Tăng cường tương tác giữa báo chí và mạng xã hội

Ngày 10/12, tại Tây Ninh, Chi hội Nhà báo Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh tổ chức tọa đàm “Sự tương tác giữa báo chí và mạng xã hội, một số vấn đề cần quan tâm”.

Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh cho biết, báo chí và mạng xã hội song hành là xu thế tất yếu hiện nay bởi mạng xã hội có rất nhiều thế mạnh trong việc lan tỏa thông tin. Tuy nhiên, sản phẩm báo chí được xuất bản phải trải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều công sức trong thu thập, xác minh thông tin trước khi đăng tải. Trong khi đó, sau khi đăng tải chỉ vài phút, các trang tin tức mạng xã hội sao chép, khai thác, thậm chí biên tập làm méo mó, sai lệch thông tin ban đầu.

Ông Dương Nguyễn Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Tây Ninh chí sẻ, báo chí ít nhiều chịu tác động, sức ép, đặc biệt trên phương diện khai thác và sử dụng nguồn tin. Sự tác động từ thông tin của mạng xã hội đến nguồn tin của báo điện tử được thể hiện trên cả hai chiều tích cực và tiêu cực. “Nếu biết cách khai thác và tuân thủ theo các yêu cầu, các chuẩn mực về pháp lý và đạo đức, thông tin từ mạng xã hội đem đến cho báo điện tử một nguồn tin đa dạng, chi phí thấp hoặc không tốn chi phí để có thể khai thác, phát triển giá trị của nguồn tin".

Quang cảnh tọa đàm

Nhận xét thông tin mạng xã hội là xu hướng mới của truyền thông hiện đại, ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, thông tin báo chí là thông tin hữu ích cho công chúng, được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông một cách thính thức và đã trải qua một quá trình xác minh độc lập, có cá nhân nhà báo và cơ quan báo chí trực tiếp chịu trách nhiệm. Trong khi đó, mạng xã hội với đặc trưng cơ bản là tính ảo khiến cho tính chịu trách nhiệm về ý kiến cá nhân khó được đảm bảo. Với những lợi thế vốn có, mạng xã hội đang trở thành một nguồn tin quan trọng đối với báo chí, nổi bật là yếu tố tốc độ. Do đó, báo chí cần nắm bắt, theo dõi, khai thác thông tin trên mạng xã hội để thực hiện đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch.

Về giải pháp, theo ông Hoàng Anh Tuấn cần giữ vững nguyên tắc, những giá trị của báo chí là tôn trọng chính xác, sự công bằng và tính nhân văn. Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm truyền hình Thông tấn nhận định, phần lớn người dân đều sử dụng mạng xã hội, do đó lượng thông tin thật, giả lẫn lộn trên không gian mạng. Việc bắt trend mạng xã hội nhằm tạo ra xu hướng trên báo chí phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhưng cần phải đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, pháp luật và đúng, đủ liều lượng thông tin.  Đánh giá mạng xã hội có ảnh hưởng đến cấu trúc nội dung báo chí từ tiêu đề ngắn gọn và hấp dẫn, nội dung trực quan đến tương tác trực tiếp theo thời gian thực.

Bà Nguyễn Thị Phú Khánh, Phó Trưởng phòng chương trình Khoa giáo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh cho biết, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tây Ninh đã áp dụng cách này để tạo nên những thông tin đa dạng, nhiều chiều trên nhiều loại hình, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, TikTok). Cho rằng vấn đề báo chí và mạng xã hội luôn có tính thời sự bởi cả hai loại hình truyền thông sẽ tiếp tục song hành trong việc đưa thông tin.

Ông Phan Văn Đông, Phó Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam chia sẻ, cả nước có trên 71 triệu người sử dụng internet, trong đó 3 nền tảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất là Facebook, Zalo và Tiktok. Với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh và đa dạng, mạng xã hội đang là kênh thông tin được nhiều người lựa chọn; đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo phát triển giúp mạng xã hội nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng thông qua các hành động trên các nền tảng để đề xuất các nội dung phù hợp. Thông tin từ mạng xã hội thường không đầy đủ, cách thức thông tin đơn giản do ai cũng có thể đưa tin nên báo chí vẫn là mục tiêu tìm kiếm của người dùng khi cần thông tin có chiều sâu, thông tin chuẩn xác.

Mạng xã hội đang tạo ra thách thức đối với báo chí, đặt ra những vấn đề mà những người làm báo phải có những trăn trở, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi cơ quan báo chí. Tận dụng mạng xã hội để phát triển báo chí hiện đại, trong bối cảnh mạng xã hội đang có tiềm lực về công nghệ sẽ là xu hướng phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

PV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top