Sáng tạo tác phẩm ảnh và kinh nghiệm TTXVN

Ban Biên tập ảnh TTXVN là một đơn vị thông tin nguồn của TTTVN, có chức năng nhiệm vụ cung cấp ảnh nguồn cho hệ thống thông tin đại chúng trong và ngoài nước.

Nhà báo Nguyễn Đức Tám - Ban Biên tập ảnh TTXVN phát biểu tham luận
tại Tọa đàm. Ảnh: Cường Phạm

Hiện nay, Ban Biên tập ảnh có một đội ngũ hùng hậu về phóng viên ảnh của Ban Biên tập ảnh chúng tôi còn có phóng viên ở 63 cơ quan trường trú TTXVN trong nước và hơn 30 cơ quan đại diện ở nước ngoài (ngày trước các phóng viên này chỉ viết tin và bây giờ đã làm cả truyền hình và chụp ảnh). Hàng ngày có hằng trăm bức ảnh được phát lên mạng ở trong nước và ở nước ngoài. Bên cạnh đó, TTXVN đã ký kết với 14 hãng thông tấn quốc tế để trao đổi thông tin bằng hình ảnh. Do vậy 24/24h luôn có một lượng ảnh rất đa dạng và phong phú ở trong nước và trên thế giới gửi về TTXVN. Ngoài sự thuận lợi như vậy thì đây cũng là sự cạnh tranh rất gay gắt đòi hỏi các phóng viên TTXVN nói chung và phóng viên Ban Biên tập ảnh nói riêng phải sáng tạo, đổi mới tư duy để có được các tác phẩm ảnh tốt nhất.

Một là xác định chủ đề tuyên truyền:

Việc xử lý và định hướng thông tin trong nước, quốc tế và các thông tin nội bộ được thực hiện thông qua các cuộc giao ban hàng ngày giữa Lãnh đạo cơ quan và các đơn vị chức năng. Ban Biên tập Ảnh cũng thực hiện hình thức giao ban này để nắm thông tin, sự kiện diễn ra trong ngày và dự kiến thông tin trong tuần, trong tháng. Từ đó lãnh đạo Ban Biên tập Ảnh có sự chỉ đạo sát sao về thông tin tuyên truyền. Đối với những sự kiện lớn, lãnh đạo phòng sẽ tổ chức họp nhóm để nghe ý tưởng của phóng viên trực tiếp tác nghiệp. Ví dụ như sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc, Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, Kỷ niệm Ngày giải phóng đất nước 30/4, Bầu cử các cấp và các kỳ họp Quốc hội,...Các cuộc họp chuyên đề như: Thông tin tuyên truyền về biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, môi trường, thông tin về các kỳ thi tuyển sinh quốc gia,.. từ đó lên phương án cụ thể, báo cáo lãnh đạo Ban duyệt phương án tối ưu nhất, đúng định hướng thông tin.

Xác định chủ đề từ các phóng viên: Các phóng viên có quyền xin ý kiến chỉ đạo để thực hiện những chủ đề mà mình tâm huyết và theo đuổi. Các chủ đề do phóng viên tự tìm tự lên kịch bản và tự thực hiện bao giờ cũng đem lại chất lượng rất cao.

Hai là các phóng viên phải có khả năng làm việc theo nhóm và làm việc độc lập:

Một ví dụ cụ thể cho việc tác nghiệp nhóm chính là phản ảnh toàn bộ Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Để đưa tin về sự kiện này, Ban Biên tập Ảnh đã huy động hơn 30 phóng viên, chụp mọi góc độ từ Quảng trường Ba Đình cho đến các đường phố diễn ra lễ diễu binh, diễu hành. Những vị trí quan trọng đã được sơ đồ hóa, và thông báo cụ thể đến từng phóng viên. Từ đó, phóng viên phải thể hiện sáng tạo của mình thông qua bố cục hình ảnh, khoảnh khắc của sự kiện. Do vậy nhóm ảnh “Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9” đã đạt giải B (không có giải A) của Giải Báo chí Quốc gia năm 2015. Đây là kết quả của phương thức làm việc theo nhóm với sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo Ban và sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ phóng viên, giữa khối phóng viên và biên tập.

