
Quản lý thông điệp về người khuyết tật trên tạp chí
Việc hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, làm thay đổi cách nhìn nhận của người bình thường về người khuyết tật, đồng thời giúp họ có cách nhìn lạc quan hơn, tự tin hơn trong cuộc sống là một vấn đề quan trọng của báo chí.
Để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, các cơ quan báo chí nói chung và một số cơ quan báo chí chuyên ngành về lĩnh vực người khuyết tật nói riêng đã thể hiện vai trò quan trọng, cấp thiết của mình trong vấn đề này.
Truyền thông về người khuyết tật
Các thông tin về người khuyết tật thời gian qua được báo chí phản ánh khá thường xuyên ở các loại hình báo chí. Với rất nhiều hình thức truyền tải phong phú, đa dạng, báo chí đã thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời các chủ trương, chính sách mới cũng như góp ý vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, phản ánh các hoạt động về người khuyết tật, đồng thời ngày càng nhạy bén trong việc phản ánh các vấn đề mới từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, báo chí đã trở thành cầu nối, đưa các chính sách về người khuyết tật đi vào cuộc sống, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với người khuyết tật.
Quản lý thông điệp về người khuyết tật là sự tác động, điều khiển, chỉ đạo, kiểm soát bằng quyền lực một cách có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý đến các yếu tố, quá trình của hoạt động truyền thông đến người khuyết tật nhằm đạt mục tiêu thông tin, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm, tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo công chúng xã hội tham gia giải quyết, cung cấp những thông tin thiết thực nhằm quảng bá những hình ảnh tích cực và hòa nhập của người khuyết tật, thúc đẩy môi trường không phân biệt đối xử và tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật ở tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đã, đang đặt ra.
Quản lý thông điệp về người khuyết tật trên báo chí đóng vai trò là công cụ, là phương thức để định hướng, tổ chức thực hiện, xác định mục tiêu, cách thức, chiến lược truyền thông, tổ chức phối hợp các nguồn lực như đội ngũ nhà báo, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, phản hồi công chúng nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra trong hoạt động thông tin về người khuyết tật.
Duy trì, thúc đẩy và điều chỉnh thông điệp về người khuyết tật cũng là một trong những vai trò quan trọng của quản lý thông điệp về người khuyết tật trên báo chí. Thông qua chức năng lập kế hoạch sẽ xác định mục tiêu hoạt động cũng như nội dung, phương thức xây dựng và truyền tải thông điệp về người khuyết tật trên báo chí, hướng mọi hoạt động của cá nhân, bộ phận trong tòa soạn đến việc thực hiện nội dung và phương thức đó nhằm đạt được mục tiêu thông tin truyền thông đề ra, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của công chúng, xã hội, góp phần đưa ra giải pháp nhằm điều chỉnh những sai lệch, sửa chữa những sai lầm, bảo đảm các thông điệp thực hiện mục đích đề ra.
Để người khuyết tật nói lên tiếng nói của mình
Quản lý thông điệp về người khuyết tật còn có vai trò giúp nhà báo định hướng được nội dung, chủ đề về đề tài cần thực hiện cũng như nội dung thông điệp xây dựng để bảo đảm các nguyên tắc hoạt động, bảo đảm không vi phạm tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, giúp nhà báo có điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi nhất, phát huy sáng tạo cũng như tạo động lực cho sự cống hiến của nhà báo. Đồng thời ngăn chặn việc nhà báo đi lệch hướng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, vi phạm quy định pháp luật, sa đà vào việc chạy theo thông tin giật gân, câu khách để thu hút sự chú ý của công chúng.
Mặt khác, quản lý thông điệp về người khuyết tật có vai trò định hướng hình thức của thông điệp. Hình thức, tần suất xuất hiện của thông điệp thể hiện như thế nào để phát huy những ưu thế, thuận lợi của báo chí... góp phần làm tăng khả năng công chúng tiếp cận thông điệp, từ đó thông điệp sẽ có cơ hội tác động vào nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng, góp phần đạt được mục tiêu của quá trình thông tin báo chí.
