Quản lý thông tin hình ảnh trên các chuyên mục video ở tòa soạn báo mạng điện tử

Hiện nay, sản phẩm đặc thù là các video ngắn trên báo chí và trên mạng xã hội đã chiếm lượng rất lớn công chúng quan tâm theo dõi. Theo một số liệu thống kê, tỷ lệ người dùng ứng dụng Tik Tok tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng ứng dụng này tăng lên gấp đôi, từ 4% lên 8% trong năm 2021, và hiện có khoảng 20 triệu người Việt Nam dùng Tik Tok… Tuy nhiên, riêng đối với các báo mạng điện tử, mục Video được coi là sử dụng thế mạnh của hình ảnh, lại vẫn còn có quá nhiều đất trống chưa được khai thác.

Một trong những vấn đề mà rất nhiều báo quan tâm, là việc sử dụng và quản lý thông tin hình ảnh trên báo điện tử đề thu hút công chúng. Làm thế nào để khai thác hiệu quả các nguồn thông tin hình ảnh? Làm thế nào để thu hút công chúng thường xuyên xem video trên báo mạng. Trong phạm vi bài viết này xin đề cập tới một số vấn đề liên quan thực trạng quản lý thông tin hình ảnh trên chuyên mục video trên báo điện tử hiện nay.

Xu hướng sử dụng thông tin video ngày một tăng

Tổng số lượng video được được cập nhật lên hệ thống CMS (Content management system) của báo Dân trí trong 6 tháng, từ ngày 1/6/2021-20/12/2021 là 9756 video trong đó có 8592 sản phẩm được xuất bản lên trang, 1.164 sản phẩm video bị trả lại do chưa đạt yêu cầu chất lượng. Trong đó, chuyên mục có lượng video nhiều nhất là mục Giải trí có tới 2.083 video, chiếm gần 1/3 sản lượng toàn trang. Tuy nhiên các nội dung chủ yếu là nguồn khai thác lại từ các trang quốc tế (có tới 1.522 video lấy lại và 561 video tự sản xuất). Ngày có số lượng video được sản xuất nhiều nhất đó là ngày 6/9/2021 với tổng số 81 video được cập nhật lên hệ thống, tuy nhiên chỉ duyệt xuất bản được là 63 sản phẩm, còn 18 sản phẩm bị biên tập viên, người quản lý xuất bản trả lại cho Phóng viên,  Cộng tác viên. Sản phẩm video có lượng truy cập cao nhất trong thời điểm 6 tháng cuối năm 2021 chính là bài “Mại dâm phía sau tấm biển "vùng xanh" khi đang giãn cách xã hội ở Hà Nội” (tác giả Nguyễn Bắc - Báo Dân trí). Sản phẩm video này có thời lượng 4 phút 3 giây, đạt 150 ngàn lượt views thời điểm đăng bài ngày 5/9/2021. Về mặt thời lượng video 1,5 - 4 phút cũng được nhiều công chúng xem nhất, trong khảo sát công chúng do tác giả thực hiện, khi được hỏi “Anh/chị thường xem video trên báo mạng điện tử có độ dài bao nhiêu?, kết quả cho thấy có tới hơn 40% công chúng chọn video có độ dài dưới 4 phút. Vì thường xuyên làm các nội dung khảo sát, nên nội dung tự sản xuất đăng tải trên báo Dân trí thường dưới 4phút.

Biểu đồ: Kết quả khảo sát thời  lượng bạn đọc thường xem nhất trên báo Dân trí.

Nội dung phong phú, đa dạng

Nội dung hình ảnh video trên báo mạng điện tử phong phú. Báo Dân trí ở mục Video có tới 31 đầu mục, bao gồm: Mới nhất (tổng các tin tức từ các mục được đăng tải ở thời điểm xuất bản mới nhất), Việc làm, Thế giới, Xã hội, Giải trí, Văn hoá, Thể thao, Giáo dục, Du học…

Dân trí đặt Video là mục đầu tiên của báo (tính từ trái sang phải) trên thanh menu chính của báo.

Hơn 60% các video của được khảo sát từ tháng 6/2021-12/2021 của báo Dân trí, mang tới những vấn đề xoay quanh cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm tự sản xuất thì rất nhiều video được khai thác lại từ nguồn mạng xã hội, camera an ninh, nên vẫn có nhiều nội dung thiếu tính độc quyền.

