Sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử Nam Trung Bộ

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo Đảng khu vực Nam Trung Bộ ứng dụng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại. Trong đó, việc sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử là mục tiêu, xu thế phát triển tất yếu của các tòa soạn báo hiện nay.

Giao diện báo Ninh Thuận điện tử

Vấn đề đa phương tiện

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ phát thanh, truyền hình, sự bùng nổ Internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của con người. Đặc biệt, báo điện tử là một loại hình báo chí mới, trẻ trung, hiện đại, nhanh nhạy, được xây dựng dưới hình thức của một website, phát hành trên nền tảng Internet, có ưu thế trong chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng, tức thời, đa phương tiện và có tính tương tác cao nên đã tác động tích cực, sâu sắc đến sự phát triển của báo chí truyền thông trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đây là điều ai cũng dễ nhận thấy trong việc xóa đi những giới hạn về không gian, thời gian trong việc cung cấp, tiếp cận thông tin của công chúng trên quy mô toàn cầu.

Trước đây, với một loại hình báo chí, thông tin được chuyển tải mang tính đơn nhất, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem nhưng với phương thức truyền thông đa phương tiện, tính chất đơn nhất ấy đã bị phá vỡ, khi thể hiện nội dung trên các website, người ta có thể vừa thể hiện bằng chữ viết, vừa trình bày biểu đồ, hình ảnh, video, âm thanh và tương tác dễ dàng. Đó là phương thức chuyển tải thông tin đặc thù của truyền thông đa phương tiện. Với cách tiếp cận này, công chúng được tiếp nhận thông tin một cách thỏa mãn các giác quan khác nhau, với đầy đủ thông tin khách quan, chân thực, độ tin cậy cao, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thống.

Có thể nói, sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử là sản phẩm báo chí hiện đại, được tích hợp thế mạnh của nhiều loại hình báo chí. Chẳng hạn, báo in là sự kết hợp của chữ viết và ảnh tĩnh, đối với truyền hình là sự kết hợp giữa chữ, âm thanh, ảnh tĩnh/động. Đối với tác phẩm đa phương tiện trên báo điện tử, bao gồm ít nhất ba trong những thành phần sau: Văn bản, hình ảnh tĩnh, âm thanh, video, đồ họa và các chương trình tương tác. Như vậy có thể hiểu, truyền thông đa phương tiện là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa ngôn ngữ và tương tác ứng dụng để phù hợp với từng loại hình và kênh truyền tải khác nhau.

Giao diện báo Khánh Hòa điện tử

Tính đến 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Hiện cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với trên 21.132 người được cấp thẻ nhà báo.

Theo đó, mặc dù, báo điện tử tuy ra đời sau so với những loại hình báo chí khác như báo in, phát thanh, truyền hình, nhưng báo điện tử có ưu thế cập nhật thông tin liên tục từng phút, từng giây nên đã nhanh chóng phát triển về số lượng, chất lượng, cung cấp thông tin cho mọi người trên thế giới tiếp cận và đọc thông tin mọi lúc, mọi nơi, nhờ đó đã ngày càng khẳng định được vị thế trong đời sống báo chí và đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, công nghệ, thiết bị viễn thông ngày càng phát triển đã sản xuất ra nhiều loại điện thoại thông minh với giá thành ngày càng rẻ, mẫu mã đẹp, cấu hình cao, có kết nối Internet 4G để xem tin tức, nghe nhạc, xem phim… nên hầu hết ai cũng có khả năng sở hữu ít nhất một thiết bị di động thông minh để tiếp cận thông tin, vấn đề một cách đa diện, đa chiều, tạo nên một sức mạnh mới mà các loại hình truyền thông truyền thống khó cạnh tranh nổi.

Giao diện báo Bình Thuận điện tử

Vấn đề từ thực tiễn

Trong quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội của các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, nhìn chung các tòa soạn báo này đều được các cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, định hướng sâu sát, kịp thời trong việc đầu tư nguồn lực để phát triển toàn diện báo điện tử theo xu thế truyền thông hiện đại, đặc biệt có sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, thông tin đa chiều, tạo sự lan tỏa tích cực, bảo đảm tuân thủ đúng Hiến pháp và pháp luật, nhất là Luật Báo chí 2016 và Quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam…

Trên cơ sở tiếp cận công nghệ kỹ thuật báo chí, truyền thông hiện đại, các cơ quan báo Đảng khu vực Nam Trung Bộ đều có xu hướng đổi mới tư duy quản lý, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật làm báo hiện đại.

