Tết thương hồ
19:27 24/01/2017
- Văn hóa xã hội
Cuối năm là mùa làm ăn, mua bán, nhưng cũng là thời điểm bộn bề lo toan của cánh thương
hồ.
Một góc chợ nổi Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TL
Giữa bốn bề sóng nước Cửu Long giang, hàng chục năm qua hơn chục “mái nhà” lênh đênh đón Tết thương hồ. Mỗi năm, tháng Chạp đi qua họ lại ngồi ở cuối ghe hướng mắt về cố hương, trông như gần mà xa xôi dịu vợi
1. Chợ nổi Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang những ngày cuối năm nhộn nhịp xuồng ghe khắp nơi về họp chợ. Xóm ghe nổi mỗi lúc càng thêm đông đúc. Tiếng máy đuôi tôm của cánh thương hồ hối hả xé tan làn sương giăng giăng la đà trên mặt nước. Những chiếc chân vịt máy gác chỏng chơ, chỉa ngược lên trời.
Chiếc ghe bầu chở đầy hành tím của lão thương hồ Năm Đăng vừa cặm xào đã có gần chục chiếc xuồng bu vào để ăn hàng. Lão thương hồ là người gốc Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đã hơn 30 năm bầu bạn với các chợ nổi khắp miền Tây sông nước. Hàng hóa chính là đặc sản quê hương lão, hành tím, theo ghe lão đi khắp vùng. Làm ăn trên sông nước mấy chục năm, bạn hàng chợ nổi nào cũng quen mặt. Nên ghe lão lạ nhất chợ nổi này, không cần treo bẹo lủng lẳng túm hành trên đọt sào, mà vẫn bán đắt hàng.
Bán hết hành tím, Năm Đăng lại đếm bắp cải để bán ngược đường về. Thấy cảnh mua bán tấp nập, tôi buột miệng hỏi, hết hàng chắc về quê ăn Tết lớn, hả chú? Rồi tự thấy mình đã gây ra một lỗi lầm to lớn khiến lão thương hồ ở cái tuổi gần đất xa trời nghẹn ngào khi nhắc đến tiếng quê hương. Đôi mắt lão chớp lia chớp lịa, rồi ngó xa xăm, như cố nén một nỗi buồn sâu thẳm vào tận đáy lòng. Lão kêu cô con gái mua thêm mấy giỏ hoa vạn thọ để bày biện trên ghe để có cái gọi là đón Tết. “Tranh thủ bán thêm chuyến hàng cuối năm rồi má nó sẽ lên chợ mua ký thịt heo, chục trứng vịt, dưa cải về làm nồi thịt kho cho tụi cháu con ăn ba ngày Tết. Quê hương đó, Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đâu có quá xa xôi mà hàng chục năm không dám ló mặt về. Từ khi chọn kiếp sống thương hồ thì ghe là nhà, chợ nổi là quê hương mới.
Sáu Tân thúc giục vợ nhổ sào, lui ghe đi lấy thêm chuyến hàng mới. Tân là tay thương hồ 48 tuổi, quê ở miệt Đồng Tháp, nhưng đã hơn hai chục năm sống đời phiêu bạt trên sông nước. Chiếc ghe bầu trọng tải năm tấn, gắn máy đuôi tôm hiệu Yanmar trông đã già nua theo năm tháng. Những chuyến hàng cuối năm bao giờ cũng hối hả, hấp tấp hơn ngày thường.
Tân rồ ga, chiếc máy già nua khục khặc nhả từng cục khói đen ngòm rồi gượng gạo đạp nước đẩy chiếc ghe bầu lao nhanh tới trước. Hành trình của Tân lên tận Bến Lức, tỉnh Long An cân khóm (thơm) về bán lại. Sáu Tân chợt chùn giọng, bao nỗi lo toan hiện rõ trên gương mặt dày dạn gió sương. Anh kể, hai đứa con còn đang gửi cho nội ngoại ở quê nhà, đi học. Còn vợ chồng anh cứ đi đây mai đó, biền biệt cả năm, riết quên cả lối về.
Chỉ khi tháng Chạp đi qua mới giật mình vì nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, con cái đến cồn cào. Nhưng bao nhiêu năm bôn ba ngược xuôi miền sông nước cuộc sống cũng không khấm khá lên, thấy sao muối mặt ngày về. “Bởi vậy, nhiều năm hai vợ chồng chỉ gửi tí tiền về quê cho tụi nhỏ mua sắm quần áo mới, còn tụi tui lặng lẽ đón Tết nơi xứ lạ quê người, ngay giữa bốn bề sông nước Cửu Long. Cũng có khi mải mê với những chuyến hàng cuối năm, đến khi giao thừa lại thấy mình vẫn còn lênh đênh trên sông vắng”, tay thương hồ trạc ngũ tuần, bùi ngùi nói.
