Quốc hội Việt Nam: Sứ mệnh và tinh thần đổi mới - Bài 1: Sứ mệnh và trọng trách

Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sứ mệnh thiêng liêng ấy được kết tinh từ tinh thần “nước lấy dân làm gốc”; từ cuộc trường chinh vệ quốc mấy mươi năm, từ bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc. Sứ mệnh ấy, tinh thần ấy đã trở thành nguồn sức mạnh thời đại, ý chí, niềm tin của cả dân tộc.

Sứ mệnh song hành cùng trách nhiệm lớn lao, kỳ vọng đặt lên vai tổ chức đại diện của nhân dân, người đại diện của nhân dân - những công bộc của dân.

Gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hoàn thiện cả về tổ chức, hoạt động, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Loạt bài dưới đây tiếp tục khẳng định sứ mệnh lịch sử của Quốc hội, trách nhiệm của Quốc hội trên tinh thần Quốc hội phụng sự nhân dân theo tư tưởng của Bác Hồ. Để thực hiện có hiệu quả sứ mệnh của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội, cơ quan Quốc hội và toàn thể Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo Hiến pháp và pháp luật. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã phát huy cao độ tinh thần đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ngày càng sáng rõ hơn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Vì nhân dân phụng sự”. Qua đó củng cố, tăng cường niềm tin, sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội, Nhà nước, chế độ.

Sứ mệnh lịch sử

Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cùng với việc bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường chính quyền. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu các vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, trong đó Người khẳng định phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Bởi theo Người, Tổng tuyển cử sẽ bầu ra Quốc hội, đối với bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ của mình; trước thế giới, Quốc hội do nhân dân bầu ra sẽ không ai có thể phủ nhận được… Hình thành trong bối cảnh cách mạng đặc biệt, Quốc hội Việt Nam sớm được giao phó sứ mệnh lịch sử quan trọng.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết...

Và thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, một thiết chế dân chủ, quan trọng trong Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước. Đây vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với cách mạng Việt Nam; là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nền dân chủ, biểu thị ý chí, niềm tin, sức mạnh của nhân dân trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng Nhà nước và chế độ mới.

Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi… Quốc hội đoàn kết nhất trí, toàn dân đoàn kết nhất trí thì khó khăn nào chúng ta cũng khắc phục được và thắng lợi nhất định về tay ta.

Vậy là chỉ trong một thời gian rất ngắn chưa đầy 5 tháng, kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945) cho đến ngày toàn dân đi bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử (6/1/1946), đất nước đã có Quốc hội, điều mà trước đó chưa từng có. Tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền tảng, giá trị cốt lõi của Nhà nước ta, chế độ ta. Quốc hội là nơi hội tụ ý chí và niềm tin của cả dân tộc. Ngay từ Quốc hội khóa I, giá trị đó đã được khẳng định và thể hiện mạnh mẽ trong quá trình lựa chọn những đại biểu xứng đáng của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua mọi gian khó, thách thức của những ngày đầu xây dựng Nhà nước: “… toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.” (1)

Tinh thần “Quốc hội của nhân dân” đồng hành cùng dân tộc ấy trở thành kim chỉ nam định hình đường hướng phát triển của Quốc hội trong tiến trình lịch sử của đất nước. Xuyên suốt gần 80 năm qua, không phụ sự kỳ vọng, Quốc hội luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở mỗi giai đoạn cách mạng và từng nhiệm kỳ, Quốc hội ngày càng lớn mạnh, phát triển, không ngừng hoàn thiện về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử, nhiệm vụ cách mạng được Đảng, Nhân dân và cử tri tin tưởng giao phó; khẳng định vững chắc vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước.

