Quốc hội thảo luận về Luật Quy hoạch, Luật Công chứng

22/04/2020, 23:29

Quốc hội thảo luận về Luật Quy hoạch, Luật Công chứng - Sáng 1/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quy hoạch.

Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về Luật Quy hoạch. Ảnh: Quốc hội

Ngăn chặn điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích nhóm

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, nhiều ý kiến đề nghị bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện trong Luật Xây dựng. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát làm rõ nội hàm của quy hoạch xây dựng chỉ có tính chất là quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành để tránh trùng lắp các nội dung với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh về sự cần thiết ổn định của quy hoạch. Đại biểu nêu dẫn chứng, mấy chục năm qua, thành công của một số lĩnh vực là nhờ quy hoạch đúng như: hàng không, công nghệ thông tin, điện lực đi đúng hướng, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng đại biểu cũng lưu ý, quy hoạch cũng là nguồn cơn của nhiều tiêu cực, gây những thiệt hại, nhiều khi quy hoạch đúng nhưng sau đó phá hỏng, làm cho méo mó đi, điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích tức thời. Quy hoạch đúng, quy hoạch hợp lý và có từng bước điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa lợi ích, chứ không phải điều chỉnh theo giải pháp tình thế, do đó, khi sửa luật phải quán triệt yêu cầu này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý.

ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) nhấn mạnh, nguyên tắc rà soát các quy hoạch để sửa đổi, bổ sung phải lấy Luật Quy hoạch làm chuẩn. Mỗi loại quy hoạch có nhiệm vụ riêng, ở cấp độ khác nhau, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch  quốc gia và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì không nên có sự chồng lấn. Do đó, cần xác định nhiệm vụ, nội dung của quy hoạch xây dựng để không chồng chéo, trùng lắp với các quy hoạch khác.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng, xác định lại khái niệm quy hoạch xây dựng tại khoản 30 Điều 3 của Luật Xây dựng để thu hẹp nội dung của quy hoạch xây dựng với tính chất là quy hoạch chuyên ngành.  Phải làm rõ phạm vi đối tượng nội dung của quy hoạch xây dựng thì mới xác định mối quan hệ của quy hoạch xây dựng với các quy hoạch ngành, quốc gia, vùng và quy hoạch tỉnh.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị, cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để bảo đảm đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách tạo lợi ích nhóm.

 ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang)

Bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng

Đại biểu Đặng Thế Vinh cho rằng, việc bỏ quy hoạch tổng thể về hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đại biểu cũng cho rằng, không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì các văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh. Vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư. Ngoài ra, Luật Công chứng cũng quy định chặt chẽ các điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh thì xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay các văn phòng công chứng mới chủ yếu thành lập ở đô thị, hiếm có ở vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung quy định đẩy mạnh chính sách khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc thành lập mới các Văn phòng công chứng nhà nước để đáp ứng yêu cầu của người dân ở vùng không có hoạt động của văn phòng công chứng.

Đồng tình cao với bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng, song Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhiều khi chúng ta đánh đồng hoạt động công chứng như các dịch vụ khác. Với công chứng, hệ quả của nó rất lớn, làm di chúc đến 20 năm sau mới mở ra, rất nhiều tài sản quý giá, nếu phát triển mà không có quy hoạch chặt chẽ sẽ gây hậu quả khó lường. Bỏ quy hoạch tổng thể là cần thiết nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch trên các tỉnh thành, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước phải tham gia. Đề nghị, ở vùng sâu, vùng xa Nhà nước phải có trách nhiệm, tới đây khi sửa đổi Luật Công chứng đề xuất phải làm chặt chẽ hơn, tránh những hệ lụy sau này không giải quyết được.

TH