Hầu hết các nội dung liên quan tới mảng Thể thao, Giải trí thời điểm khảo sát là các video lấy lại nguồn báo nước ngoài, tỷ lệ tự sản xuất video ở trong nước đều thấp. Đây vẫn là hạn chế liên quan tới yếu tố độc quyền của thông tin.

Video về nội dung khoa học, công nghệ, quân sự là thế mạnh về bạn đọc của Dân trí. So sánh dựa trên khảo sát ở thời điểm 6/2021-12/2021, ở báo Vnexpress mục Khoa học cũng chiếm số lượng video rất lớn, chiếm 21% trên tổng video của toàn chuyên mục Video, nội dung chuyên mục này chủ yếu khai thác các thông tin độc, lạ, gây tò mò cho độc giả… Tất cả đều được thể hiện qua những thước phim có độ dài từ 1,5 - 4 phút, có bắn nội dung text.

Còn ở báo Dân trí, hầu hết các nội dung Khoa học đều là nguồn khai thác báo nước ngoài, tỷ lệ sản xuất gần như không có, chủ yếu tập trung nhiều các nội dung về thế giới tự nhiên, khám phá khoa học, hiện tượng tự nhiên, giải đáp khoa học. Các video này đều có lượng truy cập cao, đạt từ 50.000 - 80.000 lượt truy cập. Tuy nhiên, các video này chưa có phần biên tập bắn nội dung phụ đề thông tin.

Đối với mảng quân sự, Báo Dân trí, có lượng xem lớn, có những video ghi nhận cảnh tên lửa tấn công mục tiêu chỉ 10-15 giây nhưng có tới hơn 80.000 lượt xem.

Hình thức sản phẩm video ngày một hấp dẫn

Cách trình bày của sản phẩm video, Báo Dân trí đưa hình ảnh video lên trên và hình ảnh tràn màn hình, phần dưới gồm title, sapo và tên tác giả, nguồn tin.

Đối với bản đọc mobile, trên là video, phía dưới là title, sapo và tên tác giả, nguồn tin. Tuy nhiên, ở mỗi phần video của từng tác phẩm video khác nhau lại được thể hiện dưới 3 hình thức dưới đây:

Thứ nhất, là những đoạn clip thuần túy chỉ bao gồm phần hình ảnh đã được ghi lại bằng các thiết bị từ camera, máy ảnh, điện thoại có chức năng ghi hình hoặc máy tính bảng. Nội dung video đa phần không ghép lời bình hoặc phụ đề, chỉ có tiếng động hiện trường (hoặc không) cùng chú thích dòng dưới video, là được xuất bản trên trang.

Thứ hai, Báo Dân trí video có phụ đề còn ít, chủ yếu là mảng tin tức, phản ánh trong nước, nguồn thông tin báo nước ngoài khi sử dụng lại chưa có nhiều bài tay biên tập như việc bổ sung phụ đề, vẫn nhiều video đăng tải nhưng phụ đề còn là tiếng nước ngoài, đa phần là tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn - trưởng ban Media báo điện tử Dân trí cho biết: “Ở báo Dân trí, mảng video Quốc tế cũng có view rất cao, nhưng nếu chỉ khai thác thuần tuý mà không dịch và chèn sub vào thì người xem sẽ rất khó hiểu. Còn nếu biên tập viên dịch và chèn sub chi tiết video, lượng view tăng tới 30 - 40%.

Một sản phẩm đôi khi được đầu tư quay dựng rất kỹ về mặt hình ảnh, nhưng nội dung không cuốn hút thì sẽ không thu hút độc giả. Ngược lại, có những khoảnh khắc chỉ trong vài giây quay bằng điện thoại, chất lượng hình ảnh kém nhưng nó lại chạm đến người xem. Vì vậy, chúng tôi sử dụng quy tắc là “bất quy tắc”, tức không theo tuân quy tắc truyền thống như truyền hình, phải bám vào nội dung để khai thác”.

Cụ thể với một bài viết liên quan vi phạm giao thông, biên tập Dân trí đã dùng hình ảnh người tham gia vi phạm lỗi giao thông là được gạch ô đỏ. Và như vậy, trong 1 phút có 142 phương tiện đi sai làn trên đường Nguyễn Trãi, nội dung bài đạt hơn 100 ngàn lượt views trong ngày xuất bản hôm đó, cao gấp 3 lần những tin về giao thông tắc đường thông thường.

