Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Sống động bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”

Những biến động dữ dội và khôn lường của tình hình khu vực và thế giới trong hai năm 2022 và 2023, đặt mặt trận đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trước những “điểm nút” rất phức tạp và nhạy cảm.

Từ bức tranh toàn cảnh thế giới

Vừa bước ra khỏi bầu không khí u ám của hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, gây ra những tổn thất về sinh mạng và vật chất nặng nề chưa từng có, thì trong hai năm 2022 và 2023, thế giới lại phải chịu tác động rất tiêu cực của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến này không còn nằm trong giới hạn giữa hai quốc gia mà đang trở thành một cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, đặt ra những thách thức và nguy cơ về an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi hệ thống XHCN ở Liên Xô, Đông Âu tan vỡ cách đây 33 năm, và cuộc chiến tranh lạnh Đông - Tây được coi như chấm dứt từ lúc đó. Kinh tế thế giới bị giáng một đòn chí mạng, lâm vào bất ổn và suy thoái. Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt khiến hàng loạt nước phải chống đỡ bằng cách tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy...

Một vòng xoáy mới của cuộc chạy đua vũ trang đang được kích hoạt mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt là các cường quốc (năm 2024, ngân sách quân sự của Mỹ tăng lên mức kỷ lục 886 tỷ USD, Trung Quốc 225 tỷ USD, Nga 115 tỷ USD). Niềm tin trong quan hệ quốc tế bị thách đố nghiêm trọng. Đã thấy rõ, sự coi thường lợi ích cốt lõi của nhau, nhất là những lợi ích về an ninh, đã dẫn đến những tai họa khôn lường, kết cục bi thảm. Nếu số   liệu thống kê của các bên có liên quan là đáng tin cậy thì số binh sỹ hai bên tham chiến thiệt mạng đã lên tới hơn nửa triệu người. Khi cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra rất khốc liệt và chưa biết lúc nào mới kết thúc thì đã đột ngột nổ ra xung đột đẫm máu ở Dải Gaza giữa Hamas và Israel, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và một cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng tồi tệ đang hằng ngày, hằng giờ diễn ra trước con mắt của thế giới đương đại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại trụ sở Trung ương Đảng, ngày 12/12/2023_Nguồn: qdnd.vn

Cuộc xung đột này đang có nguy cơ lan rộng ra nhiều nơi ở Trung Đông. Lịch sử thế giới trước hết là cuộc đua tranh quyền lực của các nước lớn. Khuấy động, áp chế, khuynh đảo vũ đài quốc tế hiện thời không ai khác vẫn là những “ông lớn” đã và đang án ngữ mặt tiền đời sống thế giới từ nhiều thập kỷ nay. Có một thực tế đang xuất hiện như một nghịch lý: Thế giới càng hội nhập sâu thì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan càng phát lộ. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt.

Từ bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2023 với nhiều gam màu xám như vậy, càng thấy rõ hơn những thành quả nổi bật của đối ngoại và ngoại giao Việt Nam. Nằm ở vùng xung yếu và vô cùng nhạy cảm của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, Việt Nam phải luôn luôn tìm cách xử lý phù hợp nhất các mối quan hệ quốc tế, các tầng lợi ích đan xen, đặc biệt là quan hệ giữa các nước lớn. Trước những diễn biến vô cùng phức tạp, nhất là khi nổ ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, trước sự cạnh tranh và đối đầu căng thẳng trong tam giác chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga, Việt Nam luôn kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.

Trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam trở thành điểm hẹn có sức hút mạnh cho sự hợp tác, nhưng đồng thời cũng là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc. Nhìn ra toàn cầu có thể thấy không ít nước có hoàn cảnh tương tự, đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đua tranh quyền lực giữa các nước lớn, trở thành công cụ, con bài chiến lược, thậm chí là chiến trường đẫm máu của dạng “chiến tranh ủy nhiệm”. Mất quyền tự chủ, thở bằng bình ô-xy của người khác, đánh mất mình là bài học đắt giá nhất trong mối bang giao quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam đã tìm ra phép “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn để hóa giải bão tố, sóng ngầm từ cạnh tranh chiến lược giữa họ.

Có thể khẳng định rằng, bằng những bước đi uyển chuyển, khéo léo theo trường phái “ngoại giao cây tre”, Việt Nam đã tạo bước đột phá, nhưng vẫn duy trì được sự hài hòa “cân bằng động” trong bối cảnh mới rất nhạy cảm và đầy thách thức.

Đến thành công của “Ngoại giao cây tre Việt Nam”

Cây tre có hai đặc tính: dẻo dai, uyển chuyển và không bao giờ đứng riêng lẻ mà mọc thành khóm, thành bụi, thành lũy. Một cây tre đã có độ bền chắc hơn nhiều loại cây khác, còn khi mọc thành lũy thì tre có một sức mạnh bền vững, dù bão tố có làm ngả nghiêng nhưng không bao giờ bị bật gốc.

