Quản trị tòa soạn báo chí số: Thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
00:30 08/12/2023
- Diễn đàn
Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tại hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”.
Các đại biểu chủ trì phiên hội thảo
Chuyển đổi số yêu cầu những chiến lược thay đổi tư duy làm báo
Tại phiên thứ nhất: Thảo luận các vấn đề lý luận chung về quản trị tòa soạn số, các chuyên gia, lãnh đạo cơ quan báo chí ở các nước trong khu vực đã cùng nhau làm rõ các vấn đề lý luận chung về báo chí số và tòa soạn số, trong đó bao gồm nền tảng số và các công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với việc xây dựng tòa soạn số...
Ông Wu Rui Ming, phóng viên Báo Shin Min Daily News thuộc Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản Sáng tạo của Singapore.
Mở đầu phiên thứ nhất, ông Wu Rui Ming, phóng viên Báo Shin Min Daily News thuộc Hiệp hội Truyền thông và Xuất bản Sáng tạo của Singapore - một diễn giả tại hội thảo cho rằng, khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi số của báo chí là sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ. Quá trình chuyển đổi từ mô hình tòa soạn kiểu truyền thống, sang mô hình hiện đại hơn, đó là hội tụ và số đòi hỏi những chiến lược thay đổi tư duy làm báo để thích nghi.
“Chúng tôi đến đây mong muốn chia sẻ và học kinh nghiệm về phát triển và sau đó là quản trị báo chí số. Chúng tôi với nền tảng là báo in nên kinh nghiệm tại hội thảo sẽ rất hữu ích để đáp ứng xu thế chuyển đối số của báo chí. Khó khăn nhất có lẽ là sự phát triển quá nhanh chóng của công nghệ. Chúng ta phải liên tục cập nhật công nghệ, phải theo kịp, đáp ứng sự phát triển này để không bị tụt hậu. Đồng thời, giữ chân được độc giả”, ông WU Rui Ming chia sẻ.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cơ quan báo chí Việt Nam cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số, thay vì thực hiện manh mún ở từng tòa soạn.
Nhận định những vấn đề đặt ra của chuyển đổi số trong bối cảnh Việt Nam, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số báo chí. Theo đó, chủ trương chuyển đổi số báo chí nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, trong đó báo chí là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu, có vai trò và chức năng kết nối các thiết chế xã hội khác vận động và chuyển đổi. Báo chí Việt Nam có những khó khăn do xuất phát điểm về mặt công nghệ còn hạn chế, cách làm báo còn thiếu tính hiện đại và tư duy số chưa kịp thay đổi thích ứng với thời đại số. Tuy nhiên, cơ hội và lợi thế của báo chí Việt Nam đó là sự quan tâm chung của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Lãnh đạo Cục Báo chí cho rằng, vấn đề cần thảo luận là làm thế nào để các cơ quan báo chí Việt Nam có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, để thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số, thay vì thực hiện manh mún ở từng tòa soạn.
Nêu quan điểm, cần có một chiến lược để quản trị tòa soạn số, theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký biên tập, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Nhà báo VOV cho biết, từ năm 2010, VOV đã xây dựng và bước đầu thực hiện chuyển đổi số, khi xây dựng Cổng thông tin điện tử tin tức tích hợp cả bốn loại báo chí. Và cho biết, đây là “sàn giao dịch tin tức” của các đơn vị trong Đài, để các nhà báo, các biên tập viên chương trình có thể sử dụng chung tài nguyên, sử dụng chung các sản phẩm của các phóng viên. Từ đó, tiết kiệm được rất nhiều nguồn nhân lực, đồng thời tạo ra các sản phẩm báo chí phong phú hơn và được thể hiện linh hoạt, sáng tạo trên các loại hình báo chí của VOV, giúp các tác phẩm báo chí tiếp cận hiệu quả tới đông đảo khán, thính và độc giả.
“Trong xu thế chuyển đổi số, việc đầu tư vào công nghệ là điều các cơ quan báo chỉ phải quan tâm hàng đầu, trong đó, hiện nay phải kể đến sự phát triển từng ngày của AI, của trí tuệ nhân tạo. Do vậy, hình thức sản xuất và quản trị tin tức bằng số cũng đang phát triển nhanh chóng. Nếu Việt Nam chậm trễ trong chuyển đổi số, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Chính vì vậy, tôi cho rằng là Đài Tiếng nói Việt Nam phải chiếm lĩnh được công nghệ mới, ứng dụng được những công nghệ mới AI vào sản xuất nội dung và quản trị nội dung. Muốn như vậy, phải thực hiện đào tạo và có nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Nguồn nhân lực này không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn phải hiểu biết về công nghệ để có thể triển khai được. Chúng ta cần có một chiến lược để quản trị tòa soạn số, làm sao để có thể vừa sản xuất vừa phân phối được các sản phẩm của mình một cách thuận lợi nhất”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng nói.
