Tấm lòng nhà giáo - bài 2: Hạnh phúc của người gieo tình yêu lịch sử, văn hóa

06:20 03/09/2024 - Văn hóa xã hội
Trong không gian bảo tàng được tính bằng mét vuông ấy, có một mạch đập luôn nóng hổi nối liền hai thế giới, thế giới của cha ông và hiện tại. Sự sáng tạo, hy sinh thầm lặng của người gây dựng bảo tàng như sợi dây kết nối đặc biệt để ta mường tượng, để ta hình dung, để ta xúc động, tự hào về khí phách ông cha, về tinh thần lao động, ý chí quật cường của một thời cha ông đi mở lối. Giữa một nông thôn hiện đại vẫn có một nông thôn giản đơn, bình dị vỗ về.

Hơn một thập niên cho một hình hài tỏa sáng và khẳng định những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá. Tôn vinh truyền thống, lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, Bảo tàng Đồng quê đã trở thành dấu ấn văn hóa, điểm đến lịch sử của mảnh đất "thành Nam", của những người yêu văn hóa dân tộc.

Bên một “đồng quê” có một “tiền tuyến” mang hơi thở của một thời cha ông sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Hữu xạ tự nhiên hương

Mười lăm năm kể từ khi hình thành ý tưởng, mười hai năm đi vào hoạt động, tiếng lành đồn xa, Bảo tàng Đồng quê đã đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Hình ảnh, giá trị di sản văn hóa của Bảo tàng Đồng quê đã lan rộng cả trong nước và quốc tế. Đã có biết bao những cuộc viếng thăm, những dòng suy tưởng được lưu giữ tại bảo tàng, những giọt nước mắt khi ký ức trở về trong khắc khoải và cả những hoan ca khi vẻ đẹp trong lao động, chiến đấu được ngợi ca.

Năm 2021, GS, TS Hoàng Chí Bảo có dịp về thăm bảo tàng, tận mục sở thị những hiện vật tưởng chừng như đã bị lãng quên, được chứng kiến sự đóng góp hy sinh thầm lặng của ông bà giáo để hồi ức tươi đẹp của cha ông một thời dựng nước và giữ nước được hiện diện đủ đầy theo từng lớp lang lịch sử. Cảm động, giáo sư viết: “... tôi rất vui mừng và xúc động được tham quan Bảo tàng Đồng quê. Đây là một công trình văn hóa, lịch sử rất độc đáo, đặc sắc, có ý nghĩa to lớn để giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc... Xin bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng vì tâm huyết, công lao của Thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền và nhà giáo Ngô Thị Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Đồng quê đóng góp vào sự tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến mọi thế hệ người Việt Nam”.

Một vị giáo sư người Pháp hoạt động trong ngành Bảo tàng vì yêu mến mà đã hai lần về tham quan Bảo tàng Đồng quê, bày tỏ sự cảm phục và xúc động: "Bảo tàng Đồng quê là một trong những bảo tàng về nghệ thuật và truyền thống dân tộc mà tôi chưa từng được thấy; một trong những bảo tàng đầy đủ nhất, giới thiệu về những ngôi nhà, hiện vật, hoạt động rất chi tiết, rất dễ chịu, những cổ vật bằng đồng, bằng gốm sứ thực sự là những bảo vật quốc gia để cho những người trẻ Việt Nam hiểu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc".

Ông bà giáo vẫn từng ngày cần mẫn gieo hạt giống tâm hồn cho lớp lớp cháu con; gieo mạnh nguồn truyền thống cho bao thế hệ.

Mỗi hiện vật ở bảo tàng là mỗi câu chuyện của mỗi giai đoạn lịch sử có thật. Tái hiện không gian văn hóa nông thôn Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ, từ phong kiến đến thời đại Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đồng quê thành công kể câu chuyện của văn hóa, lịch sử.

Những mâm đồng, thau đồng, trải qua bao đổi thay của lịch sử, nhờ tay người chăm lo gìn giữ vẫn giữ nguyên sắc màu như thuở mới khai sinh. Chiếc cối xay đất, chiếc nơm úp ở đầu hè gợi nhớ bao hoài niệm… Không có một thời “cổ xưa, cũ kỹ”, đâu có hôm nay hiện đại, đủ đầy. Ta lớn khôn từ hạt lúa mẹ trồng, từ mái nhà tre nứa mấy mùa cha góp nhặt dựng xây, manh chiếu bà chêm gắng giữ ấm mỗi khi Đông về. Ngọn đèn dầu leo lét ôm ấp ước mơ cho con chữ tượng hình.

Hồn cốt cha ông một thuở dựng xây đất nước. Lịch sử một thời đất nước chia ly, triền miên trận mạc, ta gặp lại một thời tiền tuyến - hậu phương khắc khoải mong chờ, thương nhớ.

