Thăng trầm một dòng tranh
21:42 03/10/2016
- Văn hóa xã hội
Làng Đông Hồ vẫn còn nhiều hộ có thể làm tranh dân gian nhưng để sống nhờ nghề và thật sự làm nghề thì chỉ còn vài gia đình. Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu người tiêu dùng thay đổi, các nghệ nhân Đông Hồ đang bươn chải, tìm ra hướng đi mới và sáng tạo cho nghề làm tranh dân gian.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và con cháu phục chế các bộ ván khắc tranh Đông Hồ cổ.
Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tọa lạc trên mảnh đất rộng. Từ bờ sông Đuống tới trung tâm rất gần. Ngay từ xa đã có thể nhìn thấy tấm biển giới thiệu về trung tâm.
Tình yêu nghề làm tranh có lẽ đã ngấm vào máu từ khi ông Chế được sinh ra và mang họ Nguyễn Đăng, nguồn gốc của nhiều nghệ nhân giỏi trong làng Đông Hồ. Lão nghệ nhân đưa chúng tôi đi xem những “báu vật” được lưu giữ trong Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ. Trong số này có khoảng 130 mẫu tranh mà một nhà nghiên cứu người Pháp mới tặng cho ông, trong đó có những mẫu ngay cả các cụ trong làng cũng chưa nhìn thấy bao giờ.
Ông Chế nhớ lại: “Cách đây vài năm, có một nhà sưu tầm người Pháp đến thăm Trung tâm của gia đình tôi. Thấy tôi đam mê làm ra các mẫu tranh, ông ấy nói có lưu giữ những mẫu tranh Đông Hồ rất độc đáo mà không thấy ở nhà tôi. Ông hứa khi trở về Pháp sẽ gửi cho tôi và ông ấy đã gửi. Căn cứ vào các mẫu ấy, tôi đã khắc được 30 loại và in thành tranh rồi. Năm nay tôi khắc thêm 50 loại nữa. Khoảng ba năm tới, với tiến độ này, tôi sẽ khắc hết mẫu tranh được tặng”, ông Chế nói.
Ông chia sẻ, niềm tự hào và động lực lớn để ông quyết tâm thực hiện những dự định đang ấp ủ là các thế hệ trong gia đình đều tham gia làm tranh, nhất là các cháu của ông rất yêu nghề này. Có cháu dù đi học xa nhưng cứ ngày nghỉ là tranh thủ về giúp đỡ gia đình.
Gắn bó với nghề gần 30 năm, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm (con trai út của ông Chế) luôn trăn trở làm như thế nào để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống mà cha ông để lại. “Làm nghề này chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, từ nguyên liệu làm tranh đến đầu ra của sản phẩm. Nguyên liệu thì liên quan đến nhiều làng vì giấy dó, gỗ thị và điệp ngày càng hiếm. Nhưng khó khăn nhất vẫn là đầu ra, còn những cái khác chúng tôi đều cố khắc phục được. Chúng tôi có hai cách đưa tranh tới người chơi, đó là bán tranh ngay tại Trung tâm này và bán tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở số 16 Chân Cầm, Hà Nội”, anh Tâm nói.
Theo đánh giá của anh Tâm, dù nghề làm tranh đứng trước không ít thách thức nhưng trong giai đoạn hiện nay, tranh Đông Hồ đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Thực tế, các trường học bắt đầu có ý thức đưa học sinh về thăm các làng nghề truyền thống. Thời gian trước và sau Tết, rất nhiều sinh viên theo học các ngành nghề đến làng Đông Hồ để tham quan, tìm hiểu cách làm tranh dân gian. Đây chính là yếu tố tiếp thêm sức sống cho dòng tranh từng có nguy cơ bị thất truyền.
Cùng với Trung tâm của gia đình ông Chế, cơ sở sản xuất tranh của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cũng là một địa chỉ lưu giữ, truyền nghề mà bất cứ ai muốn tìm hiểu về nghề tranh Đông Hồ không thể bỏ qua. Đến thăm gia đình cụ Sam, chúng tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, con dâu trưởng của cụ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đang vẽ những bức tranh mới theo phong cách tranh Đông Hồ với những đường nét độc đáo. Bà Oanh cho biết, từ khi còn bé, bà đã đam mê vẽ tranh. Sau này, bà làm con dâu của cụ Sam cho nên càng có cơ hội phát triển sở trường của mình. Trong phòng treo tranh quý của gia đình, nghệ nhân mang nét duyên dáng của phụ nữ Kinh Bắc xúc động bày tỏ, đây là di sản vô giá cụ Sam để lại cho con cháu.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh không chỉ tự tay làm tranh mà còn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các con nắm vững kỹ thuật làm tranh và miệt mài sáng tạo dựa trên tranh truyền thống cũng như sáng tác các tác phẩm mới. Khi được hỏi động lực nào khiến bà không tiếc công sức và thời gian cho nghề làm tranh, bà trả lời không chút suy nghĩ: “Vì say mê!”.
Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, người cũng đang nỗ lực phục chế những mẫu tranh cổ của làng, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhu cầu người tiêu dùng thay đổi, ông cùng các nghệ nhân khác đã và đang tìm hướng đi mới cho nghề tranh dân gian, vừa nắm bắt rất kịp thời các đề tài và hình thức nghệ thuật theo nhịp sống đương đại, vừa giữ gìn vẻ đẹp trong sáng, giản dị và ngộ nghĩnh của tranh Đông Hồ.
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ làm tranh còn quay về sử dụng những chất liệu cổ truyền, từ giấy dó, mầu điệp, mầu tự chế từ thảo mộc, đất đá cho đến phát triển thêm các mầu tươi mới để bảng mầu càng phong phú, hấp dẫn.
Chủ tịch UBND xã Song Hồ Nguyễn Xuân Định là người gắn bó với nghề tranh Đông Hồ từ lâu. Trước xu thế phát triển mới, ông Định không khỏi tiếc nuối khi nghề làm tranh Đông Hồ ngày càng mai một. Thay vì làm tranh, người dân xã Song Hồ chuyển sang làm đồ vàng mã dễ tiêu thụ và hiệu quả kinh tế cao hơn. Bảo tồn nghề làm tranh đồng nghĩa với việc cần có chính sách để giúp những người làm nghề sống được bằng nghề của mình, cùng với đó là các biện pháp cụ thể nhằm nâng đỡ, khuyến khích, tạo mọi điều kiện vật chất, tinh thần, quảng bá, cách tân, đào tạo,… Đó là những công việc lớn mà chỉ riêng lãnh đạo xã có tâm huyết thôi là chưa đủ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Ảnh cho biết, để gìn giữ dòng tranh Đông Hồ, thời gian qua, Sở và các cơ quan chức năng của tỉnh đã xúc tiến công tác lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời phát triển mô hình du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến với làng tranh. Ông Ảnh trăn trở, để bảo tồn và phát huy nghề tranh Đông Hồ, rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành chuyên môn từ Trung ương đến địa phương. Đó cũng là một cách để giữ cho nghề làm tranh Đông Hồ vẫn còn mãi với thời gian.
NGUỒN: NDĐT
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)
- Hoa tình yêu (11:20 21/10/2024)