Sưu tầm hiện vật trên miền biên viễn Cao - Lạng

22/04/2020, 23:29

Sưu tầm hiện vật trên miền biên viễn Cao - Lạng - Trong chuyến đi sưu tầm hiện vật mới đây tại các cơ quan báo chí hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, chúng tôi - những người làm bảo tàng được biết các đồng nghiệp ở đây có nguyện vọng hiến tặng hiện vật để góp phần đưa Bảo tàng Báo chí Việt Nam sớm ra mắt công chúng.

Nhà báo Chu Sỹ Liên - Nguyên Chủ tịch HNB Cao Bằng (phải) hiến tặng một số hiện vật giấy

Nhà báo Chu Sỹ Liên - nguyên Chủ tịch HNB Cao Bằng tiếp chúng tôi trong buổi chiều cuối hè mưa lất phất trên vùng phố núi. Trong căn nhà riêng tại thành phố, ông đã rót rượu đon đả mời mọi người và nói hào sảng người Cao Bằng là: “Mời quả cả cây, mời rượu cả chum” đấy, rồi ông cười sảng khoái. Trong ông thể hiện tính tình khí khái của người Cao Bằng, nhiệt tình đôn hậu.

Trên quê hương có dòng Bằng Giang chảy ngược, ông đưa chúng tôi ngược về những kỷ niệm về cuộc đời làm báo của mình. Ông trải lòng rằng: có những tác phẩm sau khi phát sóng trên Đài PT-TH tỉnh, rồi dự thi Liên hoan PTTH toàn quốc đoạt giải cao như tác phẩm: "Người nghèo vẫn khổ"… phản ánh về nạn phá rừng nghiến ở Cao Bằng, những tác phẩm liên quan đến đấu tranh chống tiêu cực, Tỉnh ủy, và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã mời ông lên giải trình tại sao lại nói xấu địa phương và có động cơ cá nhân gì không?

Với tính khí khái của người cầm bút, ông đã bảo vệ chính kiến của mình, sau đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng dần hiểu ra mọi nhẽ qua những tác phẩm báo chí của ông và đồng nghiệp nhằm giúp làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người dân địa phương. Ông đã tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số hiện vật quý trong cuộc đời cầm bút của mình. Quan điểm của ông, làm báo là phải có chính kiến, phải dũng cảm đương đầu trước mọi khó khăn và phải biết phản biện.

Nhà báo Bùi Đình Trung - Giám đốc - Tổng biên tập Đài PT-TH Cao Bằng (trái) hiến tặng chiếc camera M3000 và một số hiện vật

Tại Đài PT-TH Cao Bằng, Nhà báo Bùi Đình Trung - Giám đốc - Tổng Biên tập Đài đã cùng cán bộ nhân viên tiếp đón chúng tôi bằng tấm chân tình. Đài đã chuẩn bị một số hiện vật như chiếc Camera M3000, đầu thu phát hình Shap và một sống băng cối, băng VHS… Anh tâm sự: “Hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam cũng là trách nhiệm của những nhà báo, của các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương nhằm làm giàu thêm những hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam”.

Tại Cao Bằng, chúng tôi cũng đã dành thời gian đến nhà trưng bày khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, tại đây chúng tôi tận mắt chứng kiến tấm đá, mã số và Ru lô dụng cụ để in báo Việt Nam độc lập tại Pác Bó cùng nhiều hiện vật quý khác…

Tấm đá, mã số, Ru lô dụng cụ để in báo Việt Nam Độc lập tại Pác Bó

Tại Lạng Sơn, nhà báo La Ngọc Nhung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn đã mời đại diện cơ quan Báo, Đài PT-TH địa phương làm việc với đoàn công tác Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tại đây, nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trưởng đoàn đã thông qua những nội dung cần cho việc thiết kế trưng bày tại Bảo tàng, những đầu việc mà địa phương cần phối kết hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đồng chí Trần Thị Kim Hoa cho biết thêm: Sau một thời gian dài nghiên cứu, chuẩn bị hoàn thiện về mặt nội dung, sưu tầm hiện vật và thông qua các đề cương tổng thể, đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Bảo tàng ở thời điểm hiện tại đã thực hiện được một số công việc quan trọng đó là phương án thiết kế tổng thể Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Với phương án này sẽ giúp cho công chúng tiếp cận được với lịch sử báo chí Việt Nam kể từ khi tờ báo bằng tiếng Việt đầu tiên được ra đời, đó là năm 1865.

