Sáng tạo trong kết nối với công chúng trên nền tảng báo chí

22/04/2020, 23:29

Sáng tạo trong kết nối với công chúng trên nền tảng báo chí - Ngày càng có nhiều ứng dụng dựa trên số liệu lớn và thuật toán, dẫn tới việc hình thành những nền tảng cho rất nhiều dịch vụ, làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Một trong những tiêu chí đo lường mức độ thành công của nền tảng là số lượng người sử dụng nền tảng đó.

Internet đang là nền tảng lớn nhất hiện nay. Ảnh: TL

Kinh tế nền tảng

Hai giáo sư Martin Kenny và John Zysman, Đại học California, trong nghiên cứu "Sự trỗi dậy của kinh tế nền tảng", cho rằng Internet đang là nền tảng lớn nhất hiện nay. Trên Internet, có thể phân chia 5 loại nền tảng khác nhỏ hơn, dựa trên chức năng của những nền tảng này, được xếp theo cấp độ từ lớn đến nhỏ như sau:

Thứ nhất, các nền tảng bao trùm, là nền tảng cho các nền tảng khác. Ví dụ, hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google cho phép xây dựng hệ sinh thái các nền tảng khác dựa trên đó.

Thứ hai, các nền tảng cung cấp công cụ kỹ thuật số cho những nhà phát triển ứng dụng, để tạo các nền tảng khác. Ví dụ, GitHub với các chương trình phần mềm mã nguồn mở.

Thứ ba, các nền tảng liên quan tới tuyển dụng nhân sự, quản lý con người và công việc. Ví dụ, LinkedIn, trang kết nối nhà tuyển dụng và ứng viên; Amazon Mechanical Turk nơi các công ty cho cộng đồng tham gia vào việc đánh giá công việc; các trang web như UpWork, Innocentives, Freelancer kết nối người làm thuê với các dự án thời vụ.

Thứ tư, các nền tảng bán lẻ, với những ví dụ dễ nhận biết như Amazon, eBay hay Etsy.

Thứ năm, nền tảng cung cấp dịch vụ. Ví dụ, Airbnb cung cấp dịch vụ lưu trú; Uber với dịch vụ vận tải hành khách; Zopa nền tảng cho vay vốn; Transfergo hay Transferwise nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải toàn cầu.

Nền tảng phụ giúp người sử dụng tối ưu hóa những nguồn lực có sẵn, không khuyến khích sản xuất ra sản phẩm mới. Ví dụ, các thuật toán của Uber giúp kết nối khách hàng với lái xe trong phạm vi gần nhất. Số người dùng dịch vụ Uber và các app (ứng dụng) dịch vụ vận tải càng tăng, thì nhu cầu sở hữu phương tiện di chuyển cá nhân càng giảm xuống.

Ngành sản xuất ô tô sẽ có thể phải thu hẹp phạm vi sản xuất, hạn chế bớt nhận sự liên quan đến tạo ra sản phẩm mới, và mở rộng cơ cấu nhân sự liên quan đến dịch vụ thông qua nền tảng. Điều này không chỉ xảy ra với Uber và ngành sản xuất ô tô, mà còn xảy ra ở mọi ngành nghề. Vì vậy, nền tảng sẽ kéo theo sự thay đổi, tái cơ cấu trong tất cả các lĩnh vực.

Hiện chưa có một nền tảng nào đủ độ tin cậy để thay thế báo chí chuyên nghiệp. Ảnh: TL

Nền tảng báo chí

Riêng trong lĩnh vực báo chí, qua theo dõi báo chí thế giới, có thể khẳng định hiện chưa có một nền tảng nào đủ độ tin cậy để thay thế báo chí chuyên nghiệp. Có thể khẳng định điều này vì trong khi các nền tảng chỉ cung cấp công cụ kỹ thuật, và cộng đồng tự tạo ra nội dung trao đổi dựa trên công cụ đó, thì báo chí phụ thuộc vào người làm báo chuyên nghiệp để tạo ra nội dung.

Các nền tảng dịch vụ mạng xã hội (như Facebook, Youtube) cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng nội dung hoàn toàn do người sử dụng tạo ra (User-generated contents). Những nội dung này thiếu kiểm chứng và phần lớn không phù hợp với các giá trị tin tức mà xã hội trông đợi. Yếu tố con người chuyên nghiệp, với khả năng tiếp cận dữ liệu, kiểm chứng thông tin và viết sáng tạo, với ban biên tập bình duyệt thông tin trước khi xuất bản, khiến cho báo chí trở nên khác biệt so với nền tảng mạng xã hội.

Nền tảng của báo chí, do đó, cần hiểu là các loại thiết bị đầu ra để phân phối sản phẩm báo chí, ví dụ như báo điện tử, Internet, mạng xã hội hay các thiết bị di động. Nhờ có Internet, báo chí dễ dàng tạo ra các hoạt động thu hút sự tham gia của công chúng trên các nền tảng làm báo.

Công chúng tham gia vào quá trình làm báo là tạo kênh góp vốn cộng đồng. Ảnh: TL

Tờ báo The Guardian, Vương Quốc Anh, ngay từ năm 2009, đã có sáng kiến mời bạn đọc làm báo. Tờ báo đưa lên trang báo điện tử hơn 400 nghìn tập tài liệu về chi tiêu của Thủ tướng Anh. Đây là kho tài liệu khổng lồ mà người làm báo không có đủ thời gian để tìm hiểu hết. Khi đưa lên mạng, tờ báo tận dụng được nguồn lực và tri thức của đám đông, để phân loại những tài liệu trên. Từ đó bạn đọc tìm ra những điểm nghi vấn trong tài liệu để đề xuất đề tài cho nhà báo.