Các báo đã chủ động đào tạo đội ngũ làm báo đa năng có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, làm chủ trang thiết bị tác nghiệp, xây dựng quy trình làm báo đa phương tiện để sáng tạo những tác phẩm phóng sự hoàn chỉnh được tích hợp nhiều loại hình truyền thông như: Chữ viết, ảnh, audio, video, biểu đồ, đồ hoạ thông tin: Infographic, Megastory và chương trình tương tác thời gian thực… Tiến tới ngày càng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức những sản phẩm báo chí đa phương tiện, giữ vững vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống và định hướng dư luận xã hội.

Qua đó góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị, thúc đẩy công cuộc đổi mới về mọi phương diện, nhất là phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng văn hóa lành mạnh đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương...

Số lượng sản xuất tin bài, video, infographic, ảnh trong năm 2020 trên báo Khánh Hòa, báo Ninh Thuận và báo Bình Thuận điện tử

Qua nghiên cứu, phân tích một số báo Đảng khu vực Nam Trung Bộ như: Báo điện tử Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có thể thấy số lượng sản xuất tin bài, video, infographic, ảnh trong năm 2020 khá đa dạng và phong phú, được thể hiện qua biểu đồ hình 1.

Hầu hết, các tác phẩm phóng sự sử dụng đa phương tiện trên báo điện tử được thực hiện theo quy trình tác nghiệp chặt chẽ, nội dung được biên tập chỉn chu, ngắn gọn; hình ảnh đẹp, bố cục chặt chẽ, thể hiện tính thời sự, sự kiện; âm thanh (audio) được ghi âm nghe ổn định với tốc độ nén chuẩn là 128kbps trở lên; video được quay chuyên nghiệp hoặc điện thoại di động thông minh cấu hình cao. Sau đó, biên tập, dựng và xuất theo chuẩn định dạng H.264, với 25 khung hình/giây, đuôi .mp4, độ phân giải thông thường nhiều tờ báo điện tử chọn kích thước 854x480px nhằm giảm dung lượng video clip trước khi đưa lên báo điện tử để bạn đọc xem không bị giật nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hình ảnh sắc nét.

Ngoài ra, các tòa soạn còn sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm xử lý đồ họa để thiết kế banner, làm đồ họa thông tin: Infographic, Longform, MegaStory… Tất cả các loại hình truyền thông trên đều được lãnh đạo cơ quan báo chí, người quản trị hệ thống tòa soạn điện tử cho hiển thị đầy đủ trên trang chủ của báo điện tử để tạo sự trực quan, sống động, thu hút công chúng.

Có thể nói rằng, việc sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử tại một số báo Đảng khu vực Nam Trung Bộ còn tạo cơ hội, giúp phóng viên, biên tập viên thay đổi tư duy, thấy được hữu ích trong việc tối ưu chữ viết, bảo đảm liều lượng thông tin truyên truyền tối đa, bằng các phương tiện phi văn tự như hình ảnh, đồ họa, audio, video để cung cấp cho bạn đọc thông tin toàn diện, bảo đảm trực quan sinh động, cập nhật, nhanh chóng, kịp thời, khách quan, trung thực, đúng định hướng chính trị. Đồng thời tạo thuận lợi cho phóng viên, nhà báo tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp cận các công nghệ làm báo hiện đại để xử lý, tác nghiệp các loại hình truyền thông chuyên nghiệp.

Mặt khác, tác phẩm sau khi xuất bản được Ban biên tập ghi nhận đánh giá cao và trả nhuận bút hợp lý, xứng đáng để động viên tinh thần sáng tạo. Bởi vì, các tác phẩm đa phương tiện hoàn chỉnh được một ekip đầu tư bài bản, tốn thời gian, công sức từ xác định đề tài, xây dựng kịch bản cụ thể, đến thu thập thông tin tư liệu, xuất hiện hiện trường, phỏng vấn, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, dựng hình… rất công phu.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, việc sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử của một số tòa soạn báo ở Nam Trung Bộ, hiện nay chưa phát huy hết ưu thế mạnh mẽ, tính toàn diện của báo điện tử.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức đan xen. Tất cả đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan cần được tháo gỡ. Đặc biệt là vấn đề tiếp cận công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại chưa đạt như mong muốn, cơ sở hạ tầng viễn thông, đường truyền Internet, băng thông rộng có phát triển nhưng vẫn chưa ổn định tốc độ cao. Nguồn kinh phí chi đầu tư phát triển báo chí truyền thông hiện đại ở một số địa phương còn hạn chế.

