Thời gian và nhân chứng - một bộ sách quý

22:18 28/08/2023 - Diễn đàn
Ở nước ta, báo chí ra đời chậm so với báo chí phương Tây khoảng hơn 2,5 thế kỷ. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX, những thế hệ nhà báo đầu tiên làm báo trong thời kỳ từ mấy thập niên cuối của thế kỷ XIX đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hầu hết đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, mang theo đi rất nhiều những điều thú vị, nhiều câu chuyện phong phú về một thời làm báo còn sơ khai, đầy bỡ ngỡ nhưng đó là sự mở đường rất đáng trân trọng, đặt nền móng rất quan trọng cho báo chí Việt Nam.

Trong số những nhà báo yêu nước hoạt động cách mạng trong thời kỳ đầu của báo chí cách mạng Việt Nam, nghĩa là từsau năm 1925 khi Báo Thanh niên ra đời, phần nhiều cũng đã bước đi những bước cuối cùng trên con đường của cuộc đời mình. Sự ra đi của họ cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều những dữ liệu lịch sử, những sự kiện, tình huống và ngón nghề trong hoạt động làm báo của họ cũng sẽ không bao giờ và không ai được biết đến. Vẫn biết rằng sự ra đi của họ là quy luật không thể khác, nhưng việc không quan tâm chu đáo việc tổ chức khai thác nguồn tư liệu lịch sử báo chí vô giá từ thế hệ những nhà báo cách mạng tiên phong đó là một điều đáng tiếc, một mất mát không gì bù đắp được.

Bởi vì, từ một góc nhìn thực tế và xuất phát từ ý nghĩa của hệ thống các sản phẩm để lại, có thể nói rằng, báo chí là lịch sử thời đại được thể hiện một cách đầy đủ nhất, toàn diện và sinh động nhất, và nhà báo chính là nhân chứng lịch sử, người chứng kiến lịch sử một cách trực tiếp, người chép sử theo cách phong phú nhất, sống động nhất. Đến lượt mình, bản thân các nhà báo và hoạt động báo chí của họ cũng chính là một bộ phận, một mảnh ghép không thể thiếu của lịch sử.

Đành rằng, bối cảnh đất nước và điều kiện sống, làm việc của đội ngũ nghiên cứu báo chí lúc đó còn nhiều khó khăn, vất vả, song dù sao đó vẫn là lỗi không thể khắc phục của những người đi sau. Rất may mắn cho chúng ta là đã có người nghĩ đến điều đó, lo đến điều đó và đứng ra tổ chức việc đó - Giáo sư Hà Minh Đức. Nhờ có ông và các cộng sự mà hôm nay chúng ta có được bộ sách quý Thời gian và Nhân chứng gồm 3 tập với gần 1.600 trang in.

Theo lời kể của Giáo sư Hà Minh Đức, khi bắt đầu giữ chức Trưởng khoa Báo chí của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, ông đã nghĩ đến việc khai thác hồi ký của các nhà báo lão thành, các nhà báo có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, có nhiều đóng góp cho báo chí cách mạng nước nhà. Bởi vì, theo như ông đã bộc bạch trong lời giới thiệu tập đầu của bộ sách: “Những trang hồi ký của các anh, các chị sẽ là những bài học và kinh nghiệm bổ ích giúp cho việc nhận thức những chặng đường đã qua và đặc biệt cho việc đào tạo thế hệ các nhà báo trẻ. Dòng kiến thức và kinh nghiệm phong phú của cuộc đời hoạt động báo chí của các anh, các chị sẽ từ quá khứ chảy về tương lai và chắc chắn sẽ tiếp thêm sinh lực mới cho thế hệ trẻ hôm nay”.

Vâng, đó là cách nghĩ rất thấu đáo của một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy đáng kính nể và tuổi đời đã xấp xỉ “lên lão” (Giáo sư Hà Minh Đức sinh năm 1935). Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực lại là chuyện khác. Cần phải huấn luyện được đội ngũ cộng sự là các cán bộ nghiên cứu giảng dạy trẻ, các sinh viên xuất sắc đang theo học năm cuối trong trường để họ nắm được yêu cầu về nội dung, phương pháp tiếp cận, phỏng vấn, cách thức kiểm chứng các tư liệu, v.v... Rồi các điều kiện đi lại, công cụ, phương tiện làm việc, trong điều kiện lúc đó chẳng dư giả gì. Nói chung, từ thầy đến trò, người chỉ đạo đến thực thi công việc, tất cả với tinh thần cống hiến cho khoa học. Đến cả việc liên hệ, tiếp xúc và làm việc với các nhà báo cũng không ít khó khăn. Có người rất giản dị, thân thiện, sẵn sàng dành thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ trẻ làm việc. Có người nhận lời rồi tự viết và chuyển văn bản đến tận tay người đặt bài. Nhưng cũng có người do bận công việc hoặc do tuổi cao, sức yếu, hoặc do những lý do tế nhị nào đó mà các cộng sự trẻ tuổi của Giáo sư Hà Minh Đức phải dày công lắm mới hoàn thành được nội dung theo kế hoạch.

