Tấm lòng nhà giáo - Bài 1: Hành trình hơn một vạn ki lô mét và câu chuyện bảo tàng… bà giáo

06:18 02/09/2024 - Văn hóa xã hội
Bảo tàng Đồng quê hiện hữu từ tấm lòng cô giáo làng và vị tướng đường biên như nhân chứng của lịch sử, văn hóa, của niềm tin cho dù vật đổi sao dời thì vẫn còn đó hồn quê thương nhớ vơi đầy. Cuộc sống cha ông thấm trong từng đồ vật, thấm trong từng hình ảnh gợi nhớ làm sâu sắc thêm đời sống văn hóa, ý chí, vẻ đẹp lao động của con người Việt Nam… miền ký ức đậm sâu năm tháng của ông cha, của lịch sử!

Điều gì ẩn chứa trong hai con người bình dị “nhà giáo, thiếu tướng” để có thể tạo dựng một bảo tàng mang sức vóc của cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng từ xa xưa? Tình yêu thuần khiết, sâu đậm với truyền thống! Hay giản đơn như lời bà giáo bộc bạch: “…  thâm tâm luôn muốn lưu lại những vật dụng thân thuộc của ông cha để “kể” câu chuyện quá khứ cho con cháu nghe”.

Bảo tàng Đồng quê hiện hữu từ tấm lòng cô giáo làng và vị tướng đường biên như nhân chứng của lịch sử, văn hóa, của niềm tin.

Bằng tình yêu quê hương và trách nhiệm đặc biệt, ông - bà giáo đã dựng xây nên một địa chỉ văn hóa trở thành nơi gặp gỡ của văn hóa, lịch sử, tri thức. Góp nhặt những ký ức của một thời xưa cũ, lưu giữ hồn quê bằng các mảnh ghép hiện vật cuộc sống, rồi tái hiện chúng trong một không gian bảo tàng đồng quê thấm đẫm màu sắc của nền văn minh lúa nước,  văn hóa đồng quê, của tiền tuyến và hậu phương. Sức hút, sức lan tỏa, sức cảm hóa mạnh mẽ của Bảo tàng Đồng quê với du khách một lần nữa khẳng định sức mạnh mềm của văn hóa truyền thống; tinh thần truyền cảm hứng. Tâm đắc với công trình văn hóa đặc biệt này, Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đã đề tặng bảo tàng hai câu đối:  “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/Để cho con cháu mãi ngàn sau”. 

Tình sau con chữ

Bà giáo gồng gánh một đời nuôi con chữ, nuôi cả những ước mong từ những “đồ đồng nát” để rồi góp nhặt nên những yêu thương, góp nhặt nên một hành trình văn hóa từ hiện vật “có một không hai”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định thăm và trực tiếp lắng nghe nhà giáo Ngô Thi Khiếu, Giám đốc Bảo tàng Đồng quê giới thiệu các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng tháng 4 năm 2024

Hàng nghìn hiện vật đặc trưng cho vùng đồng bằng Bắc Bộ bao gồm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp, nghề biển, nghề muối, dụng cụ sinh hoạt, đồ dùng; khoảng 700 chiếc nồi, mâm, chậu, sanh đồng; hơn 100 chiếc đèn dầu; hơn một tạ tiền xu các loại, 2kg tiền giấy Đông Dương; với hồ sơ đầy đủ. Những con số ấy của thời gian, của lịch sử, của văn hóa, của sự phản ánh chân thực nhất quá trình lao tâm khổ tứ tìm kiếm, thu thập, xác minh làm sống dậy từng hiện vật. Để có được một thế giới hiện vật sắp đặt lớp lang ấy, nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã trải qua hành trình hơn một vạn ki-lô-mét trong suốt 20 năm ngược xuôi Nam - Bắc sưu tầm, nâng niu, giữ gìn, sáng tạo. Gần trọn cuộc đời, di bàn chân của cô giáo rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc bởi khắc khoải nỗi lo vắng bóng ký ức một thời cha ông.

Còn ông, Thiếu tướng Hoàng Kiền, từ chiến trận giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trận tuyến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở về với đời thường, quê hương, người anh hùng lại cùng vợ trong vai người lính xung kích trên mặt trận bảo vệ những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, vị tướng của biển đảo, đường biên vẫn tiếp bước quân hành…

Bục giảng hôm nay của ông bà giáo là các gian trưng bày của bảo tàng đồng quê để các em học sinh và khách tham quan thêm hiểu về Trường Sơn, quần đảo Trường Sa, về đường tuần tra biên giới, những trận đánh ác liệt của cha ông,… thêm trân trọng thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, hình thành nên nền văn minh lúa nước - nền văn minh sông Hồng, nên một Việt Nam hùng cường, vững mạnh hôm nay.