Thứ ba, các sản phẩm video có thông tin hình ảnh, phụ đề minh hoạ, tiếng động hiện trường, nhưng không có lời bình. Chính các âm thanh thực tế hiện trường đã giúp làm tăng tính xác thực của thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng, nhiều khi biên tập xuất bản chưa kỹ, vẫn còn lọt những ngôn ngữ tục tĩu, hoặc những thanh âm mang tính nhạy cảm (người bị sát hại, bạo hành…) gây ám ảnh với độc giả, thậm chí bị sai trong việc đưa thông tin.

Một số vấn đề về tăng cường quản lý thông tin hình ảnh

Tăng cường quản lý về quy trình xử lý nguồn tin

Hiện nguồn tin của Dân trí có các nguồn chính:

-Do phóng viên, cộng tác viên thực hiện

- Nguồn khai thác báo quốc tế

- Nguồn TTXVN và các báo ký hợp đồng thoả thuận (Hiện ký thoả thuận với 101 báo, tạp chí Trung ương và địa phương)

- Nguồn khai thác camera an ninh, mạng xã hội.

Báo Dân trí, Khối Media quản lý chuyên mục Video và Ảnh có 8 nhân sự chính, tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Ngoài ra các phóng viên, cộng tác viên ở các Văn phòng đại diện thực hiện tất cả các thể loại tin bài, trong đó có cả Video, tùy theo nội dung yêu cầu.

Về quy chế quản lý video trên báo được thực hiện với những nguyên tắc cơ bản:

- Triển khai đề tài phù hợp với tiêu chí: độc, lạ.

- Nắm vững quan điểm và chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, của tòa soạn. Tuân thủ các quy định của Tòa soạn về duyệt video

- Tuy nhiên điểm hạn chế Dân trí vẫn còn sử dụng lại hình ảnh từ một số nguồn khác như thông tin xin phép từ độc giả, từ camera giao thông, an ninh…

Dân trí là đơn vịcó hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt hệ thống CMS (Content Management System) được đánh giá là hiện đại, nhiều tính năng khi sử dụng. Đội ngũ kỹ thuật (IT) của báo đã hỗ trợ các phần mềm để thực hiện quy trình xuất bản.

Thực trạng Quản lý nguồn nhân lực

Dân trí và nhiều báo khác cũng đang gặp phải vấn đề là thiếu nhân sự, đặc biệt ở mảng Video. Do những đòi hỏi từ công việc, yêu cầu phóng viên mảng Video phải thật sự đa zi năng, ngoài trình độ chuyên môn về báo chí còn phải biết sử dụng máy móc, các trình duyệt, phần mềm về quay dựng video. Nhiều toà soạn hiện nay cũng đang có sự luân chuyển phóng viên của báo chuyển đi, phóng viên từ báo khác về, ít nhiều cũng có sự điều chỉnh nội bộ và ngay những người làm quản lý cũng liên tục phải cập nhật đào tạo về nhân sự.

Phóng viên video Đỗ Quân báo Dân trí cho rằng: “Kinh nghiệm của người quản lý rất quan trọng. Ví dụ có những video không cần thiết phải có phỏng vấn thì cũng không nên rập khuôn hoặc bắt buộc phải có. Tuỳ từng thể loại bài phù hợp để thiết kế nội dung video. Vì nếu người quản lý mà cứng nhắc quá thì công sức phóng viên nhiều lúc không được ghi nhận vì sản phẩm không đạt yêu cầu của quản lý”.

Dân trí hiện tại chưa có Trưởng ban Video, mà chỉ có người quản lý nội dung Video, và dàn trải theo nhiều mục, các mục chủ động sản xuất nội dung theo lĩnh vực mình đảm nhận. Chưa có phóng viên video riêng biệt, đa phần là phóng viên viết tin bài và thực hiện kèm video. Và Dân trí do video đang là những sản phẩm kết hợp với nội dung bài viết, nên tính độc lập của những sản phẩm video có đầu tư là chưa cao.