Với một số nhà báo lão thành, Giáo sư Hà Minh Đức phải trực tiếp đi gặp, thực hiện việc đặt hàng hay phỏng vấn. Cá biệt, có trường hợp, nữ cán bộ được giao việc cất công đi cả ngàn cây số rồi trở về tay không, khóc hết nước mắt. Và Giáo sư chủ biên cũng đành chào thua. Càng thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả mà Giáo sư Hà Minh Đức và các cộng sự đã nếm trải trong hơn 10 năm để thực hiện bộ sách Thời gian và nhân chứng, ta càng thêm trân quý những giá trị quý báu, ý nghĩa to lớn mà bộ sách đã mang lại cho giới báo chí nước nhà và người đọc rộng rãi trong cả nước.

Bộ sách Thời gian và nhân chứng do Giáo sư Hà Minh Đức chủ biên gồm 3 tập, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản lần đầu theo lối “cuốn chiếu”, xong bản thảo tập nào in tập ấy: tập 1 (390 trang) năm 1994, tập 2 (526 trang) năm 1997 và tập 3 (685 trang) năm 2001. Nghĩa là phải mất cả chục năm trời, ông và các cộng sự của mình mới hoàn thành bộ sách. Với hơn 1.600 trang in, bộ sách giới thiệu chân dung 43 nhà báo.

Tuy xuất bản “cuốn chiếu” trong gần chục năm nhưng cách tổ chức thực hiện sách cũng như yêu cầu về nội dung viết về từng tác giả đều thống nhất. Sau các bài hồi ký hay phỏng vấn, ở cuối sách đều có giới thiệu ảnh và phần tóm tắt tiểu sử của các nhà báo. Riêng tập 1 và tập 3 còn có lời cuối sách, trong đó lời cuối sách của tập 1 chủ yếu để cảm ơn các cộng sự và sự hợp tác, giúp đỡ của các nhà báo được giới thiệu trong tập sách. Riêng lời cuối sách ở cuối tập 3 là bài báo có tính tổng hợp, đưa ra nhận xét, đánh giá về những nhà báo được giới thiệu, cũng như nhiều nhà báo cùng thế hệ đã hy sinh hoặc vì lý do nào đó mà không góp mặt trong bộ sách.

Cách thể hiện đối với chân dung từng nhà báo cũng phong phú, không gò bó vào một hình thức thể hiện hay kết cấu cố định. Trong số 43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách Thời gian và nhân chứng có đến 15 người sinh từ năm 1908 đến năm 1920, gồm những tên tuổi nổi tiếng trong làng báo, làng văn như: Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Tô Hoài, Quang Đạm, Xích Điểu, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Vũ Đình Hòe, Hữu Ngọc, Nguyễn Minh Vĩ, Thanh Châu, Huỳnh Văn Tiểng, Bảo Định Giang, Hiền Nhân (Đỗ Trọng Quỳnh), Trần Kư. 16 người  sinh trong khoảng từ 1921 đến năm 1930 được giới thiệu trong bộ sách, gồm các nhà báo: Hồng Hà, Trần Lâm, Hà Xuân Trường, Hà Đăng, Thanh Hương, Trần Kiên, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Lê Kim, Đỗ Phượng, Lê Bá Thuyên, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Hồng Lĩnh, Phan Quang, Thái Duy, Nguyễn Thành. Số còn lại có 12 người sinh sau năm 1930, trong đó trẻ nhất sinh năm 1949, bao gồm: Hữu Thọ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chính, Trần Mai Hạnh, Hồ Tiến Nghị, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Phú Trọng, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh.

