Quân vẫn về... cùng sóng nước Trường Sa

22/04/2020, 23:29

Quân vẫn về... cùng sóng nước Trường Sa - Mấy hôm nay, không chỉ làng báo Nha Trang, gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội mà cả những cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên mấy chục hòn đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn DK của quần đảo Trường Sa đều bàng hoàng, đau đớn và tiếc thương trước sự ra đi của Nhà báo Nguyễn Đình Quân- Phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại Khánh Hòa.

Nhà báo Nguyễn Đình Quân đi tác nghiệp

8giờ20 ngày 6/9/2017 anh đã mãi mãi nằm xuống vì tai nạn giao thông trên đường đi tác nghiệp… khi những ước mơ vẫn còn ấp ủ, nhiều dự định còn dang dở.

Nhà báo chân chính - nhà báo của người nghèo

Tuy không được đào tạo nghiệp vụ báo chí chính quy, nhưng nhà báo Nguyễn Đình Quân lại có tố chất của nghề báo, trở thành một nhà báo lành nghề, giàu kinh nghiệm và có tâm từ sự nỗ lực học hỏi, rèn luyện không mệt mỏi của bản thân.

Quân luôn đau đáu từ các vấn đề lớn của cả nước, trong vùng, tại địa phương cho đến những sự việc liên quan đến con người nhỏ bé, số phận không may mắn. Quân có tâm và có trách nhiệm với từng bài báo, con chữ mà mình viết ra.

Là người nhẹ nhàng nhưng cương quyết, nhà báo Nguyễn Đình Quân luôn thể hiện và bảo vệ chính kiến của mình, không lùi bước trước cái xấu và luôn đứng về phía những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.

Trong thời buổi làm báo với sự bùng nổ thông tin, nhiều khi người cầm bút bị cuốn, chạy theo sự kiện, chạy theo sự cạnh tranh khốc liệt, không đứng thẳng được trước sự cám dỗ của đồng tiền, dẫn đến nhưng sơ suất không đáng có và đáng tiếc. Nhưng ở Nguyễn Đình Quân luôn có sự chín chắn, điềm tĩnh, biết tiết chế như là bản chất một người lính thực sự trên mặt trận tư tưởng, tuyệt nhiên chưa có một sơ suất nào trong khối gia sản bài viết trên mặt báo.

Còn nhớ từ tháng 7/1999 đến tháng 11/2000 tại Bình Định, sự kiện báo chí gây chấn động trên Tiền Phong là vụ giải oan cho ông Trương Công Thiết. Để đấu tranh chống tham nhũng, Cựu chiến binh Trương Công Thiết cùng một số người đứng ra tố cáo tham nhũng tại Chi cục Di dân và Phát triển kinh tế mới Bình Định. Nhưng nghiệt ngã,  những kẻ sai phạm thì không bị xử lý, còn ông Thiết và những người tham gia tố cáo lại bị kỷ luật nặng nề, khai trừ Đảng và buộc nghỉ việc...

Sau loạt bài “Kẻ sai được yên vị, người tố bị giúi đầu” của Đình Quân và cộng sự,  Bộ Chính trị phải cử Tổ công tác vào thẩm tra làm rõ. Kết quả, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã ra quyết định khôi phục Đảng cho ông Thiết, gỡ oan cho những cựu chiến binh khác…

Thương hiệu Nguyễn Đình Quân với người nghèo được khẳng định từ “ Vụ án oan xuyên thế kỉ Huỳnh Văn Nén”. Đây là tuyến bài dài kỳ nhất trên Tiền Phong, xuyên suốt gần 15 năm. Với bút danh Huy Anh, cùng một phóng viên khác của Tiền Phong đã nhất quán và kiên định đấu tranh đến cùng để minh oan cho một người dân thấp cổ bé họng bị oan sai. Anh đã kiên trì đấu tranh ngay cả trong tình huống Toà soạn đã ngã lòng vì cảm thấy vô vọng trước sự quan liêu và vô cảm của những cơ quan và người liên quan.