Phương pháp làm việc độc lập: Phóng viên ảnh của TTXVN được đào tạo nghiệp vụ bài bản, có ý thức chính trị, tư tưởng lập trường vững vàng, phương tiện tác nghiệp đầy đủ nên có khả năng làm việc độc lập. Bản thân người phóng viên cần phán đoán sự kiện sẽ diễn ra như thế nào, cách lấy bố cục, đường nét, ánh sáng của bức ảnh ra sao… Nhưng quan trọng nhất là người phóng viên phải nắm bắt, chớp được khoảnh khắc của sự kiện. Cố nhà báo Lâm Hồng Long đã có những bức ảnh để đời như “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn”, Bức ảnh chụp đêm 19/9/1960 tại vườn Bách Thảo - nơi nhân dân Thủ đô vui mừng tổ chức liên hoan mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ III. Phán đoán khoảnh khắc Bác Hồ quay người lại, nghệ sĩ Lâm Hồng Long đã chọn một góc chụp xuất sắc nhất để thể hiện hình ảnh. Tác phẩm đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996). Tác phẩm “Mẹ con ngày gặp mặt” cũng của cố nhà báo Lâm Hồng Long ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ giữa người chiến sĩ - tử tù Côn Đảo với người mẹ của mình ngày 4/5/1975  tại Vũng Tàu (nơi đón nhận những cán bộ, chiến sĩ bị địch cầm tù từ Côn Đảo trở về). Tác giả đã bấm máy đúng khoảnh khắc và giúp Lâm Hồng Long nhận được bằng danh dự của FIAP và tác phẩm cũng nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996). Bức ảnh “Từ Thần sấm xuống xe trâu” của tác giả Văn Bảo chụp một phi công Mỹ bị dân quân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang bắt sống ngày 7/8/1966. Bức ảnh được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2007 về Văn học - Nghệ thuật. Tác phẩm “Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” của tác Giả Văn Sắc chụp các cô gái thanh niên xung phong Hà Tĩnh đang san lấp hố bom ngày 24/7/1968, chỉ vài ngày trước khi các cô hy sinh đã đạt giải thưởng Nhà nước năm 2007 về Văn học – Nghệ thuật…

Kế thừa và phát huy những thành tích của thế hệ đi trước, những tay máy trẻ hôm nay của Ban Biên tập Ảnh vẫn luôn “vững tay máy, giỏi tay nghề”, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Có thể kể đến phóng viên trẻ Dương Giang, được cử đi thường trú tại các tỉnh Tây Nguyên đã thành công trong việc thể hiện Phóng sự ảnh “Giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn ở hầm thủy điện Đạ Dâng”. Tác phẩm đã đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2014. Đây là phóng sự ảnh mà phóng viên chọn lựa được góc độ và khuôn hình tốt, đặc biệt là khoảnh khắc các lực lượng cứu thành công 12 công nhân bị sập hầm. Nhóm ảnh “Sức sống Trường Sa” của nữ phóng viên trẻ Phương Hoa đạt giải B (không có giải A) Giải Báo chí Quốc gia năm 2011. Với cách nhìn khá mới mẻ về đời sống của người chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, Phương Hoa đã có cách xử lý hình ảnh tương đối tốt, đem lại một ấn tượng khác biệt cho người xem. Ảnh đơn đón “Các thuyền viên bị hải tặc Somalia  bắt giữ đã được giải cứu” của An Đăng đạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia năm 2012 kể về khoảnh khắc của thuyền viên gặp gia đình tại sân bay Nội Bài.

Ba là đội ngũ Biên tập ảnh: Ban Biên tập ảnh TTXVN có Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng là người chịu trách nhiệm biên tập lại các hình ảnh và chú thích của các phóng viên gửi về. Đây là công việc rất quan trọng, các hình ảnh sẽ được kiểm duyệt về nội dung, về bố cục, ánh sáng, đường nét và nhân vật. Biên tập có quyền cắt cúp lại hình ảnh và sửa chữa chú thích cho đúng. Tất cả những hình ảnh không đạt chuẩn, không đúng với tôn chỉ mục đích sẽ bị loại bỏ. Bên cạnh đó, người biên tập còn hỗ trợ chỉ dẫn phóng viên ở hiện trường thực hiện, bổ sung những hình ảnh mà ở hiện trường chưa kịp phát hiện ra.

