Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Ra mắt sách “Quốc hội với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”

21:51 18/07/2016 - Văn hóa xã hội
Ngày 17/7, tại hội trường Văn phòng Quốc hội, CLB Các nhà công thương Việt Nam và NXB Công an Nhân dân chính thức ra mắt, trao tặng Bảo tàng và Thư viện Quốc hội cuốn sách “Quốc hội với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”.

Cuốn sách “Quốc hội với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam” do Trung tâm Thông tin của Thư viện Quốc hội và CLB Các nhà công thương Việt Nam phối hợp tổ chức biên soạn

Cuốn sách “Quốc hội với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam” do Trung tâm Thông tin của Thư viện Quốc hội và CLB Các nhà công thương Việt Nam phối hợp tổ chức biên soạn và xuất bản nhân kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946- 2016).

Cuốn sách dày 340 trang với năm phần nội dung chính, nhằm cung cấp thông tin tham khảo tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đề cập những vấn đề lý luận và thực tiễn theo những góc nhìn khác nhau về mối quan hệ đại diện của Quốc hội cho cộng đồng doanh nghiệp, về sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động của Quốc hội; những nhìn nhận, đánh giá về thực trạng của mối quan hệ hai chiều nêu trên, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả đại diện của Quốc hội cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Với những chức năng hiến định của mình, Quốc hội đại diện cho quyền lợi các tầng lớp nhân dân và thành phần xã hội, trong đó quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp thông qua hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đại diện cho đội ngũ doanh nhân trên cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thông qua tham vấn chính sách và thông qua chính những đại biểu Quốc hội là doanh nhân trong Quốc hội. Tuy đã tạo lập nhiều điều kiện thuận lợi khuyến khích doanh nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp gia nhập thị trường và sản xuất kinh doanh song vẫn còn đó những công việc mà Quốc hội phải tiếp tục thực hiện để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cắt giảm thủ tục hành chính.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cuốn sách đã trình bày khá rõ ràng về mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ góc nhìn của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và các doanh nhân. Cuốn sách góp phần động viên, mang lại nội lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vượt qua những thách thức nội tại và thời đại để tiếp tục đạt tới những thành tựu mới trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Trao tặng Bảo tàng Quốc hội bức thêu lưu bút của 50 doanh nhân tiêu biểu.

Đại biểu Quốc hội - nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc nhận xét: Đây là cuốn sách đầu tiên nêu bật được tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp với hoạt động lập pháp của Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Cuốn sách rất cần thiết không chỉ với những nhà làm luật mà còn cả với những nhà nghiên cứu chính sách và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chương trình lễ ra mắt và trao tặng sách “Quốc hội với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, CLB Các nhà công thương Việt Nam đã bàn giao cho Bảo tàng Quốc hội bức thêu lưu bút “Vững bước và thắng lợi” với chữ ký của 50 doanh nhân tiêu biểu cùng nhau cam kết phấn đấu, chung sức, đồng lòng đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước trong chương trình “Chào xuân 2016 - Những bước chân hội nhập” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và CLB Các nhà công thương Việt Nam tổ chức đầu năm nay. Bức thêu lưu bút đã được lưu tại vị trí trang trọng của Bảo tàng Quốc hội.

Nguồn: Báo Nhân Dân 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top