Không chỉ đấu tranh trên mặt báo, Đình Quân còn hỗ trợ  về mặt tinh thần và chỉ dẫn những người đi kêu oan cho ông Nén. Việc ông Nén được minh oan có phần đóng góp rất lớn của nhà báo Nguyễn Đình Quân. Như cha ông ta có câu “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đánh giá cao về Quân” Trong cuộc đời làm báo của mình, anh Quân không chỉ góp phần cứu mình ông Nén. Nhưng chỉ một tuyến bài này thôi, Nguyễn Đình Quân cũng đã xứng đáng ghi tên mình vào đội ngũ những người làm báo chân chính”

Chất lính dưới ngòi bút của anh

Nhà báo Đình Quân đọc thư của cha liệt sĩ Võ Đình Tuấn

Nhắc đến nhà báo Nguyễn Đình Quân, anh em đồng nghiệp nhớ đến một nhà báo năng nổ, nhiệt huyết. Từng là người lính chiến trường Campuchia, khi theo nghiệp báo, anh mang theo “chất lính” vào trong trang viết. Chất lính không chỉ dung hòa trong con người điềm đạm, mộc mạc nhưng vô cùng cương quyết, khẳng khái của anh, cái chất “ rất lính “ đó còn là bản ngã, tố chất trong từng bài viết, suy nghĩ, quan niệm sống và cả trong đời sống tình cảm của mình.

Đình Quân yêu quý bạn bè đong đầy, với người dân không suy tính thiệt hơn, nói là làm ngay. Những điểm nóng luôn có mặt của anh, còn nhớ năm 2007, khi trại cá sấu của Khatoco ở Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) bị vỡ vì một cơn lũ quét. Nguyễn Đình Quân là một trong những phóng viên có mặt sớm. Sau khi lấy đầy đủ tư liệu, đã phải nhịn đói để viết bài cho kịp gửi về tòa soạn.

Những ngày sau đó, anh cùng với cánh phóng viên trẻ đeo đuổi phản ánh việc truy bắt cá sấu bị sổng chuồng. Rồi cuối năm 1999, Phú Yên, Bình Định quay cuồng trong trận lũ lịch sử, riêng một làng như xóm Trường (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) có tới 18 người chết, có những thi thể không được tìm thấy. Trong khi tòa soạn chưa kịp hỗ trợ, anh đứng ra chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền, mua nhu yếu phẩm để kịp cứu trợ cho bà con nơi tâm lũ. Anh đã phải đeo đai lưng ép chặt cái đĩa đệm mới có thể ngồi vững được để chạy xe máy từ Nha Trang ra Phú Yên kịp cứu trợ người dân trong cơn ngặt nghèo. Những vụ phá rừng, khai thác quặng trái phép xảy ra ở Khánh Vĩnh ( Khánh Hòa) anh đều đi tận nơi, có bài viết phản ánh tình hình, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.

Với trách nhiệm của một người lính cầm bút, nhiệt huyết với nghề, anh không cho phép mình đứng ngoài điểm nóng, máu người lính luôn chảy trong huyết quản, nên lần giở những bài viết, nhất là chống tiêu cực của anh, sẽ thấy đằng sau đó là lời thề quyết tử đến cùng.

Làm báo áp lực và không có thời gian nhiều, nhưng Quân không quên nghĩa tình trong quân ngũ, luôn chung tay động viên chia sẻ anh em gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, anh thường xuyên tổ chức những chuyến cùng bạn bè đi tìm di hài đồng đội. …

 “Chất lính” trong anh còn là lòng tự trọng, sự tự tôn dân tộc. Đó là thời điểm tháng 3/2009, thời điểm đó sự kiện 64 chiến sĩ Hải quân hy sinh anh dũng và tức tưởi ngày 14/3/1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin  không hiểu sao ít được nói tới và bặt vắng trên báo chí. Quân bức xúc lắm… Quân đã giải tỏa bằng cách chụp ảnh toàn bộ các bài viết trên báo Nhân Dân từ tháng 2/1988 đến tháng 4/1988 về việc Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa năm 1988, đưa lên blog của mình. Trong đó, có danh sách 64 chiến sĩ hy sinh và bị coi là mất tích trong sự kiện 14/3/1988, được đăng ở báo Nhân Dân số ra ngày 28/3/1988 (sau này, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cung cấp cho Quân danh sách chính thức 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988).

