Thầy giáo trẻ và hành trình truyền khát khao, đam mê

Cái tên Đàm Thanh Tùng hay “Tùng Đàm”, “Thầy Tùng Địa lí” chắc hẳn là cái tên đã không còn xa lạ với nhiều bạn học sinh phổ thông ôn thi THPT quốc gia, ôn thi đại học môn Địa lí, học - ôn Địa lí trực tuyến từ nhiều năm nay. Luôn khát khao, nhiệt huyết, luôn sống hết mình, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám sáng tạo, khiêm tốn, giản dị, dễ gần là những gì có thể nói về “Tùng Đàm” - thầy giáo sinh năm 1995 ở Mê Linh, Hà Nội, cựu học sinh trường THPT Kim Anh, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Mỗi công việc đều cố gắng làm tốt

Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, từ nhỏ Tùng đã chịu khó học tập và ý thức được việc học sẽ đem lại được những thay đổi tích cực cho bản thân, để từ đó Tùng luôn nỗ lực vươn lên mọi nơi, mọi lúc. Vừa học tập, vừa phụ giúp các công việc của gia đình, tham gia hoạt động xã hội đoàn thể, công việc nào, nhiệm vụ nào Tùng cũng đều cố gắng hoàn thành tốt. Trong những năm học đại học, Tùng là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn sôi nổi được “thầy yêu, bạn mến”. Tùng đã nhận được Bằng khen của TW Đoàn TNCS HCM dành cho tình nguyện viên có thành tích xuất sắc tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, đạt Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2017 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Năm 2016, Tùng cùng một nhóm sinh viên tham gia chương trình “Siêu thủ lĩnh - Biến bãi rác thành vườn hoa”. Tại đây, Tùng đã thể hiện vai trò một người thủ lĩnh, Tùng trăn trở, lên ý tưởng, lên kế hoạch, xây dựng nhóm “Sen trong phố” để tổ chức triển khai thực hiện biến các bãi rác ở các khu dân cư gây mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị thành các góc nhỏ, các vườn hoa đầy màu sắc, đầy sáng tạo. Với dự án này, Tùng và nhóm của mình đã cải tạo được hơn 10 bãi rác thành những vườn hoa, và thành quả của dự án đã được chính quyền, đoàn thể và nhiều cộng đồng dân cư ghi nhận.

Tùng cho rằng, muốn các hoạt động cho cộng đồng bền vững thì phải luôn xuất phát từ cái tâm của bản thân muốn giúp đỡ cho xã hội, phải là điều thôi thúc từ bên trong, và không nên tính toán quá, bởi nếu như vô tư với cuộc đời cuộc đời sẽ vô tư lại”, Tùng chia sẻ.

Đam mê với dạy học trực tuyến

Nói về niềm đam mê dạy học, Tùng say sưa chia sẻ anh bắt đầu dạy học từ năm 2013, sau khi thi đỗ đại học và chuẩn bị chờ nhập học. Với ý tưởng ban đầu là giúp các em trong làng, trong xóm, con cái của chú bác họ hàng, nơi gia đình Tùng sinh sống, đạt kết quả tốt trong học tập và thi cử.  Lúc ban đầu Tùng chỉ dạy nhóm học sinh gồm 3 - 5 em. Với vốn kiến thức Địa lí được tích luỹ từ khi còn ôn thi đại học (Tùng là thủ khoa đầu vào Khoa Tuyên tuyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2013), Tùng đã dành thời gian, tâm trí và đam mê để biên soạn giáo án, bài giảng ôn thi môn Địa lí một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để truyền thụ cho các em. Niềm đam mê học môn Địa của các học sinh, làm Tùng càng thấy có duyên và hợp với nghề dạy học. Rồi khoá này nối tiếp khoá kia, học sinh học lớp thầy Tùng Địa lí ngày càng đông, nhiều em đã đạt số điểm cao môn Địa lí trong các kì thi THPT quốc gia và thi đại học khiến danh tiếng của Thầy Tùng Địa lí ngày một bay cao và xa vượt qua cả phạm vi thành phố nơi Tùng sinh sống.