Nhà giáo Ngô Thị Khiếu trả lời phỏng vấn báo chí

Dường như sứ mệnh đã trao cho vợ chồng ông bà giáo một công việc mà chỉ khi có đủ đam mê, nhiệt huyết, tận tâm, tận lực mới có thể làm.

Bảo tàng Đồng quê lay động lòng người, hình ảnh quê hương gói gọn một góc nhìn. Đó là tình cảm, tâm huyết, nỗi niềm mấy mươi năm gắn bó với quê hương, là sự “xót xa” với những gì in dấu ấn một thời đang từng ngày mai một, là nỗi lo con cháu đời sau lãng quên giá trị truyền thống. Từ ước mong nhỏ bé lúc ban đầu của cô giáo về hưu xây một thư viện nhỏ cho các em học sinh và bà con quanh vùng có nơi để đọc sách và trưng bày những hiện vật đồng quê đang dần bị mai một. Ước mong chính đáng ấy của bà đã nhận được sự động viên, ủng hộ của lãnh đạo các cấp địa phương từ thôn xóm tới tỉnh tạo mọi điều kiện để bảo tàng được xây dựng đi vào hoạt động; sự ủng hộ giúp đỡ về kinh phí xây dựng, tặng hiện vật của các cá nhân và tập thể trên mọi miền đất nước. Công trình Bảo tàng Đồng quê được khởi công tháng 3 năm 2011 và qua hơn 10 năm hoạt động với những giá trị lịch sử, văn hóa mang lại, Bảo tàng Đồng quê đã và đang trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử đặc biệt của nhân dân cả nước và khách quốc tế.

Bảo tàng Đồng quê, một dự án văn hóa tư nhân, một công trình văn hóa tái hiện tâm hồn, cuộc sống, tinh thần lao động cần cù, anh dũng chống giặc ngoại xâm và đấu tranh với thiên nhiên của cha ông ta; là sợi dây gắn kết quá khứ, hiện tại, gợi mở tương lai mang tinh thần nhân văn cao cả với ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Sinh ra từ làng, trở về với làng, với ruộng vườn, bờ ao… duyên nợ gắn ông bà với sinh mệnh của bảo tàng, với những câu chuyện kể… một đời, nhiều đời và mãi mãi.

Ngôi trường thứ hai… mang tên lịch sử, văn hóa

Quá khứ về một thời đất nước chung lưng đấu cật, về một thuở ông cha vất vả dựng xây thật không nhiều. Ta chỉ được gặp lại những hình ảnh ấy và mường tượng về chúng trong câu chuyện của bà của mẹ, qua bài giảng thầy cô. Hôm nay, quá khứ hiện về từng lớp lang đầy đặn, 100 năm mà như mới hôm qua, bức tranh hiện thực cuộc sống hiện ra sinh động, trọn vẹn.

Bục giảng hôm nay của ông bà giáo là các gian trưng bày của Bảo tàng Đồng quê.

Những hạt giống tâm hồn được nuôi dưỡng bởi những gì chân thực nhất của cuộc sống cha ông; bởi những điều giản dị, khiêm nhường nhưng mang sức mạnh lớn lao. Bảo tàng Đồng quê như điểm đến kết nối của không gian, thời gian và lịch sử; điểm đến kết nối của trái tim rung động, thổn thức, vỡ ào; điểm đến của tri thức, giáo dục.

Xúc động biết bao, trong đoàn người ngày ngày tề tựu về ngôi trường mang tên những hiện vật gốc, ta bắt gặp ánh mắt em thơ trong sáng rạng ngời của những lớp mầm, lớp lá; những cô cậu học trò tinh nghịch, ham học, ham chơi. Có lẽ, sinh ra trong thời đất nước hội nhập, trong các em không thể hình dung một thời ông cha đã sống và lao động trong điều kiện gian khó. Không ai ước hẹn một ngày được gặp lại cuộc sống cha ông trong hình hài hôm nay. Những câu chuyện trong sách vở hiện hữu. Mỗi hiện vật, mỗi góc hình là bài học quý giá giáo dục các em lòng tự hào, biết ơn, biết trân trọng cuộc sống hòa bình và tình yêu quê hương đất nước đẹp giàu.