Yêu biển đảo quê hương, Nguyễn Đình Quân không chịu được khi ai đó, dù vô ý đưa ra những thông tin không chính xác hoặc bất lợi cho cuộc đấu tranh giữ gìn chủ quyền của Tổ Quốc trên biển. Anh mổ xẻ, phân tích cái sai, cái không chính xác và kiên trì yêu cầu người, cơ quan sai phải sửa chữa, đính chính. Anh chia sẻ “ trên mạng nhiều người nói sai lắm”.

“Cởi áo lính, chuyển tay súng sang cầm bút. Đình Quân khiến tôi nể phục và trân quý về lối làm báo điềm đạm, minh triết trong từng câu chữ, nhưng rừng rực lửa, không khoan nhượng, né tránh. Trong mọi sự kiện, khi nhiều người ồn ào nói lấy được... Đình Quân lại có góc nhìn riêng, sâu và sắc về bản chất sự kiện, đặc biệt là những bài viết về chủ quyền biển đảo của đất nước”, nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương bày tỏ. 

"Nhà báo của Trường Sa"

Nhà báo Đình Quân bên cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trong nghiệp cầm bút, Nguyễn Đình Quân dành nhiều tâm huyết cho Trường Sa. Anh luôn xung phong để đến với quần đảo bão tố, được nhìn thấy đời sống của người lính đảo. Với 7 lần đi công tác Trường Sa, Đình Quân là một trong những nhà báo đi nhiều nhất, do đó anh tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và vốn kiến thức rất nhiều về biển đảo. Đọc những tuyến bài về biển đảo của anh, toát lên một tình yêu mãnh liệt đối với lãnh thổ Tổ quốc.

Anh không yêu chung chung, mơ hồ mà tình yêu đó gắn với những số phận, những câu chuyện, những kỉ niệm… khiến người đọc cuốn theo dòng cảm xúc, suy tư của người viết và ngập tràn trong cảm xúc.

Tôi đã đi công tác tại Trường Sa nhiều lần. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, để thấu hiểu thêm nỗi gian truân, lòng can trường của những người lính nơi đầu sóng và những thiệt thòi, hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ ở hậu phương.  Quân đã trải nghiệm, thấu hiểu với Trường Sa theo cách riêng của mình như thế.

Trong tâm hồn anh, Trường Sa là một vùng bão gió, trái tim anh luôn đau đáu với từng giọt nước, vốc cát và khoảng trời ngoài xa xanh kia. Anh thuộc tên, thuộc tuổi, hiểu hoàn cảnh của từng người lính ở mỗi đảo chìm, đảo nổi.  

Là nhà báo, nhưng Nguyễn Đình Quân như một nhà quân sự, là người am hiểu sâu sắc nhất, và cũng máu thịt nhất về chủ quyền biển đảo hiện nay, nhất là về quần đảo Trường Sa.  Nói chuyện biển đảo,  Quân lúc nào cũng nhớ chuyện của từng đảo: ở Trường Sa bộ đội ta đóng giữ năm nào? Trung Quốc lấn chiếm ra sao?  Sau mỗi chuyến đi, anh còn mang cả quả cây bàng vuông về ươm giống để trồng trong vườn nhà và tặng bạn bè để luôn thấy Trường Sa bên mình. Anh thường  kết nối với gia đình các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Anh đã đặt chân gần hết các đảo, điểm đảo của Trường Sa. Trong những chuyến đi, anh có nhiều bài viết đầy tâm huyết về Trường Sa, về sự hy sinh thầm lặng của những người giữ đảo. Blog và Facebook của Đình Quân thường xuyên đăng tải thông tin, hình ảnh, tư liệu chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; về máu và nước mắt trong quá trình giữ đảo. Trong khi viết về chủ quyền biển đảo, dù là trên báo hay các trang thông tin cá nhân, anh luôn có thái độ rất đúng mực, sẵn sàng phê phán những bài viết quá khích, viết theo kiểu câu view.

