Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số toàn diện
15:32 18/10/2022
- Báo chí địa phương
Quảng Ninh đưa ra mục tiêu 6 tháng đầu năm 2023 sẽ xây dựng kế hoạch, hoàn thành đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phấn đấu trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số.
Trung tâm điều hành thông minh Quảng Ninh_Ảnh:TL.
Nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra, Quảng Ninh sẽ cụ thể hóa nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm theo từng ngành, lĩnh vực được giao và dựa trên 3 đột phá về hạ tầng, dữ liệu số, nguồn nhân lực. Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện, trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là mục tiêu cụ thể hoàn thành trong năm 2022, đồng thời phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương theo phương châm “rõ việc, rõ người chịu trách nhiệm, rõ tiến độ hoàn thành, rõ hiệu quả” để triển khai thực hiện.
Đối với 27 mục tiêu được đề ra trong năm 2022, đến nay Quảng Ninh đã có 3 mục tiêu hoàn thành gồm: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 4 mục tiêu đã thực hiện đạt trên 90%; 7 mục tiêu đã hoàn thành từ 40-70%, toàn tỉnh cũng đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 177 xã, phường, thị trấn, 1452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của 11.255 thành viên.
Về xây dựng Chính quyền số, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 70%; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 78%; hoàn thành việc kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử; đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, Trung tâm hành chính công, điện, nước đều đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Quảng Ninh tiếp tục tạo ra những tiện ích mới, tối ưu để phục vụ giải quyết thủ tục trực tuyến và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả cung cấp tiện ích phục vụ kinh tế-xã hội nhất là ở lĩnh vực du lịch, tài nguyên môi trường, lao động việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo, rà soát, đề nghị các nhà cung cấp có thể lắp 5G ở những vị trí thuận lợi khai thác; hoàn thành phủ sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng trên địa bàn tỉnh.
Vũ Nam Trà
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí viết về giáo dục TP. HCM lần thứ 2 (06:31 20/11/2024)
- Nghệ An: Công bố Quyết định của Bộ Chính trị bổ nhiệm chức danh Bí thư Tỉnh ủy (04:10 17/11/2024)
- Tổng kết công tác thi đua Hội Nhà báo các tỉnh miền núi Tây Bắc năm 2024 (01:40 16/11/2024)
- Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân (01:00 15/11/2024)
- Thanh Hóa: Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững (01:05 12/11/2024)