Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Phó Thủ tướng và Thủ tướng

22/04/2020, 23:29

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Phó Thủ tướng và Thủ tướng - Chiều nay, từ 14h đến 16h05 phút, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ mà ĐBQH đã đặt ra trong mấy ngày qua.

Theo chương trình, từ 16h05 đến 16h45 phút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của ĐBQH nếu có

Có yếu kém trong công tác tham mưu

Chất vấn về dự án dự án đường cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nêu vấn đề, trả lời sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu lý do dự án bị chậm do thiết kế trong giai đoạn trước có một đoạn “nút cổ chai”. Đồng tình với nội dung này, song ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, đây có phải là yếu kém của ngành giao thông trong công tác tham mưu không? Phó Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục sự yếu kém này khi chúng ta tiến hành các dự án khác? Và giải pháp làm thế nào đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này?

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, đối với một số dự án đang dở dang phải dừng lại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ tiếp tục rà soát, với các dự án có hiệu quả, tác động thúc đẩy kinh tế phát triển sẽ ưu tiên đầu tư theo điều kiện phân bổ vốn. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư cân đối, thu xếp nguồn vốn để triển khai sớm nhất. Đối với Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các giải pháp thu xếp đủ vốn. 

Chưa bằng lòng với trả lời của Phó Thủ tướng, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) tranh luận: Bao giờ dự án cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ mới hoàn thành? Hiện từ Trung Lương đến Cần Thơ có mật độ xe cao, ùn tắc lớn, đi từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh có 150km mất tới 3 giờ đồng hồ. Dự án đã khởi công từ năm 2009, nhưng với cách làm như hiện nay là giao cho doanh nghiệp thu xếp vốn, thì không biết khi nào mới xong? Trên 32 triệu dân mà chỉ 40 km đường cao tốc. ĐB Nguyễn Văn Thể đề nghị không tiếp tục cách làm này nữa, mà Chính phủ nên hỗ trợ một phần kinh phí và doanh nghiệp cùng làm.

Trả lời về nội dung này, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định dự án này đang khó khăn về vốn. Đây là dự án BOT và Nhà nước hỗ trợ một phần. Theo Phó Thủ tướng, đã là dự án BOT thì phải chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tiềm năng mới được tham gia. Tới đây, Chính phủ sẽ minh bạch xây dựng thể chế những dự án có vay vốn ngân hàng một phần, nhưng để hỗ trợ nhà đầu tư, có thể kêu gọi hình thức đầu tư trong nước và ngoài nước. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công trình rất quan trọng này. Đây là công trình đặc biệt với cả nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long để hoàn thành trước năm 2020. 

Còn dự án thua lỗ, thất thoát nào không - không thể khẳng định là không có

Tại Kỳ họp thứ 2, Chính phủ báo cáo có 5 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, dư luận xã hội quan tâm. Vừa qua, Ban chỉ đạo của Chính phủ về các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của Bộ Công thương đã chỉ ra có 12 dự án kém hiệu quả, tốn kém nhiều nghìn tỷ đồng. 

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn

Chất vấn về nội dung này, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, ngoài 12 dự án đã xác định đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các bộ, ngành quản lý rơi vào tình trạng như các dự án nêu trên?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã công khai, minh bạch rõ ràng thông tin, các cơ quan, phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát. Những dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần “không để thất thoát NSNN, không dùng NSNN trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm các sai phạm kể cả tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp. Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để chỉ đạo khắc phục tình trạng này. 

Với câu hỏi còn dự án nào ngoài 12 dự án đã nêu, Phó Thủ tướng cho rằng, “không thể khẳng định là không có, nhưng tựu chung là còn”. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự rà soát, phát hiện và báo cáo để Chính phủ tiếp tục có giải pháp xử lý với các dự án “đắp chăn, đắp chiếu”.

Về cơ bản, theo Phó Thủ tướng, giải pháp căn cơ là không để còn những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Trách nhiệm của các ngành, các cấp là chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề. Tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban cũng như nhiều chỉ đạo về phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bỏ biên chế giáo viên - mới là đề xuất, chưa quyết định

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu vấn đề bỏ biên chế giáo viên

Phó Thủ tướng cho biết, việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng là một đề xuất nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ. Đây là vấn đề liên quan tới chủ trương, chính sách và pháp luật về công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Chúng ta mong muốn công chức là những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền. Còn viên chức thực hiện theo chế độ hợp đồng. 

“Đây là vấn đề cần nghiên cứu kĩ, còn đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ là ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định”, Phó Thủ tướng cho biết.

Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Kỳ họp

Bắt đầu giờ làm việc buổi chiều, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã báo cáo giải trình làm rõ 6 nhóm vấn đề mà nhiều ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, chất vấn. 

Về tình hình KT-XH tháng 5, Phó Thủ tướng cho biết tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả tốt hơn tháng 4 và quý I. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,53% so với tháng 4 và tăng 0,37% so với tháng 12.2016.

Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm. Xuất khẩu tăng 17,4%; trong đó nhiều mặt hàng chế biến chế tạo, rau quả, thủy sản tăng mạnh; nông nghiệp nhìn chung được mùa và đã có thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi. Thu NSNN đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9%. Vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 12 tỷ USD, tăng 10,4%. Có trên 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung gần 1,2 triệu tỷ đồng. 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; tạo việc làm tăng 5,3%, đạt gần 650 nghìn lao động, nhất là cho số mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Công tác đối ngoại đạt nhiều thành quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 4,2%; số người chết giảm 2,6%; số người bị thương giảm 10,2%. 

Về giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận kỹ và quyết nghị nhiều giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2017; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; đồng thời, nhất quán quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá; tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân. 

Triển khai quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phấn đấu đạt tăng trưởng khu vực nông nghiệp 3,05%, xuất khẩu nông sản trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,34%; khu vực dịch vụ tăng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng trên 30%. Trên cơ sở các chỉ tiêu này, từng ngành, lĩnh vực xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản; kiểm soát nhập siêu. Tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Phấn đấu giảm lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm trên 18%, tập trung cho các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên. Khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công. Tăng cường huy động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt 34 - 35% GDP. Tăng cường kỷ luật tài chính, triệt để tiết kiệm chi; nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường chứng khoán. Điều chỉnh phù hợp theo lộ trình giá điện, nước, các dịch vụ y tế, giáo dục... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, nhất là nông sản phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, điện thoại di động, gắn kết doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ; ngành xây dựng và các ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao. Khai thác dầu thô hợp lý, bảo đảm hiệu quả; có phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ các loại khoáng sản đang tồn đọng. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch. 

Theo dõi diễn biến, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, ổn định; khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đẩy mạnh thông tin truyền thông tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng.

Trước đó ở phiên chất vấn buổi sáng 15/6, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

TH