Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng về nghi vấn chương trình GWIS tại trường Newton

22/04/2020, 23:29

Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng về nghi vấn chương trình GWIS tại trường Newton - Trước thông tin phản ánh về chất lượng đào tạo liên quan đến Trường Geoger Washington International School (GWIS) đang liên kết dạy ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm, trong đó có Hà Nội. Chiều 12/4, bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) đã có phản hồi về vấn đề này.

Trường THCS - THPT Quốc tế Newton (Hà Nội). Ảnh internet

Theo tin phản ánh trước đó, Trường George Washington International School (GWIS) ở Mỹ, không trụ sở, không giáo viên, không được tổ chức nào công nhận... nhưng đã tổ chức dạy cũng như liên kết ở 14 tỉnh, thành của Việt Nam trong nhiều năm.

Nhiều trường phổ thông của Việt Nam cũng đang có chương trình hợp tác với trường này. Tại Hà Nội, GWIS đang là đối tác trong chương trình “du học tại chỗ” của Trường phổ thông quốc tế Newton (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Trên cơ sở phản ánh và hồ sơ báo cáo của Phòng Chuyên môn quản lý, lãnh đạo Sở đã có công văn báo cáo số 1322/SGDĐT- GDPT ngày 11/4 gửi Bộ  Giáo dục và Đào tạo và UBND TP Hà Nội.

Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Trường THCS, THPT Newton báo cáo và tổ chức xác minh thông tin về hoạt động của nhà trường, đồng thời làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT để có minh chứng về tính pháp lý của Trường GWIS.

Từ ngày 8-11/4, ông Philip Nguyễn – Chủ tịch HĐQT của trường đã có buổi làm việc với Sở để cung cấp các giấy tờ, thông tin cần thiết theo yêu cầu của Sở, đồng thời làm rõ thêm một số thông tin về hoạt động của nhà trường.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và được Đại sứ quán Mỹ chứng thực tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp THPT do Trường GWIS cấp cho những học sinh học chương trình GWIS tại Trường THCS, THPT Newton.

Bà Bùi Thị Minh Nga - Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Bà Bùi Thị Minh Nga cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện đầy đủ các quy định về liên kết đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi một cơ sở giáo dục muốn triển khai chương trình liên kết đào tạo với một đơn vị nước ngoài, cơ sở cần thực hiện 2 bước cơ bản.

Thứ nhất, lập đề án thực hiện thí điểm chương trình mà cơ sở lựa chọn liên kết, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, năng lực đào tạo, khung chương trình chi tiết, phân phối chương trình, mẫu văn bằng, chứng chỉ (nếu có), đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy chương trình liên kết, cơ sở vật chất của nhà trường.

Thứ hai, cung cấp hồ sơ pháp lý của đơn vị đối tác gồm: Giấy chứng nhận thành lập và hoạt động, giấy xác nhận tình trạng hoạt động của đối tác, xác nhận kiểm định của giáo dục vùng, tiểu bang, quốc gia...; hồ sơ nhân sự của hiệu trưởng và giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy chương trình. 

Sở GD&ĐT Hà Nội hỗ trợ và động viên các nhà trường có điều kiện thực hiện chương trình quốc tế để nâng cao hơn năng lực sử dụng tiếng Anh của người học. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ các thông tin báo chí nêu.

 TH