Đa số đội ngũ làm báo đa phương tiện chưa được đào tạo chính quy, bài bản chuyên nghiệp nên chưa thành thạo sử dụng các thiết bị công nghệ mới để tác nghiệp đa năng. Ngoài ra, trang thiết bị qua nhiều năm đầu tư cho hoạt động báo điện tử như máy chủ, lapop, máy tính để bàn, máy quay phim và máy ảnh hầu hết đã xuống cấp, hết hạn bảo hành nhưng chưa kịp đầu tư đồng bộ nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sáng tạo các sản phẩm phóng sự sử dụng truyền thông đa phương tiện chất lượng trên báo điện tử.

Cần phát huy hiệu quả việc sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự

Một số giải pháp

Để thích ứng với công nghệ truyền thông hiện đại, phát huy hiệu quả việc sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử Nam Trung Bộ một cách toàn diện, hướng đến nâng tầm vị thế của báo Đảng địa phương trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hiện nay, trong thời gian tới các toà soạn báo cần quan tâm, xác định việc sử dụng đa phương triện trong sáng tạo tác phẩm phóng sự trên báo điện tử là yêu cầu phát triển tất yếu.

Các tòa soạn báo chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của báo điện tử, qua đó tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin đã được kiểm chứng, chính thống, trung thực, khách quan, đa chiều, đồng thời tăng cường phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ biên tập viên theo quy hoạch bảo đảm chính quy, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, trình độ lý luận chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ tác nghiệp tinh thông, đảm bảo bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thường xuyên định hướng, rèn luyện cho phóng viên, biên tập viên báo điện tử biết cách thu hút sự hợp tác và coi công chúng là đối tác trong quá trình tác nghiệp. Có kinh nghiệm tổng hợp, chắt lọc thông tin, sử dụng mạng xã hội để tăng giá trị cho báo điện tử của mình. Đồng thời, có nhãn quan lựa chọn đề tài, khai thác, thu thập tư liệu, thẩm định và xử lý nguồn tin đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông chất lượng.

PV phải có kỹ năng thể hiện tác phẩm, làm chủ trang thiết bị, biên tập hình ảnh, video, đồ họa… đồng thời, nâng cao kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm hiệu quả, có tư duy, phản biện sắc bén… từ đó, sẽ giúp phóng viên, biên tập viên tự tin tác nghiệp theo hướng đa phương tiện ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tình huống, sáng tạo thành tác phẩm phóng sự có tích hợp đầy đủ các loại hình truyền thông hoàn chỉnh được kết tinh từ trí tuệ tập thể.

Ngoài yếu tố đội ngũ nhân lực là trung tâm trong mọi hoạt động sử dụng đa phương tiện trong sáng tạo các tác phẩm phóng sự trên báo điện tử Nam Trung Bộ, việc đầu tư trang thiết bị cũng không kém phần quan trọng. Thực tiễn cho thấy, việc quan tâm đầu tư trang thiết bị là yếu tố “cần”, đóng vai trò then chốt để sáng tạo các tác phẩm phóng sự có tính đa phương tiện trên báo điện tử, cụ thể: Máy vi tính để bàn, máy tính xách tay cấu hình cao, máy chụp ảnh, máy quay phim, flycam chuyên nghiệp, phòng thu âm, thu hình, điện thoại di động thông minh làm báo.

Trụ sở báo Ninh Thuận

Cùng với đó phải thường xuyên nâng cấp hạ tầng CNTT, đường truyền, băng thông Internet; nâng cấp phần mềm CMS, giao diện báo điện tử chuyên nghiệp, có sự tích hợp, tương tác bạn đọc và kết nối với các nền tảng mạng xã hội; xây dựng các App đọc báo trên các thiết bị di động thông minh để công chúng dễ dàng tiếp cận, đọc lướt thông tin.

Đồng thời, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất theo hướng tạo không gian mở, xây dựng tòa soạn hội tụ… để đáp ứng các yêu cầu, xu hướng của báo chí hiện đại. Qua đó truyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, cung cấp thông tin đã được kiểm chứng, chính thống, trung thực, khách quan, đa chiều, đồng thời tăng cường phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Ngoài nắm bắt công nghệ làm báo truyền thống, các tòa soạn báo cần tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận thông tin, tận dụng công nghệ, tạo nên thông tin đa dạng, đa lớp, đa chiều trong môi trường truyền thông số hiện đại. Tích hợp các loại hình truyền thông thành một sản phẩm đa phương tiện hoàn chỉnh, trong đó quan tâm nâng cao chất lượng hình ảnh, video, sáng tạo thêm tác phẩm dạng Infographic, Longform, MegaStory để tạo sinh động, dễ dàng tương tác, bảo đảm xuất bản dòng chảy thông tin chủ lưu, chính thống phục vụ đòi hỏi của công chúng chủ động ngày càng cao và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới./.

HỒ VĂN NỶ

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top