Lần đầu tiên, khái niệm “Ngoại giao cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, tiếp đó, tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên vào tháng 12 năm 2021, Tổng Bí thư nêu rõ rằng “Trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Trường phái này đã thực sự được nâng lên tầm lý luận khi tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, Việt Nam hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam” rất đặc sắc và độc đáo: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Sau nhận định này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận, phân tích của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định tính khoa học, bản sắc độc đáo, tính hiệu quả, sức thuyết phục mạnh mẽ và thành công nổi bật của trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam”.

Thành công của trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam” bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, nhân ái, hòa hiếu; từ khí phách quật cường, không bao giờ chịu quỳ gối khuất phục trước cường quyền của dân tộc Việt Nam; từ tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết nhưng không cực đoan, mà luôn gắn liền tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế cao cả; từ đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, mở ra một không gian đối ngoại rộng lớn; từ những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, nâng cánh cho ngoại giao vươn xa...

Trước sự giằng kéo phức tạp và nhạy cảm của tam giác chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga, các sự kiện đối ngoại lớn của Việt Nam trong năm 2023 đã trở thành phép thử ở cường độ rất cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam. Trong lúc Mỹ và Nga gần như đối đầu trực tiếp trong cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang coi nhau là đối thủ trong cuộc cạnh tranh chiến lược căng thẳng, thì chỉ trong vòng ba tháng cuối năm 2023, cùng với việc đón Chủ tịch Duma Quốc gia Nga V.V. Volodin, Việt Nam đã đón nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc sắp xếp chuyến đi của Tổng thống Mỹ trong một hoàn cảnh đặc biệt đã cho thấy Mỹ rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam. Để thực hiện chuyến thăm Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chưa từng có tiền lệ, điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại của cả Tổng thống và Phó Tổng thống. Tổng thống đã cử Phó Tổng thống dự cấp cao Đông Á tại Indonesia thay ông và bản thân ông đã phải rút ngắn chương trình họp G20 tại Ấn Độ để thực hiện chuyến thăm Việt Nam. Đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên cấp độ đối tác chiến lược toàn diện chính là việc duy trì hài hòa “cân bằng động” quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, tránh phụ thuộc vào một đối tác nào, tạo cho nước ta một tư thế chiến lược mới đàng hoàng, khoáng đạt, một vị thế chiến lược mới ngày càng vững chắc.

Tiếp đó, chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13 tháng 12 năm 2023 với việc ký Tuyên bố chung mang dấu ấn lịch sử, theo đó, hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, thể hiện sự tin cậy, làm sâu sắc thêm và nâng quan hệ đối tác chiến lược Việt - Trung lên một tầm cao mới. Trung Quốc trong nhiều năm nay là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường cung ứng hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là thị trường thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn nhất trong ASEAN.

Từ nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đầy đủ với cả ba cường quốc Trung Quốc, Nga và Mỹ. Cấp độ đối tác chiến lược toàn diện có “những mẫu số chung”, nhưng với mỗi cường quốc lại có sự tương đồng và sự khác biệt, đòi hỏi Việt Nam vừa phải có bản lĩnh và lại vừa phải có sự năng hoạt, uyển chuyển, ứng xử phù hợp. Thực tế lịch sử đã chứng minh Việt Nam và Nga gắn bó với nhau trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống, kế thừa giá trị tốt đẹp từ thời Liên Xô, nhưng hiện nước ta cũng đang chịu tác động tiêu cực từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine. Chúng ta tuyên bố rõ ràng: Việt Nam chọn công lý và chính nghĩa chứ không chọn bên!

Trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc của chúng ta là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết bất đồng trên tinh thần hữu nghị, tuân thủ triệt để Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chúng ta kiên quyết phản đối chính trị cường quyền, bao vây, cấm vận; phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này như gốc của cây tre, bền vững, nhất quán, không dao động.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng, ngày 10/9/2023_Ảnh: VGP

Quan hệ Việt - Mỹ, mặc dù đã trải qua quá khứ đau thương nặng nề, nhưng hai bên đã có tầm nhìn chiến lược, nỗ lực lớn để “vượt qua khác biệt”, “phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” và đã đạt được những bước tiến dài, trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Nền tảng để xây dựng và phát triển quan hệ Việt - Mỹ là hai bên tôn trọng chế độ chính trị của nhau. Đây là điều cốt lõi nhất. Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là khâu đột phá.