Một tham luận rất giá trị về thực trạng báo chí hiện nay đến từ đại diện của Hội Nhà báo Indonessia, ông Agus Sudibyo, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cơ quan Phát thanh truyền hình công cộng TVRI. Báo cáo đã nhận định vấn đề lớn đặt ra hiện nay là thế ứng xử của các nền báo chí ở các quốc gia đang phát triển, trước những ảnh hưởng, thao túng của các công ty công nghệ khổng lồ - big tech. Hệ lụy của sự thao túng này có thể là khiến báo chí địa phương mất đi tính khách quan, cân bằng, mà ngược lại, bị chi phối bởi tính chất thương mại, lợi ích. Làm thế nào để cân bằng giữa hai chức năng "xã hội" và "kinh tế" và giữ vững được nguyên tắc báo chí, đó là bài toán cần phải giải nghiêm túc. Báo cáo một mặt nhấn mạnh giải pháp về một nền báo chí có khả năng vận động (advocacy) cho các giá trị chuẩn mực, tăng cường tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh, có thể đối thoại với các tập đoàn công nghệ lớn, một mặt truyền đi thông điệp về sự đoàn kết của các tổ chức, các cơ quan báo chí để phát huy tốt nhất sức mạnh của mỗi quốc gia trong thời đại số.
Hội thảo cũng nghe tham luận của ông Khieu Kola, Thành viên Đoàn Chủ tịch, Cố vấn Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo Campuchia (CCJ). Bài tham luận đã nói đến sự vận động nhanh chóng của báo chí quốc gia này trong chiến lược chuyển đổi số dù khái niệm này mới được nói đến vài năm gần đây. Tác giả cũng nhấn mạnh phương diện cạnh tranh của báo chí trong nền kinh tế thị trường thời đại số và nhận diện quá trình chuyển đổi số báo chí Campuchia gắn liền với 3 chiến lược lớn của quốc gia đó là chính quyền số, kinh tế và thương mại số, từ đó thúc đẩy phát triển của thương mại điện tử và góp phần vào sự đa đạng hóa nền kinh tế quốc gia.
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử Báo Nhân Dân.
Tiếp tục bàn về các mục tiêu chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, tham luận của nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân Dân đã nhấn mạnh một giải pháp có tính chiến lược đó là xây dựng và phát triển tòa soạn theo hướng báo chí - công nghệ (media-tech). Mô hình này là một lựa chọn thích hợp với điều kiện của một số cơ quan báo chí lớn, mà tác giả gọi là chủ lực ở Việt Nam. Báo cáo đã chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm có giá trị về định hướng phát triển tòa soạn kết hợp báo chí và công nghệ ở Báo Nhân Dân, một trong những cơ quan báo chí lớn nhất, đang được hoạch định theo hướng tòa soạn đa phương tiện. Báo chí và công nghệ không phải chỉ là một dấu cộng máy móc, mà thực sự phải trở thành nền tảng, quan hệ hữu cơ, cộng sinh với nhau để đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Tham luận của nhà báo, TS Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về nền tảng truyền hình số quốc gia VTC GO. Đây là một trong những nền tảng truyền hình số đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô quốc gia và ảnh hưởng lớn trong nền công nghiệp truyền thông số. Tác giả đã trình bày bối cảnh hình thành của nền tảng truyền hình số quốc gia VTV GO, xuất phát từ những bước chuẩn bị chiến lược của Đài Truyền hình Việt Nam để sẵn sàng với những thách thức trong xu thế cạnh tranh về tầm ảnh hưởng tới khác giản với các nền tảng truyền thông mới và các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Đồng thời, tầm nhìn và những cơ hội tương lai của Nền tảng truyền hình số quốc gia cũng được định vị trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện của Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng.