Sau câu chuyện về bối cảnh thì không gian tiếp sẽ giúp tái dựng lại từng bước đi, từng bước phát triển, từng thành tựu và những đặc điểm về lịch sử báo chí, đặc điểm xã hội, những sự kiện liên quan đến người làm báo, nghề làm báo của những giai đoạn tiếp theo. Cũng tại khu vực này có khu trưng bày riêng cho báo chí địa phương của 63 tỉnh, thành phố. Những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang cố gắng và nỗ lực hết sức để quy hoạch về mặt nội dung và tìm ra những hiện vật, tư liệu tiêu biểu để giúp Bảo tàng có thể “kể” về các giai đoạn ấy một cách chính xác, tiêu biểu và ấn tượng, hấp dẫn nhất.

Trong thời gian tổ chức khảo sát và sưu tầm, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan, đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được các đơn vị và cá nhân hiến tặng nhiều hiện vật quý của các nhà báo, của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, của thư viện tỉnh Lạng Sơn như: Máy ảnh, băng đĩa, thiết bị máy móc, các văn bản liên quan đến việc thành lập Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn … Tại đây, Nhà báo La Ngọc Nhung đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam chiếc máy soi (rửa) ảnh của Liên Xô sản xuất được anh sử dụng vào thập niên 70- 80 của thế kỷ trước, một chiếc máy ảnh cũ được sử dụng trong quãng đời làm báo của mình…

Nhà báo La Ngọc Nhung - Phó Chủ tịch HNB Lạng Sơn (phải) hiến tặng chiếc máy soi (rửa) ảnh của Liên Xô sản xuất được anh sử dụng vào thập niên 70- 80 của thế kỷ trước

Qua những ngày công tác trên miền biên viễn, ngoài việc được tiếp xúc với những đồng nghiệp, chúng tôi còn được tiếp đón với tấm chân tình bằng những chén rượu ấm nồng tình người, tình đồng nghiệp. Đang trên đường từ Cao Bằng về Hà Nội, tôi nhận được điện thoại của Bố, bố tôi hỏi: Con về đến đâu rồi, đã đến đèo Giăng đèo Gió chưa?

Bố tôi bảo: Bây giờ đường đi chắc tốt rồi chứ hồi xưa Bố và các chú bộ đội toàn đạp xe đạp trên đường đèo núi đi kiểm tra đường dây đảm bảo thông tin liên lạc giáp ranh biên giới (Bố tôi là thương binh đã từng công tác ở vùng biên giới phía Bắc, hồi đó bố công tác ở Bộ tư lệnh Thông tin). Nhìn chung, cuộc sống của người dân miền núi phía Bắc đã thay đổi nhiều. Kết cấu hạ tầng đã được đầu tư khang trang.

Các đồng nghiệp làm báo nói, báo hình, báo viết… của chúng tôi đã cũng có những phương tiện tác nghiệp hiện đại tiên tiến hơn. Vậy nhưng, chúng tôi, những người làm công tác sưu tầm, lưu giữ những hiện vật có dấu ấn, có câu chuyện kể cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, những máy móc, phương tiện tài liệu của những nhà báo đã từng vào sinh ra tử để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Những hiện vật đó sẽ là minh chứng sống cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ tiếp theo. Những hiện vật do các nhà báo, các cơ quan báo chí, các đơn vị thuộc ngành văn hóa tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng và các địa phương trong cả nước cung cấp sẽ góp phần giúp cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam có thêm nhiều tư liệu quý để nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam theo đúng lộ trình đề ra.                                          

Bài và ảnh: Mai Chí Vũ