Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Rủi ro thiếu nước sạch đe dọa TP. HCM: Chiến lược ứng phó khủng hoảng nước sạch

Thiếu nước sạch đang diễn ra ở khắp nơi. Tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân phải mua nước sạch sử dụng cho sinh hoạt. TP. HCM chưa thiếu nước nhưng nguy cơ đang dần hiện hữu.

Hiện nguồn nước sạch phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM vẫn đảm bảo, tuy nhiên vẫn cần một chiến lược ổn định, lâu dài

Dự trữ nguồn nước thô

Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cảnh báo, có đến một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước và cuộc khủng hoảng nước sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu. Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết: Việt Nam nói chung và TP. HCM cũng không thể tránh khỏi tác động từ cuộc khủng hoảng nước sạch. Chất lượng nước tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra tình trạng bão lụt, hạn hán bất thường, hay những yếu tố ô nhiễm từ môi trường.

Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định, Sawaco hiện đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như; thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online, các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản (như nồng độ ô xy hòa tan, amoniac, độ đục, độ mặn, lượng dầu tràn bề mặt…) để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này. Cùng với đó, tăng cường lượng hóa chất dự phòng và các thiết bị châm hóa chất để đảm bảo đáp ứng khi có nguồn nước xảy ra. Song song, phối hợp với các đơn vị vận hành các hồ chứa nước đầu nguồn kịp thời hỗ trợ xả nước để đẩy mặn; pha loãng ô nhiễm hoặc đẩy chất ô nhiễm ra khỏi vùng lấy nước.

Đối với mạng lưới cấp nước, Sawaco lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều phối nguồn nước khi có sự cố xảy ra, đảm bảo khả năng cấp nước cho TP. HCM ở mức nhiều nhất có thể. "Chúng tôi cũng đã có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm trên toàn thành phố. Từ đó, đảm bảo cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân với khoảng 5 lít nước/người/ngày", lãnh đạo Sawaco thông tin.

Về lâu dài, đơn vị này đã phối hợp Sở Xây dựng đề xuất và được UBND TP. HCM chấp thuận thông qua "Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050, và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm TP. HCM giai đoạn 2020 - 2030". Trong đó, có các giải pháp căn cơ như xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn. Các hồ chứa này vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, vừa đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn.

"Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng các bể chứa ngầm trong thành phố là nơi đảm bảo ổn định áp lực cho toàn hệ thống, đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để đảm bảo an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra sự cố tại các nhà máy xử lý nước. Đối với thủy đài đã được xây dựng và hoàn thành từ những năm 1970 mà không có các hồ sơ pháp lý để đưa vào sử dụng, Sawaco cũng đã kiến nghị lên UBND thành phố sẽ sử dụng lại các mặt bằng này để làm nơi cấp nước an toàn cho thành phố. Chúng ta có thể xây bể chứa ngầm hoặc làm trạm bơm tăng áp, nơi điều hòa mạng lưới cấp nước tại đây", đại diện Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cho biết.

 Phương án khai thác nước ngọt từ thượng nguồn

Dù chưa đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước, nhưng nguy cơ của TP. HCM là rất cao. PGS, TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP. HCM) cho biết: Rủi ro về nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của hơn chục triệu dân TP. HCM là một thực tế nhiều năm qua và ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do các hoạt động kinh tế - xã hội khiến nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày càng ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn sâu cũng là vấn đề phải đối mặt vào mùa khô. Điều này khiến thời gian lấy nước thô của các nhà máy để xử lý thành nước sạch phục vụ người dân bị rút ngắn.

Cũng như những nguồn tài nguyên khác, tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt do tác động của con người. Để tránh một cuộc khủng hoảng nước sạch xảy ra, mỗi người dân phải sử dụng nước tiết kiệm cũng như tránh các hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm tại chỗ.

Trước thực tế đó, các chuyên gia và cơ quan chức năng thành phố cũng đã đề ra các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch dài hạn. Đó là lấy nước thô trực tiếp từ các hồ chứa Trị An trên sông Đồng Nai và hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn để xử lý thành nước sạch cung cấp cho các hoạt động kinh tế - xã hội của TP. HCM.

"Tuy nhiên, sắp tới quy mô khai thác thế nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố như nhu cầu sử dụng của người dân TP. HCM, kinh phí đầu tư khai thác. Khoảng cách từ các hồ chứa Trị An và Dầu Tiếng về tới TP. HCM cũng tương đối xa, nên việc đầu tư như thế nào cũng cần phải được tính toán sao cho hiệu quả. Ngoài việc cung cấp nước thô cho TP. HCM, hai hồ chứa nước này còn đóng vai trò nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất liên vùng gồm nhiều địa phương ở miền Đông Nam Bộ.

Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng nguồn nước này là vấn đề đồng thuận của cả các địa phương trong lưu vực cũng như sự điều phối của các bộ, ngành Trung ương. Điều này cho thấy, nguồn nước từ hai hồ chứa trên thật sự quan trọng không chỉ với TP. HCM mà các tỉnh thành Đông Nam Bộ" PGS, TS Hồ Long Phi cho rằng nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của TP. HCM vẫn là một trong những vấn đề quan trọng được ưu tiên. Tùy tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng theo từng giai đoạn sẽ có sự đầu tư, khai thác hợp lý và hiệu quả. "Nhưng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên từ hai hồ chứa này thì cần có chiến lược bài bản", ông Phi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc bảo đảm và tăng cường nguồn cung cấp nước sạch cho người dân TP. HCM, thì một yếu tố quan trọng không kém là người dân thành phố phải có ý thức sử dụng nguồn nước này một cách tiết kiệm, hiệu quả. Cũng như những nguồn tài nguyên khác, tài nguyên nước đang ngày càng cạn kiệt do tác động của con người. Để tránh một cuộc khủng hoảng nước sạch xảy ra, mỗi người dân phải sử dụng nước tiết kiệm cũng như tránh các hoạt động làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm tại chỗ.

Cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng

Báo cáo của WRI cho thấy, có khoảng một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng "căng thẳng cao" về nước trong ít nhất một tháng mỗi năm. Căng thẳng cao có nghĩa là ít nhất 60% tài nguyên nước có sẵn đã được sử dụng, dẫn đến sự cạnh tranh giữa những người dùng. Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng; trong khi ở Trung Đông và Bắc Phi, có đến 83% số dân khu vực này bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nước.

WRI khẳng định nhu cầu sử dụng nước không ngừng tăng lên do gia tăng dân số, cùng sự bùng nổ của các ngành nông nghiệp tưới tiêu, công nghiệp, dịch vụ... khiến thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng nước chưa từng có và ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top