Tuy nhiên, việc sắp đặt  giới thiệu các nhà báo vào mỗi tập cũng không nhất thiết theo trình tự định sẵn. Đúng như lời cuối sách ở tập 1 đã nói rõ: “Việc giới thiệu các tác giả trước hoặc sau, phụ thuộc vào hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn để được tiếp xúc và làm việc với các tác giả, và không có sự phân biệt, đánh giá nào”. Những người làm sách cũng không hạn định cụ thể về số lượng hay tiêu chí cụ thể để nhà báo được chọn giới thiệu trong bộ sách, song trong lời giới thiệu, Giáo sư Hà Minh Đức cũng thổ lộ về việc một số nhà báo cũng đã nằm trong dự định giới thiệu trong bộ sách, nhưng do những khó khăn hoặc lý do bất khả kháng mà không thành.

Một điều dễ nhận thấy khi nhìn vào gương mặt của 43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách Thời gian và nhân chứng, phần lớn trong số đó là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đây là thời kỳ gian nan, vất vả, nhiều hy sinh, mất mát của cả dân tộc, nhưng cũng là thời kỳ hào hùng, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thời kỳ hoạt động báo chí cách mạng cũng là một mặt trận và những người hoạt động trên mặt trận ấy cũng luôn đối mặt với sự gian khổ, hy sinh, khắc nghiệt không khác gì những người lính cầm súng trên trận địa đánh giặc.

Có một đặc điểm chung của các nhà báo lão thành hoạt động báo chí trong thời kỳ từ trước cách mạng tháng Tám qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước là đều tay ngang, phân công của tổ chức cách mạng hay một sự tình cờ mà đến với công việc làm báo, rồi lấy việc làm báo như một nhiệm vụ công tác. Cho dù đến với nghề làm báo bằng cách nào thì họ đều là những người say mê, yêu và gắn bó duyên nợ với nghề này. Có những người đã được Đảng, Nhà nước phân công gánh vác trọng trách như đồng chí Xuân Thủy, nhưng vẫn không bao giờ quên được những năm tháng gian khổ, lăn lộn với tờ báo, với nghiệp viết báo.

Có những người từ nhiệm vụ cách mạng giao cho mà gắn bó cả đời với nghiệp làm báo, trở thành những người lãnh đạo quan trọng trong hệ thống báo chí nước nhà hay một cây viết có uy tín của một cơ quan báo chí nào đó, như các nhà báo: Hồng Hà, Trần Lâm, Hữu Thọ, Quang Đạm, Đỗ Phượng, Lê Bá Thuyên, Xích Điểu, Nguyễn Thành Lê, v.v.. Và đặc biệt, cuộc đời hoạt động báo chí của mỗi người đều như một câu chuyện đầy hấp dẫn, và rất có thể là ước mơ không thể vươn tới, thần tượng nghề nghiệp của những người làm báo trẻ tuổi.

Trong bộ sách Thời gian và nhân chứng trừ một vài nội dung giới thiệu về chân dung nhà báo được trích từ các sách hồi ký đã được xuất bản, như trường hợp về nhà báo Xuân Thủy được trích từ cuốn hồi ký “Những chặng đường của báo Cứu quốc”, giới thiệu nhà báo Vũ Đình Hòe trích từ sách “Hồi ký Thanh Nghị”, còn lại, tất cả các chân dung và những câu chuyện về các nhà báo đến được với bộ sách, hiện lên thành con chữ trong từng trang sách, đều bởi công sức lao động nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm của thầy trò Giáo sư Hà Minh Đức.

Người ta thường nói, thời gian càng lùi xa thì càng có điều kiện để nhận trân quý đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính chất và ý nghĩa của sự kiện. Với bộ sách Thời gian và nhân chứng, điều đó không chỉ đúng mà còn thể hiện rất rõ ràng, cụ thể và ai cũng có thể nhận ra. Theo thời gian từ khi bộ sách ra đời đến nay, đã hơn 20 năm trôi qua, và cùng với đó, hơn 20 nhà báo có tên trong bộ sách đã ra đi mãi mãi. Song, thật may mắn là những câu chuyện về nghề làm báo và người làm báo của họ đã không lặng lẽ đi vào quá khứ, mà vẫn được lưu giữ lại trong bộ sách Thời gian và nhân chứng.

Nếu như Giáo sư Hà Minh Đức và các cộng sự của mình không có ý tưởng, không kỳ công làm ra bộ sách này, liệu chúng ta và các thế hệ con cháu mai hậu có được cái điều may mắn đó không? Bởi thế, chúng ta không chỉ trân trọng bộ sách quý Thời gian và nhân chứng mà còn trân trọng, mang ơn những người làm ra sách!.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top