Câu hỏi 1: Tài liệu này thuộc dạng gì: có 4 ô để lựa chọn: Yêu cầu chi tiêu, Hóa đơn chứng từ, Tài liệu trống, Tài liệu khác.

Câu hỏi 2: Chúng tôi có cần điều tra thêm tài liệu này không? Có 2 ô lựa chọn: Không cần điều tra; và Rất thú vị, điều tra thêm.

Một ví dụ khác, của việc công chúng tham gia vào quá trình làm báo là tạo kênh góp vốn cộng đồng. Công chúng đóng góp tài chính cho đến khi đủ số vốn cần thiết cho việc thực hiện một số dự án báo chí cụ thể. Năm 2016, một nhóm nhà báo Úc, đứng đầu là nữ nhà báo Wendy Bacon, kêu gọi cộng đồng đóng góp 20 nghìn đô la Úc để nhóm thực hiện dự án báo chí điều tra về người tị nạn sống trên đảo Nauru.

Sau một tháng kêu gọi vốn, nhóm nhà báo thu được hơn 20 nghìn đô la Úc, đủ để thực hiện đề tài. Nguyên tắc hoạt động của nền tảng GoFundMe là sau 1 tháng nếu không gọi đủ vốn thì số tiền sẽ tự động được trả lại vào tài khoản của những người tài trợ.

Điểm chung của hai ví dụ trên là tận dụng thế mạnh kết nối số đông của các nền tảng để mời người dân được tham gia vào quá trình làm báo. Ý kiến của công chúng có tính chất quyết định trong giai đoạn lựa chọn đề tài và lập kế hoạch triển khai dự án báo chí. Nhưng người làm báo vẫn giữ quyền quyết định việc triển khai kế hoạch, và quan trọng nhất là hoàn toàn quyết định nội dung báo chí. Đây là những ví dụ về việc vừa tận dụng sức mạnh của cộng đồng, yếu tố quyết định để duy trì nền tảng, vừa giữ lại những nhiệm vụ cốt lõi của báo chí trong tay người làm báo chuyên nghiệp.

Cần đa dạng hóa nền tảng phân phối sản phẩm báo chí đến với độc giả. Ảnh: TL

Ý kiến chuyên gia

Sau đây là chia sẻ của những một số nhà sản xuất chương trình truyền hình tại Vương quốc Anh về đa dạng hóa nền tảng phân phối sản phẩm truyền hình, được tổng hợp trong nghiên cứu của Giáo sư Gillian Doyle, Đại học Glasgow.

David Booth, Giám đốc chương trình, Kênh MTV, Anh, nói: “Chúng tôi làm tất cả để có nhiều lượt xem [trên các loại hình báo chí khác nhau]... Khi chúng tôi bắt đầu ý tưởng chương trình, chúng tôi luôn hỏi: vòng đời của chương trình sẽ kéo dài bao lâu? Nếu chỉ sản xuất loạt chương trình 30 phút, chiếu trong 6 tuần, thì cần duy trì chương trình lên các nền tảng khác nhau trong vòng 2 năm sau...

Mô hình ở đây là phải tận dụng sản xuất chất lượng cao, công nghệ tối tân, chỉ để sản xuất ra một nội dung. Trước khi sản xuất, tôi phải bàn rất kỹ với phòng Chiến lược và Tài chính để tìm phương án đưa một nội dung lên nhiều nền tảng đa dạng. Trước đây, chúng tôi chỉ nhận xét: “Ý tưởng tuyệt vời để phát sóng vào khung giờ 9 - 10 giờ tối Chủ nhật” thì nay việc chỉ phát sóng theo tuyến tính không còn nữa”- David Booth cho biết.

Đánh giá về lợi ích của “phân phối 360” (phương án phát sóng chương trình lên tất cả các loại màn hình khác nhau)

Anmar Kawash, Giám đốc điều hành kênh STV, cho biết: “Chúng tôi thấy có tiềm năng rất lớn để khai thác nhiều màn hình hơn, nhiều kênh phân phối hơn cho một nội dung, và có vô số các cách khác nhau để khán giả kết nối với nhà sản xuất chương trình”.

David Booth, MTV nói: “Nếu không có phân phối 360, chúng tôi không thể có số người xem nhiều như hiện nay. Chúng tôi kết nối bằng mọi cách với khán giả, sản xuất những nội dung họ muốn xem, trên thiết bị họ có. Nhưng trong vòng hai năm sau khi tăng lượng khán giả, chúng tôi cần tìm cách để những người này quay trở lại với chương trình truyền hình phát sóng chính thức, đó là nền tảng cốt lõi. Hiện nay các cơ quan báo chí vẫn chạy đi tìm khán giả trên nhiều nền tảng nhưng chưa có cách giữ công chúng với nền tảng chính. Đó là nhiệm vụ rất khó khăn”

Mạch Lê Thu (NCS Đại học Monash, Úc)

Tài liệu tham khảo
(1) Doyle, G., 2010, From Television to Multi-Platform: Less from More or More for Less, Convergence, Vol. 16 (4), pp 431-449
(2) Kenny, M. & Zysman, J., 2016, The Rise of the Platform Economy, Issues in Science and Technology, Spring 2016, Vol. 32 (3), pp.61-69