Bốn là trao đổi nghiệp vụ:

Những hình ảnh của phóng viên được phát lên mạng đều nhận được sự phản hồi góp ý về hình ảnh, về chú thích đạt hay chưa đạt từ cuộc giao ban mỗi sáng. Sáu tháng một lần phóng viên được quyền thi ảnh tốt của Ban Biên tập. Đây là đợt sinh hoạt nghiệp vụ mà tất cả các phóng viên đều được tham gia làm giám khảo và có quyền chỉ ra những điểm mạnh điểm yếu của từng tác phẩm. Bên cạnh đó phóng viên ảnh TTXVN được trang bị rất đầy đủ về thiết bị máy móc như máy ảnh, máy tính và phương tiện tác nghiệp. Việc tác nghiệp tại cơ sở đều có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trú TTXVN tại địa phương hay ở nước ngoài. Đặc biệt TTXVN sẵn sàng hỗ trợ phóng viên ảnh có những chuyên đề phải đầu tư chiều sâu.

Những kinh nghiệm

- Thứ nhất là ngoài sự chỉ đạo, định hướng của Lãnh đạo cơ quan thì  lãnh đạo Ban Biên tập ảnh cùng phóng viên luôn tìm hiểu và nghiên cứu rất cụ thể từng sự kiện. Phán đoán sự kiện, xác định chủ đề - đề tài - tư tưởng chủ đề; thu thập và khai thác thông tin; thể hiện tác phẩm về nội dung và hình thức; duyệt và phát mạng.

- Thứ hai là các phóng viên ảnh của Ban Biên tập ảnh được trang bị tác nghiệp rất đầy đủ từ kiến thức đến phương tiện nên luôn luôn thể hiện được rất tốt các chủ đề được giao hoặc tự phát hiện.

- Thứ ba là phóng viên ảnh thường xuyên được đào tạo, trao đổi nghiệp vụ do vậy phóng viên tác nghiệp rất tự tin.

- Thứ tư là các phóng sự hay nhóm ảnh rất cần sự đa dạng về khuôn hình, muốn đa dạng được thì phải nắm chắc kỹ thuật. Khi chọn được chủ thể thì phải có thời gian quay xung quanh nhân vật đó và luôn được phóng viên chụp nhiều ở góc độ và góc cạnh của sự kiện.

- Thứ năm là các phóng sự phải là câu chuyện được kể bằng hình ảnh: các bức ảnh liên kết với nhau, (giống như báo viết và báo hình có mở đầu, thân bài, kết thúc và sau kết thúc phải có lối mở đầu cho câu chuyện tiếp theo). Phóng sự hiểu theo nghĩa đen là câu chuyện nhưng trong một phóng sự thành công phải mượn câu chuyện đó để phản ánh về người nào đó, một nhóm nào đó hay một tầng lớp xã hội nào đó.

Những hạn chế

Các phóng viên của Ban Biên tập ảnh luôn làm rất tốt công tác tuyên truyền cho các sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng vẫn còn những hạn chế trong sáng tạo tác phẩm:

- Như trình bày ở phần đầu là TTXVN đang có một lực lượng phóng viên ảnh chuyên nghiệp rất hùng hậu, nhưng tác phẩm tham gia đoạt giải cao ở các cuộc thi là chưa nhiều.

- Nhiều sự kiện phóng viên ảnh có thể làm thành một phóng sự thời sự hoặc phóng sự magazine nhưng lại chưa chú ý về thể loại nên phóng viên chỉ chụp thành nhóm ảnh hoặc ảnh đơn lẻ. Đôi khi, phóng viên chụp sự kiện về mới có ý tưởng dựng thành nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh chứ không lên kịch bản để thiêt lập thành nhóm ảnh hay phóng sự ảnh từ trước.

- Hiện tượng phóng viên ảnh làm khái quát sự kiện vẫn còn phổ biến, không tìm hiểu để phản ánh kỹ hơn sâu hơn. Ví dụ một công trình được xây dựng thì phóng viên chỉ chụp lễ khởi công hay khánh thành mà chưa kể về công trình đó được xây dựng như thế nào, công nghệ mới nào được áp dụng hay sự vất vả của công nhân ngày đêm trên công trường như thế nào. Hoạt động của lực lượng Cảnh sát 141 bắt các đối tượng tang trữ vũ khí, ma tuý thì phóng viên mới chỉ chụp được đối tượng đã bị bắt giữ tại đồn Công an. Nhiều gương tốt việc tốt chưa được chú ý hay phát hiện…

         Nhà báo Nguyễn Đức Tám

 Trưởng phòng ảnh thời sự, TTXVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top