Những dấu hỏi với siêu dự án thép 10 tỷ USD của Tập đoàn Hoa Sen
20:37 29/08/2016
- Kinh tế
Với tổng mức đầu tư lên tới 10,6 tỷ USD cho dự án thép có công suất 16 triệu tấn/năm sẽ được xây dựng ven biển Ninh Thuận, liệu Tập đoàn Hoa Sen có đủ sức để thực hiện tham vọng này?
Dự án được Hoa Sen dự kiến triển khai nằm trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Ninh Thuận, với một tổ hợp gồm khu công nghiệp Cà Ná, nhà máy sản xuất xi măng; nhà máy nhiệt điện; cảng biển… được xây dựng tại xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
Theo dự kiến, dự án sẽ được khởi công đầu năm 2017. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này dự án Hoa Sen – Cà Ná mới được thông qua về mặt chủ trương, chủ đầu tư đang xây dựng dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và hiện vẫn chưa có đánh giá tác động về môi trường.
Đây tiếp tục là dự án thép được triển khai gần biển, sử dụng công nghệ lò cao, luyện cốc khô được cho là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), để ngành thép cạnh tranh được với khu vực và thế giới, việc hình thành nên một khu trung tâm sản xuất thép tập trung là cần thiết.
Việc đặt khu sản xuất thép này ở gần biển cũng tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, giảm chi phí. Theo vị này, những lo ngại về ô nhiễm môi trường hoàn toàn có thể loại trừ vì hiện nay công nghệ sản xuất thép đã có thể kiểm soát được.
Một vị chuyên gia khác thì dẫn chứng, có nhà máy sản xuất thép của Posco ở Hàn Quốc cũng đặt ngay tại biển được xây dựng cách đây 40 năm vẫn không hề làm ảnh hưởng đến môi trường. Vấn đề là kiểm soát, kiểm tra quy trình vận hành cho nhà máy thế nào để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường.
Dự án Hoa Sen – Cà Ná cũng đang được Bộ Công Thương tiến hành bổ sung dự án vào quy hoạch. Cơ quan này cho rằng đây không phải là dự án viển vông khi thời gian thực hiện kéo dài tới năm 2030 với 5 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu, tổ hợp sẽ đưa vào vận hành khoảng 3 - 4 lò cao, với công suất 1,5 triệu tấn thép/lò/năm. Tổng số lò cao dự kiến của toàn dự án là khoảng 10 lò, đến năm 2020 cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép ra thị trường.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, với mức tăng trưởng bình quân 6%/năm, dự báo đến năm 2020 nhu cầu thép cả nước sẽ ở mức 27 triệu tấn/năm và sẽ vượt mức 35 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Trong khi đó, ngay cả khi Formosa đi vào hoạt động trong giai đoạn I, cung cấp 7,5 triệu tấn, cùng lượng thép sản xuất trong nước, thì đến năm 2020 vẫn thiếu hụt 15 triệu tấn và năm 2025 thiếu hụt khoảng hơn 22 triệu tấn.
Do đó, việc dự án thép của Hoa Sen đi vào hoạt động sẽ cung cấp thêm lượng thép đang thiếu và giúp giảm nhập siêu, tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo.
Cũng theo phân tích của đại diện Bộ Công Thương, đầu tư vào thép mang lại hiệu quả kinh tế khá tích cực khi đóng góp điểm % của ngành thép vào GDP cao hơn so với nhiều ngành khác. Đơn cử như 10 triệu tấn nguyên liệu sắt đóng góp chỉ 0,2 điểm % GDP thì 10 triệu tấn thép đóng góp tới 0,5 điểm % GDP.
Do đó, Bộ Công Thương cho biết với những dự án như Hoa Sen, cần chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN trong nước đầu tư xây dựng các khu liên hợp luyện thép gắn với cảng nước sâu có quy mô công suất lò cao có dung tích từ 1.000m3 trở lên.
Triển khai 15 năm, vốn đâu để làm?
Theo đó, đối với dự án tổ hợp thép của Tôn Hoa Sen lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào đề xuất của nhà đầu tư và khả năng của Chính phủ.
Một câu hỏi nữa cũng được đặt ra, liệu Hoa Sen sẽ lấy đâu ra tiền để thực hiện dự án có quy mô vốn lên tới 10 tỷ USD này? Theo vị lãnh đạo có liên quan, đây là dự án kéo dài trong nhiều năm nên với hệ số tín nhiệm tốt, doanh nghiệp có khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn và có nhiều ngân hàng còn mời chào cho vay. Trong khi đó, lãnh đạo VSA thì đặt câu hỏi Hoa Sen lấy vốn ở đâu để làm dự án?
Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô vốn lớn, sử dụng nhiều lao động, lại nằm trên địa bàn được hỗ trợ nên có thể, dự án này sẽ được ưu đãi để xây dựng cảng Cà Ná theo hình thức PPP, hỗ trợ hạ tầng, điện nước…
Khi trao đổi với chúng tôi một số chuyên gia bày tỏ quan ngại về dự án thép này. Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, hiện các thiết bị sử dụng cho công nghệ lò cao đều do Trung Quốc sản xuất và không còn nước nào trên thế giới làm, nên cũng như dự án Formosa, dự án thép của Hoa Sen sẽ phải nhập khẩu thiết bị từ nước này.
Đặt ra hoài nghi về thiết bị công nghệ của Trung Quốc, một chuyên gia trong ngành luyện gang thép cho rằng cần phải minh bạch rõ thiết bị đó là của nhà sản xuất nào, chất lượng và công nghệ ra sao. Đồng thời, việc kiểm tra và kiểm soát từ quá trình phê duyệt, chạy thử, vận hành cũng phải hết sức chặt chẽ để tránh lặp lại bài học đắt giá từ Formosa.
Nguồn: infonet
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Thẻ tín dụng HDBank: Ưu đãi đa tầng, hưởng trọn niềm vui (03:19 02/12/2024)
- OCB thuộc nhóm các doanh nghiệp bền vững năm 2024 (07:07 02/12/2024)
- VPBank tài trợ cho dự án Hanoi Melody Residences, khách hàng an tâm mua nhà (03:32 27/11/2024)
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11.800 tỷ đồng (01:57 27/11/2024)
- PVcomBank ra mắt nền tảng số dành cho doanh nghiệp (03:26 26/11/2024)