Quản lý thông điệp về người khuyết tật còn có vai trò quản lý chặt chẽ nội dung thông điệp đăng sau mỗi tác phẩm, sản phẩm báo chí, đặc biệt là thông tin về người khuyết tật nhằm góp phần hạn chế thông tin mang tính tiêu cực, phản cảm về người khuyết tật; cung cấp thông tin tích cực, hỗ trợ việc tham gia góp ý hoàn thiện chính sách; nâng cao nhận thức của công chúng đối với người khuyết tật.
Việc quản lý thông điệp về người khuyết tật trên báo chí nhằm bảo đảm cho công chúng được tiếp cận với những thông tin khách quan, có mục đích và có chọn lọc. Thông điệp sẽ phản ánh đúng điều công chúng cần, xuất phát từ chính nhu cầu, mong đợi và lợi ích của công chúng, rộng hơn là của xã hội, không áp đặt chủ quan hoặc duy ý chí, giúp công chúng nhìn nhận đúng đắn về người khuyết tật, từ đó có cái nhìn và thái độ tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm.
Giao diện Tạp chí Người bảo trợ online
Vấn đề đặt ra
Quản lý thông điệp về người khuyết tật trên báo chí nói chung và các tạp chí chuyên về lĩnh vực người khuyết tật nói riêng cũng đang là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều hơn, bởi khi đã gây ra tổn thương cho người khuyết tật rất khó khắc phục.
Qua khảo sát trên Tạp chí Người Bảo trợ và Đồng hành Việt, cho thấy việc quản lý thông điệp về người khuyết tật tập trung vào 6 nội dung: Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật; Trao đổi kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp; Quyền của người khuyết tật; Đời sống của người khuyết tật; Tổ chức các hoạt động, sự kiện; Hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ đối với người khuyết tật.
Ở nội dung tổ chức các hoạt động, sự kiện đối với người khuyết tật có 133 bài viết trên hai tạp chí cho thấy, thông điệp này đã góp phần nâng cao nhận thức của công chúng, làm thay đổi hành vi của cộng đồng, xã hội về người khuyết tật, tạo cơ hội để họ vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Một số bài viết về sự kiện như: Liên hoan vẻ đẹp vầng trăng khuyết hay Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc... đã khẳng định các cuộc liên hoan, hội thi không chỉ dừng ở một cuộc thi nhan sắc, cuộc thi văn nghệ đơn thuần để thể hiện tài năng mà là dịp tôn vinh vẻ đẹp, chuyển tải thông điệp vẻ đẹp con người không chỉ nằm ở hình thể, vẻ đẹp đó còn tiền ẩn trong tâm hồn, nghị lực, trí tuệ cũng như thúc đẩy môi trường không phân biệt đối xử và tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật ở tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Giao diện Tạp chí Đồng hành Việt online
Trong những năm gần đây, báo chí nước ta cũng quan tâm nhiều hơn tới người khuyết tật, nhưng công tác quản lý về nội dung này vẫn chưa được như mong đợi. Thành công nhiều, nhưng không phải không có sai sót, không ít trường hợp vì quản lý chưa chặt chẽ từ phía các cơ quan báo chí nên dẫn tới những sai phạm và hậu quả là gây ảnh hưởng tới người khuyết tật, thậm chí gây mất niềm tin trong xã hội.
Qua khảo sát trên Tạp chí Người Bảo trợ và Đồng hành Việt cho thấy, thông điệp về người khuyết tật trên hai tạp chí trong diện khảo sát chưa thực sự có nhiều nội dung nổi bật, các nội dung thông điệp mang tính chung chung, chưa có tác phẩm phản ánh toàn diện sâu sắc về cuộc sống, mong muốn của người khuyết tật. Hầu hết là những thông điệp gắn với việc người khuyết tật được hưởng sự quan tâm của cộng đồng xã hội, quyền của người khuyết tật cần được bảo đảm ra sao...
Nghiên cứu trong năm 2018 và 2019, nội dung thông điệp về người khuyết tật của hai tạp chí chỉ dừng lại là sự khó khăn, cần sự sẻ chia của cộng đồng, các cách thức hỗ trợ, kêu gọi giúp đỡ người khuyết tật. Điều này cũng đòi hỏi việc quản lý kế hoạch tuyên truyền từ Ban biên tập tới các phòng/ban phải cụ thể hơn.