Với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân sau một thời gian, Tùng đã tự tin sáng lập và quản lý dự án "Địa lí AT", chuỗi lớp học luyện thi THPT quốc gia môn Địa lí với nhiều khóa học: Cao thủ biểu đồ; Atlat trong tầm tay; Mỗi ngày 1 điểm; Chuyên sâu...; tác giả cuốn sách “Xử lí nhanh trắc nghiệm Địa lí thi THPT quốc gia”. Năm 2018, Tùng bắt đầu dạy học trực tuyến qua livestream Facebook và trên Youtube. Đến nay, số lượng học sinh học trực tuyến ở lớp thầy Tùng đã lên đến con số hàng nghìn, thuộc khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí có những giáo viên phổ thông cũng tham gia học tập, trau dồi thêm kỹ năng từ lớp thầy Tùng.

Khi được hỏi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình dạy học trực tuyến, Tùng cười và nói: Khó khăn hay thuận lợi đều ở cách mình nhìn nhận vấn đề, phân tích và ngẫm nghĩ để làm sao tận dụng tối đa được những ưu thế, phát huy được những thuận lợi, đồng thời chuyển hoá những khó khăn, xem khó như thế nào rồi mình nghiên cứu, tìm cách giải quyết. Quan trọng nhất là lúc nào mình cũng lạc quan, làm chủ công việc, biến công việc thành niềm vui chứ không phải áp lực và tiêu cực. Thuận lợi của Tùng là được học sinh yêu mến, tin tưởng, dành những tình cảm hết sức trân trọng, do vậy, Tùng luôn cảm thấy có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Có gia đình cả hai anh em đều theo học thầy Tùng. Anh học khoá trước ôn thi đỗ đại học, rồi đến em học khoá sau lại cũng theo học mình. Đó là niềm vui, niềm trân quý của nghề dạy học.

Khó khăn của việc dạy học trực tuyến là ban đầu Tùng chưa có nhiều kĩ năng cũng như kinh nghiệm, do vậy, Tùng tham gia các khoá học online để củng cố kĩ năng dạy học trực tuyến và thực hành để sử dụng thành thạo kĩ thuật - công nghệ dạy học. Việc dạy và học trực tuyến thì không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nên những học sinh của Thầy Tùng có thể đến từ những vùng miền, những địa phương khắp các nơi trên cả nước.

Với đặc thù của môn Địa lí, một bộ môn vừa tự nhiên vừa xã hội, khi phân tích điều kiện đất đai, địa hình, khí hậu, văn hoá, bản sắc, đặc trưng kinh tế - xã hội… các vùng miền thì không được phép sơ sài, đại khái; do vậy, với trách nhiệm và tâm tư của một người thầy tâm huyết với nghề, Tùng liên tục trau dồi và cập nhật kiến thức để xây dựng các bài giảng với nội dung hấp dẫn, phong phú và sinh động”. Do vậy, các khóa học của thầy Tùng đã đào tạo nhiều đối tượng khác nhau với cách dạy gần gũi, phân tích và đưa ra các ví dụ minh hoạ, liên tưởng đến các vấn đề thực tế giúp mọi người có thể hiểu hơn về cuộc sống, chứ không chỉ đơn giản là những kiến thức Địa lí khô khan.

Với khối lượng công việc dày đặc mỗi ngày, chắc hẳn những người bình thường sẽ cảm thấy rất căng thẳng và áp lực, nhưng với chàng trai trẻ này thì không, Đàm Tùng cho rằng, quan trọng là mình là một người biết sắp xếp công việc trong một ngày sao cho hợp lý. Dù nhiều việc nhưng Tùng vẫn có thời gian rảnh để nghỉ ngơi, thư giãn và đi chơi với bạn bè. Tùng tự nhận xét: “Mình luôn luôn cảm thấy lạc quan và yêu đời lắm, ngay cả khi trước mắt là áp lực công việc đè nặng”.