Tổng thống Joe Biden ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn và bày tỏ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Đã từng xuất hiện đây đó những lo ngại, những cảnh báo rằng Việt Nam đang “mắc kẹt” trong mâu thuẫn, đối đầu căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ và Nga. Nhưng thực tế đã cho thấy bước đột phá đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên cấp độ cao nhất đã không gây trở ngại, xáo trộn quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, với Nga và với các nước lớn khác. Chúng ta đã chủ động trao đổi cởi mở và chân thành để các nước hiểu rõ chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đối sách này thể hiện sự vững vàng, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Có thể thấy rõ, mặc dù theo đuổi mục tiêu chiến lược khác nhau, thậm chí xung đột nhau, nhưng các nước lớn đều tôn trọng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam. Việt Nam đã thực sự có một tư thế chiến lược mới. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ đối ngoại nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu. Cùng với việc phát triển quan hệ với các cường quốc Trung Quốc, Nga và Mỹ, chúng ta cũng tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống như Lào, Campuchia, Cuba  các nước ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong Liên minh châu Âu (EU)...

Điều này tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tạo đan xen lợi ích sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Hơn 40 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt nước ta tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược và bạn bè truyền thống; đồng thời 50 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm Việt Nam năm qua đã làm nổi bật vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thiết lập quan hệ - Nâng tầm giá trị

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu giữ nhiều trọng trách trong các cơ chế, diễn đàn đa phương như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 - 2025, Ủy ban liên Chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Ủy ban Luật   pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027...

Trong vai trò tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực phức tạp, căng thẳng, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp có lý, có tình trên cơ sở đề cao chính nghĩa, đoàn kết quốc tế, hòa hiếu, nhân văn và tôn trọng luật pháp quốc tế, do đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các quốc gia. Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển. Ngoại giao đa phương nâng tầm giá trị Việt Nam trong quan hệ song phương với các đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn; còn các quan hệ song phương lại tạo vị thế có lợi cho Việt Nam trong ngoại giao đa phương, qua đó nâng cao vị thế quốc gia Việt Nam.

Trên thực tế, với tư duy mới, tốc độ mới, chúng ta đã triển khai đồng bộ các trụ cột, toàn diện các lĩnh vực ngoại giao. Đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng cường sự tin cậy chính trị, quan hệ bền vững lâu dài, khơi thông “điểm nghẽn”. Bộ Ngoại giao nhận định, các chuyến thăm, gặp gỡ cấp cao, hội nghị cấp cao ngày càng lồng ghép nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, ngoại giao đến kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục... Ngoại giao kinh tế là động lực, hợp tác khoa học - công nghệ cao là đột phá, văn hóa là nền tảng, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị. Sự tin cậy chính trị lại tạo nền tảng thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục...

Hoạt động đối ngoại nổi bật, có hiệu quả của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội năm 2023 với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Lào, Campuchia, Nga, Nhật Bản... là minh chứng sống động cho điều đó. Mặt trận đối ngoại, “ngoại giao cây tre” đã có những đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát dưới mức Quốc hội cho phép; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và tuy năm 2023 chỉ đạt 5,05% nhưng là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế của nước ta năm 2023 đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2023, đầu tư nước ngoài đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022, giải ngân đạt mức kỷ lục 23,2 tỷ USD. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang từng bước vượt qua “cơn gió ngược”, thị trường Việt Nam vẫn có sức hút mạnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 đạt 100 tỷ USD, dự báo năm 2024 lên tới 110 tỷ USD. Ficht đã nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 10/2023 sau khi Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 trong năm 2022, Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 là 428,43 triệu USD, tăng 17% so với năm 2022 và tăng 44% so với năm 2020. Bước vào năm 2024, trên vị thế chiến lược mới, bên cạnh thời cơ lớn, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Đó là sự đan xen các xu hướng: hợp tác và cạnh tranh, hòa dịu và xung đột, thống nhất và phân rã, hình thành các tập hợp lực lượng mới... Nguy cơ kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy,... sẽ tiếp tục gây áp lực lớn đối với một nền kinh tế có độ mở rất lớn, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Toàn hệ thống của chúng ta phải được nâng lên một trình độ mới, tiến hành mạnh mẽ các khâu đột phá chiến lược, phải biến ngoại lực thành nội lực, tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, hướng tới mục tiêu năm 2045 Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao. Một trong những mấu chốt quan trọng bậc nhất là Việt Nam phải xây dựng và vận hành được một thể chế quản trị quốc gia hữu hiệu hơn nữa với những cơ chế có thể giải phóng sức lao động sáng tạo sung mãn của người Việt Nam.

Một đất nước không thể phát triển, không thể có tương lai nếu không có khát vọng. Đó phải là khát vọng của cả dân tộc, quyết không chịu đói nghèo, lạc hậu, tụt hậu, đồng lòng đi tới. Một cảm hứng dựng xây tươi mới đang bừng khởi trên khắp đất nước ta. Một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hòa hiếu, tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đang là “điểm hẹn” hấp dẫn của thế giới đương đại. 

Hồ Quang Lợi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top