Thông điệp về người khuyết tật mới chỉ tập trung ở một nhóm người nhất định, trong đó chủ yếu là người khuyết tật vận động, thiếu các thông điệp về nhóm người khuyết tật trí tuệ, tự kỷ. Qua 738 bài viết được thống kê trong 2 năm liên quan đến người khuyết tật đăng trên tạp chí Người Bảo trợ, Đồng hành Việt chủ yếu là người khuyết tật vận động, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Công tác quản lý vẫn dừng ở việc phụ thuộc chính là kỹ năng nghề của các nhà báo, phóng viên, thiếu đi sự kiểm soát của các nhà quản lý. Thông qua những bài viết trên hai tạp chí trong diện khảo sát đã mang đến cho độc giả, công chúng cái nhìn khách quan, đầy đủ, chân thực về người khuyết tật và hoàn cảnh của họ. Nhưng bên cạnh đó, đôi lúc hiệu quả thông điệp về người khuyết tật vẫn chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Tất cả những vấn đề nêu trên, cần sự nhìn nhận đầy đủ, chính xác, từ đó có giải pháp quản lý thông điệp về người khuyết tật hiệu quả hơn.
Nâng cao hiệu quả thông điệp truyền thông về người khuyết tật trên báo chí
Đi tìm giải pháp
Để nâng cao hiệu quả thông điệp truyền thông về người khuyết tật trên báo chí, trước hết các cơ quan quản lý cần phát huy vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo công tác báo chí; Kiện toàn cơ cấu tổ chức, bảo đảm chặt chẽ trong các khâu quản lý; Nghiên cứu và phát triển quy trình quản lý thông điệp; Chú trọng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức thông điệp cũng như năng lực và đạo đức của đội ngũ phóng viên viết về người khuyết tật; Bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp cho hoạt động quản lý thông điệp về người khuyết tật. Có thể đề xuất một số giải pháp chính sau:
Thứ nhất, cơ quan báo chí cần phát huy vai trò của tổ chức đảng trong lãnh đạo và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác báo chí. Đây là yêu cầu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm bảo đảm cho công tác truyền thông về người khuyết tật hoạt động đúng định hướng chính trị, pháp lý. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng nội dung, tăng hàm lượng thông tin của tác phẩm báo chí, bảo đảm sự cân bằng giữa các nội dung, đa dạng hình thức các chuyên trang, chuyên mục và thể loại.
Thứ hai, cần bồi dưỡng kiến thức về người khuyết tật cho các nhà báo, phóng viên. Nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập chặt chẽ nội dung bài viết của cộng tác viên cũng như bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp, tương xứng với thành quả lao động đi kèm với việc ban hành chế tài xử phạt.
Đối với các nhà báo, phóng viên cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc phản ánh về người khuyết tật, từ đó xác định nhiệm vụ của người làm báo khi viết về đề tài này.
Mặt khác, các nhà báo, phóng viên cần bám sát thực tiễn để kịp thời phát hiện những thông tin mới, có giá trị, mang lại hiệu quả tuyên truyền tích cực; Thường xuyên trau dồi kỹ năng nghiệp vụ; Rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị và cần có sự am hiểu nhất định về các vấn đề liên quan đến người khuyết tật.
Đồng thời, các nhà báo, phóng viên phải cẩn trọng trong quá trình thu thập và xử lý thông tin và là người tham mưu cho lãnh đạo tòa soạn định hướng truyền thông.
Thứ ba, để thông điệp truyền thông về người khuyết tật trên báo chí đạt hiệu quả, người khuyết tật cũng cần phải mạnh dạn hơn khi tham gia các hoạt động cộng đồng, tự tin chia sẻ, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng với các nhà báo, phóng viên.
Việc đi sâu nghiên cứu vấn đề thông điệp về người khuyết tật sẽ góp phần trực tiếp giúp báo chí nói chung và các cơ quan báo chí chuyên ngành về lĩnh vực người khuyết tật của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung thông điệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Điều này càng có ý nghĩa tích cực đối với các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, đặc biệt là lãnh đạo quản lý các cơ quan báo chí về lĩnh vực người khuyết tật để đưa ra những chính sách phù hợp nhằm lãnh đạo, quản lý thông điệp về người khuyết tật hiệu quả hơn, đồng thời giúp mỗi nhà báo, trong đó có các nhà báo thuộc các cơ quan báo chí về lĩnh vực người khuyết tật có thêm kiến thức thực tiễn phục vụ công tác chuyên môn./.
Phạm Thị Hương Ngát

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