Anh cũng là cầu nối giữa đất liền với đảo xa, là người thực hiện ý nguyện, uỷ thác của nhiều bậc cha mẹ, vợ con, người yêu của những người lính đảo và cả những liệt sĩ đã hy sinh vì nước trên biển.  Việc anh đọc và hoá vàng trên biển bức thư ngắn của người cha Võ Ta gửi cho người con đã hi sinh ở vùng biển Cô Lin  - Gạc Ma là một trong những câu chuyện xúc động nhất về nhà báo Việt Nam trên biển. Anh em báo chí cả nước vẫn thường gọi anh một cách trân trọng - Nhà báo của Trường Sa!

Vĩ Thanh

“Biết bao đường đèo hung hiểm anh đã qua, bao giông bão cuộc đời anh đã vượt. Vững chãi vậy, mà sáng nay anh lại ngã xuống nơi thành phố biển tưởng chừng bình yên này”.

“ Anh Quân ơi !... Với lớp trẻ trong nghề, Nguyễn Đình Quân luôn là người anh, người đồng nghiệp đáng kính trọng. Anh luôn thân thiện, cởi mở với lớp trẻ. Điều mà những phóng viên trẻ học được ở anh đó chính là nhiệt huyết với công việc, sự cẩn trọng với nghề. Anh vẫn luôn nhắc nhở, bài báo trước hết cần phải đúng, sau đó mới nói đến chuyện hay dở. Bởi “lời nói đọi máu”, một bài báo không đúng bản chất có thể giết chết sự nghiệp một con người, một doanh nghiệp!”

“Sự ra đi của nhà báo Nguyễn Đình Quân đã để lại nhiều đau đớn, tiếc nuối của anh em đồng nghiệp cũng như bạn đọc. Anh ra đi khi ngọn lửa nghề vẫn còn cháy bỏng, nhiều dự định viết về biển đảo còn dang dở…! Cây bàng vuông - nhân chứng tình yêu Trường Sa của anh vẫn xanh mướt trong vườn nhà, còn anh thì đã vĩnh viễn ra đi. Có nỗi đau nào hơn thế!”.

 “Từ nay ta không còn được ra trận đánh giặc nữa. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi !” Đó là lời than của Khổng Minh Gia Cát Lượng trên đồi Ngũ Trượng trước lúc qua đời !
Quân của chúng tôi sáng nay khi nằm xuống chưa kịp nói câu nói đó. Bạn bè nghe lại thấy trào nước mắt về phút giây đau thương của đồng nghiệp ngã trên nẻo đường ngoại ô thành phố trên đường tác nghiệp. Quân đi theo tiếng gọi cứu của người dân khu Hòn Rớ về nạn ô nhiễm môi trường!

“Hôm nay anh đã về với trời xanh! Một phần tro cốt anh sẽ được về với biển để thoả tâm nguyện sống cả đời vì biển đảo quê hương! Cả Trường Sa đau khi nghe tin anh mất, mọi người vẫn gọi anh là Nhà báo của Trường Sa!

Giữ lại nụ cười của anh, nhân cách của anh và tinh thần trách nhiệm của anh trong tim mình!
Biển cả đón anh về! Biển bao la, nhân ái như đời anh!”.

“Để bây giờ, ngày 10/9 tới đây Quân sẽ hòa cùng với những người lính Gạc Ma khi tro cốt của anh sẽ được gia đình rải xuống biển, cùng hòa cuộn với sóng Biển Đông!”.

Vĩ thanh này là tiếng lòng của đồng nghiệp, của những người yêu quý Quân bay cùng anh vào vùng trời xanh trong và miền xa thẳm. Chúng tôi sẽ tiếp tục những gì mà anh còn thực hiện dang dở. Vĩnh biệt Nguyễn Đình Quân – "Nhà báo của Trường Sa"!

Tặng hương hồn nhà báo Nguyễn Đình Quân!

Thanh Bình