Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Thay đổi nhận thức và hành động về chuyển đổi số xuất bản

Sáng ngày 5/10/2022, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Cục Xuất bản, In và Phát hành, NXB Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Cục CĐS Quốc gia cùng các cơ quan liên quan tổ chức Tọa đàm CĐS trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành và khai mạc Trưng bày các ấn phẩm về CĐS. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và Ngày CĐS Quốc gia (10/10/2022).

PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật._Ảnh:ictvietnam.vn.

Phát huy tối đa sức mạnh CĐS ngành Xuất bản

Chủ trì và phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS,TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh: CĐS mang lại thời cơ lớn, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Xuất bản sách điện tử có cơ hội lớn thực hiện CĐS. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như sự thay đổi cách tiếp cận của bạn đọc đối với các xuất bản phẩm thông qua phương thức mua hàng trực tuyến đã tác động mạnh mẽ đến ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.

PGS,TS Phạm Minh Tuấn mong muốn, buổi Tọa đàm khoa học là dịp để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý chia sẻ những thông tin hữu ích về tác động của CĐS đối với ngành Xuất bản, In và Phát hành sách; những vấn đề đặt ra và giải pháp để phát huy tối đa sức mạnh của chuyển đổi số đưa ngành Xuất bản, In và Phát hành sách trở thành ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam.

Với tinh thần đó, tại Tọa đàm, các đại biểu, trong đó có các chuyên gia nghiên cứu, cán bộ đầu ngành về lĩnh vực CĐS, đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung sâu sắc về xu hướng CĐS trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy CĐS và Chương trình CĐS quốc gia; tình hình CĐS trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản cùng những kết quả đã đạt được thời gian qua; chia sẻ, giới thiệu với những người làm công tác xuất bản và độc giả kinh nghiệm về việc thực hiện xuất bản và phát hành sách điện tử; giới thiệu những thành quả bước đầu của quá trình thực hiện CĐS ở một đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử; xu hướng xuất bản điện tử trên thế giới và Việt Nam…

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và diễn giả cũng đã có trao đổi cởi mở, giải đáp thắc mắc của thính giả và bạn đọc về một số vấn đề liên quan đến CĐS và chuyển đổi số trong ngành sách.

Chia sẻ tại Tọa đàm, GS,TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán học (VIASM) cho biết xu hướng CĐS trên thế giới và Việt Nam, quá trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong nhiều năm dựa trên việc phân tích dữ liệu. "CĐS là dựa trên môi trường thực số trên không gian mạng".

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ là một Quốc gia số, với bức tranh của quốc gia sẽ có các thành phần tham gia vào CĐS. Đối với ngành xuất bản thì cần có một tầm nhìn đánh giá trong 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa sẽ làm sản phẩm xuất bản như thế nào khi mà nhu cầu đọc của độc giả nâng cao.

Theo GS, TSKH Hồ Tú Bảo, "tất cả mọi người trong ngành xuất bản phải thay đổi nhận thức và đẩy mạnh việc tiếp cận với tư duy đổi mới sáng tạo dựa vào dữ liệu và kết nối, cũng cần thay đổi thể chế, công nghệ mới. Rồi vấn đề an toàn, an ninh như bảo vệ quyền tác giả… có nhiều vấn đề đặt ra, nhưng cốt lõi là 3 vấn đề của CĐS là con người, thể chế và công nghệ".

Trong khi đó, Cục trưởng Cục CĐS Quốc gia Nguyễn Khắc Lịch cho biết theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt "Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", chúng ta cần phải hiểu là CĐS không phải mục đích mà là quá trình tổng thể và toàn diện.

Đối với ngành xuất bản hiện nay, giá trị lớn nhất là phải mang được sách đến cho người đọc. Trong một biển thông tin này, Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch đặt vấn đề chúng ta có thể tạo ra một nền tảng số mà trên đó mỗi cá nhân có thể tạo ra được một thư viện số để đọc sách, làm thế nào để trên nền tảng số giúp người đọc trải nghiệm sách điện tử như sách giấy. Theo đó, ngành xuất bản cần phải CĐS mạnh mẽ hơn để cung cấp cho người đọc những giá trị thông minh hơn.

CĐS đang rộng khắp, theo đó, Ngành xuất bản phải xây dựng những hành lang pháp lý của ngành mình, phải đặt ra câu hỏi: "CĐS trong ngành xuất bản hay ngành xuất bản đóng góp gì cho CĐS. Làm sao để lan tỏa, truyền đưa văn hóa đọc trên không gian số?. 

Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cũng lưu ý: "Bản chất gốc của CĐS là công nghệ thông tin, ngành xuất bản phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy CĐS mạnh mẽ".

Toạ đàm Chuyển đổi số lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành_Ảnh:ictvietnam.vn.

Ngành xuất bản cần thay đổi trong nhận thức và hành động về CĐS

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, trong hơn 2 năm qua, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến doanh số ngành xuất bản nhưng đội ngũ làm xuất bản đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, các doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói..., nhờ đó đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội, ông Nguyễn Nguyên cũng cho biết hiện nay việc CĐS trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về CĐS.

Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 NXB đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 - 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 - 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách, NXB TT&TT xuất bản được trên 1.000 đầu sách. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các DN phát hành xuất bản phẩm điện tử với các DN công nghệ, sự tăng trưởng ấn tượng của một số DN khởi nghiệp như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty cổ Phần Đầu tư Và Phát triển giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet... cùng nhiều DN khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.

Trong khuôn khổ Tọa đàm đã diễn ra Lễ khai mạc trưng bày các ấn phẩm CĐS. Tại không gian trưng bày sách này, các xuất bản phẩm về CĐS nói chung, CĐS trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cùng nhiều ấn phẩm quan trọng khác cả phiên bản giấy và phiên bản điện tử của 20 NXB, trong đó có các NXB uy tín và đi đầu của Việt Nam về hoạt động CĐS như: NXB Chính trị quốc gia Sự thật, NXB TT&TT, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, đã được trình chiếu trên các thiết bị hiện đại và trưng bày trong không gian tổng thể.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Lễ khai mạc, cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được NXB Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu tới bạn đọc bản điện tử với những trải nghiệm mới, không chỉ còn là những dòng chữ đơn điệu mà còn có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện như audio thuyết minh giới thiệu sách, các icon, hình ảnh động…

Khu trưng bày được khai trương vào ngày 5/10/2022 và mở cửa liên tục đến ngày 15/10/2022 tại trụ sở của NXB Chính trị quốc gia Sự thật, nhằm tuyên truyền sâu rộng về CĐS và sẵn sàng chào đón bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực CĐS đến tham quan và mua sách.

Nguồn:ictvietnam.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top