Sẽ có một Chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch

27/09/2021, 16:31

Sẽ có một Chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch - Đó là phát biểu nhấn mạnh trong kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội diễn ra sáng 27/9 tại Hà Nội.  

Tọa đàm do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với địa điểm chính tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) và một số địa phương trên cả nước, với sự tham dự của khoảng 80 chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế… 

Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các ý kiến của tọa đàm là kênh thông tin quý giá để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội. Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam; nhận diện các thách thức của dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp phù hợp để thực hiện “mục tiêu kép”, tạo cơ sở cho việc khôi phục, phát triển kinh tế. Quốc hội mong muốn nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các chuyên gia, các cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội diễn ra sáng 27/9 tại Hà Nội.

Tại tọa đàm, hầu hết các tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã bày tỏ nhiều quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn mang tính xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội chất lượng, bền vững.

Khái quát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, có 5 yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam năm 2022. Bao gồm khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất; khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế và khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Quốc hội cần phát huy công tác xây dựng luật để bảo đảm kịp thời, chất lượng, giảm chồng chéo, qua đó củng cố khung pháp lý cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới. Quốc hội cũng tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, huy động hợp lý, hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh việc đề ra những yêu cầu đối với Chính phủ để thực hiện hiệu quả hơn nữa các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh mới.

Tham luận với chủ đề “Covid-19 - Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang”, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) nêu 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới. 

Cụ thể, tiêm chủng đồng thời với xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch và cũng để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế; cần có giải pháp hợp lý hơn trong thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) Andrew Jeffries

Nhấn mạnh một số ưu tiên chính sách và đầu tư để tạo ra sự khác biệt thực sự cho quỹ đạo số hóa ở Việt Nam, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) Andrew Jeffries cho rằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ phải tăng lên đáng kể để hỗ trợ sự mở rộng của lĩnh vực kỹ thuật số. Các công ty khởi nghiệp công nghệ cần được các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách quan tâm đúng mức và thúc đẩy một môi trường thuận lợi có thể giúp ươm tạo, tăng tốc và mở rộng quy mô các dự án kinh doanh mới.

Thảo luận tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) mong muốn Chính phủ sớm ban hành khung chung về phục hồi kinh tế sau đại dịch để các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó áp dụng, xây dựng kịch bản phù hợp với tinh hình địa bàn.

Theo ông Lực, “Nếu để mỗi địa phương tự xây dựng kịch bản, chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta sẽ có 63 nền kinh tế, câu chuyện liên kết vùng, liên kết phòng, chống dịch sẽ không đạt hiệu quả”. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đề nghị tăng quy mô các gói hỗ trợ cho lao động tự do và doanh nghiệp nhỏ; việc hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, không thực hiện đại trà.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Bày tỏ sự lạc quan với cơ hội cho kinh tế cho Việt Nam nếu khống chế được đại dịch, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành đề nghị cần tính toán phát triển lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế. Lĩnh vực này năm 2019 ở thị trường châu Á có giá trị giao dịch rất lớn, trong khi đó Việt Nam không nằm trong tốp 20 quốc gia hàng đầu về thương mại trang thiết bị y tế. 

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cảm ơn các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự và đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, thể hiện khát khao cống hiến, đóng góp cho đất nước, cho Quốc hội. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là cuộc Tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV nhưng đã thu hút được nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc. Các ý kiến, đề xuất tại Tọa đàm là chất liệu quan trọng để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức các báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới; cũng là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu và triển khai các công việc thuộc thẩm quyền để cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị sớm đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã tóm lược 5 quan điểm được đưa ra thông qua buổi tọa đàm này. Trong đó, thích ứng với dịch Covid-19 là sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp trên cơ sở chủ động, khoa học, sáng tạo... tạo hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một vấn đề khác cũng được các chuyên gia đưa ra là, nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong dài hạn. Đây là rủi ro kép. Thứ nhất là, chiến lược vaccine trên toàn cầu chậm hơn dự kiến và độ bao phủ không đồng đều. Thứ hai là, chính sách tài khóa, tiền tệ có thể bị thắt chặt hơn nếu các nước phát triển thắt chặt các chính sách này nhanh hơn dự kiến để đối phó với rủi ro gia tăng lạm pháp do áp dụng chính sách “siêu nới lỏng”. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm

Vấn đề này Quốc hội và Chính phủ phải tính toán rất kỹ vì khi chúng ta bắt đầu phục hồi được thì các nước phát triển có thể đã thắt chặt chi tiêu để đối phó với những bất ổn vĩ mô. Nếu tăng trưởng kinh tế của các đối tác chiến lược, thành viên các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA… chững lại hoặc suy giảm sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi của Việt Nam. Do đó, không thể lạc quan một chiều được, phải đánh giá, dự báo được để có những chính sách phù hợp.

Đồng thời cần tranh thủ tối đa việc thích ứng để làm động lực hoàn thiện thể chế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, chuyển đổi mạnh sang số hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, “Dịch bệnh còn có thể kéo dài, các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng thì cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa y tế và kinh tế - xã hội.

Trong đó cần nhấn mạnh, y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên...

Huy động nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả; tính đến trước mắt và lâu dài. Kiên định bảo vệ sức khỏe người dân cả về thể chất và tinh thần...

Bảo Châu