Phương thức quản lý

Để thực hiện tốt các công tác quản lý, đặc biệt với việc quản lý tốt thông tin về hình ảnh, ở các toà soạn có các phương thức khác nhau. Trong đó báo Dân trí áp dụng các phương thức như:

*Phương pháp hành chính.

Ở báo Dân trí, để giải quyết vấn đề chấm công và quy định phải báo cáo hoạt động ở cơ quan cũng như xác định nơi đi công tác, báo Dân trí đã cho phóng viên có thể linh động chấm công bằng hệ thống ứng dụng riêng do báo phát triển. Việc này giúp cho phóng viên dù đang hoạt động ở địa bàn nào cũng có thể nhanh chóng có báo cáo ngày làm việc, thậm chí "check in" cả nơi mình đang tác nghiệp.

Cũng về vấn đề quy định chế độ cộng tác viên, với việc quy định cứng về thời gian công tác, ví dụ: có báo sẽ là 6 tháng, có báo là 1 năm mới ký hợp đồng chính thức. Tuy nhiên, việc áp định cứng khung thời gian cũng đã khiến nhiều báo mất cơ hội giữ được cộng tác viên tốt. Nhiều quản lý cấp trung có băn khoăn về việc này, vì nhiều cộng tác viên do không chịu được quy định về thời gian cộng tác, họ đã rút lui và vì thế cơ hội giữ ngay nguồn cộng tác viên tốt khá mong manh. Qua thực tế ở một số báo, trong đó có Dân trí, quy định về thời gian cộng tác của Cộng tác viên đã có sự thay đổi rõ rệt, nếu cộng tác viên có tố chất, tốt, có thể rút ngắn thời gian thử thách và ký hợp tác ngay.

* Phương pháp kinh tế

Báo Dân trí xếp KPI theo nhiều tiêu chí, trong đó có chỉ số quan trọng là lượng views. KPI cũng được áp dụng cụ thể, cá nhân hoá lên từng nhân sự để đảm bảo nhân sự có thể đạt hoặc vượt số KPI này, chứ không  “cào bằng”. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp KPI cũng có nhiều bất cập, ví dụ như KPI theo số views, rất nhiều phóng viên theo mảng Sức khỏe rất lo lắng việc views năm sau phải tăng hơn năm trước, vấn đề cụ thể ở đây là năm 2020 và 2021 là năm Covid-19 xuất hiện, dòng chảy tin tức gần như tập trung vào sự kiện này, do đó đối với phóng viên, biên tập viên và cả quản lý trực tiếp của khối nội dung này rất lo lắng, khi áp KPI là năm sau cao hơn năm trước. Vấn đề này buộc những người làm quản lý mục phải có ý kiến đề sớm đề xuất tới Ban biên tập có mức KPI phù hợp hơn, để các nhân sự cấp dưới và chính các quản lý chuyên mục yên tâm hoàn thành định mức hơn.

*Phương pháp tuyên truyền, đào tạo giáo dục

Báo Dân trí gần đây cũng đã xây đựng được bộ phận đào tạo, bước đầu nhằm hỗ trợ các nhân sự, đặc biệt là nhân sự mới nhận thức được đầy đủ hơn về quy trình, văn phong, kỹ thuật, hệ thống CMS của báo.

Đánh giá chung

  • Những thành công

Qua khảo sát công chúng, có tới hơn 70% khán giả nhận định nội đung thông tin hình ảnh trên chuyên mục video của Dân trí khảo sát chân thực, truyền tải được thông điệp, nội dung tác phẩm.

Biểu đồ: Kết quả khảo sát công chúng về chất lượng hình ảnh Video trên báo điện tử hiện nay.

Tổng biên tập là người đứng đầu các cơ quan toà soạn đã có sự quan tâm và đầu tư tới nội dung này, thể hiện qua việc bố trí vị trí cao, đặc biệt, có các kế hoạch về phát triển chuyên mục Video. Đồng thời, hiện tượng fake news (tin giả) ở thể loại video là chưa từng xảy ra ở báo Dân trí. Hình ảnh của video được quản lý chuyên mục (thực hiện từ ý kiến chủ trương của Ban biên tập) đã chỉ đạo sát sao, cụ thể và khoa học theo đầu mối công việc rõ người, rõ trách nhiệm của từng bộ phận. Tổ chức sản xuất các dạng video hợp lý theo xu hướng của công chúng. Quan tâm dành thời lượng cho các tin tức, cuộc phỏng vấn, taik, phóng sự. Bên cạnh đó, các toà soạn đều quán triệt đầy đủ tới đội ngũ phóng viên các văn bản quy phạm pháp luật đối với báo chí, các công ước quyền trẻ em, đối tượng người yếu thế, phòng chống bạo lực… Có đề ra khen thưởng cho những tác phẩm hay, xuất sắc. Từ những yếu tố trên đã mang lại kết quả tích cực.

