Quy trình thẩm định nguồn tin
Cần xác định tin tức thật giữa biển thông tin rối rắm?
Từ clip xuyên tạc ở Bến Tre
Ngày 28/10, đoạn video clip do Nguyễn Chí Khương, sinh năm 1993, sống ở Ấp 5, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre quay và xuất bản lên Facebook kèm theo lời chú thích: “Bà Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê hương Bến Tre”, dài hơn 3 phút ghi hình ảnh đoàn xe hơn 50 chiếc, dẫn đầu là xe cảnh sát giao thông và sau đó là các xe gắn biển công vụ (biển xanh và biển đỏ) nối nhau chạy trên một con đường quê. Clip được ghi bằng một cú máy, bố cục đứng, không sắp đặt lại, giữ tiếng động hiện trường và lọt tiếng nói của người ghi hình.
Sự thật là gì? Vào ngày 28/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang chủ trì kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tại Hà Nội. Hình ảnh đoàn xe trong đoạn clip lan truyền trên các trang mạng là xe của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đơn vị chức năng của tỉnh Bến Tre tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016.
Tham dự sự kiện diễn tập này có nhiều đồng chí tướng lĩnh QĐND Việt Nam; lãnh đạo Vụ An ninh quốc phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, công an nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Số lượng xe (trên 50 chiếc) trong clip là xe chở các đồng chí lãnh đạo nói trên cùng các đại biểu từ các địa phương trong khu vực, các học viên đang học bổ sung kiến thức quốc phòng toàn dân của ĐBSCL tại Sóc Trăng, có chương trình thực tập 2 ngày tại Bến Tre.
Trong số những tổ chức và cá nhân chia sẻ đoạn video này, có nhiều người là nhà báo, nhiều người được xem là trí thức trong và ngoài nước (hiện nay hầu hết đã gỡ bỏ và xin lỗi công khai), nhiều cơ quan báo chí tiếng Việt ở nước ngoài.
Thiết bị cầm tay với màn hình tương tác giờ đây đã trở thành công cụ đơn giản, thông minh, lợi hại để mỗi giây hàng tỷ Byte thông tin được người dùng Internet tải lên mạng toàn cầu này. Và dù có thừa nhận hay không, truyền thông xã hội vẫn là một thực thể đang tác động sâu sắc, phức tạp, thậm chí xô bồ đến bữa tiệc thông tin của công chúng...
Ngày nay, với mạng xã hội, ai cũng là người đưa tin khá nhanh nhạy về các sự kiện trong đời sống. Nhưng, các nguồn tin trên mạng xã hội xuất phát từ cá nhân, chưa qua kiểm chứng bằng các nguyên tắc nghiệp vụ báo chí và bản thân người đưa tin không chịu trách nhiệm trước công chúng về nội dung. Tình trạng thông tin thật - giả, xấu - tốt lẫn lộn trong truyền thông hiện nay đòi hỏi người tiêu dùng tin tức bình thường phải có những năng lực truyền thông nhất định, phải tỉnh táo để tránh bị “ngộ độc” thông tin.
Kinh nghiệm thẩm định nguồn tin của báo chí
Ấy là nói công chúng truyền thông bình thường, còn với nhà báo, khi khai thác nguồn tin từ truyền thông xã hội, còn cần phải tuân thủ các nguyên tắc kiểm tra, thẩm định - vốn là những nguyên tắc kinh điển của báo chí.
Tiếp cận thông tin trên môi trường truyền thông hiện nay cần phải xác định ai là nguồn tin và vì sao họ lại biết được thông tin này, đồng thời, đối chiếu với các nguồn có thông tin tương tự. Phải đọc phần giới thiệu về trang web cung cấp thông tin đó (xem là báo điện tử được cấp phép hay trang blog, trang web cá nhân). Click vào các bài viết xung quanh trên trang web ấy, đọc kỹ tên miền của trang web để xác định xem có phải là trang giả mạo (thường các trang web giả sẽ có nhiều bài link liên kết không hoạt động). Tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, đừng tin vào các số như lượng người thích (like), số lượt chia sẻ (share) vì các con số đó hoàn toàn có thể mua bán với giá rất rẻ.
Các học giả ở trường Đại học Stony Brook (Mỹ) cũng đề ra một công thức thẩm định thông tin, gọi là công thức I'M VAIN.
I’M VAIN là một câu được ghép từ các ký tự đầu của những chữ:
- INDEPENDENT: Nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin được nêu không?
- MULTIPLE: Nguồn tin có đa chiều không?
- VERIFY: Thông tin được nêu ra có sự xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa?
- AUTHORITATIVE: Nguồn cung cấp tin ấy có thẩm quyền không?
- INFORMED: Thông tin ấy người ta có được bằng cách nào?
- NAMED: Nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh? Công thức khái quát và dễ nhớ này cần được các nhà báo hôm nay vận dụng trong tác nghiệp báo chí nói chung và sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp nói riêng.
Hàng dỏm, hàng giả, hàng kém chất lượng... buộc nhà quản lý phải tìm nhiều biện pháp ngăn chặn. Nhưng khó có biện pháp quản lý nào có thể ngăn hoàn toàn các hành vi gian dối nên lời khuyên lâu nay chúng ta vẫn thường nghe là phải biết làm người tiêu dùng thông minh. Giờ đây, lời khuyên ấy còn dành cho cả những người tiêu dùng tin tức cũng như nhà báo.
Tất nhiên, các cơ quan quản lý vẫn đã và đang nỗ lực để ngăn ngừa những thông tin xấu, thông tin độc hại. Nhưng, trước hết, nhà báo và người tham gia mạng xã hội hôm nay phải tạo cho mình một bộ lọc để tránh mắc bẫy vô tình chia sẻ những thông tin sai sự thật./.
Phan Văn Tú
Tin tức liên quan
- Thực trạng và giải pháp tạo nguồn thu cho báo mạng điện tử ở Việt Nam (10:22 28/11/2024)
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)