Có giấy bút nào tô thắm được quê hương? Bên một “đồng quê” có một “tiền tuyến” mang hơi thở của một thời cha ông sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mô hình kết hợp “có một không hai” ấy làm sinh động biết bao mối quan hệ tiền tuyến - hậu phương thời trận mạc.

Học sinh tham gia một tiết học trải nghiệm làm bộ đội cụ Hồ tại Bảo tàng đồng quê.

Trước mắt các em một thế giới “Đồng quê” độc đáo và đặc biệt. Ở thế giới ấy, từng hạt giống tâm hồn được nảy nở; mạnh nguồn truyền thống văn hóa, lịch sử của cha ông, đất nước sẽ nuôi dưỡng, nâng đỡ giúp các em hoàn thiện nhân cách, rèn luyện ý chí, vươn lên mạnh mẽ xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.

Tình yêu con trẻ hòa cùng tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm giữ gìn truyền thống văn hóa cha ông, giá trị giáo dục mà Bảo tàng Đồng quê, những người tâm huyết làm nên bảo tàng muốn gửi trao. Giờ đây, bảo tàng không chỉ là hình ảnh của nông thôn Việt Nam xưa, mà hôm nay, Bảo tàng Đồng quê còn là sự hiện diện góp mình vào thành công của nông thôn mới quê hương. Nông thôn của những thế kỷ tương lai sáng lạn và những chủ nhân tương lai được nuôi dưỡng, lớn khôn từ tình yêu Tổ quốc, quê hương.

Bài học về văn hoá, văn học, lịch sử, địa lý, quân sự…, bài học về tình yêu quê hương, đất nước không ở đâu xa xôi mà chính ở trong từng nếp nghĩ, từng chút nâng niu, từng hiện vật giản dị và hàm chứa biết bao ý nghĩa như những gì đang hiển hiện nơi này. Tình yêu thuần khiết và sâu đậm với truyền thống của người gây dựng bảo tàng đang từng ngày truyền cảm hứng, mang đến cho đời, cho cuộc sống những giá trị nhân văn sâu sắc.

Ghi nhận những đóng góp trong hơn mười năm hoạt động, Bảo tàng Đồng quê và giám đốc - nhà giáo Ngô Thị Khiếu đã được Ủy ban nhân dân xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy tặng giấy khen; Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen về thành tích phát huy giá trị di sản văn hóa đồng quê góp phần xây dựng nông thôn mới; nhà giáo Ngô Thị Khiếu được Tổ chức kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác lập kỷ lục “Người sáng lập Bảo tàng Đồng quê đầu tiên tại Việt Nam”.

Bảo tàng trở thành trường học thứ hai ươm mầm tình yêu quê hương, lòng biết ơn, trân trọng truyền thống ông cha.

Đặc biệt, trong chuyến thăm bảo tàng tháng 4 năm 2024 vừa qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: Lĩnh vực văn hóa luôn được các cấp, các ngành quan tâm, Bảo tàng Đồng quê là một trong những thiết chế văn hoá quan trọng trong đời sống xã hội; không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày những tinh hoa di sản văn hoá, minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển của dân tộc, mà còn là nơi tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nét văn hoá tiêu biểu, đặc trưng của địa phương, của dân tộc.

Việc bảo quản, trưng bày các hiện vật lịch sử của Bảo tàng Đồng quê là một công việc có ý nghĩa to lớn đối với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của các thế hệ người Việt Nam kế tục gìn giữ và phát huy. Giáo dục truyền thống cho các thế hệ và các tầng lớp nhân dân thông qua hoạt động của bảo tàng là thiết thực góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bảo tàng tiếp tục tạo ra giá trị bền vững và sinh động, hấp dẫn; không chỉ là nơi đón tiếp, quảng bá, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách mà còn phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ con em tỉnh Nam Định nói chung, huyện Giao Thủy nói riêng thêm tự hào về mảnh đất và con người Nam Định.

Và giá trị biết bao, khi người dân trong vùng vẫn thường gọi Bảo tàng Đồng quê với cái tên trìu mến, thân thương - “bảo tàng bà giáo” như một cách tri âm tấm lòng ông bà giáo với quê hương, với truyền thống.

Bài cuối: Hạnh phúc của người gieo tình yêu lịch sử, văn hóa

Nam Giao

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top