Hình ảnh được sử dụng trong các video cơ bản đảm bảo tính nhân văn, đặc biệt, hình ảnh đối tượng yếu thế đều mang đến những thông tin hữu ích cho khán giả như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế, những chính sách an sinh xã hội mang tính ưu việt của nước ta. Tất cả đều chất chứa thông điệp làm lay động người xem

Các hình ảnh đều đảm bảo giá trị thẩm mỹ, hạn chế bị sai lệch về bố cục, đảm bảo quy định về khuôn hình…

  • Những hạn chế

Bên cạnh những thành công đó thì việc quản lý thông tin hình ảnh trên chuyên mục video báo mạng điện tử cũng còn tồn tại một số hạn chế:

Thứ nhất là sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác quản lý. Quản lý còn chồng chéo trong khâu kiểm duyệt nội dung. Do báo Dân trí chỉ mới có chuyên mục Video mà chưa có Ban Video riêng, nên việc duyệt nội dung lên chuyên mục còn khá nhiều “cửa”. Các khối nội dung khác nhau, có thể loại bài Video là các Trưởng ban chuyên mục khác có thể duyệt đẩy lên chuyên mục Video. Điều này dẫn tới việc trình bày sắp xếp nội dung trên chuyên mục thiếu thống nhất, đôi khi là mạnh nội dung nào, nội dung đó lên. Thậm chí có hiện tượng cùng một sự kiện, có khi cả Ban Xã hội và Đời sống cùng thực hiện, nên vẫn còn sự chồng chéo về sản phẩm video khi lên trang.

Quản lý về nội dung hình ảnh chưa đảm bảo. Theo kết quả khảo sát, có tới trên 20% công chúng chưa hài lòng với chất lượng hình ảnh của video, trong đó liên quan tới vấn đề như chất lượng hình ảnh, âm thanh không được đồng đều, ảnh mờ, bố cục chưa phù hợp, chưa truyền tải được nội dung thông điệp. Một trong những nguyên nhân đó, là do sản phẩm video trên báo mạng được tử được quay từ nhiều thiết bị có độ phân giải chưa cao. Bên cạnh đó phải nói tới trình độ nghiệp vụ còn non của phóng viên tác nghiệp. Ngoài ra, video được trích xuất từ camera an ninh, hành trình, máy ảnh, giao thông, hay những video do công chúng gửi về toà soạn.

Thứ hai, những khó khăn, hạn chế trong quản lý con người.

Trên thực tế, nhiều cơ quan báo mạng điện tử hiện nay còn thiếu nhân sự, như báo Dân trí với bình quân 10 triệu lượt truy cập mỗi ngày, tuy nhiên chỉ riêng khối Video chỉ có 8 nhân sự chính trải dài cả nước. Ngoài ra nhân lực phát triển thị trường của mảng video nhìn chung còn chưa đầy đủ. Một số giai đoạn còn thiếu nhân lực khảo sát, nghiên cứu điều tra thị trường thường xuyên cũng là hạn chế trong việc xác định đúng và trúng hơn về nhu cầu thông tin bạn đọc.

Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội và những mặt trái của kinh tế thị trường, không ít người làm báo đã “bán mình” chạy theo hiện tượng câu khách, giật gân, coi nhẹ những nguyên tắc người làm báo.. Điều này dẫn tới những sản phẩm lên trang nhảm nhí, thiếu tính định hướng, thậm chí gây nên sự tiêu cực trong bạn đọc. Cùng với sự phát triển của công nghệ, với công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, người làm báo hiện đại còn phải tự đặt ra cho mình những thử thách lớn hơn, chuyên nghiệp, đa zi năng hơn. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cấp, từ quản lý chuyên mục, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên cũng được chú trọng và thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ.

