Quốc hội Việt Nam: Sứ mệnh và tinh thần đổi mới - Bài 3: Dấu ấn giữa nhiệm kỳ
13:05 29/11/2023
- Vấn đề sự kiện
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV - kỳ họp giữa nhiệm kỳ đã để lại dấu ấn về một Quốc hội đổi mới, gần gũi cử tri và Nhân dân; một sự khẳng định cho tinh thần đổi mới nơi nghị trường không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, mà còn giúp Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt lời hứa với các cử tri, là kiểm chứng nói đi đôi với hành động.
Giám sát "đặc biệt"
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, chất vấn là khâu then chốt nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn, làm rõ thực trạng, nêu ra nhiều giải pháp.
Đúng như tinh thần người đứng đầu Quốc hội viện dẫn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra thành công, trở thành phiên chất vấn “đặc biệt” từ điểm nhấn đổi mới của Quốc hội; thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ. Nghị trường không ít phiên “nảy lửa” trong 2,5 ngày trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm về nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh.
Lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.
Điều đó đồng nghĩa với việc Quốc hội tiến hành chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết trên, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát. Hay nói cách khác, tất cả “tư lệnh ngành” đều có thể phải “ngồi ghế nóng”.
Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.
“Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một điểm mới đáng chú ý, Quốc hội không thực hiện chất vấn theo nhóm vấn đề, mà theo nhóm lĩnh vực gồm: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng; nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Xét trong thực thi chính sách, nhiều vấn đề đòi hỏi sự tham gia giải quyết của liên ngành. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc Quốc hội chất vấn theo nhóm lĩnh vực vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để các “tư lệnh ngành” cảm thấy cần phải tăng cường trách nhiệm, tăng cường phối hợp hơn nữa để tập trung giải quyết vấn đề.
Với hình thức chất vấn này, ngay trên diễn đàn Quốc hội, các Bộ trưởng đã có dịp nêu ra những khó khăn, vướng mắc để Quốc hội hiểu rõ hơn, gợi ý giải pháp tháo gỡ cùng Chính phủ, nhất là trong xây dựng thể chế, pháp luật. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Ấn tượng về một phiên chất vấn “giám sát đặc biệt” hiệu quả - phản ánh kết quả tất yếu của tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, khi công tác chuẩn bị tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn được xem xét kỹ lưỡng, nhất là cuộc làm việc có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 30/10, để qua trao đổi, thảo luận giúp tìm ra phương thức chất vấn hiệu quả nhất. Thông qua giám sát để các cơ quan cùng tìm ra giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị cho rằng, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khẳng định rất rõ nét tinh thần đổi mới, hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa quan trọng trong việc đặt ra giải pháp thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại. Tinh thần đổi mới nơi nghị trường không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, mà còn giúp Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt lời hứa với các cử tri, là kiểm chứng nói đi đôi với hành động; mà còn đảm bảo diễn đàn Quốc hội thật sự là nơi hội tụ giữa ý Đảng và lòng dân.
Quốc hội… đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn
Quốc hội đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hết sức mình hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn nữa vì lợi ích của Nhân dân và vì sự phát triển của đất nước - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã nhấn mạnh điều này khi nhắc lại phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội khẳng định “Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn”.
Kỳ họp thứ 6 - dấu ấn về một Quốc hội đổi mới, gần gũi cử tri và Nhân dân.
Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự.
Rất nhiều con số ấn tượng, phản ánh sinh động không khí làm việc của Quốc hội và kết quả Kỳ họp như: đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 39 lượt đại biểu tranh luận... Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Còn nhớ, trước thềm Kỳ họp thứ 6, việc yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện quyết liệt các giải pháp “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ và khẩn trương kiến tạo các động lực tăng trưởng mới chỉ ở đề cập ở góc độ kinh tế. Song không chỉ dừng ở riêng một lĩnh vực, việc phải khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến tạo sự phát triển được đặt ra trên tất cả các lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ, là đòi hỏi vừa cấp bách vừa lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta trong bối cảnh thế giới nhiều bất định như hiện nay. Tại kỳ họp thứ 6, tất cả các hoạt động, các quyết sách của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về giám sát tối cao đều tập trung thực hiện nhiệm vụ này.
Như trong hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tổng thể rà soát toàn diện việc triển khai thực hiện 10 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn và trả lời chất vấn. Có thể nói rằng, tại phiên chất vấn đặc biệt này, những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực từ kinh tế, xã hội đến văn hoá, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh... đều đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra, yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình, làm rõ trách nhiệm, đưa ra những giải pháp, cam kết thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Từ thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cùng nhiều kết quả quan trọng đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng".
Kỳ họp thứ 6 đã để lại những dấu ấn tốt đẹp của một kỳ họp thành công, nhiều dấu ấn. Thiết nghĩ, tiếp tục đổi mới là yêu cầu cần thiết, khách quan của Quốc hội. Để các quyết sách của Quốc hội khẩn trương đi vào cuộc sống, còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta có những quyết sách đúng đắn rồi, kịp thời rồi nhưng khâu tổ chức thực hiện phải tập trung hơn, quyết liệt hơn và phải phát huy hơn nữa sức mạnh của cử tri và Nhân dân trong giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các quyết sách này. Bởi không gì giám sát chặt chẽ, kịp thời bằng tai mắt của Nhân dân.
Có thể thấy “đổi mới” đã mang đến cho Kỳ họp thứ 6 một không khí rất sôi nổi, dân chủ, có nhiều điểm mới, thể hiện sự linh hoạt, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát, quyết sách các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã, đang nỗ lực hết sức mình để cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn nữa vì lợi ích của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và vì sự phát triển của đất nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước.
Nam Giao
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (10:26 18/11/2024)
- Quốc hội thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (08:42 13/11/2024)
- Phiên chất vấn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” (06:00 12/11/2024)
- Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 (09:10 11/11/2024)