Tham luận cuối trong phần đầu của phiên thứ nhất, đã bàn đến một vấn đề quan trọng, không thể thiếu của quản trị tòa soạn số đó là vấn đề ứng dụng công nghệ. Các tác giả là TS Phạm Thị Thành, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin Lý luận chính trị, và ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và công nghệ OSB đã khẳng định, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là việc số hóa và nâng cao mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, mà là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức tổ chức và quy trình vận hành của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong chuyển đổi số, một số công nghệ có vai trò trụ cột như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ chuối khối, công nghệ Internet vạn vật… Theo các tác giả, thì chuyển đổi số báo chí là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về quy trình xuất bản, mô hình hoạt động và phương thức sản xuất của các cơ quan báo chí và người làm báo. Trong quá trình ấy, các ứng dụng như tài sản số, thực tế ảo, AI có thể giúp ích và quản trị tòa soạn số và cung cấp các giải pháp công nghệ tương ứng.
Ngoài ra, hội thảo còn được nghe nhiều ý kiến tham luận của các nhà báo cùng trao đổi về kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số báo chí khác.
Liên kết giữa 3 trụ cột
Tiếp tục phiên thứ hai, với các vấn đề về thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN, các báo cáo tham luận và rất nhiều ý kiến trao đổi tại hội trường của đại diện các nước ASEAN và đại biểu trong nước về nhiều nội dung khác nhau xung quanh của chủ đề chính, đặc biệt là những kinh nghiệm, giải pháp mà nhiều tòa soạn báo chí ở khu vực ASEAN đang áp dụng để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình số hóa ngành báo chí, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tòa soạn số.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại hội thảo.
Đây sẽ là những kinh nghiệm quý, gợi ý hay cho các cơ quan báo chí các quốc gia thuộc khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn mô hình toà soạn số, phương thức quản trị toà soạn số cho phù hợp với thực trạng, điều kiện và nguồn lực đối với từng loại toà soạn, từng cơ quan báo chí ở từng quốc gia.
Cần có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hoá để xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất, điều này đã được Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh khi nêu ra 5 vấn đề của quản trị tòa soạn báo chí số trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, trong bối cảnh chuyển đổi số kỹ thuật, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc; chuyển đổi số của báo chí và phương tiện truyền thông là vấn đề sống còn, là điều cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, các tổ chức truyền thông và người làm báo. Tuy nhiên, nếu coi vấn đề tài lực là thách thức rất lớn thì thách thức lớn nhất của chuyển đổi số báo chí trong khu vực vẫn là vấn đề nguồn lực. Các cơ quan báo chí trên thế giới đã bắt nhịp tương đối sớm, nhưng đối với các nước ASEAN trong một số cơ quan, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực ở một số nước còn nhiều hạn chế, một số cơ quan báo chí còn chậm chạp, chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề này.
Toạ đàm “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị toà soạn báo chí số ở các quốc gia ASEAN" là một diễn đàn mở về nhiều góc độ: từ khoa học truyền thông, quản trị nội dung, quản trị kinh tế, tài chính, quản trị dữ liệu, tài sản số đến ứng dụng công nghệ và các công cụ số, vấn đề tiếp thị sản phẩm báo chí số…
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi khẳng định, một toà soạn số cần được xây dựng và quản trị tốt, sẽ là điều kiện để tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức và những vấn đề mà báo chí ASEAN phải đối mặt. Đồng thời ông cũng cho rằng: Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” nhằm kết nối, trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chuyển đổi số báo chí giữa các nước ASEAN, góp phần gợi mở giải pháp xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Các ý kiến và tinh thần tương tác, đoàn kết, sự thống nhất về nhận thức chuyển đổi số của các đại biểu tham luận, cho thấy triển vọng của khối báo chí ASEAN, đoàn kết, hướng tới sự phát triển nền báo chí quốc gia và khu vực chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Có thể thấy trải qua 2 phiên của hội thảo, các vấn đề về lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm trong xây dựng và quản trị toà soạn số đã được nêu ra, thảo luận và phân tích. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí và các tòa soạn số, là sự hội tụ công nghệ với nội dung, vận hành, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí truyền thông. Không chỉ phân tích khía cạnh nội dung, công nghệ, nguồn nhân lực… các ý kiến tại tọa đàm còn phân tích thực trạng và giải pháp quản trị tòa soạn số từ góc nhìn quản trị kinh doanh và quản trị tài chính ở các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam hiện nay; đề xuất cần đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu về chuyển đổi số và quản trị tòa soạn số giữa các nước ASEAN, để tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi giúp xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong thời gian tới.
Nhóm PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 (11:05 17/11/2024)
- Chuyển đổi số góp phần xây dựng tính chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí (05:20 05/11/2024)
- Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt (02:05 01/11/2024)
- Nâng cao năng lực báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (09:41 30/10/2024)
- Nghĩa tình và lẽ sống (04:15 27/10/2024)