mạng điện tử ngay lập tức đảm bảo được tiêu chí bám sát theo sự kiện đã xảy ra, bình luận, định hướng cho dư luận đúng đắn và kịp thời nhất có thể.

Bên cạnh đó, trong thời đại cạnh tranh về thông tin, một tờ báo mạng điện tử giữ được uy tín của mình hay không phải phụ thuộc không nhỏ vào các thể loại bình luận, đặc biệt là bình luận ngắn vì nó giúp tờ báo có được bản sắc riêng, mang một màu riêng không thể lẫn. Nếu như tin, phỏng vấn, ghi nhanh... có thể giống nhau, các báo điện tử có thể đăng lại của nhau dễ dàng và gây ra nhiều sự trùng lặp thì khi ấy bình luận ngắn lại đứng lên với một vị thế độc lập, không bị hòa lẫn. Bài bình luận ngắn trên báo mạng điện tử vừa thể hiện tiếng nói của tòa soạn, vừa giữ cho tòa soạn một màu sắc khác biệt, giúp công chúng được định hướng thông tin một cách nhanh chóng nhất.

PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Ngọc Chính (2008), Bình luận ngắn trên báo in hiện nay, luận văn Thạc sĩ Truyền thông đại chúng.
2. Trần Thế Phiệt (1997), Tác phẩm báo chí (tập III), Nxb. Giáo dục, Hà Nội
3. Trần Quang (2000), Các thể chính luận báo chí, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Tạ Ngọc Tấn chủ biên (1997), Tác phẩm báo chí tập I, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
5. Hữu Thọ (2002), Bình luận báo chí thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
6. Trường Tuyên huấn Trung ương (1978), Giáo trình Nghiệp vụ báo chí.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top