Như điểm hẹn văn hóa, lịch sử, Bảo tàng Đồng quê với khoảng 10 nghìn hiện vật, hầu hết là hiện vật gốc, cùng với các di sản văn hóa được lưu giữ hàng nghìn năm của ông cha ta sáng tạo ra, như những công trình khoa học, nghệ thuật, mỹ thuật thể hiện trong những ngôi nhà cổ, những bộ sưu tập đặc biệt là kỹ thuật đúc đồng, kỹ thuật canh tác, thích ứng với tự nhiên, nghệ thuật ăn, ở, canh tác, sinh hoạt. “Hữu xạ tự nhiên hương”, mang trong mình dòng chảy văn hóa truyền thống, lịch sử cha ông, sức hút của Bảo tàng Đồng quê cứ thế lan tỏa những giá trị tinh thần vô giá.

Đau đáu tâm can… “ngày về hưu”

Bảo tàng Đồng quê hiện hữu là sự trân trọng tự hào với quá khứ, phát huy bổ sung hiện tại, mở ra tương lai. Bảo tàng của ông bà giáo là bảo tàng của tình yêu, trách nhiệm, là tấm lòng thương mến từng hiện vật. Như cách ông bà gây dựng bảo tàng, chỉ khi hiện vật đã có nhiều đến mức chất đầy ở gầm cầu thang, ở tầng bốn ngôi nhà trên Hà Nội, hai gian nhà ở quê, bảo tàng mới ra đời; như cách bà giáo làm: “Muốn làm bảo tàng phải hiểu hiện vật. Không hiểu hiện vật, mà phải là hiện vật gốc, không thể làm được. Bởi khi làm bảo tàng rồi, mình phải nghĩ cách làm sao cho nó bền vững mãi mãi, trong việc nó tự nuôi với đội ngũ nhân viên vừa bảo vệ, vừa chăm sóc cây trồng, trong việc càng ngày càng thu thập thêm và giữ gìn hiện vật”.

Tìm lại ký ức một thời của ông cha qua những nông cụ đã từng gắn bó.

Xây đã khó, duy trì hoạt động, giữ gìn bảo tàng còn khó khăn gấp bội. Mười mấy năm qua, không thể kể hết biết bao tâm sức của ông bà giáo đã dồn cho bảo tàng. Có cả trăm mối lo, nghìn mối nghĩ. Trong hành trình mười mấy năm qua, ở Bảo tàng Đồng quê, tinh thần cố gắng luôn là thứ thường trực được lên giây cót. Cố gắng xây dựng đội ngũ nhân viên để có thể tự quản lý bảo tàng; cố gắng tự đảm bảo lương cho nhau, có phần tích lũy để sửa chữa công trình khi hư hỏng đặc biệt qua các trận bão và có khoản đưa vào quỹ bảo hiểm.

Để có kinh phí trả lương nhân viên, giám đốc đã đầu tư nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, biến chúng trở thành một nguồn thu chính cho bảo tàng. Với mô hình sáng tạo đặc biệt này, du khách đến với Bảo tàng Đồng quê không chỉ tham quan, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể mà còn có thể tham gia trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể. Tận dụng nguồn tài liệu quý từ hơn 300 cuốn sách nấu ăn của những đầu bếp nổi tiếng như: bà Vân Đài, bà Quốc Việt, bà Phan Long, ông Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... đang lưu giữ tại bảo tàng;  cán bộ, nhân viên của bảo tàng vừa nghiên cứu những tác phẩm nổi tiếng, vừa kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của gia đình, của địa phương tạo ra ẩm thực đồng quê “để thương để nhớ” như nước mắm, nước tương, mắm tôm, miến dong, làm bánh gai, bánh khúc, rượu nếp quê, cơm quê,... Điều đặc biệt, tất cả các sản phẩm ẩm thực đồng quê của bảo tàng đều làm từ những cây trồng vật nuôi của địa phương, một phần đang được nuôi trồng ngay tại bảo tàng.

Bà giáo, giám đốc “không lương” trải lòng: “Chúng tôi tự trồng rau, thả cá, nuôi gà, nuôi lợn để cung cấp thực phẩm sạch, chế biến món ăn dân dã cho du khách tham quan, đồng thời để du khách cảm nhận sự chân thực hơn cuộc sống vất vả của người nông dân xưa và nay. Mảng ẩm thực vừa giúp cho du khách được thưởng thức hương vị tự nhiên của đồng quê, vừa giúp cho bảo tàng có một phần kinh phí để hoạt động. Hiện nay, nhu cầu trải nghiệm ẩm thực đồng quê ngày càng tăng, ước tính, mỗi năm, bảo tàng tiêu thụ khoảng trên 30 tấn lúa của nông dân địa phương”.