Với dân thương hồ, ngày Tết càng khơi gợi cho họ nỗi buồn xa xứ, nhớ quê hương thêm da diết. Ảnh: TL
2. Tôi biết rằng có cố gặng hỏi thì lão cũng không hé răng nửa lời, chỉ khiến lòng lão càng nặng trĩu thêm thôi. Cánh thương hồ chiến hữu với Năm Đăng có Tư Ẩn, Tám Nhu, Chín Đen, Tư Méo,... với hơn chục “nóc ghe” hàng chục năm qua trở thành “xóm” thương hồ đón Tết giữa bốn bề sông nước Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Tư Ẩn nói, dân thương hồ đều là tứ hải gặp nhau nhưng quý mến, yêu thương đùm bọc lẫn nhau bởi cùng chung cảnh lênh đênh. Mỗi người, mỗi quê, đều có hoàn cảnh riêng mà phải bỏ đất, bỏ quê xa xứ. Sống đời gạo chợ nước sông. Mặc dầu là chiến hữu thân thiết, nhưng chẳng ai hỏi về những điều sâu thẳm tận đáy lòng, chỉ khơi lại nỗi buồn xa xứ.
Cũng như ông, hơn ba mươi năm trước, cũng phải khổ sở, trằn trọc bao đêm mới đi đến quyết định đùm túm vợ con xuống chiếc ghe tam bản nhỏ, rời bỏ quê nhà ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, sang chợ nổi Cái Răng để mưu sinh bằng nghề mua bán lẻ. “Tui bỏ luôn cái nghề thợ mộc mà tía tui đã dày công dạy bảo. Còn bà xã tui thì khóc hết nước mắt với quyết định của chồng. Mình đâu có lười biếng, làm lụng quần quật với nghề thợ mộc hẳn hoi mà cơm ngày hai buổi cho vợ con không lo nổi.
Trai tráng sức dài vai rộng, mà cứ dính vào cảnh thiếu đói khiến họ hàng, chòm xóm coi thường. Nên tui quyết dứt áo ra đi, tới nay chưa một lần về lại, dẫu chỉ cách một con sông máy đuôi tôm đi chừng 30 phút là tới chỗ”, Tư Ẩn trải lòng. Kể từ ngày đó, vợ chồng Tư Ẩn mưu sinh ngay trên chiếc ghe tam bản nhỏ với quán cháo lòng, bún riêu lưu động trên sông, phục vụ cánh bạn hàng và thương hồ tứ chiến tại chợ nổi Cái Răng. Hàng chục năm với cảnh đời nổi trôi, dẫu cố giấu kín nhưng bà Út, vợ ông biết chồng vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.
Tư Ẩn bảo, ông cũng không mặn mà gì với kiếp thương hồ, nhưng ngặt nỗi trên bờ không còn đất sống, thì biết làm sao. Cho nên, hàng chục năm cực khổ lênh đênh trên sông nước, vợ chồng ông tích cóp từng đồng để lo cho tương lai con cái sau này.
Biết rằng nghiệp thương hồ đã dính vào mình thì khó dứt nên vợ chồng Tư Ân gom góp tiền bạc sắm cho vợ chồng con trai một chiếc ghe tam bản để... ra riêng. Cũng giống như cha, Toàn chưa một lần trở về quê mẹ ở Vĩnh Long, mà gắn chặt cuộc đời mình ở xóm thương hồ chợ nổi Cái Răng lầm lũi mưu sinh tháng này qua năm khác.
Từ ngày chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, lượng khách du lịch tham quan chợ nổi tăng lên thấy rõ. Cánh thương hồ cũng lấy làm vui, vì được người phương xa, năm châu bốn bể ngược xuôi thăm viếng và bán thêm được chút hàng. Nhưng rồi, tháng Chạp qua nhanh.
Những ngày cuối cùng của tờ lịch cũng đã đến. Quang cảnh tấp nập của chợ nổi Cái Răng dần khuất trong màn đêm của ngày giáp Tết. Giờ chỉ còn lại “xóm” thương hồ với hơn chục “nóc ghe” neo đậu giữa dòng, đón Tết trên sông. Lão Tư Ẩn vẫn ngồi đó, ở cuối ghe, hướng mắt về cố hương, trông như gần mà xa xôi dịu vợi...
Bùi Quốc Dũng
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trường ca “Lũ”: Nâng bước trẻ em vùng cao đến trường (08:02 06/12/2024)
- Huyền Trân công chúa: Sứ giả hòa bình (11:25 30/11/2024)
- Có một Trường Sa thật gần và sống động (10:10 25/11/2024)
- 15 năm hệ thống liên cấp Newton: Hình mẫu tiêu biểu về giáo dục tiên tiến (09:50 25/11/2024)
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)