Thứ ba, là quản lý về vấn đề tài chính.  Lợi thế của sản phẩm video là thông tin hình ảnh trực quan, sinh động, thu hút bạn xem, đây cũng là mảng nội dung đem lại nguồn thu cho cơ quan, từ việc quảng cáo. Tuy nhiên, các sản phẩm quảng cáo thường sẽ xuất hiện đầu và hoặc sau vài giây phát sóng của video, điều này dẫn tới sự ức chế và bất tiện với bạn đọc. Phải đợi 8s đến 15s mới hết phần quảng cáo, nhiều bạn đọc đã out ngay khỏi màn hình vì phải chờ quá lâu, và không thích chèn quảng cáo, điều đó cũng ảnh hưởng đến chỉ số giữ chân người xem của một video (chỉ số giữ chân người xem càng cao sẽ làm tăng lượng suggest của video trên các trang đặc biệt là các trang mạng xã hội). Do đó cũng phải rút ngắn thêm thời gian chờ xem quảng cáo, để vừa đảm bảo nguồn thu quảng cáo, vừa không để độc giả thoát khỏi video sớm.

Ngoài ra, việc sản xuất ra sản phẩm video, phóng viên đa phần phải bỏ chi phí mua trang thiết bị (đối với phóng viên chuyên nghiệp), thời gian hoàn thành tác phẩm cũng vất vả nếu đi hiện trường, quay chụp, dựng hậu kỳ… vì thế nhuận bút của sản phẩm này cũng đòi hỏi cao hơn so với tin tức thông thường. Tuy nhiên trong quỹ nhuận bút chung có hạn, nên việc chi trả nhuận bút cho sản phẩm nhiều lúc chưa tương xứng, dẫn tới việc chưa thúc đẩy được người thực hiện nhiều video công phu, đầu tư lớn về công sức.

Cùng đó, vẫn còn tồn tại việc vi phạm đạo đức nghề báo trên các báo mạng điện tử, như việc dàn dựng sai sự thật để quay video phản ánh; không kiểm chứng thông tin khi dẫn lại nguồn video từ mạng xã hội; khai thác quá mức vào đời tư nhân vật; thiếu những kiến thức cơ bản trong việc phản ánh những vấn đề liên quan trẻ em như bạo lực học được, quấy rối tình dục; miêu tả quá chi tiết về các hành vi nhạy cảm, bạo lực trên mảng pháp luật; giật gân câu khách với những nội dung và title không ăn nhập.... Bởi thế, việc đảm bảo đạo đức nghề nghiệp cũng như việc tuân thủ nguyên tắc chân thật, khách quan trong thông tin của báo mạng điện tử là một vấn đề cần được lưu ý thực hiện nghiêm túc, triệt để.

Kết luận

Qua khảo sát, nhận thấy, nhiều nội dung video có lượng tương tác tốt và đã tìm thấy những dấu hiệu nhận biết về xu thế tiếp nhận thông tin của độc giả hiện nay.

Bên cạnh những hạn chế như nhiều video đăng tải chưa có lời bình, text phụ đề, còn chưa biên tập kỹ phần âm thanh… thì mảng video đã góp phần làm đa dạng thể loại, tăng trải nghiệm cho độc giả hiện nay, độc giả xem - nghe, thay vì chỉ là đọc trên báo mạng điện tử). Góp phần thành công như vậy là nhờ đội ngũ những người quản lý của các toà soạn, trực tiếp ở đây là các quản lý Khối Video, media. Những video chất lượng có thể được xuất bản cần công sức lớn từ đội ngũ biên tập viên, phó ban, trưởng ban video, media tại các toà soạn báo Bản thân họ là những người cập nhật xu hướng. Từ việc cập nhật xu hướng, những người quản lý trực tiếp định hướng nội dung tới người thực hiện. Đồng thời, những người quản lý chuyên mục sau khi nhận bài họ biên tập, hiệu đính bổ sung, duyệt cẩn thận rồi mới ấn nút xuất bản lên trang báo. Để video luôn hấp dẫn người xem, đội ngũ quản lý chuyên mục nói chung, mảng Video nói riêng luôn trao đổi với người thực hiện, sao cho sản phẩm video đăng tải vừa đảm bảo đúng tôn chỉ vừa bắt kịp xu hướng truyền thông./.

Trần Thị Lan

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top