Có lẽ, chỉ người trong cuộc mới thấm lắm công phu, nhọc nhằn. Nỗi lo này tạm gác thì nỗi lo khác lại chồngchất. Đơn cử, không chỉ khó khăn trong việc bảo quản, tu bổ các ngôi nhà mái rạ mà việc phòng, chống giông bão cho ngôi nhà bần nông “đời chót” ở đồng bằng Bắc Bộ cũng “đau đầu”.

Về Bảo tàng Đồng quê chống bão mới thấy nỗi lo lắng gian nan của những người lập ra công trình văn hóa này. Mười mấy năm mười mấy mùa bão nổi. Bảo tàng nằm ở vùng biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cách bờ biển khoảng 5km nên bị ảnh hưởng rất lớn từ các cơn bão. Trong cuốn “Bảo tàng Đồng quê”, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã mô tả cơn bão số 1 (2016): “… gió cấp 10, giật cấp 12,13 mưa to suốt đêm đã gây thiệt hại lớn cho bảo tàng, nhà bị tốc mái mặc dù đã chằng chống chuẩn bị chống bão. Giám đốc Ngô Thị Khiếu suốt đêm không ngủ được, lo lắng đến nghẹn thở... cây cối đổ rạp tả tơi, bốn ngôi nhà rạ bung hết nóc,... quang cảnh như bãi chiến trường sau trận bom”.

Bánh gai được làm tại Bảo tàng Đồng quê trở thành thứ quà đặc sản được du khách thưởng thức mỗi lần ghé thăm.

Để có được một bảo tàng sừng sững giữa làng quê thanh bình, để ngày ngày từng đoàn du khách viếng thăm, thỏa sức du lịch về miền ký ức là biết bao nỗ lực, công sức vun vén dựng xây. Tấm lòng ông bà giáo với bảo tàng là tấm lòng của người con với truyền thống cha ông, là tình yêu quê hương đất nước đậm sâu, tinh thần nhân văn đẹp đẽ. Ông bà giáo đã làm nên một bảo tàng sống với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bảo tàng sống mang tên Đồng quê không phải bởi công nghệ 3D, 4D hiện đại mà bởi chính những con người đang làm sống dậy từng hiện vật, từng thứ quà quê mang hồn cốt ông cha.

Hơn mười năm hoạt động, quãng thời gian tuy chưa dài, nhưng rất nhiều khó khăn đã vượt qua. Hơn mười năm vừa xây dựng, vừa phục vụ khách tham quan, vừa bổ sung công trình, bổ sung hiện vật, Bảo tàng Đồng quê dần đi vào ổn định. Chặng đường tiếp theo, sẽ còn nhiều mối lo trong vạn mối lo của ông bà giáo với sự phát triển của bảo tàng. Thành toàn cho tâm nguyện của ông bà, cho một Bảo tàng Đồng quê phát triển lâu dài, là một địa chỉ văn hóa thu hút khách trong nước và quốc tế, là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ tương lai rất cần có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp, bộ, ngành.

Công tác phòng, chống giông bão cho ngôi nhà bần nông “đời chót” ở đồng bằng Bắc Bộ tại Bảo tàng Đồng quê cũng rất “đau đầu”.

Những lời gan ruột của vị tướng đường biên Hoàng Kiền khiến người đối diện lay động tâm can: “Chúng tôi tuổi đã cao, đều đã qua ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy” thuộc lớp người xưa nay hiếm. Rất mong gìn giữ Bảo tàng Đồng quê lâu dài, nhưng sức khỏe giảm dần. Khi không có điều kiện quản lý, chúng tôi đã thống nhất sẽ hiến tặng Bảo tàng Đồng quê cho quê hương. Khi nào không quản lý được thì bảo tàng giao lại hoàn toàn cho địa phương. Chỉ có tâm nguyện và yêu cầu để nguyên tại chỗ và củng cố bổ sung thêm. Mong rằng Bảo tàng Đồng quê mãi mãi trường tồn cùng với sự phát triển của quê hương đất nước”.

Thênh thang một thuở hồn quê dịu dàng, ông bà giáo vẫn từng ngày cần mẫn gieo hạt giống tâm hồn cho lớp lớp cháu con; gieo mạnh nguồn truyền thống cho bao thế hệ… Hoa hạnh phúc, hoa tình yêu đang từng ngày nảy nở từ tấm lòng nhà giáo già một đời cống hiến, một đời hi sinh.

Gốc quê không còn, hồn quê không có thì sao thành người!... Tiếng ai đó vọng về như nhắc nhở.

Nam Giao

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top