Quỹ học bổng AT Foundation

Hào hứng nói về những đam mê, dự định, những việc đã và đang thực hiện, Tùng không khỏi tự hào khi nói về quỹ học bổng do mình và các thầy cô cùng xây dựng, mục đích để hỗ trợ những em học sinh muốn học tập nhưng gặp khó khăn về tài chính. Học sinh có nhu cầu được hỗ trợ sẽ điền thông tin vào một lá đơn trực tuyến nêu rõ hoàn cảnh và lí do xin hỗ trợ. Ở đây, Tùng không cố định cụ thể con số hay một chuẩn mực nào đó về việc miễn/ giảm học phí. Mà con số xin miễn giảm ở đây sẽ do chính học sinh đó tự đề xuất. Tùng chia sẻ rằng việc hỗ trợ một mức nào đó cho những em học sinh khó khăn là hoàn toàn nằm trong khả năng của mình, Tùng có thể hỗ trợ tối đa 100% nếu các bạn đó thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, Tùng muốn các bạn làm đơn tự đề xuất con số xin hỗ trợ để các bạn tự ý thức hơn về việc học, không phải là cho ai mà là cho chính các bạn, chứ không phải học vì bố mẹ hay vì ai khác. Tùng muốn gửi thông điệp tới các bạn học sinh rằng các bạn hãy cố gắng đi, thành công đi, sau này bất cứ khi nào hoàn trả số tiền đó cũng được, có thể 5 năm, 10 năm hay 50 năm thậm chí còn lâu hơn nữa, chỉ mong các bạn cố gắng không ngừng, không bao giờ được nhụt chí trong học tập.

Chia sẻ thêm về dự định tương lai, Tùng nhận thấy rằng bản thân rất hợp và có duyên với lĩnh vực giáo dục và  đào tạo, Tùng đang từng bước đặt ra những mục tiêu, định hướng theo đuổi lĩnh vực này. Tùng đã và đang chuẩn bị các điều kiện để mở một trung tâm đào tạo kĩ năng, trong đó bao gồm các kĩ năng cần thiết về ứng xử, giao tiếp, kĩ năng thuyết trình, hùng biện, kĩ năng xử lí khủng hoảng, kĩ năng thích ứng linh hoạt trong mọi tình huống, hành trang khởi nghiệp và tự lập cho các bạn trẻ… Xa hơn, ước mơ của Tùng là mở một trường học trực tuyến, nơi Tùng có thể thoả mãn đam mê với những mục tiêu giáo dục nhân văn, đào tạo tri thức, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục và xây dựng cộng đồng giáo dục lành mạnh, tiến bộ và vì người học.

Trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc, Tùng luôn nỗ lực để cháy hết mình với khát khao và đam mê của mình đồng thời lan toả khát khao, đam mê đó tới những người xung quanh, tới bạn bè, tới học trò. Hi vọng rằng những ước mơ và dự định tương lai của Tùng sẽ được thực hiện trong thời gian gần nhất.

Đàm Thanh Tùng: 26 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội

• Bằng khen của TW Đoàn TNCS HCM dành cho tình nguyện viên có thành tích xuất sắc tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132

• Đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2017 do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng • Gần 10 năm kinh nghiệm luyện thi THPT quốc gia, nhiều học sinh đạt thành tích cao.

• Được mệnh danh "Thầy Địa quốc dân" với hàng ngàn học sinh theo học.

• Là giáo viên livestream Địa lí có lượng người xem cao nhất hiện nay, các bài giảng của thầy có thể lên tới hơn 2000 người xem cùng lúc, hàng ngàn lượt like, chia sẻ. 

Phùng Kim Kiên

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top