Tản mạn ngày xuân: Tết, về quê mới vui!

22/04/2020, 23:29

Tản mạn ngày xuân: Tết, về quê mới vui! - Quê nhà là “khái niệm” gợi nhớ nhất, cồn cào nhất trong lòng người tha hương.

Hương vị Tết ở làng quê ngày nay đã có nhiều thay đổi. Ảnh: TL

Tết xưa...

Năm nay, vợ chồng tôi quyết định về quê (miền Trung) ăn Tết. Nghĩ, quanh năm chạy vạy, viết viết, lách lách hoài cũng... vậy! Tết nên là dịp để nghỉ ngơi, sum vầy bên người thân. Và điều lớn lao hơn là cho con cái cảm nhận được Tết quê.

Nhớ Tết xưa, sau ngày mồng 10 tháng Chạp, ba và tôi bắc cái ghế cao để lặt lá mai. Hàng mai vàng trước sân có đúng 5 cây thật đẹp. Có cây nay đã thành... lão mai chứng kiến những vui buồn, sóng gió, bình yên... của cả gia đình. Hai hàng chè tàu trước ngõ được tỉa tót thật đẹp để đón Tết.

Tết nay đã có nhiều đổi khác với Tết xưa. Ảnh: TL

Tết xưa, ba bán mai kiểng để mẹ đi chợ sắm quần áo mới cho anh chị em chúng tôi. Tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt tần ngần như... tiễn đưa người thân của ba khi có ai đến mua một nhành mai. Bởi ba quý chúng lắm. Ba nói, cây cối nó cũng có tình cảm. “Gắn bó với nhau” hằng ngày nay phải xa thì nhớ lắm chứ!

Những chiều cuối năm cả khúc bến sông quê xôn xao chộn rộn với cảnh đãi nếp, đậu, rửa lá chuối, lá dong cho việc gói bánh chưng, bánh tét. Tôi còn nhớ những đứa trẻ nhỏ quê tôi ngày xưa không có banh nhựa để chơi. Chúng thường chờ người ta mổ heo ăn Tết, lấy cái bong bóng thổi lên để... đá banh! Tiếng cười hồn nhiên vang dọc bờ sông quê...

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng trồng cây nêu giữa sân. Đêm trừ tịch thì tiếng pháo rộn ràng. Đầu mỗi xóm có gian bài chòi với tiếng rao, tiếng hò thật vui tai gọi tên các con bài như: Học trò, Ba Gà, Trường Hai, Trường Ba, Ầm, Tử, Mỏ... Nay hiếm có cảnh này trừ những nơi được phục dựng cho lễ hội văn hóa dân gian...


Màn bắn pháo hoa tại hồ Gươm, Hà Nội dịp giao thừa Tết Mậu Tuất 2018 (Video: Báo điện tử Dân Việt)

Tết nay

Tết nay ở quê cũng bỏ đi nhiều nét văn hóa tốt đẹp của những lễ hội truyền thống. Hình như không còn mấy nhà trồng cây nêu chiều 30 Tết vì toàn sân... xi măng! Bài chòi đã vắng bóng hẳn. Các loại bánh mứt cũng ít được làm mà nhà nhà đi mua sẵn cho tiện lợi.

Cây đa, bến nước, ngôi chùa và sân đình là những nét đẹp của quê hương và cũng in đậm trong ký ức của tôi. Mỗi năm sau giao thừa, mọi người thường đến chùa quê để thắp nhang lễ Phật. Ai nấy chỉ cầu xin cho một năm mới thật bình an. Vị thầy trụ trì sẽ cười hiền lành lì xì cho mọi người một bao màu đỏ. Trong đó là ít tiền lẻ với lời chúc “sinh sôi nảy nở, mua may bán đắt”. Thêm vào đó là những câu thơ, câu nói hay của bậc tiền nhân, thánh hiền...

Và mẹ tôi, dù Tết xưa hay Tết nay cũng trang nghiêm mặc chiếc áo dài để cúng giao thừa giữa sân nhà. Mẹ thắp nhang cúng giữa trời đất và cầu mong cho một năm thật bình yên, con cái khỏe mạnh và “chân cứng đá mềm”. Chân cứng đá mềm đến nỗi con cái đứa nào trưởng thành cũng làm ăn xa. Để mẹ mỏi mòn ngóng trông tin con nhất là dịp rộn ràng vào xuân. Mẹ tôi hay nói, hễ nghe tiếng xe của ai, nghe xôn xao tiếng ai đi qua ngõ nhà mình cũng nghĩ rằng những đứa con của mẹ đang về...

Và bà con họ hàng đi thăm nhau, chúc Tết . Ly rượu mừng xuân nồng ấm mắt môi. Những lời nói hay nhất, tốt đẹp nhất sẽ dành tặng nhau trong ngày đầu năm. Vào sáng đầu năm, mọi người cũng tập trung ở đình làng để thắp nhang lên bàn thờ Thành hoàng, mừng tuổi các cụ cao niên. “Kính lão đắc thọ” là điều ai cũng mong muốn, nên đó như là một nghi lễ mang đậm nét văn hóa dân gian, là cách biết dạy con cháu kính trên nhường dưới...

Tết, con mình sẽ biết hơn về nơi ba mẹ chào đời, lớn lên và học hành. Ảnh: Vũ Đức Phương

Nhớ về nguồn cội

Nội, ngoại nghe cả nhà về quê ăn Tết vui mừng lắm. Chưa gì các cô chú, cậu mợ, anh chị hai bên đã lên lịch cho các nhóc nhà tôi khám phá quê hương.

Sau các màn lì xì, chúc Tết, đi chùa lễ Phật sẽ là chương trình... đưa sắp nhỏ ra đồng... coi trâu gặm cỏ, bắt châu chấu, cào cào. Gì chứ coi trâu bò thì tha hồ. Mùa Xuân, trâu bò cũng... nghỉ ngơi. Chúng được thong thả gặm cỏ trên bờ đê, bờ ruộng chứ không phải cày bừa như khi vào mùa vụ. Chả là con trai tôi có lần thấy con voi trong đoàn xiếc đã hỏi thật hồn nhiên: “Con... trâu đó hả mẹ?” nên Tết cũng là dịp để con tận mắt thấy... con trâu!

Nghe rằng, ông bà ngoại đã chuẩn bị một đống than và củi. Sẽ có bếp than hồng cho con nằm. Sẽ có tiếng củi cháy nổ tí tách khi con lụm cụm bên ông bà trông nồi bánh chưng xanh. Tôi sẽ để cho con tay chân đen thui vì than củi, cho con một lần bị khói bay vào mắt cay xè, cho con cầm đòn bánh tét nhỏ (gói riêng cho con nít) chạy tung tăng khắp nhà... Đó là những kỷ niệm tuổi thơ của ba mẹ mỗi Tết quê mà con cần được biết. Tết, con mình sẽ biết hơn về nơi ba mẹ chào đời, lớn lên và học hành.

Và năm nay, tôi hình dung con mình vui sướng đón nhận... nghi thức tiễn năm mới, đón năm cũ bằng nồi nước lá bưởi thơm lừng này./.

Trần Quỳnh Như