Quốc hội phụng sự nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nếu như sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam biểu thị cho thành quả, biểu tượng cao quý của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước thì sự đồng hành hơn bảy thập niên qua là sự tiếp nối, nhân lên của tinh thần hội tụ, lan tỏa ý chí, niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Sự kỳ vọng vào một Quốc hội thực sự của nhân dân, trăn trở điều nhân dân trăn trở; kỳ vọng vào tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực của hàng nghìn đại biểu Quốc hội… vừa là động lực tinh thần vô giá, vừa là đòi hỏi trách nhiệm làm sao xứng đáng trước Đảng, trước nhân dân. Phụng sự nhân dân vừa mục tiêu cao cả nhất, vừa là quyền lực tối thượng để mỗi công bộc của dân không đi trật đường ray hành động, không đi ngược lại  lợi ích quốc gia, dân tộc.

Hai mươi tư năm liên tiếp làm đại biểu Quốc hội các khóa I, II và III (1946-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng người đại biểu Quốc hội mẫu mực, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, không ngừng đổi mới lề lối làm việc. Tinh thần phụng sự nhân dân, đất nước thấm nhuần trong mỗi chỉ đạo, việc làm của Người.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử thực hiện quyền công dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà. Ảnh: TL

Ngày 24/4/1960, tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa II, Bác đã tóm tắt hết sức cô đọng nhưng vô cùng sinh động kết quả hoạt động của Quốc hội khóa I. Bác kết luận: “Quốc hội khóa I là Quốc hội chiến đấu. Quốc hội đã đoàn kết nhân dân và giúp đỡ Chính phủ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang...

Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”(2).

Bác Hồ - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là người kiến tạo nền độc lập của Việt Nam. Người đã khai mở, dẫn dắt cách mạng nước nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trước hết bằng tư tưởng “vì dân”. Năm tháng qua đi nhưng lời dạy của Người sẽ còn mãi ý nghĩa với bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lời dạy của Bác chính là lời chuyển giao nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang cho mỗi đại biểu Quốc hội.

Vâng lời dạy của Người, vượt lên khó khăn, thách thức cùng với những tiêu cực trong cuộc sống đang diễn ra hằng ngày thì cán bộ là đại biểu của nhân dân vẫn một lòng phụng sự người dân, hướng tới những giá trị về vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; được nhân dân yêu mến, tin tưởng coi Quốc hội là hình ảnh tập trung của dân tộc Việt Nam, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Biểu hiện sinh động nhất của tinh thần ấy là 15 khóa Quốc hội với tâm huyết, trí tuệ, nỗ lực và sáng tạo của hàng nghìn đại biểu Quốc hội đã xây dựng và ban hành được 5 bản Hiến pháp, hàng trăm bộ luật, luật, pháp lệnh. Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn “ý Đảng, lòng Dân”.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Nhân dân giao phó”. Đồng thời khẳng định vai trò trung tâm, hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định của đại biểu trong toàn bộ hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh “tất cả các vị đại biểu Quốc hội chúng ta khóa này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”.

Quốc hội là nơi hội tụ ý chí, niềm tin của dân tộc ta, đã và đang vững vàng tiếp bước những trang sử vẻ vang, không ngừng lớn mạnh, phát triển, để lại những dấu ấn quan trọng, xây dựng vị thế vững chắc trong lòng nhân dân, ngày càng khẳng định, phát huy vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chúng ta tự hào về vị thế của đất nước hôm nay, về một Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với các cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân: xây dựng nước Việt Nam vững mạnh, hùng cường. Song trong sự vận động không ngừng của thời cuộc, trước những biến động khôn lường càng đòi hỏi Quốc hội sự thích ứng, hành động đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, luôn xứng đáng là một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của Nhân dân.

Niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin của nhân dân được lan tỏa thì vốn xã hội cũng sẽ đầy.  Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đang trên hành trình làm sâu sắc hơn, đầy hơn vốn xã hội.

(1). Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 153.

(2). Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.129,130.

Bài 2: Đổi mới… để gần dân, vì lợi ích của nhân dân

Nam Giao

 



 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top